Philip Roth: Cái tôi - hố sâu vô tận

NGUYỄN HUY HOÀNG (*) 06/06/2018 20:06 GMT+7

TTCT - Năm 2018 chứng kiến sự sụp đổ của một trong những giải thưởng văn chương được quan tâm bậc nhất trên thế giới - giải Nobel văn chương, và trong khi Viện Hàn lâm Thụy Điển đang loay hoay tìm cách thoát khỏi vũng lầy thì họ đã vĩnh viễn mất đi một cơ hội để lấy lại uy tín khi Philip Roth, sau một cơn suy tim, tạ thế hôm 22-5. Tất nhiên, trừ khi họ thay đổi quy chế để có thể trao giải cho người qua đời khi xét giải vào năm sau.

Sự ra đi của Roth khép lại một kỷ nguyên văn chương Mỹ, mà ông cùng người bạn đồng hành trong cuộc cạnh tranh kéo dài nửa thế kỷ của mình - John Updike và nhà văn bậc thầy của họ - Saul Bellow giúp làm nên tên tuổi trong nửa sau của thế kỷ 20. 

Nhưng trong khi “Updike và Bellow chiếu đèn pin của họ vào thế giới, soi sáng thế giới như nó vốn có” - Roth từng nói, thì ông lại “đào một cái hố và chiếu đèn pin của mình vào đó”.

Cái tôi là đề tài vô tận trong văn chương của Roth. Ảnh: useum.org
Cái tôi là đề tài vô tận trong văn chương của Roth. Ảnh: useum.org

Cái hố và việc đào cái hố ấy của Roth là một ẩn dụ tuyệt vời cho chủ đề và cung cách làm việc của ông. Có rất ít nghệ sĩ ở thời hiện đại này có thể chuyên tâm hơn ông trong công việc của mình. 

Năng lực sáng tác được duy trì đều đặn của Roth - viết từ giữa những năm tuổi 20, ông xuất bản cuốn sách đầu năm 26 tuổi và tập truyện này ngay lập tức mang lại giải Sách quốc gia Mỹ cho tác phẩm hư cấu đầu tiên; đoạt thêm một giải Sách quốc gia Mỹ vào năm 1995 đến khi tuyên bố giải nghệ vào năm 2012, khi ông 79 tuổi - bản thân nó là một thành tựu đáng kinh ngạc không kém những gì ông viết.

Philip Milton Roth sinh năm 1933 ở Newark, New Jersey, trong một gia đình có gốc gác là người Do Thái di cư từ Đông Âu đến Mỹ. Ông định theo học luật, nhưng bắt đầu có hứng thú với văn chương khi học đại học. Ông nhập ngũ sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Chicago, nhưng được giải ngũ sau khi bị thương ở lưng. Ông trở lại trường sau đó để làm tiến sĩ rồi bỏ và trong thời gian này, ông viết những truyện ngắn đầu tiên. 

Trong phần lớn cuộc đời sau này, ông sống một mình ở vùng quê Connecticut và ở Manhattan, dành những ngày dài tập trung và im lặng bên chiếc bàn đứng - tốt hơn cho cái lưng đau - nơi ông biến việc viết thành một hành động thiết yếu và liên tục, một hành động không thể tách rời khỏi những biến chuyển và những trầm luân của cuộc đời.

Cái hố của Roth là cái tôi. Ông đào xuống đó và viết ra cái tôi - cái tôi được tra xét, được theo đuổi, bị chế nhạo, cái tôi hư cấu hóa, được tôn vinh, bị sỉ nhục, nhưng trên hết là cái tôi được tạo nên bằng sự viết, trong sự viết: cái tôi theo một nhà văn được định hình bằng từ ngữ thuần túy, không ngừng và quyết tâm dấn thân vào hành trình nghiền ngẫm, tạo dựng cuộc đời qua ngôn ngữ. 

Trong hành trình ấy, đôi lúc người đọc có thể nhận ra sự lặp lại trong những chi tiết của ông, đôi lúc có thể muốn cưỡng lại cái khía cạnh chính trị ngày càng bảo thủ trong thế giới của ông và thậm chí có thể mong sẽ có ngày ông thể hiện mối quan hệ giữa những nhân vật hoàn toàn là đàn ông của ông với phụ nữ như là cái gì đó khác hơn mối quan hệ dục ái đơn thuần. 

Nhưng phẩm chất đáng ngưỡng mộ nhất trong cuộc đời và tác phẩm của Roth chính là tính thiết yếu không ngừng của sự viết. Viết như là không ngừng tìm tòi và tiểu thuyết là công cụ mạnh mẽ, huyền diệu của ông.

Roth sống với văn chương và sống qua văn chương. Mọi cuốn sách của ông, trong đó có những kiệt tác và một số là những tác phẩm yếu hơn, đều là một phần của sự thiết yếu ấy, cái nhu cầu biểu đạt và cái nhu cầu khám phá. Các nhân vật của Roth sống một cuộc đời chênh vênh giữa “ảo tưởng về sự bất tận” và “thực tế của sự hữu hạn”. 

Qua họ, những truy vấn của ông suy cho cùng là những truy vấn siêu hình: Cái tôi là gì? Chẳng phải chúng ta tự tạo ra mình sao và chẳng phải sự sáng tạo ấy là định nghĩa của cuộc đời sao? Ham muốn là gì? Thế nào là người Do Thái? Chúng ta nên sống thế nào và nên chết ra sao?

Với Roth, “văn chương không phải là một cuộc thi vẻ đẹp luân lý”. Tự thân nó là một thứ cao quý. Ông yêu văn chương hư cấu và không bao giờ cảm thấy xấu hổ về nó. Ông yêu hư cấu trong sự vô trách nhiệm của nó, trong sự hài hước, thô tục và độc lập của nó. 

Khác với những hình thức chữ nghĩa khác, văn chương hư cấu là một phương tiện luôn cho phép nó có khả năng biểu đạt những sự thật gần gũi cũng như khó chịu. Roth luôn bày sự thật ra - sự thật chủ quan của riêng ông - qua ngôn ngữ và qua những giả tưởng.

Như mọi nhà văn khác, cũng có những thứ, những ý tưởng nằm sau tầm mắt hay nhận thức của Roth. Ông có những điểm mù riêng, những định kiến, những cái tôi ông chỉ hình dung ra được phần nào. 

Nhưng không như nhiều nhà văn, ông không có tham vọng vươn đến cái tầm nhìn hoàn hảo. Ông biết điều đó là bất khả và nhiệm vụ của viết là làm tốt nhất với những gì mình có. Ông đã viết mọi cuốn sách mà ông định viết và đã nói mọi điều mà ông muốn nói. Đối với một nhà văn, không có khát vọng nào cao cả hơn thế.

Philip Roth vừa khép lại một phần cuộc đời bất tử của ông. Ảnh: Pinterest
Philip Roth vừa khép lại một phần cuộc đời bất tử của ông. Ảnh: Pinterest

Philip Roth là nhà văn lạ lùng. Một mặt, ông thỏa chí vẫy vùng trong những tấm mạng của quá trình tạo dựng hư cấu: những alter ego - những bản ngã thay thế, cuộc đời và những cuộc đời phản thực tế, những cấu trúc giả định. 

Mặt khác, dường như ông lại nóng lòng với văn chương hư cấu, muốn xé bỏ những tấm mạng kia và cho độc giả thấy thực tế trần trụi bằng sự thẳng thắn không e ngại lẫn không thỏa hiệp. Ông cho chúng ta thấy tạo tác hư cấu không phải là cái đối lập với thực tại, mà chính là phương tiện để ta nhìn sâu hơn vào đó. 

Bởi vậy đọc Roth là trải nghiệm không chỉ cái hư cấu của tính hư cấu, mà còn cả thực tại của nó.

Đọc Roth là sẵn sàng để mình được chạm đến, được an ủi và cả được bất an. Người đọc có thể không nhìn thấy mình trong những cuốn sách của ông, nhưng rất có thể sẽ khám phá ra mình ở đó. 

Một trong những điều mà người ta tìm kiếm trong văn chương - ngoài những hiểu biết mới hay những cái nhìn phong phú hơn - là cơ hội để được thay đổi bởi những gì họ đọc. Vị trí cũ của họ bị xáo trộn, họ đi đến một nơi khác trước và trong ít trường hợp, nếu may mắn, họ sẽ đi với một cảm giác phải thay đổi cuộc đời. Văn chương của Roth có nhiều cơ hội để chúng ta đấu tranh với mình của ngày hôm qua như thế.

Viết văn là vào vai của Chúa. Các tiểu thuyết gia dựng lên những thế giới riêng và đưa vào đó những linh hồn với số phận mà họ tùy nghi sắp đặt. Roth đã tự tạo nên mình như một nhà văn quyền uy bằng cách viết như được ra lệnh, được thúc giục viết. 

Và ông cũng viết nên số phận của chính mình khi quyết định nghỉ hưu cách đây sáu năm. Ông đã đọc lại toàn bộ tác phẩm của mình trước đó để “xem mình có phí thời gian vào việc viết hay không”. Và ông nghĩ “đó ít nhiều là một thành công”. Ông đã “làm hết sức với những gì mình có”.

Hơn cả thành công, Philip Roth đã ghi dấu ấn của mình vào lịch sử mà chúng ta sống và bền bỉ tạo ra những lịch sử phản thực tế, để những độc giả của ông có cơ hội được khám phá mình trong đó. Và nhà văn sẽ sống chừng nào độc giả của anh ta còn sống. Nhưng giờ thì cuộc đời của Roth đã khép lại theo một cách khác - theo cách của người phàm. ■

(*): Bài viết có sử dụng ý kiến của các nhà văn và nhà phê bình: Nicole Krauss, Charles McGrath, Cynthia Ozick, Alexandra Schwartz, Zadie Smith, James Wood cùng những người khác.

Với Roth, tự sự và cái tôi dường như được sinh ra cùng nhau và vì thế phải chết đi cùng nhau. Có lẽ đó là lý do vì sao người ta tin ông vẫn viết, dù đã tuyên bố gác bút sau khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết cuối cùng năm 2010. 

Ông có lượng tác phẩm đồ sộ, đem lại gần như mọi giải thưởng văn chương danh giá nhất, có những giải không chỉ trao một lần: Giải Sách quốc gia Mỹ 1960 và 1975 - tác phẩm Goodbye, Columbus và My Life as A Man; Giải Hiệp hội phê bình sách quốc gia Mỹ 1986 và 1991 - The Counterlife và Patrimony; Giải PEN/Faulkner 1994, 2001 và 2007 - Operation Shylock; The Human Stain và Everyman (đã được dịch sang tiếng Việt với tựa Người phàm); Giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu 1998 - American Pastoral; Giải Franz Kafka 2001; Giải PEN/Nabokov 2006 cho thành tựu trọn đời; Giải Man Booker quốc tế năm 2011... Cuốn Nemesis của ông đã được dịch sang tiếng Việt với tựa Báo ứng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận