Phép thử "Sự cố tên lửa Ba Lan"

TƯỜNG ANH 26/11/2022 04:00 GMT+7

TTCT - "Sự cố tên lửa Ba Lan" là cụm từ tóm gọn vụ tên lửa rơi xuống biên giới Ba Lan - Ukraine làm chết hai người Ba Lan vào ngày 15-11 - một "tổn thất ngoài ý muốn" suýt gây hệ lụy khó lường.

Phép thử Sự cố tên lửa Ba Lan - Ảnh 1.

Ba Lan là một thành viên then chốt của NATO trong cuộc đối đầu với Nga. Ảnh: Warsaw Institute

Vụ việc bùng nổ vào lúc 16h ngày 15-11 (theo giờ địa phương). Truyền thông Ba Lan đưa tin: "Hai tên lửa rơi gần làng Przewodow ở tỉnh Lublin của Ba Lan, cách biên giới với Ukraine 6,4km về phía tây, làm hai người chết…". Bộ Ngoại giao Ba Lan thông tin sơ bộ rằng các tên lửa này "được sản xuất ở Nga".

Rất nhanh sau đó, một số phương tiện truyền thông phương Tây chạy tít "tên lửa Nga tấn công Ba Lan", thậm chí khẳng định "Putin gởi tên lửa cho Ba Lan" (Bild, Đức). 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, không cần chờ tuyên bố chính thức từ Ba Lan, cáo buộc Nga "phóng tên lửa vào lãnh thổ NATO… Đây là cuộc tấn công của Nga nhằm vào an ninh tập thể, một sự leo thang đáng kể. Chúng ta phải hành động" (RIA Novosti 15-11). 

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki họp khẩn Ủy ban An ninh và Quốc phòng. Đại sứ Nga tại Warsaw Sergei Andreev bị triệu tập tới Bộ Ngoại giao Ba Lan.

Chỉ là "tên bay đạn lạc"?

Dù Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ và tuyên bố họ không hề bắn tên lửa nào ở khu vực biên giới Ukraine - Ba Lan nói trên, giả thiết "Nga tấn công một nước NATO" lập tức được các láng giềng Baltic của Ba Lan ủng hộ. 

Tổng thống Litva Gitanas Nausea nhận định: "Đây là giai đoạn leo thang mới của xung đột mà toàn bộ NATO phải đáp trả thích đáng". Chủ tịch Quốc hội Litva Victoria Cmilyte-Nielsen gọi vụ việc là "khủng bố tên lửa Nga". 

"Latvia hoàn toàn ủng hộ những người bạn Ba Lan và lên án tội ác này", Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Artis Pabriks viết trên mạng xã hội. Bộ Ngoại giao Estonia nhấn mạnh sẵn sàng "bảo vệ từng tấc đất của NATO". 

Truyền thông bắt đầu luận bàn về việc kích hoạt điều 4 (tham vấn đồng minh) và điều 5 (tấn công một quốc gia thành viên cũng là tấn công cả khối) trong hiến chương NATO.

Sáng sớm 16-11, thế giới thức dậy giữa những lo âu về nguy cơ thế chiến thứ ba.

Nhưng cũng rất nhanh sau đó, ngày 16-11, phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden từ Bali trong chuyến công du châu Á nhanh chóng hạ nhiệt sự kiện. Ông Biden nói phân tích đạn đạo cho thấy sự cố ở làng Przewodow "ít có khả năng là do tên lửa phóng từ lãnh thổ Nga". 

Trước đó, AP ngày 16-11 dẫn lời ba quan chức Mỹ giấu tên nói đánh giá sơ bộ cho thấy "tên lửa rơi xuống Ba Lan đã được lực lượng Ukraine bắn vào một tên lửa Nga đang lao tới".

Chẳng mấy chốc, chính phương Tây đã điều chỉnh các tuyên bố trước đó của họ. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda vào chiều 16-11 nói: "Không có bằng chứng cho thấy vụ rơi tên lửa là một cuộc tấn công nhằm vào nước này" và gọi sự cố là một "tai nạn". 

Theo ông, các tên lửa này có thể do Nga sản xuất nhưng hiện chưa thể xác định ai chịu trách nhiệm, bởi trong kho vũ khí của cả Nga và Ukraine đều có các tên lửa tương tự. 

Hơn nữa, ông Duda thừa nhận "có nhiều bằng chứng cho thấy một tên lửa phòng không Ukraine đã rơi xuống Ba Lan".

Tuy nhiên, vẫn có quan điểm cho rằng đó là hành động cố tình của Ukraine. Trang tin Thổ Nhĩ Kỳ Noonpost 18-11 bình luận: "Rất có thể chính Ukraine đã phóng tên lửa, châm ngòi cho cuộc đối đầu giữa NATO và Nga. Dù ai là thủ phạm, vụ việc ở Ba Lan vẫn giáng một "cú đâm mới vào sườn" Nga, và sự kiện ngày 15-11 trở thành bước ngoặt trong cuộc xung đột Ukraine".

Phép thử Sự cố tên lửa Ba Lan - Ảnh 2.

Địa điểm tên lửa rơi trên lãnh thổ Ba Lan. Ảnh: BBC

Khác biệt quan điểm

Quan sát diễn tiến sự kiện, thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov nói: "Warsaw lùi bước, nhưng chỉ sau tuyên bố của Biden, chứ không phải trước đó. Một diễn tiến khá tiêu biểu". 

Theo đó, dù Ba Lan đã biết từ đầu là tên lửa ở Przewodow không phải của Nga, nhưng theo báo Ba Lan Gazeta Wyborcza, "Warsaw chưa biết cách xử lý thế nào trong bối cảnh chiến sự Ukraine. Vấn đề là Joe Biden đang ngủ sau cuộc họp G20 ở Bali, và chỉ khi thức dậy, ông ta mới thanh minh rằng tên lửa đó không phải của Nga".

Các nhà báo của Gazeta Wyborcza cho biết sau vụ rơi tên lửa, Tổng thống Duda muốn nói tên lửa là của Nga, nhưng quân đội Ba Lan đã ngăn cản. Vì vậy, việc Kyiv nhanh chóng khẳng định tên lửa là của Nga "gây bất ngờ cho Warsaw".

Phát biểu của Tổng thống Biden cũng chỉ ra rằng sự ủng hộ của Washington với chính quyền Zelensky không phải là vô điều kiện. Trả lời báo giới vào ngày 17-11 về tuyên bố của ông Zelensky rằng các tên lửa rơi xuống Ba Lan không phải từ Ukraine, ông Biden đã nói thẳng: "Đó không phải là bằng chứng".

Theo Politico, Hoa Kỳ đã "tiếp xúc ráo riết" với các đồng minh châu Âu và những người thân cận với Zelensky, kêu gọi "thận trọng khi bình luận về sự cố tên lửa Ba Lan". 

Các đối tác được yêu cầu "kiềm chế đưa ra những tuyên bố dứt khoát" cho đến khi điều tra hoàn tất. Tờ báo lưu ý đánh giá về vụ việc là một trong những khác biệt quan điểm lớn đầu tiên giữa Washington và Kyiv.

Phép thử Sự cố tên lửa Ba Lan - Ảnh 3.

Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng thống Ba Lan Duda

Điểm chung của Washington và Matxcơva

Trước phản ứng khá kiềm chế của Hoa Kỳ, thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov gợi ý: "Tôi muốn mời các bạn chú ý đến phản ứng khá kiềm chế của người Mỹ, trái ngược với phản ứng kích động của phía Ba Lan và một số quốc gia khác". 

Câu hỏi vẫn là tại sao Washington, từ lâu đã cổ vũ Ukraine mạnh mẽ và bơm vũ khí cho nước này chống Nga, lại có vẻ muốn xuống thang trong sự cố mới rồi?

Cổng thông tin chính trị và quân sự Pronews của Hy Lạp tin rằng vấn đề là do cuộc chiến ở Ukraine đang diễn ra không như Washington mong muốn. Pronews viết: "Nếu người Mỹ chắc chắn Nga sẽ thua hoặc Ukraine có thể trụ vững trong cuộc xung đột thì họ đã không nói thật. Họ sẽ đổ lỗi cho người Nga về việc này".

"Chưa bao giờ trong quá khứ, kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh, vấn đề vũ khí hạt nhân lại được đưa vào chương trình nghị sự. Tất cả những điều này đã gây ra sự sợ hãi cho công chúng Mỹ. Hoa Kỳ và hầu hết các đồng minh hiểu sự cố này có thể dẫn đến điều gì", Pronews lưu ý. 

Còn thành viên Đoàn chủ tịch Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga (RIAC) Andrei Kortunov nói với tờ Vzglyad: "Washington không muốn để Kyiv lôi cuốn vào một cuộc chiến tranh công khai với Nga".

Sự cố tên lửa Ba Lan cũng cho thấy, tương tự Hoa Kỳ, Nga không muốn chiến sự lan khỏi ranh giới Ukraine. Tốc độ và chi tiết mà Bộ Quốc phòng Nga công bố giải thích của họ về sự cố nói lên điều này. 

Báo Anh The Independent kết luận: "Vụ tên lửa rơi ở Ba Lan - sự cố đầu tiên thuộc loại này trong gần 9 tháng chiến sự - ít ra là lần đầu được công bố công khai, và cách xử lý nó, đưa tới kết luận: Mỹ và Nga không muốn xung đột leo thang ra ngoài Ukraine". 

Noonpost của Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định: "Putin nhận thức rõ rằng tấn công một thành viên NATO sẽ gây ra chiến tranh thế giới thứ ba, trong đó Nga sẽ một mình chống lại 30 quốc gia".

Thế chiến thứ ba lần này đã không nổ ra. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng những sai lầm tương tự có thể tránh được trong tương lai. Cuộc chiến càng kéo dài, rủi ro càng cao. 

Không phải tự dưng mà Fox News so sánh tuyên bố của ông Zelensky về vụ tên lửa ở Ba Lan với "vụ ám sát Đại công tước Ferdinand ở Sarajevo" - biến cố đã châm ngòi cho Thế chiến I năm 1914.■

Những dự báo leo thang mới

Ngoài phép thử về mức độ ưu ái của Washington với ông Zelensky, sự cố tên lửa ở Ba Lan còn dự báo những diễn tiến mới.

iron dome israel

Hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm sắt) của Israel. Ảnh: Wikipedia

Đó là việc Litva muốn triển khai các hệ thống phòng không của NATO trên lãnh thổ Ba Lan gần biên giới Ukraine. Tổng thống Litva Nausea nói: "Chắc chắn Litva… sẽ tích cực tham gia cuộc thảo luận về triển khai các hệ thống phòng không ở biên giới Ba Lan - Ukraine. Nhưng chúng tôi đang nhìn xa hơn - toàn bộ sườn phía đông của NATO".

Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Pabriks tuyên bố nhu cầu cấp thiết phải bảo vệ lãnh thổ NATO bằng cách cung cấp cho Ba Lan và Ukraine các hệ thống phòng không hiện đại.

Trước đó, Kyiv đã yêu cầu Israel cung cấp hệ thống phòng không nhưng không được đáp ứng. Về phần Cộng hòa Czech, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Czech, tướng Petr Pavel, đã yêu cầu tăng mật độ các hệ thống phòng không và chống tên lửa cũng như số lượng hệ thống tên lửa chiến thuật tầm ngắn gần biên giới Ukraine.

Ngay trong ngày 16-11, dù thừa nhận vụ việc ở Ba Lan nhiều khả năng do tên lửa phòng không Ukraine gây nên, NATO và Hoa Kỳ khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ Kyiv, qua các phát biểu của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre, bởi "lỗi vẫn là ở phía Nga".

Dẫu vậy, sự cố tên lửa vẫn cho thấy chia rẽ gia tăng giữa châu Âu cũ và mới. Trong khi các nước Baltic và Đông Âu dâng cao lập trường chống Nga, BBC bình luận những lời hoa mỹ của ông Zelensky đang "bắt đầu làm một số nhà ngoại giao phương Tây mất kiên nhẫn". CNN thì cáo buộc ông Zelensky đang tìm cách "thủ lợi từ vụ việc".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận