Quét lá đa

PHẠM GIA HIỀN 18/06/2016 16:06 GMT+7

TTCT - Luân chuyển thường là gắn với, hoặc để sau này, đảm nhiệm một chức vụ cao hơn, quan trọng hơn. Theo một nghĩa không chính thức, luân chuyển đồng nghĩa với thăng tiến.

Tranh: Lê Thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương


Ở Nghệ An, cách đây chừng bốn năm, từng tồn tại một bộ máy chính quyền xã được thiết kế theo mô hình cây phả hệ. Nắm quyền 13 năm, ông chủ tịch xã chuyển sang làm... bí thư, nghĩa là cũng luân chuyển, nhưng chẳng đi đâu cả.

Bên dưới, con trai ông giữ chân chánh văn phòng, anh ruột ông phụ trách văn thư lưu trữ, các em họ ông người thì phụ trách dân quân tự vệ, người thì làm phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, anh họ ông quản lý văn hóa xã, cháu họ ông là bí thư chi đoàn, em dâu ông làm trưởng ban tài chính kế toán. Và dưới cái gia đình ấy, để quản lý một cái xã con con với 13 thôn, người ta tính ra có tới ngót nghét 200 cán bộ ăn lương nhà nước.

Người dân ở xã đấy giống như nhiều nơi trong tỉnh và nhiều chỗ trên cả nước: nghèo. Họ nai lưng làm lụng, có lẽ rồi cũng chấp nhận hết những gì vô lý diễn ra trong bộ máy chính quyền địa phương, và nuôi sống cả bộ máy ấy bằng mồ hôi nước mắt của mình.

Họ không ly nông, không ly hương, không luân chuyển. Một đôi khi họ bị bắt, khi liều mình vượt biên làm chuyến buôn gỗ lậu mong kiếm chút vốn lận lưng. Những sự cố như thế có thể làm 13 thôn có chuyện để mà xôn xao ít ngày, còn thì nói chung họ im lặng mà sống, mà nuôi cán bộ.

Nhưng cán bộ thì không thế. Như cựu phó thủ tướng (nay là đương kim Thủ tướng) từng nói, chỉ 30% cán bộ chấp nhận cảnh “sáng cắp ô đi tối cắp về”. 70% còn lại luôn “nỗ lực phấn đấu” để thăng tiến, để được luân chuyển.

Khác với “chuyển đổi vị trí công tác” để hạn chế phát sinh tiêu cực được quy định trong Luật phòng chống tham nhũng, “luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý” là chủ trương được đề ra để “đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ trong thực tiễn”.

Thực tế việc luân chuyển thường là gắn với, hoặc để sau này, đảm nhiệm một chức vụ cao hơn, quan trọng hơn. Theo một nghĩa không chính thức, luân chuyển đồng nghĩa với thăng tiến. Hơn 10 năm thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ, cả nước đã có trên 42.000 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được luân chuyển.

Có sự liên quan nào giữa việc luân chuyển và tư duy mang tính nhiệm kỳ không? Không thể khẳng định. Nhưng hơn 4 vạn cán bộ lãnh đạo đã luân chuyển ấy, chắc chắn không gắn bó mất còn với những địa phương, những người dân mà mình quản lý.

Những người vẫn ra Bắc vào Nam, từ thành phố về nơi rừng núi, trong nhiệm kỳ luân chuyển, tất nhiên đau đáu nỗi hồi hương.

Thủ trưởng cũ của tôi từng có hai năm đi luân chuyển làm phó bí thư một tỉnh miền Trung. Hai năm, anh ngủ nhà tập thể, ăn cơm căngtin. Hai năm, vừa đủ để anh thuộc đường tuyến huyện, chưa đủ để thuộc hết tên cán bộ cấp xã. Rồi lại về.

Nhiều người dân ở tỉnh ấy thậm chí chưa bao giờ biết đến việc mình có một phó bí thư từ Hà Nội vào. Dĩ nhiên, người dân càng không biết rằng liệu phó bí thư tỉnh ủy ấy có tác động gì đến chính sách quản lý, đến chủ trương đường lối của địa phương để thay đổi đời sống của họ hay không.

Sự luân chuyển có khi là đóng một cánh cửa này để mở ra cánh cửa khác. Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang - ông Trịnh Xuân Thanh, năm 2013 là chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Ông Thanh rời PVC khi đơn vị này thua lỗ tới 3.000 tỉ đồng và Thủ tướng đã yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm. Ba năm sau đó, ông Trịnh Xuân Thanh liên tục luân chuyển, để rồi cuối cùng đảm nhiệm cương vị phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang (thật ra không biết có phải là vị trí “cuối cùng” không nữa).

Thứ cuối cùng khiến người ta còn nhớ tới quá khứ chi tiêu hào sảng của ông Thanh đó là chiếc xe Lexus tiền tỉ gắn biển xanh mà ông đang sử dụng. Ông Trịnh Xuân Thanh có phải là trường hợp duy nhất không? Đó là câu hỏi mở.

Người dân thì không đặt ra câu hỏi đó. Họ không hỏi ai chuyển đến, ai chuyển đi. Nếu họ có quan tâm thì đó sẽ là những thứ thiết yếu, như là hệ thống thủy lợi được cải thiện, đầu ra cho nông sản được đảm bảo, các hạng mục thuế khóa của địa phương được điều chỉnh hợp lý, hay môi trường không ô nhiễm bởi các nhà máy, khu công nghiệp mọc lên bất thình lình.

Đòi hỏi ý thức chính trị ở người dân là một điều khá hài hước, khi mà nhiều hoạt động dù là ở cấp chính quyền địa phương, người dân cũng không được biết chứ đừng nói đến việc tham gia. Mất dần niềm tin vào chính vị thế của mình, người dân lặng lẽ đứng ngoài.

Cũng ở miền Trung nghèo khó, có một ngọn đồi. Hơn 20 năm trước, khoảng 200 hộ dân đã rời bỏ quê nhà, vào tận chốn heo hút ấy theo lời vận động phong trào “khai hoang, làm kinh tế mới” của chính quyền địa phương.

Họ trồng cây cánh kiến lấy nhựa xuất khẩu. Được một đôi năm, nguồn xuất khẩu bỗng nhiên đóng lại. Rừng cây cánh kiến chơ vơ. Ngôi làng mới chơ vơ. Không điện - đường - trường - trạm. Mấy trăm con người mắc kẹt lại nơi rừng núi, với loại lâm sản không ăn được, không biết bán cho ai, mà cũng không được chặt bỏ.

Bây giờ, những cán bộ năm ấy vận động họ đi khai hoang làm kinh tế mới đã về hưu cả. Còn những người dân thì vẫn kẹt lại.

Làm dân, có được luân chuyển bao giờ?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận