Quốc lộ 80: dự án rùa

ĐỨC VỊNH 17/06/2007 16:06 GMT+7

TTCT - Dự án mở rộng nâng cấp quốc lộ (QL) 80 (Đồng Tháp), tuyến giao thông huyết mạch quan trọng nối nhiều tỉnh ĐBSCL, được phê duyệt từ năm 2001. Đến nay, công trình vẫn đang được thực hiện với tốc độ... rùa bò.

Phóng to
Quốc lộ mà như thế này thì làm sao phát triển kinh tế được? (Ảnh chụp tại cầu Tân Lợi)
TTCT - Dự án mở rộng nâng cấp quốc lộ (QL) 80 (Đồng Tháp), tuyến giao thông huyết mạch quan trọng nối nhiều tỉnh ĐBSCL, được phê duyệt từ năm 2001. Đến nay, công trình vẫn đang được thực hiện với tốc độ... rùa bò.

Toàn tuyến còn những đoạn thi công dở dang với từng đống đá nằm lù lù giữa lòng đường và những đoạn chưa được thảm bêtông, mặt đường lởm chởm đá dăm, đầy ổ vũng. Đoạn từ cầu Si Mô Na đến hết thị trấn Lai Vung (huyện Lai Vung) vẫn còn nguyên mặt đường cũ bị lún sụp, lở lói nặng. Hàng chục cây số qua thị xã Sa Đéc cũng đầy ổ trâu, ổ voi. Mặt đường xấu, lòng đường hẹp và những cây cầu cũng khá hẹp khiến xe cộ phải nối đuôi nhích chậm rãi, lắc lư... “Chỉ 50km mà phải mất hai tiếng rưỡi đồng hồ!” - anh Nguyễn Thanh Lâm, một tài xế xe tải, than thở.

Từ thị trấn Lấp Vò đến bến phà Mỹ Thuận có 28 cây cầu thì có 28 đoạn dài hàng trăm mét mặt đường nhỏ xuống cấp nặng. Ở hai bên đường, đơn vị thi công đào hố, đổ đất đá ngổn ngang choán lòng đường hẹp. “Cứ để nằm ì hết tháng này qua tháng nọ!” - nhiều người dân bức xúc nói.

Thi công rùa

Dự án cải tạo mở rộng QL80 (dài 49km, thuộc tỉnh Đồng Tháp) được Bộ GTVT phê duyệt ngày 16-11-2001 giao cho Ban quản lý các dự án giao thông 9 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Dự án gồm bảy gói thầu về đường, năm gói thầu xây dựng mới và nâng cấp 28 cây cầu thay thế số cầu cũ xuống cấp, không đảm bảo lưu thông. Ở giai đoạn 1, ba gói thầu về đường và gói thầu cầu Cái Gia Lớn thi công từ tháng 10-2004, hai gói thầu về đường khác khởi công vào tháng 3-2005.

Theo kế hoạch, sáu gói thầu này phải được hoàn thành từ tháng 7-2006. Thế nhưng, tới nay cầu Cái Gia Lớn mới chuẩn bị đóng cọc hai mố và đang làm đường dẫn; các công trình về đường vẫn còn đó nhiều hạng mục chưa hoàn tất, nhiều chặng chưa thảm bêtông nhựa. Riêng các gói thầu triển khai giai đoạn 2 thì mới đang... chuẩn bị thi công, thậm chí có đơn vị chưa tập kết nhân lực, phương tiện đầy đủ đến hiện trường.

Ở những chặng thi công dang dở, mặt đường lổn nhổn đá dăm, ngày đêm tung bụi mù trời. Người đi đường phải trùm kín mặt, những căn nhà dọc hai bên đường che bạt kín mít. Chỉ lớp bụi đóng dày trên nền gạch, trên bàn, ông Dương Văn Bé - ấp Long Thành, Hòa Long, Lai Vung - than: “Vừa quét xong chừng nửa giờ sau lại thấy bụi. Cả ngày phải hít thở với bụi. Ăn cơm thiếu nước phải giăng mùng!”. Trạm y tế các xã dọc tuyến QL này cho biết trẻ em liên tục mắc bệnh về đường hô hấp.

Đoạn đi qua thị trấn Lai Vung mặt đường cũ đã xuống cấp từ lâu ngày càng hư hỏng nặng. Lòng đường hẹp khiến xe cộ vừa chen chúc vừa lách tránh ổ trâu, ổ voi liên tục như đánh võng. Đoạn qua thị xã Sa Đéc mặt đường hẹp lại bị lún sụp, đầy hố vũng, mật độ phương tiện lưu thông lại khá cao nên thường xuyên xảy ra tai nạn...

Đầu tư... hẻo!

Theo các nhà thầu, nguyên nhân thi công chậm là do vướng khâu giải phóng mặt bằng. Toàn tuyến có 2.971 hộ bị giải tỏa, trong đó có 277 hộ bị giải tỏa trắng cần bố trí tái định cư. Kinh phí bồi hoàn dự toán ban đầu chỉ 64 tỉ đồng, sau khi áp dụng khung giá mới đã nhảy lên hơn 120 tỉ đồng. Dù vậy, người dân cho rằng mức đền bù vẫn còn thấp, chính sách bồi hoàn chưa thỏa đáng nên chưa chấp nhận di dời hay cản trở. Tuy nhiên mới đây tỉnh Đồng Tháp nỗ lực giải quyết, nhiều đoạn đã giao mặt bằng nhưng tiến độ thi công của nhà thầu cũng chẳng mấy tiến triển.

Nhiều chuyên gia cho rằng QL80 thi công chậm do nguyên nhân chính là mức đầu tư quá thấp. Toàn tuyến mở rộng nâng cấp 49km đường và xây dựng mới 21 cầu, sửa chữa nâng cấp bảy cây cầu mà tổng kinh phí chỉ có 600 tỉ đồng là quá... hẻo! Định suất đầu tư thấp bắt buộc thiết kế phải chọn phương án “thắt lưng buộc bụng”, và với phương án thiết kế kiểu “tiết kiệm” đó thời gian thi công thường phải kéo dài.

Ông Nguyễn Khánh Hải - trưởng phòng quản lý giao thông, Sở GTVT Đồng Tháp - dẫn chứng: “Các cây cầu đều có thiết kế phần cầu chính hết sức ngắn, còn đường dẫn lại khá dài. Làm đường dẫn dài như thế thì tiết kiệm kinh phí xây dựng nhưng quá trình thi công sẽ kéo dài hơn rất nhiều, bởi ngoài phần nền hạ, thời gian chờ đắp gia tải thường phải mất ít nhất từ 18 tháng. Tiết kiệm kinh phí đầu tư nhưng gây thiệt hại về kinh tế của xã hội vô cùng nặng nề”.

Kinh phí đầu tư thấp dẫn đến giá thầu thấp khiến nhà thầu cũng chọn phương án thi công sao cho tiết kiệm nhưng... mất nhiều thời gian, nhất là sau khi giá cả các loại nhiên liệu, vật tư tăng lên. Trong thời gian chờ đợi tính trượt giá, nhiều nhà thầu thường án binh bất động.

Sau nhiều năm thi công với tốc độ rất chậm, đến nay công trình nâng cấp QL1A đoạn Cần Thơ - Cà Mau đã trễ hơn so với dự kiến ban đầu hơn một năm nhưng vẫn chưa hoàn thành. Một số đoạn đi qua địa bàn huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) vì thi công không đảm bảo chất lượng nên đã đào lên để tráng nhựa lại. Tại khu vực xã An Hiệp, nhà thầu phải đào lên làm lại đến hai lần và hiện nay vẫn còn một số nơi chuẩn bị... đào.

Tại ngã ba Trà Men, TP Sóc Trăng, chiều 12-6 trên quốc lộ vẫn còn ngổn ngang đất cát vừa được đào lên để thi công hệ thống cống thoát nước. Nguy hiểm nhất là những đoạn cống thoát nước đã làm xong nhưng đơn vị thi công không đậy nắp lại đang là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây vì đã nhiều lần trẻ em và người già té xuống cống bị u đầu chảy máu.

Hiện nay khi nhắc đến vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên QL1A đi qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng làm sáu người chết và hơn chục người bị thương, nhiều người dân cho rằng cũng có phần do công trình nâng cấp QL1A hoàn thành chậm. Ông Trần Anh Việt - giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng - cho biết trước tình trạng thi công quá chậm như hiện nay, hơn một tuần trước Bộ GTVT đã tổ chức một cuộc họp tại Cà Mau cùng với các đơn vị thi công, Sở GTVT và lãnh đạo TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Theo đó, Bộ GTVT đã yêu cầu các nhà thầu phải đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành toàn tuyến vào ngày 31-12-2007.

Cũng trên QL1A đi qua tỉnh Sóc Trăng hiện vẫn còn nhiều chiếc cầu chờ... sập. Một trong những chiếc cầu này trước đây đã bị thủng sàn làm một học sinh lọt xuống sông chết đuối. Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, ông Huỳnh Thành Hiệp - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - bức xúc: “Không chỉ tỉnh bức xúc và kiến nghị nhiều lần, mà Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cũng đã 2-3 lần đề nghị trung ương xúc tiến đầu tư xây dựng cầu mới để thay thế những cây cầu quá cũ là cầu Kinh Xáng, Khánh Hưng, Nhu Gia, Phú Lộc nhưng đến nay vẫn chưa thấy xây dựng.

Vài năm trước khi còn là bộ trưởng Bộ GTVT, ông Đào Đình Bình từng cam kết cầu sẽ hoàn thành vào năm 2007. Gần đây đến bộ trưởng mới là ông Hồ Nghĩa Dũng cũng hứa nhưng đến giờ vẫn chưa thấy động tĩnh gì”. Theo ông Hiệp, mỗi lần tỉnh kiến nghị thì trung ương cứ hứa hẹn sẽ xây... chứ không có gì mới hơn.

Trong khi đó, ở Bến Tre, người dân ngán ngẩm bởi QL57 từ Vĩnh Long đi qua ba huyện cù lao Minh của Bến Tre gồm huyện Chợ Lách, Mỏ Cày và Thạnh Phú dài 95,317km được Bộ GTVT đầu tư nâng cấp. Đây được xem là tuyến quốc lộ phục vụ phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh quốc phòng phía đông của ĐBSCL.

QL57 đang bị người dân kêu rêu từ mấy năm nay vì nền đường cao (6,5-9m) nhưng mặt đường quá hẹp (3,5-6m), hai bên là mương rãnh, chưa có lề, nếu lỡ lọt xuống “thung lũng” hai bên đường thì tiêu. Nhiều tai nạn xảy ra trên đoạn đường này do xe giành đường vượt qua. Tai nạn lúc nào cũng chực sẵn hai bên lề.

Ông Phan Thanh Bình - phó giám đốc Sở GTVT Bến Tre - cho biết: trên đoạn đường này có 14 cây cầu gỗ. Năm vừa qua, Bộ GTVT đầu tư kinh phí sửa chữa nâng cấp xong 6/9 cây cầu của dự án. Hiện nay, trên tuyến đường huyện Chợ Lách, xe trọng tải 15 tấn trở lên không thể đi suốt tuyến đường được, vì trên đoạn đường này còn nhiều cây cầu tải trọng chỉ còn 4 tấn. Nhà vườn ở xã Vĩnh Thành (Cái Mơn), Chợ Lách chở cây giống đi bán ở miền Đông và miền Tây Nam bộ phải đi bằng ghe.

Ngoài ra ở Bến Tre còn có tỉnh lộ 888 từ thị trấn Thạnh Phú đến giáp biển Đông thuộc xã Thạnh Phong, đã được nhập vào tuyến QL57 nhiều năm nay, được người dân gọi là con đường đau khổ, hiện tại còn nhiều kilômet đường nắng bụi, mưa lầy, triều cường nước ngập... Nhiều cán bộ lãnh đạo tỉnh, huyện nói: “Đường thuộc tỉnh quản lý, khi báo hư hỏng thì được sửa nhanh, còn đường thuộc bộ quản lý, gửi công văn đề nghị sửa hoài nhưng chẳng thấy động tĩnh”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận