Quỹ đen và phong bì đỏ

HOÀNG CÔNG DANH 25/01/2023 06:24 GMT+7

TTCT - Quỹ đen quỹ đỏ gì rồi cũng như nhau mà...

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Ai đi làm cũng phải có một khoản tiền để riêng ra, bí mật chỉ mình biết, gọi là quỹ đen. Ngày mới vào cơ quan anh nghe các đồng nghiệp bảo thế thì cười, làm gì mà phiền phức. Tiền nào chả là tiền để tiêu, rồi nó cũng quy ra áo ra quần, ra cơm ra bánh, ra bia ra rượu. Quỹ đen quỹ đỏ gì rồi cũng như nhau mà. Đấy là thời thanh niên son rỗi, lương anh là của anh, anh muốn làm gì chả được.

Anh cưới vợ, cũng là lúc cơ quan trả lương và thù lao qua thẻ ngân hàng. Từ nay không còn lấp ló ở cửa phòng kế toán nữa, không còn cầm xấp tiền kiểm đếm nữa. Mất đi cảm giác sung sướng sột soạt sờ tiền, chỉ còn nghe tiếng ting ting thông báo tin nhắn điện thoại. Nhiều người kêu trả lương kiểu này mất công đi rút tiền. Đa số lời cằn nhằn là của đồng nghiệp nam. Lại đùa nhau rằng tiền của ta mà không phải của ta...

Nhưng chặt chẽ thế nào rồi cũng có khe hở. Thù lao làm thêm, những khoản chi bất thường không chuyển qua thẻ mà được trả bằng tiền mặt. Tháng có tháng không, khi ít khi nhiều, lúc nào được nhận tiền anh em đều góp làm trận nhậu. Phần tiền còn lại anh kẹp vào cuốn sổ, nhét vào một góc trong tủ cơ quan. Thế là anh đã có quỹ đen, chả thua chi đồng nghiệp.

Quỹ đen thường dùng vào mục đích mờ ám. Trong những cuộc nhậu, thế nào cũng có người hở chuyện dùng quỹ đen cá nhân đi giải trí, đi vui vẻ, đại loại vậy. Anh thì không chơi bời, quỹ đen thường chỉ đầy thêm mà không vơi đi. Nó như một khoản tiết kiệm của anh - một bài học từ câu chuyện nắm gạo bà nội anh từng kể. Ngày xưa khó khăn, dân mình đến bữa nấu cơm thường vốc bớt một nắm gạo cho vào hũ sành. Đến mùa đông lạnh lúc nhà hết lúa thì vẫn còn gạo trong hũ để ăn, gọi là hũ gạo cứu đói.

Sinh thêm con, vợ nghỉ làm không có thu nhập. Lương của anh dĩ nhiên không kham nổi việc nhà. Quỹ đen được rút ra để trang trải qua đợt khó. Anh bảo với vợ đấy là tiền làm thêm vừa mới được sếp cho. Cho mà đúng lúc vậy. Đồng tiền đúng lúc bao giờ cũng quý giá hơn đồng tiền nhàn rỗi. Anh cảm nhận được vị khác nhau của tiền từ đấy. Tất nhiên anh vẫn phải bí mật chuyện quỹ đen, để không bị vợ nghi ngờ.

Cuối năm, sếp trưng cầu ý dân toàn thể cơ quan muốn nhận tiền thưởng Tết qua tài khoản hay tiền mặt. Gì chẳng giống nhau, tiền nào chẳng là tiền, sao cũng được. Thôi nhận tiền mặt đi sếp ơi, tiền tươi thóc thật, cầm tờ tiền mới để cảm nhận vị của Tết. Xem ra tất cả đều thích nhận tiền trực tiếp hơn.

Đúng là cả năm làm lương cố định rồi, hằng tháng ting ting qua tài khoản, giờ là lúc ta cần một cảm giác khác. Thành quả một năm làm việc phải cầm nắm trên tay mới vui. Thêm nữa, cuối năm các máy ATM hay đông đúc, sắp hàng mất thời gian, có khi tới lượt mình thì máy báo hết tiền.

Ngày nhận tiền Tết, mỗi người được một cái phong bì ghi tên mình, giấu giấu diếm diếm đem về bàn làm việc bóc ra xem được bao nhiêu, bí mật như trúng thưởng xổ số. Ai được bao nhiêu chỉ sếp biết, người đó biết. Đồng nghiệp có tò mò hỏi nhau chỉ nhận được những cái mỉm cười xuề xòa. Nếu nhận được câu trả lời thì cũng không thật, ai cũng nói giảm xuống để khỏi bị ganh tị nhau nếu lỡ sếp có cho mình nhiều hơn. Biết mà như thế thì cũng bằng thừa, thôi thì tiền ai nấy biết. Năm sau chẳng ai đi hỏi cả, để khỏi nghi ngờ lời nói của nhau.

"Sếp cho tiền thế này thì ông nào ông nấy lại lập quỹ đen hết trơn thôi sếp ơi" - một đồng nghiệp nữ nói vui. Thật đúng đàn bà tay hòm chìa khóa. Chị này chắc không biết các ông ấy, những đồng nghiệp nam ấy đã có quỹ đen từ lâu rồi. Giờ nhận tiền Tết chỉ là thêm cơ hội để bổ sung quỹ đen mà thôi. Một cơ hội lớn cuối năm dành cho các ông.

Tay cầm phong bì chuồi xuống dưới bàn, mặt cúi đăm chiêu, giả bộ đang say sưa làm việc. Ngón cái ngón trỏ thoăn thoắt, đếm đếm đếm, vừa nhanh vừa kỹ, đảm bảo không tờ nào dính nhau. Đếm xong lưỡng lự một chút, rồi rút vài tờ hoặc vài chục tờ đem kẹp vào sổ cất vào tủ cá nhân.

Anh đồng nghiệp bảo không bao giờ đưa hết tiền Tết cho vợ. Tại sao biết không, vì thời buổi làm ăn thất thường không ai lường được năm sau thế nào. Lỡ năm sau sếp cho tiền Tết ít hơn thì mình buồn một, vợ mình buồn mười. Thế nên anh ấy cất lại tiền Tết trong tủ, đề phòng sang năm thưởng ít thì lấy của mình thêm vào. Như vậy vợ sẽ vui, sẽ khen cơ quan mình, khen sếp mình, ông ạ, ngày Tết đừng làm người ta buồn, vợ mình lại càng không được để nàng thất vọng.

Năm đại dịch đầu tiên, tiền thưởng Tết giảm một nửa so với năm trước. Năm đại dịch thứ hai thì giảm tiếp một nửa, chỉ còn lại một khoản rất nhỏ. Cả xã hội bị ảnh hưởng chứ riêng gì cơ quan công ty nào, còn sống là may chứ mơ chi tiền với Tết, đành tự an ủi với nhau.

Nói vậy nhưng ngày Tết trong truyền thống của dân ta là giàu nghèo gì cũng phải sắm sửa chút ít. Thế nên sếp đã gắng sắp xếp cho anh em đều có tiền Tết, dù ít hơn mọi năm trước, thôi thì được hoa mừng hoa được nụ mừng nụ.

Sếp không làm ta thất vọng, anh cũng không nên làm vợ thất vọng. Úm ba la vừng ơi mở ra, quỹ đen đây rồi. Tiền Tết năm ngoái được mười, anh chừa lại ba, chỉ đưa vợ bảy phần. Năm nay thưởng ít thì anh lấy thêm phần chừa năm ngoái đập vào tay vợ. Vợ vui vẻ khen cơ quan anh thật chu đáo.

Cơ quan chu đáo với mình để mình chu đáo với gia đình nội ngoại em ạ. Đi làm cả năm ngày Tết mình cũng về đưa cho nhà nội nhà ngoại mỗi bên một ít để lo việc cúng quảy tiên tổ ông bà. Dù sau dịch dã khó khăn, nhưng mình cũng không được quên khoản này và không được giảm.

Rồi còn lì xì cho các cháu, mừng tuổi cho cha mẹ hai bên. Lì xì trẻ con có thể năm ít năm nhiều, là tượng trưng thôi, với lại trẻ con hồn nhiên nó không so đo tính toán đâu. Nhưng mừng tuổi cha mẹ thì nhớ đừng có năm sau ít hơn năm trước nhé, ông bà buồn đấy, sẽ nghĩ con cái làm ăn thua thiệt rồi sinh ra lo lắng. Tết mà, đừng để cha mẹ buồn.

Bốn cái phong bì đỏ đã được vợ chuẩn bị. Mỗi cái một tờ tiền màu xanh tươi mới. Tết năm ngoái mình mừng tuổi bố mẹ mấy nhỉ. Cũng như thế, mỗi người năm trăm ngàn đồng. Ừ, năm nay như thế cũng được rồi.

Sáng mùng một, trong khi vợ vào thay áo quần thì anh mở túi xách, nhét thêm vào bốn cái phong bì đỏ một tờ tiền màu xanh. Mấy tờ tiền này là từ trong quỹ đen cất ở tủ cá nhân cơ quan, anh rút quỹ đen về để nay bỏ vào phong bì đỏ. Hai vợ chồng dắt con gái đi tới nhà nội rồi sang nhà ngoại.

Vợ đưa phong bì đỏ cho con gái mừng tuổi ông bà. Ông bà lại lì xì cho đứa cháu một cái phong bì khác. Con gái thích thú mở bì, rút tờ tiền mới ra. Trẻ con đứa nào cũng hớn hở khoe tiền lì xì.

Nhưng người già thì ngược lại. Tiền mừng tuổi của người già là một thứ bí mật, cũng như quỹ đen của anh. Họ giữ bí mật mừng tuổi này như giữ gìn tuổi tác và sức khỏe. Cũng nhờ bí mật này, nên bí mật của anh không bị lộ. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận