Phạt ghi âm, ghi hình phiên tòa: Phải bảo vệ nguyên tắc công khai

BẢO NGỌC 24/09/2022 06:39 GMT+7

TTCT - "Quan điểm của tôi là bảo vệ nguyên lý tòa án xét xử công khai đi kèm một số điều kiện cho phép ngoại lệ và giới hạn trên cơ sở có lý do chính đáng", luật sư Nguyễn Tiến Lập - Đoàn luật sư TP Hà Nội, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần về quy


Phạt ghi âm, ghi hình phiên tòa:  Phải bảo vệ nguyên tắc công khai - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập. Ảnh: NVCC

Quan điểm của ông về quy định mới này như thế nào? Việc xử phạt sẽ ảnh hưởng thế nào tới tính minh bạch, công khai của các phiên tòa, bởi thực tế vẫn có phiên tòa xử lưu động, xử công khai trong nhân dân để tăng tính răn đe, lên án những tội ác trong xã hội?

Trước hết, ta hãy xem xét cụ thể quy định "cấm hay hạn chế" này từ góc độ gọi là "được và chưa được". Cái được có tính cá biệt và cụ thể, tức HĐXX và những người thực hành tố tụng sẽ bớt đi sức ép bị công luận giám sát từng lời nói và cử chỉ của mình, sau đó còn là những bình phẩm không mong muốn nữa. 

Các bị cáo trong phiên tòa được giảm bớt việc bị công khai thông tin và hình ảnh của mình - cái thuộc về quyền riêng tư, là quyền cơ bản của con người.

Còn cái chưa được mang tính phổ quát hơn: công chúng mất đi cơ hội được biết những gì diễn ra trên công đường, tức là công lý được phán xét và thực thi cụ thể như thế nào, điều mà họ rất quan tâm với các lý do hoàn toàn chính đáng.

Ở góc độ luật học, người ta từng tranh cãi vấn đề này từ rất lâu, và đã đi đến thừa nhận một nguyên lý chung là tòa án xét xử công khai. Điều này cũng được ghi nhận trong Hiến pháp của nước ta. 

Nguyên lý này hướng tới tôn trọng và bảo vệ công lý mà tòa án là cơ quan thực thi. Công lý ấy là của toàn dân chứ không phải của tòa án, cho nên người dân mong muốn được biết nó diễn biến ra sao trên thực tế và đòi hỏi được chứng kiến và trực tiếp giám sát. 

Nếu công lý được thực thi trong sự che giấu hay khép kín, họ sẽ giảm hay thậm chí mất đi niềm tin của mình.

Tuy nhiên, cũng có cả ngoại lệ và các giới hạn của nó. Chẳng hạn, xét xử dân sự và thương mại khác với xét xử hình sự, trong cả dân và hình sự lại còn có cả các phiên tòa nhạy cảm như xét xử vị thành niên hay tội phạm liên quan đến an ninh quốc gia. 

Trong trường hợp đó, các ngoại lệ và giới hạn đề ra nhằm bảo vệ quyền con người và lợi ích công cộng.

Vì đây là câu chuyện phức tạp, không nên có việc mở rộng hay cấm đoán tuyệt đối mà tốt nhất là nên có các quy định kiểm soát về các ngoại lệ và giới hạn. Các quy định về xử phạt hành chính mà Quốc hội thảo luận và thông qua cũng nằm trong khung khổ này. 

Vấn đề tôi quan tâm với tư cách một luật sư là triển khai quy định trên thực tế như thế nào? Chẳng hạn, nếu chỉ đề ra yêu cầu tuyệt đối rằng cứ ghi âm, ghi hình là phải xin phép các bên liên quan mà không kèm theo các tình huống và điều kiện cụ thể thì mục tiêu lớn là xét xử công khai sẽ không đạt được hoặc bị vô hiệu hóa. 

Cho nên, việc xem xét thêm để hướng dẫn các quy định của pháp lệnh theo tôi là cần thiết.

Theo ông, việc ghi âm, ghi hình các phiên tòa ảnh hưởng thế nào tới quyền lợi của các bị can, bị cáo trong vụ án cũng như hoạt động của nhà báo, luật sư tham gia phiên tòa?

Để bàn về lý do và sự cần thiết cấm hành vi cụ thể này, cần làm rõ là cấm ai làm việc đó hay việc ghi âm, ghi hình của ai đó nhằm để làm gì? Thông thường, chính cơ quan tố tụng có nhu cầu làm việc đó để lưu trữ và giám sát nội bộ. Việc này đương nhiên không thể cấm.

Đối với luật sư là bên tham gia tố tụng, về khách quan, không cần ghi hình nhưng ghi âm nhiều khi cần thiết cho hoạt động bảo vệ, bào chữa theo chức năng của họ. Về quyền này, các luật sư rất muốn có mà chưa được đáp ứng.

Với báo chí, cấm tuyệt đối sẽ gây khó khăn cho việc tác nghiệp, hoạt động của truyền thông đại chúng sẽ bị cản trở.

Cả luật sư và nhà báo đều là những nhóm đối tượng chuyên nghiệp đặc thù, thuộc thành tố thiết yếu của nền dân chủ và pháp quyền, đã có luật riêng điều chỉnh, do vậy theo tôi cần có quy định riêng, cho phép họ ghi âm, ghi hình trong một giới hạn nhất định và có sự kiểm soát.

Phạt ghi âm, ghi hình phiên tòa:  Phải bảo vệ nguyên tắc công khai - Ảnh 2.

Phóng viên phỏng vấn đạo diễn Việt Tú tại phiên tòa tranh chấp bản quyền vở thực cảnh Ngày xưa. Ảnh: Đỗ Trung

Nhìn từ góc độ quyền của các đương sự và bị cáo trong phiên tòa, nói rằng cứ cấm ghi âm, ghi hình là đương nhiên bảo vệ lợi ích của họ thì chưa phù hợp. Bởi có nhiều trường hợp, chính họ cũng có nhu cầu được công khai hóa vụ án của mình, tức minh bạch hóa như một sự giải thoát các ức chế hay oan ức về tinh thần. 

Chưa nói tới việc một khi phải đến công đường thì phải xác định rằng một số quyền của mình đã bị hạn chế hay mất mát, và đó là cái giá phải trả, có tính răn đe hay có thể gọi là hy sinh cái riêng tư để bảo vệ lợi ích chung. 

Ở đây, xét về quyền cá nhân, các cán bộ thừa hành tố tụng sẽ không có cái quyền đó bởi họ đại diện cho quyền lực công nên phải chịu sự giám sát của cả hệ thống và chính người dân.

Vậy theo ông, nếu có cấm ghi âm, ghi hình trong một phiên tòa xét xử thì nên áp dụng cho những tình huống nào?

Quan điểm của tôi là bảo vệ nguyên lý tòa án xét xử công khai đi kèm một số điều kiện cho phép ngoại lệ và giới hạn trên cơ sở có lý do chính đáng.

Ở các nước trên thế giới, có nước cho phép quyền áp dụng hạn chế việc ghi âm, ghi hình tùy vào quyết định của các thẩm phán xét xử trên cơ sở cân nhắc lợi ích công hay để bảo vệ một quyền riêng tư của một số đối tượng nhạy cảm. 

Còn lại, họ buộc phải cho phép bất kỳ ai tham dự phiên tòa nếu muốn, miễn là đăng ký trước. Nhiều nước còn bố trí các "phiên tòa trong suốt", tức có các vách kính ở phòng xử để thậm chí người qua đường cũng có thể xem. 

Nước ta đã hội nhập quốc tế cả về kinh tế và pháp luật thì cũng nên chấp nhận và áp dụng các hành xử văn minh, tiến bộ đã thành thông lệ chung.

Đồng ý là có thể phân các phiên tòa thành giai đoạn như xét hỏi, tranh luận và tuyên án. Với phần xét hỏi có thể không cần thiết công khai nhưng khi tranh luận và tuyên án thì càng công khai càng tốt, bởi đó chính là sự truyền thông các kiến thức và kinh nghiệm rất bổ ích về cả luật pháp, tư pháp và công lý cho người dân, đặc biệt là tư pháp và công lý hình sự.

Tôi không phản đối việc có các hạn chế nhưng mong muốn có các quy định hướng dẫn chi tiết và cụ thể hơn về vấn đề này.

Xin cảm ơn ông!

Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 18-8-2022.

Theo đó, ngoài việc phạt theo khoản 4, điều 23, pháp lệnh còn quy định phạt từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng đối với người dùng ảnh hưởng của mình tác động dưới bất kỳ hình thức nào với thẩm phán, thành viên HĐXX nhằm làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không khách quan, không đúng pháp luật; phạt từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng đối với người lợi dụng quan hệ lệ thuộc để thực hiện hành vi trên; phạt từ 30.000.000 - 40.000.000 đồng đối với người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trên (điều 20); phạt từ 1.000.000 - 40.000.000 đồng đối với hành vi đưa tin sai sự thật nhằm cản trở hoạt động tố tụng của tòa án (điều 22).

Phạt cảnh cáo hoặc phạt từ 100.000 - 500.000 đồng đối với một trong các hành vi: sử dụng điện thoại, tạo các tạp âm hoặc thực hiện các hành vi khác gây mất trật tự tại phiên tòa; để thiết bị điện tử ở trạng thái tắt camera hoặc tắt âm thanh micro mặc dù được chủ tọa phiên tòa nhắc nhở; không đứng dậy khi HĐXX vào phòng xử án, khi HĐXX tuyên án mà không được chủ tọa phiên tòa cho phép; bị cáo không đứng dậy khi kiểm sát viên công bố cáo trạng hoặc quyết định truy tố mà không được chủ tọa phiên tòa cho phép; hút thuốc, ăn uống trong phòng xử án; mặc trang phục không nghiêm túc, đội mũ, nón, đeo kính màu trong phòng xử án không có lý do chính đáng và không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa… (khoản 1, điều 23).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận