Quan hệ Úc - Trung Quốc: Một trường hợp điển hình?

NHẬT ĐĂNG 05/07/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Mối quan hệ căng thẳng giữa Úc và Trung Quốc hiện nay có thể là trường hợp điển hình để nghiên cứu cách Bắc Kinh ứng xử với phần còn lại.

Hôm 23-6, tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) của Trung Quốc đăng một cuộc thăm dò dư luận cho thấy người Trung Quốc đã sụt giảm niềm tin vào Úc. Hơn 40% người tham gia khảo sát xem Úc là mối đe dọa về an ninh, chính trị và ý thức hệ, hơn là một đối tác kinh tế.

Thế đi dây của nhiều nước

Cuộc khảo sát trên do Trung tâm nghiên cứu của Global Times và Trung tâm nghiên cứu về Úc thuộc Đại học Nghiên cứu quốc tế Bắc Kinh thực hiện từ ngày 11 tới 15-6, tức là “mới toanh”.


Ảnh: Reuters

 Thời điểm công bố khảo sát cũng được “cài giờ” để đáp trả thái độ của Úc với Trung Quốc: Cách đó vài hôm, Viện Lowy ở Sydney đã công bố thăm dò cho thấy đa số người Úc “xem Trung Quốc là mối đe dọa an ninh, hơn là một đối tác kinh tế”. 

Global Times nói thẳng là họ đã lấy một số câu hỏi của Viện Lowy “làm tài liệu tham khảo”, và nghiên cứu của họ phản chiếu cái nhìn của người Úc dành cho Trung Quốc, dựa trên một khảo sát tương tự của Viện Lowy năm 2020.

Hai cuộc khảo sát phản ánh mối quan hệ căng thẳng giữa Úc và Trung Quốc suốt vài năm qua, đặc biệt từ sau khi Úc tỏ ra e ngại về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc lên chính trường nước này. 

Canberra là một trong những chính phủ đã nói “không” với công nghệ 5G của Công ty Huawei. Úc còn kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, một động thái đã chọc giận Bắc Kinh.

Hàng loạt mâu thuẫn về chính trị dẫn tới căng thẳng thương mại, thậm chí đã có ý kiến cho rằng đã nổ ra chiến tranh thương mại. 

Hôm 24-6, Trung Quốc khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cáo buộc Úc có hành động vi phạm cạnh tranh với hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, gồm bánh xe đường sắt, bồn thép không gỉ và cối xay gió. 

Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Úc khiếu nại tương tự với việc Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu lên mặt hàng rượu vang của Úc.

Úc có thể xem là trường hợp điển hình cho khó khăn chung của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong ứng phó căng thẳng Mỹ - Trung. Các đồng minh của Mỹ như Úc giờ đây cảm thấy khó duy trì sự cân bằng cũ.

Trả lời NBC News, giáo sư John Blaxland của Đại học Quốc gia Úc nói: “Chúng tôi đang đối mặt một bài toán hóc búa chưa từng thấy suốt nhiều thế hệ. Lịch sử cho thấy các lãnh đạo Úc, các thủ tướng đều tìm cách cân bằng quan hệ an ninh với Mỹ và lợi ích thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên thời gian gần đây, vấn đề này ngày càng trở nên rắc rối”.

Thông điệp thị uy

Rắc rối trong việc duy trì thế cân bằng giữa cạnh tranh Mỹ - Trung bắt nguồn từ hai yếu tố. 


 
 Ảnh: 7 News

 Thứ nhất, quan điểm của phương Tây về việc mở cửa cho Trung Quốc đã thay đổi. 

Thứ hai, theo chiều ngược lại, Trung Quốc đã lớn mạnh hơn nhiều và bắt đầu muốn khẳng định điều đó. Úc vì thế trở thành một đối tượng cho thông điệp thị uy đấy.

Về phần Úc, giai đoạn chuyển giao quyết định trong quá trình thay đổi tư duy về Trung Quốc có lẽ là thời cựu thủ tướng Kevin Rudd, người nắm quyền hai thời kỳ (2007 - 2010 và hơn 3 tháng trong năm 2013) - cũng là khoảng thời gian Trung Quốc vươn trở mình thành một người khổng lồ.

Khi ông Rudd bắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên năm 2007, lý lịch của ông đã đủ dày. Ông cũng thành thạo tiếng Hoa, tốt nghiệp Đại học Quốc gia Úc chuyên ngành Hoa ngữ và lịch sử Trung Hoa. 

Trước khi vào quốc hội tháng 10-1998, ông từng là bí thư thứ nhất Đại sứ quán Úc tại Bắc Kinh (1984 - 1986). 

Không ngạc nhiên khi ông, cũng như đa số chính trị gia phương Tây thời ấy, ủng hộ việc làm ăn kinh tế cởi mở với Trung Quốc - với cột mốc là việc Trung Quốc gia nhập WTO.

Nhưng tới khi ông Rudd quay lại vị trí thủ tướng năm 2013, thế giới đã khác rất nhiều. Trung Quốc không còn che giấu tham vọng nữa, đơn cử là việc chính thức công bố yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. 

Năm 2013 cũng là thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuất hiện trên trường quốc tế và bắt đầu những dự án đầy tham vọng ở quy mô toàn cầu, như Vành đai con đường (BRI).

Kỳ vọng của phương Tây vào việc gắn kết thương mại và kinh tế với Trung Quốc đổ vỡ về mặt chính trị. Việc giúp Trung Quốc giàu lên đã không dẫn tới Bắc Kinh ứng xử như phương Tây mong đợi. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, nhận xét: “Quan điểm thay đổi của ông Rudd về Trung Quốc phản ánh thay đổi trong môi trường chiến lược nói chung, và sự đe dọa, bắt nạt của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á nói riêng. Quan điểm của Rudd cũng đã được tái định hình do các tranh luận nội bộ ở Úc, khi các thủ tướng kế nhiệm ở Đảng Tự do chật vật với phương án vẫn làm ăn kinh tế với Trung Quốc, duy trì sự gắn kết với Mỹ và bảo vệ chủ quyền quốc gia”.

Quan hệ Úc - Trung Quốc lao dốc đặc biệt từ giai đoạn 2017, thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ Donald Trump. Với tư thế một đồng minh, Úc đã thể hiện sự phản kháng với những khác biệt khó san lấp với Trung Quốc như an ninh mạng, quyền con người, vấn đề pháp lý ở Biển Đông... 

Xu hướng này kéo dài dĩ nhiên không có lợi cho Trung Quốc.

Nhiều ý kiến từ giới phân tích ở Úc cho rằng tất cả những gì Trung Quốc đang làm với Canberra đều phục vụ cho một chiến thuật: cứng rắn hết sức và xem Úc là ví dụ cho hậu quả mà một quốc gia phải gánh chịu khi quyết đương đầu với Trung Quốc. 

Cơ sở cho chiến thuật này không gì khác ngoài sức mạnh kinh tế, và Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Úc.

Tiến sĩ Sascha-Dominik Dov Bachmann, giáo sư Trường luật Canberra, Đại học Canberra, lấy ví dụ về chuyện thuế tôm hùm, mặt hàng hiện Úc rất lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nơi chiếm 95% thị phần xuất khẩu. 

“Dù khá khiêm tốn về giá trị xuất khẩu [dưới 1 tỉ đôla Úc], đây là mặt hàng xuất khẩu thuận tiện để [Trung Quốc] nhắm tới, tương tự lúa mạch, thịt, rượu vang... Nhắm vào các mặt hàng xuất khẩu nhỏ hơn như vậy, Trung Quốc tìm cách chỉnh thước ngắm vào từng lĩnh vực cụ thể của Úc, với hy vọng rằng các nhà sản xuất bị ảnh hưởng sau đó sẽ gây áp lực lên đại diện của họ ở Canberra”.

 “Sẽ khó khăn về kinh tế và ngoại giao cho Úc nếu Trung Quốc đưa thêm nhiều quốc gia trong khu vực vào quỹ đạo của họ, như Indonesia hay Papua New Guinea, thông qua việc mở rộng BRI và dùng ngoại giao vaccine như công cụ cưỡng ép.

Tiến sĩ Sascha-Dominik Dov Bachmann (Đại học Canberra, Úc)

Úc tìm hướng ra

Đánh giá về phản ứng của Úc khi bị kẹp giữa Mỹ và Trung Quốc, đa số các chuyên gia Úc cho rằng Canberra có thể xử lý thông qua việc tự lực và đa phương hóa. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, giáo sư Blaxland khẳng định Trung Quốc sẽ không còn “dư địa” để đẩy căng thẳng thương mại lên cao hơn nữa so với những gì Bắc Kinh đang làm, vì hiện còn nhiều hàng hóa Trung Quốc đơn giản phải tìm kiếm ở Úc, trong khi Canberra có thể tìm thị trường đầu ra thay thế.

Vị chuyên gia về an ninh quốc gia và tình báo này lưu ý, cách thức Trung Quốc ứng xử với Úc hiện nay khiến Úc xây dựng được một “mức bình thường mới”, nghĩa là ít tương tác và giao thương với Trung Quốc hơn, trong khi sẽ tìm cách đa dạng hóa thị trường. 

Điều này, theo ông Blaxland, khiến quan hệ của Úc với ASEAN trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Ông nói: “Chúng tôi có hiệp định thương mại tự do của Úc, New Zealand và ASEAN. Chúng tôi có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam và các nước khác. Và đây là cơ hội cho chúng tôi đa dạng hóa thị trường, và đáp lại sự hung hăng của Trung Quốc bằng cách nhìn ra nơi khác, xây dựng quan hệ sâu sắc ở nhiều lĩnh vực với các đối tác khác trong khu vực”. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận