Phòng, chống tác hại của rượu bia: Chúng ta cần một văn bản pháp lý đủ mạnh!

LAN ANH - XUÂN LONG 25/05/2019 02:05 GMT+7

Dự luật phòng, chống tác hại của rượu bia dự kiến được thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ 7 này (từ 20-5 đến 14-6), trong sự quan tâm đặc biệt của cử tri, giữa bối cảnh tai nạn giao thông do rượu bia tăng, xu hướng tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam cũng tăng. TTCT trao đổi với phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế Vũ Thị Minh Hạnh.

Bà Hạnh cho rằng xu hướng gia tăng tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam là đi ngược tình hình chung trên thế giới.

“Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm của nước Nga: trước đây chuyện say rượu có thời điểm được nhìn nhận là vấn nạn ở quốc gia này. Những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, lượng rượu người Nga uống tới 18 lít/người/năm, gấp 3 mức bình quân của thế giới, tuổi thọ bình quân của người Nga chỉ trung bình 60 tuổi. Đến năm 2018, họ giảm xuống còn hơn 10 lít/người/năm và phấn đấu đến năm 2025 giảm tiếp còn 8,5 lít, tương đương Việt Nam bây giờ. Gánh nặng bệnh tật ở nước Nga do rượu bia chiếm tỉ lệ cao hơn, nặng hơn, rất nhiều người Nga bị loạn thần do rượu bia. Tổng thống Putin coi rượu là thứ gây biến đổi gen, làm thoái hóa giống nòi” - bà Hạnh nói.

Tuy nhiên ở Việt Nam, theo dự báo của Hiệp hội Rượu bia và nước giải khát, người Việt sẽ uống tăng lên hơn 9 lít vào năm 2025 và hơn 10 lít vào năm 2030. Nếu không có biện pháp kiểm soát đủ mạnh, mức tiêu thụ bình quân rượu nguyên chất trên người lớn trưởng thành vẫn tiếp tục tăng.

Bà Vũ Thị Minh Hạnh. Ảnh: Xuân Long
Bà Vũ Thị Minh Hạnh. Ảnh: Xuân Long

Sự gia tăng tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam có phải do quy định hay hoạt động phòng chống chưa đủ mạnh?

- Khi nền kinh tế khởi sắc, mức sống của người dân nâng lên, thói quen tiêu dùng cũng thay đổi. Người ta sử dụng nhiều bia rượu hơn do lễ lạt, sự kiện, hiếu hỉ, cơ hội tiếp xúc làm ăn tăng. Nhiều người Việt coi việc dùng chén rượu cốc bia làm quen, rồi kết chặt tình thân là chuyện đương nhiên.

Trong khi đó, chính sách là do thực tiễn nảy sinh, vấn đề gì đòi hỏi thì chính sách phải theo để điều chỉnh. Các quốc gia khác đã điều chỉnh từ lâu, cách nay vài thập kỷ, như Thụy Điển điều chỉnh tương đối chặt chẽ từ tận những năm 1950. Các nước kiểm soát nồng độ cồn trong đồ uống từ 0,5 độ. Riêng Việt Nam, trong nhiều năm liền, Luật quảng cáo mới kiểm soát rượu trên 15 độ. Giờ chúng ta mới đang từng bước hoàn thiện, đưa các đồ uống có cồn khác vào kiểm soát, nhưng kiểm soát được ở mức độ nào còn phụ thuộc vào các quy định sắp tới có đủ mạnh hay không.

Sử dụng rượu bia tăng lên thì hệ lụy đối với xã hội, gia đình cũng tăng. Theo bà, hệ lụy nào đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống?

- Hệ lụy trước mắt là những vấn đề cấp tính tới sức khỏe, còn những vấn đề mãn tính với sức khỏe thì không nhìn thấy hết. Tuy nhiên, nhiều bệnh mãn tính và không lây nhiễm như bệnh tim mạch, huyết áp, đột quỵ là do rượu bia, nặng nề hơn là các bệnh ung thư. Có 7 loại ung thư mà rượu bia là nguyên nhân trực tiếp và khoảng 30 loại ung thư mà rượu bia là nguyên nhân gián tiếp. Những cái đó rất khó nhìn thấy. Rất ít người khi đang uống rượu bia mà chắp nối xem bao nhiêu năm sau bị ung thư, hoặc đang bệnh tim, huyết áp mà nghĩ về hành vi sử dụng rượu bia? Gần như mọi người chỉ quan tâm đến những vấn đề trước mắt, như ngộ độc cấp tính hoặc biểu hiện cấp tính về sức khỏe.

Nhưng đó là hệ quả cần quan tâm, nếu không chất lượng cuộc sống của mỗi người sẽ xấu đi. Có thể sống thọ nhưng là thọ không khỏe mạnh, thọ trong tàn tật. Đó là gánh nặng với hệ thống y tế khi dân số tăng, bệnh tật tăng do rượu bia...

Một vấn đề nữa là trật tự an toàn xã hội, tai nạn giao thông. Liên tiếp gần đây có nhiều trường hợp lái xe sử dụng rượu bia gây tai nạn, có vụ làm nhiều người chết. Mất người là đau xót trước mắt, sau này có bao nhiêu đứa trẻ trong những gia đình có bố hoặc mẹ chết, ai sẽ chăm lo tinh thần, giúp những cháu bị mồ côi này? Và một hệ lụy nghiêm trọng khác là trẻ em bị người lớn say rượu bia xâm hại tình dục. Nhiều trường hợp uống rượu bia mất khả năng kiểm soát hành vi, không biết mình làm gì, nói gì...

Với những người trẻ đang “hết mình” với rượu bia, theo bà, 5 năm, 10 năm nữa họ sẽ ra sao?

- 5, 10 hay 15 năm sẽ ra sao phụ thuộc cách uống rượu bia của mỗi người, lượng rượu bia uống mỗi ngày, loại rượu bia uống vào. Các tác động, hệ quả còn phụ thuộc đặc điểm về mặt chủng tộc và sinh học...

Tôi chỉ có thể đưa ra nguyên lý chung: một lá gan khỏe mạnh của con người, trong vòng 14 tiếng chỉ cung cấp được một loại men để hóa giải được chất độc do rượu gây ra, đó là chất aldehyde. Chất này vô cùng độc, khi nó vào cơ thể, như một phản ứng tự nhiên, gan phải sản xuất ra một loại men để hóa giải chất đó. Nếu bạn dung nạp quá hai đơn vị rượu, lá gan sẽ hoàn toàn bất lực, nếu lá gan bị viêm, xơ, viêm gan B thì năng lực xử lý còn kém hơn.

Như vậy, một lá gan khỏe mạnh của thanh niên, trung niên cũng chỉ chịu nổi dưới 2 ly rượu vang 100ml và dưới 1,5 lon bia/ngày, uống hơn là có vấn đề, là đe dọa đến sức khỏe. Hậu quả kéo dài đến bao giờ phụ thuộc vào năng lực chuyển hóa của từng cơ thể, nhưng uống rượu bia quá mức thì sẽ tiểu đường, có vấn đề huyết áp vì gan ưu tiên giải độc aldehyde trước, những quy trình chuyển hóa khác sẽ tạm dừng, mỡ, đường sẽ dư thừa. Aldehyde không được hóa giải kịp thời sẽ kết tủa, bám trên các tế bào của cơ thể, bộ phận tiêu hóa chịu nặng nhất: họng, thực quản, dạ dày, gây viêm nhiễm, xơ hóa tế bào.

Quá trình đó làm xuất hiện tế bào lạ, đấy chính là nguyên nhân gây ung thư. Phần lớn những người uống rượu nhiều bị loạn thần, xơ gan, dạ dày, tiểu đường, tim mạch rồi ung thư. “Thâm niên” rượu bia càng cao thì tương lai sẽ là những bệnh không lây nhiễm, ung thư. Chưa kể vị thế, uy tín trong gia đình bị giảm sút.

* Bà hi vọng gì về những quy định, luật sắp tới có thể kiềm chế sự gia tăng tiêu thụ rượu bia trong cộng đồng?

- Một văn bản pháp lý ra đời luôn được tiếp nhận với nhiều tâm trạng, tâm thế khác nhau. Trách nhiệm của tôi là cung cấp các bằng chứng về tác hại của rượu bia, nhất là với các vấn đề sức khỏe. Chính sách khi ra đời có thể chưa chặt chẽ, nhưng thà làm một điều gì đó còn hơn không làm gì. Trong quá trình làm, nếu tuyên truyền, vận động tốt thì sẽ có thêm chính sách phù hợp.

Những vụ việc về tác hại rượu bia gần đây sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin, bằng chứng để những nhóm chưa đồng thuận thay đổi cách nhìn, tăng thêm đồng thuận. Tôi tin là Việt Nam tuy đi sau so với các nước nhưng không thể đi chậm, càng không thể thụt lùi. Phải lấy bài học của các nước để rút ngắn quãng đường cần đi, để tác hại rượu bia giảm nhanh hơn trong thực tế.

Alcoholic Addiction. Old-fashion pen and ink vector illustration of an alcoholic on a bear trap. Compound paths. Easy color edits. Scale to any size. Check out my “Social Issues” light box for more.
 

Từ kinh nghiệm nghiêm ngặt của các nước để hạn chế sự tiếp cận dễ dàng với rượu bia, như Thái Lan hay Singapore, bà thấy Việt Nam nên làm gì?

- Ở Thái Lan, rượu bia bán theo giờ và cấm bán ở một số địa điểm, họ mạnh hơn chúng ta là do họ có “quỹ nâng cao sức khỏe”. Trong đó họ trích thuế phụ thu từ mặt hàng rượu bia thành một nguồn độc lập, những hoạt động can thiệp liên quan đến tác hại của rượu bia được dùng quỹ đó. Tôi đã đến cộng đồng dân cư, người ta tài trợ cho các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ để thay đổi sở thích cho những người sử dụng rượu bia.

Ở Mỹ quy định 21 tuổi mới được đi mua rượu. Nhưng ở Việt Nam, khi đưa ra xin ý kiến về độ tuổi được mua rượu bia, lại có ý kiến phản ứng dữ dội: “Bố sai con đi không được à?!”. Nói thật, nhận thức của nhiều người là chưa đầy đủ. Việt Nam nên quy định 18 tuổi trở lên thì mới được mua rượu bia. Ít nhất quy định đó cũng mang tính cảnh tỉnh đối với cộng đồng, để biết dưới 18 tuổi mà tiếp cận rượu bia thì rất có hại. Chúng ta làm dần từng bước, cái gì mới thì cũng khó, nhưng nếu ta đồng lòng, có chế tài đủ mạnh thì sẽ làm được. Ta cũng nên quy định giờ được bán, địa điểm được bán, các nước đã làm rất chặt điều đó.

Trong việc xử phạt lái xe, người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn trong khí thở, trong máu, các nước đều phạt tiền nặng, tước bằng lái xe có thời hạn hoặc vĩnh viễn, thậm chí phạt tù.

Mỗi lần xuất hiện một vụ việc tai nạn hoặc tội ác nghiêm trọng do rượu bia gây ra, chúng ta lại nhận ra thêm những tác hại, thấy rõ càng ngày có nhiều thông tin gây bất an tâm lý cộng đồng, trong môi trường sống mà lẽ ra người dân có quyền được đảm bảo an toàn. Và một khi chưa biết, chưa thấy hết, tốt nhất là phải dự phòng, càng chậm thì thiệt hại càng lớn. Một người say xỉn có thể gây ra nhiều vụ việc cùng lúc, như vụ người lái xe gây tai nạn làm chết chị công nhân môi trường ở đường Láng (Hà Nội). Cũng chính người này đã gây tai nạn, làm một số người khác bị thương ở đoạn đường trước đó.

Những chính sách để giảm tác hại rượu bia trong những năm qua đã mang lại hiệu quả ra sao?

- Chúng ta chưa có đánh giá đầy đủ. Hiện nay ban soạn thảo dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia mới cung cấp tài liệu, phân tích các nước quy định thế nào, ở Việt Nam có khoảng trống thế nào... Ta có thể kết nối những khoảng trống đó bằng những hiện tượng, từ những kênh thông tin khác, chứ hiện chưa có quy định, chưa có chỉ số liên quan đến rượu bia để giám sát, cập nhật thường kỳ. Làm được việc đó thì ta sẽ có hệ thống dữ liệu quốc gia rất cần thiết.

Việt Nam có nhiều văn bản về phòng, chống tác hại của rượu bia, dưới luật có nghị quyết, nghị định, quyết định của Thủ tướng, văn bản của địa phương nhưng đang tản mạn. Chúng ta cần một văn bản pháp lý đủ mạnh, đó là luật. Khi đó sẽ quy tụ các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước đi theo chính sách xuyên suốt về các giải pháp giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại mà luật định hướng. Các ngành liên quan cùng hướng theo luật để thực hiện.

Nếu coi đây là một “cuộc chiến” giữa những người đang quan tâm đến việc phòng, chống tác hại của rượu bia với những hãng sản xuất rượu bia, liệu có cân sức không, thưa bà?

- Cái này rất khó so sánh. Nhưng tôi có niềm tin rằng đất nước luôn hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh. Và những người truyền thông định hướng dư luận xã hội như các bạn tới những người tham vấn chính sách như tôi cùng lấy đó làm tôn chỉ, mục đích để hướng tới để cùng chạy về một cái đích vì sức khỏe cộng đồng.

Bà có đặt mục tiêu sau khi có luật sẽ giảm được bao nhiêu rượu bia tiêu thụ hay không?

- Điều này rất khó, vì không tiên lượng được. Bởi một đạo luật phát huy được phụ thuộc ba yếu tố: Thứ nhất, các quy định trong luật phải đủ mạnh; Thứ hai, các cam kết trong triển khai thực hiện không chỉ cho cơ quan quản lý nhà nước mà còn cho các ngành, cộng đồng, người dân. Thứ ba, là giám sát, chế tài xử lý. Không giám sát, xử lý nghiêm minh, người ta sẽ lờn.

Dự luật ngày càng “yếu đi”

Sau 14 năm từ ý tưởng đến xây dựng dự thảo, Luật phòng, chống tác hại của rượu bia được trình Quốc hội xem xét. Theo một thành viên ban soạn thảo, đây là bộ luật mất nhiều thời gian chuẩn bị, gây nhiều tranh cãi trong suốt quá trình soạn thảo, từ tên đến các điều khoản...

“Tôi lo ngại là ngay cả sau khi có luật, việc giảm tác hại bia rượu cũng sẽ không nhiều. Thứ nhất là do các quy định nhằm hạn chế sự sẵn có của rượu bia chưa nhiều, lúc nào mua rượu bia cũng được, người soạn thảo dự định quy định địa điểm cấm bán nhưng lại có ý kiến cho rằng không khả thi. Dự thảo trước đây có quy định cấm bán rượu bia trên Internet với độ cồn nhất định, nhưng giờ không có quy định đó nữa. Những gì Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo đã bị bỏ đi hết” - vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang lo ngại.

Ông Quang cũng cho rằng những ý kiến muốn phạt nặng người lái xe uống rượu bia là cần thiết, nhưng mới chỉ là “chữa triệu chứng” mà chưa chữa căn nguyên, đó là hạn chế tính sẵn có của rượu bia. Chưa kể giá rượu bia tại Việt Nam ở mức thấp trong khu vực. Tình trạng thanh thiếu niên tiếp cận rượu bia vì thế đã tăng lên qua hai cuộc điều tra gần đây.L.ANH

Theo bà Lê Thị Thu - giám đốc Tổ chức Healthbridge, Canada tại Việt Nam, có khảo sát cho thấy gần 50% số người đã uống rượu bia lại tiếp tục tham gia giao thông, nhưng “số xử phạt được còn rất nhỏ, và chỉ mới xử phạt được những người vi phạm gây hậu quả, những người vi phạm chưa gây hậu quả cũng cần phải bị xử phạt”.

Hiện Luật quảng cáo chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên, trong khi vẫn quy định quản lý quảng cáo bia như quản lý các đồ uống khác, bất chấp thực tế là bia và rượu có tác hại như nhau khi quy ra nồng độ cồn nguyên chất.

Những người soạn dự thảo Luật phòng, chống tác hại rượu bia đã đề xuất cấm quảng cáo bia, thay vì chỉ cấm quảng cáo rượu như hiện nay, thậm chí đề xuất cấm khuyến mãi rượu bia trực tiếp cho người tiêu dùng; cấm dùng rượu bia làm giải thưởng cho các cuộc thi; cấm cung cấp rượu bia miễn phí.

Đồng thời, với loại rượu bia dưới 15 độ cũng phải cấm quảng cáo trên phương tiện giao thông, phương tiện quảng cáo ngoài trời, kênh truyền hình, phim... có đối tượng người xem là trẻ em. Và cấm quảng cáo bia trên mạng xã hội.

Nhưng họ đang rất vất vả để giữ được những đề nghị này trong dự luật.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận