​Quyền im lặng kiểu Úc

TTCT - Tại bang New South Wales, các hành vi, quy trình của cơ quan điều tra khi tạm giữ một nghi can hay người có liên quan tới một hành vi phạm pháp được quy định trong Luật thi hành luật (quyền và trách nhiệm) (Law Enforcement (powers and responsibilities) act 2002 NSW).

 

Theo luật này, các cơ quan điều tra tội phạm phải đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ và điều kiện khi bắt hoặc tạm giam một cá nhân như khi nào được bắt giữ nghi can, khi nào có quyền lục soát hay quyền và nghĩa vụ khi hỏi cung, phỏng vấn người tình nghi.

Khi đưa bất kỳ cá nhân nào vào thẩm vấn hay hỏi cung người tình nghi, các cơ quan điều tra phải đảm bảo các quyền sau:

• Hỏi tên và địa chỉ cư ngụ của người đó - người bị thẩm vấn phải trả lời câu hỏi này.

• Khuyến cáo rõ ràng cho người bị hỏi, trước khi thẩm vấn: người đó không cần phải trả lời các câu hỏi này và việc đưa ra câu trả lời của họ có thể được sử dụng làm bằng chứng để chống lại người ấy sau này (điều 122) - được gọi là caution.

• Thông báo cho người đó biết rằng thời gian thẩm vấn điều tra không được quá bốn tiếng (trừ khi cơ quan điều tra làm đơn tới những người có thẩm quyền như tòa án hoặc tổng chưởng lý).

• Thông báo cho người đó biết rằng họ có quyền liên lạc với người thân hoặc luật sư và cho phép người thân và luật sư đó có mặt trong lúc thẩm vấn.

Như vậy, quyền im lặng được cho phép tại bất kỳ buổi thẩm vấn nào đối với người bị cơ quan điều tra tạm giữ. Người bị thẩm vấn chỉ phải trả lời câu hỏi về tên và nơi cư trú của mình. Sau đó họ có quyền không trả lời, liên lạc với luật sư cũng như được đảm bảo quyền ăn uống và vệ sinh hợp lý. Đặc biệt hơn, nếu người bị thẩm vấn là người thổ dân thì trước khi bắt đầu tra hỏi, người thẩm vấn phải lập tức thông báo tới cơ quan bảo vệ quyền lợi pháp luật của thổ dân (aboriginal legal service) để họ cùng tham gia trong cuộc thẩm vấn.

Năm 1966, Tòa án tối cao Mỹ cho ra đời khái niệm “Lời cảnh báo Miranda”. Theo đó, người bị bắt giữ trước khi thẩm vấn phải được cho biết rõ rằng người ấy có quyền giữ im lặng, và bất kỳ điều gì người ấy nói sẽ được dùng để chống lại người ấy ở tòa án. Từ đó, “Lời cảnh báo Miranda” được dùng như một phương tiện của hiến pháp Mỹ để bảo vệ các quyền của nghi phạm hình sự để tránh việc tự buộc tội bản thân do bức cung.

(Nguồn: Theo luật sư Trần Đức Hoàng, Ezlawblog.com)

Nước Úc không có quyền im lặng trong hiến pháp như tại Mỹ mà được quy định theo từng bang và phối hợp với luật của nhà nước.

Các quy định về quyền im lặng cũng như cách thông báo của cơ quan điều tra tới người bị thẩm vấn được thực thi theo từng điều luật của bang đó. Nếu có sai phạm của cơ quan điều tra trong quy trình thông báo quyền im lặng hay vi phạm bất kỳ quyền lợi nào khác của người bị thẩm vấn, những chứng cứ, lời khai hay bất kỳ thông tin gì lấy được từ người đó, kể cả là lời thú tội, cũng có khả năng bị tòa từ chối chấp nhận sử dụng làm bằng chứng sau này.

Theo hệ thống luật thông lệ (common law) tại Anh, Mỹ và Úc, có thể nói quyền im lặng của người bị thẩm vấn đi đôi và được đề cao từ khái niệm “vô tội cho tới khi bị chứng minh có tội” (innocence until proven guilty).

Trong tố tụng hình sự, nghĩa vụ luận tội thuộc về công tố viên và viện kiểm sát. Họ phải đưa ra các bằng chứng và lý lẽ trước tòa để thuyết phục bồi thẩm đoàn rằng bị cáo đã phạm tội danh đó chứ bị cáo không có nghĩa vụ phải chứng minh rằng họ vô tội.

Chỉ có những trường hợp rất đặc biệt, ví dụ như các hành vi liên quan tới khủng bố hoặc người bị thẩm vấn là nhân chứng cho một vụ tai nạn giao thông, thì người bị thẩm vấn mới phải cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra. Ngay cả ở các trường hợp đó, pháp luật cũng có những quy định rất chặt chẽ về quy trình thông báo về nghĩa vụ cung cấp thông tin cũng như quyền có luật sư cho người bị thẩm vấn.

Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) hiện hành đã có những quy định chặt chẽ cho cơ quan tiến hành tố tụng là không sử dụng bức cung, nhục hình đối với người bị bắt giữ. Nhưng trong thực tế vẫn diễn ra và người bị bắt phải chứng minh mình bị bức cung, mớm cung, nhục hình là rất khó khăn. Bởi luật chưa quy định cho họ quyền im lặng, quyền không khai báo những điều chống lại mình. Nếu thực hiện quyền mới này thì các chứng cứ khác trong vụ án do chính cơ quan tiến hành tố tụng thu thập mới là những chứng cứ buộc tội người phạm tội cho dù họ có nhận tội hay không. Quy định mới này rất phù hợp với tình hình dân trí ở mọi trình độ. Nếu dân trí thấp họ sẽ chỉ biết không nhận tội cho đến khi cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được họ là người phạm tội.

Quy định mới hoàn toàn không cản trở việc đấu tranh tội phạm, mà còn thúc đẩy cơ quan tiến hành tố tụng phải nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình để việc xác định tội phạm đúng với sự thật khách quan vụ án, truy xét tội phạm với những chứng cứ thuyết phục.

Thật ra quy định mới của dự thảo bổ sung BLTTHS hoàn toàn không giống nội dung về “quyền im lặng” như luật của Mỹ, tức là quyền im lặng do hiến pháp quy định, cũng như quyền có luật sư có mặt trong phòng khi cảnh sát thẩm vấn. Nội dung quy định của dự thảo sửa đổi bổ sung BLTTHS VN chỉ mới thêm nội dung “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

NGUYỄN THỊ KIM VINH (luật sư Công ty luật LNT & Partner)

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận