Quan hệ Nga - Trung: Những vấn đề quân sự

HỮU NGHỊ 01/11/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Một khía cạnh tối quan trọng trong quan hệ song phương Nga - Trung là các hợp tác quân sự, bởi lẽ ai cũng biết đối tác là một chuyện, nhưng đồng minh thật sự lại là chuyện hoàn toàn khác.

Hiện giờ thì ông Putin có vẻ chưa muốn điều đó, dù hai nước đang có những trao đổi, hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn bao giờ hết. 

Tại diễn đàn Valdai, điều phối viên Fyodor Lukyanov đã nêu vấn đề: “Mới cách đây hai ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố NATO đang điều chỉnh phần nào tầm nhìn chiến lược, và hiện coi Nga và Trung Quốc là một mối đe dọa chung chứ không phải là hai mối đe dọa”, rồi hỏi ông Putin: “Đây là một cách tiếp cận đáng quan tâm. Nếu đây là cách họ nhìn nhận chúng ta, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải đoàn kết với Trung Quốc và coi ai đó là mối đe dọa?”.

Hải quân Nga - Trung trong cuộc tập trận ở biển Baltic năm 2017. Ảnh: AP

 

Câu hỏi NATO

Ông Lukyanov là giám đốc nghiên cứu của Câu lạc bộ Valdai, tổng biên tập tạp chí ngoại giao Nước Nga trên chính trường toàn cầu và Chủ tịch Hội đồng chính sách đối ngoại và quốc phòng Nga, tức một nhân vật trọng yếu. 

Ông Putin trả lời rất “không chấp nhứt”: “Thứ nhất: Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng chúng tôi là bạn với Trung Quốc, mà không chống lại ai khác vì lợi ích của nhau. Thứ nhì: khác với NATO, chúng tôi không tạo ra một khối quân sự khép kín. Không có khối quân sự Nga - Trung, và chúng tôi sẽ không tạo ra một khối như vậy lúc này. Vì vậy, không có lý do gì để nói về điều này”.

Trên thực tế, Nga và Trung Quốc đã gắn bó với nhau từ lâu trong quan hệ quốc phòng. Hai nước tổ chức các cuộc tập trận đã được gần hai thập niên, tập trận hải quân chung thì từ năm 2012. Từ 2017, Trung Quốc điều tàu lên tận biển Baltic để tập trận với Nga. 

Động thái này được Piers Cazalet, quyền phát ngôn viên của NATO, ghi nhận là “ví dụ về khả năng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và vai trò toàn cầu ngày càng quan trọng của nước này”.

Điểm lại lịch sử hợp tác quốc phòng Nga - Trung, CSIS 9-7-2021 cho biết hai nước ban đầu tổ chức tập trận trên bộ Sứ mạng hòa bình từ 2005, với quy mô thay đổi và đôi khi có cả sự tham gia của các nước khác. 

Các cuộc tập trận này đều thuộc một khuôn khổ chính thức nào đó, như Hiệp định Láng giềng tốt và hợp tác hữu nghị giữa nhân dân Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Liên bang Nga năm 2001 (Sứ mạng hòa bình 2005 và 2009) hoặc thuộc phạm vi Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (các lần khác).

Trọng tâm Thái Bình Dương

Sau này, các cuộc tập trận hải quân được tổ chức trên những vùng biển không chỉ liên quan đến NATO. Các cuộc diễn tập thường quy tụ vài chục tàu chiến các loại đã diễn ra ở nhiều địa điểm khác nhau. Năm 2012, lần đầu tiên Trung Quốc và Nga tổ chức diễn tập hải quân ở Hoàng Hải gần Thanh Đảo. Năm 2013 là ở biển Nhật Bản gần Vladivostok. Năm 2014 tới vùng biển Hoa Đông ngoài khơi Thượng Hải.

Năm 2015, quy mô tập trận hải quân được mở rộng để gồm hai giai đoạn, phản ánh ưu tiên của hai nước: đầu tiên là ở Địa Trung Hải, sau đó vài tháng ở biển Nhật Bản. Tháng 9-2016, hai nước lần đầu tập trận ở Biển Đông; tháng 7-2017 là biển Baltic như đã nói - lần đầu tiên các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc diễn tập ở khu vực nhạy cảm này. 

Tháng 9-2017, hải quân hai nước lại tập trận ở biển Nhật Bản và lần đầu tiên ở biển Okhotsk. Năm 2019 là khu vực gần đảo Tsushima của Nhật Bản. Các cuộc tập trận này bao gồm tìm kiếm và cứu nạn hàng hải, phối hợp tác chiến chống tàu ngầm và phòng không, phối hợp phòng không, giải thoát tàu bị cướp biển bắt giữ, hộ tống tàu dân sự và tiếp tế trên biển.

Những năm gần đây, Trung Quốc và Nga mở rộng các cuộc tập trận cho một số quốc gia khác, như Iran và Nam Phi. Năm nay, một nhóm 10 tàu Trung Quốc và Nga đã đi qua eo biển Tsugaru ngăn cách đảo chính của Nhật Bản và đảo Hokkaido ở phía bắc nước này trong các ngày 17 đến 23-10, Bộ Quốc phòng Nga loan tin hôm thứ bảy tuần rồi 23-10. Eo biển này được coi là vùng biển quốc tế.

Hôm 13-10, tại Diễn đàn Năng lượng Nga, ông Putin cho biết quan điểm của ông về Biển Đông: “Đối với Biển Đông..., Liên bang Nga đang hoạt động trên cơ sở tiền đề rằng mọi quốc gia trong khu vực cần được tạo cơ hội để giải quyết tất cả các vấn đề gây tranh cãi phát sinh mà không cần sự can thiệp của các cường quốc ngoài khu vực, một cách bình tĩnh dựa trên các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và bằng cách đàm phán”.

Cách nhìn “không cần sự can thiệp của các cường quốc ngoài khu vực” tương đồng với quan điểm “yêu cầu các cường quốc bên ngoài khu vực không can thiệp” của Trung Quốc. Đây là một lập luận mà rất nhiều nhà nghiên cứu trung lập đã mô tả là nỗ lực khu biệt tranh chấp chỉ giữa những quốc gia ven bờ, với ASEAN đóng vai trò hạn chế, và các bên liên quan khác, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản, không nên “can thiệp”.

Lời khuyên “bình tĩnh dựa trên các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và bằng cách đàm phán” tỏ ra không ăn nhập với thực tế cho lắm. South China Morning Post mới 26-10 loan tin: “Tàu Trung Quốc hằng ngày quấy nhiễu tàu dân sự của Malaysia tại các khu vực dầu khí ở Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia suốt hai năm qua”. 

Báo này giải thích: “Các động thái của lực lượng tuần duyên và dân quân biển Trung Quốc được cho là tập trung vào bãi cạn Luconia, nơi Công ty Petronas thuộc sở hữu nhà nước của Malaysia đang thăm dò một mỏ khí đốt”. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận