Phấp phỏng sống bên Sông Tranh

TTCT - Những ngày này, thông tin động đất ở Trung Quốc cướp đi mạng sống của hơn 80 người càng làm cho người dân vùng thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My, Quảng Nam) hoảng sợ hơn bao giờ hết.

Họ đang sống trong ám ảnh của tiếng động từ rừng sâu dội về. Ở những vùng quê nghèo từ Trà Đốc đến Trà Giác, nỗi sợ hãi càng tăng cao những khi trời về sáng.

Thủ tướng sẽ quyết thời điểm tích nước thủy điện Sông Tranh 2

Phóng to
Đập thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ - Ảnh: Tấn Vũ

Liên tục những cuộc gọi loạng choạng và đứt quãng của ngư dân Đinh Văn Thanh đang đánh cá trên lòng hồ Sông Tranh 2 vào đêm 3-9 báo tin “vùng Trà My đang động đất rất mạnh”. Qua điện thoại, ông Thanh tả mặt hồ Sông Tranh 2 cứ chồm lên từng hồi dù trời không có lấy một ngọn gió. Thế rồi chỉ trong một khoảnh khắc, tất cả trở về bình yên như cũ.

Ngày ở Trà Đốc

“Động đất dữ lắm, kiểu ni tui e còn động đất tiếp nữa đó... Mấy chú lên gấp nghe!” - ông Thanh hét lên trong máy rồi chiếc máy đột ngột kêu tít. Nghe xong cuộc điện thoại, tôi giật mình nhớ lại câu nói của ông cách đây chưa đầy hai tháng khi chúng tôi theo ông ra giữa lòng hồ Sông Tranh, nơi con đập khổng lồ chắn giữa vực núi sừng sững: “Nếu đập này mà có mệnh hệ chi (ý là vỡ đập) thì con thuyền đánh cá chở cả gia đình tui sẽ theo dòng chảy lao tọt xuống thác nước kia”.

Những ngày sau đó Bắc Trà My liên tục xảy ra động đất khiến cuộc sống vốn rất đỗi bình yên của thị trấn vùng sơn cước này trở nên nhốn nháo trong âu lo. Nỗi bàng hoàng hiện rõ trên từng khuôn mặt của người dân qua những đêm mất ngủ. Từ bác lái xe ôm ở đầu ngã tư thị trấn đến chị bán hàng xén trong chợ Trà My đều lắc đầu thở dài khi nhắc đến hai từ “động đất”. Trận động đất cường độ 4,2 độ Richter đêm 3-9 đã khiến người dân sống dưới chân đập Sông Tranh 2 lao ra đường trong hoảng loạn.

Và rồi như thành một phản xạ, cứ hễ nghe tiếng nổ ở hướng núi là người dân dù đang làm gì cũng phải tìm cách chạy nhanh ra khỏi nhà. Nhìn cảnh người già, con trẻ kéo tay nhau chạy trong hoảng hốt giữa rừng ở Trà Đốc mà thương. Những người “vững tin” như lãnh đạo huyện Bắc Trà My giờ cũng trở nên e dè hơn. Ông Lê Văn Tuấn, chánh văn phòng UBND huyện Bắc Trà My, lắc đầu ngao ngán: “Tôi đã gõ sẵn trong máy tính một cái báo cáo động đất, nếu có gì bất trắc thì điền ngay số liệu, thời gian, tình hình diễn ra rồi gửi gấp lên cấp trên. Động đất ám ảnh đến nỗi ai cũng phải viết nhật ký về nó”.

Phóng to
Gia đình bà Hồ Thị Bông (thôn 1, xã Trà Đốc) chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc di dân ngoài ý muốn - Ảnh: Đ.Nam

Ngồi trước hiên trụ sở UBND, ông Đặng Phong, chủ tịch huyện, nói nửa thật nửa đùa: “Tôi chuẩn bị đèn pin, áo quần đầy đủ hết rồi. Để lỡ nửa đêm động đất thì thấy đường mà chạy chứ núi rừng thế này có khi chưa chết vì động đất đã rơi xuống vực”.

Nói rồi ông Phong chia sẻ: “Làm cán bộ giờ mình nói chuyện tâm linh thì e không đúng, nhưng nếu đại diện người dân đứng ra van vái đất trời cho quê hương bình yên thì tôi cũng làm điều đó. Tự nhiên tôi nghĩ đến chuyện phong thủy, chuyện những con sông đổi dòng và nghĩ ngợi lung tung, nhưng thú thật muốn làm điều gì đó cho dân yên lúc này. Huyện đã nghèo, nỗ lực phát triển kinh tế chưa xong, nay lại quá nhiều thứ, nghèo càng nghèo thêm”.

Rời trụ sở UBND, chúng tôi tìm về thôn 1, xã Trà Đốc, cái thôn với chừng 30 nóc nhà nằm thấp thoáng dưới triền đồi. Từ thôn 1 nhìn lên sẽ thấy ngay con đập Sông Tranh 2 sừng sững như một dãy núi bằng bêtông đen sì, bất giác tôi rùng mình. Đã quá ngọ mà bà Hồ Thị Bông vẫn chưa chịu ăn cơm. “Ăn gì nổi nữa, đang lo làm sao gói ghém cho hết đống đồ đạc này” - bà giải thích. Toàn bộ chăn màn, áo quần... đến những vật dụng thiết yếu đều được bà Bông cho vào “tư thế hành quân”. Chỉ có lũ trẻ ngoài đường là vô tư nhất. Mấy hôm nay xem ra chúng vui hơn bởi có nhiều ôtô, nhiều người mang máy ảnh đến làng chụp ảnh.

Ở cạnh nhà bà Bông, gia đình bà Thơm có tiếng giàu nhất xóm nhưng mấy hôm nay cũng phải liên tục gọi người í ới chỉ để làm một việc lạ đời: dựng lại mái tranh cũ mèm tưởng đã vứt xó từ mấy năm trước để ở. Hỏi ra bà Thơm cười bảo: “Thôi đành phải quay lại ngủ trong nhà tranh vách nứa thế này cho yên giấc, chứ ngủ trong nhà đền bù (nhà xây dựng bằng tiền đền bù của dự án tái định cư thủy điện Sông Tranh 2) sợ lắm”.

Nhưng nếu con đập Sông Tranh 2 có mệnh hệ gì thì có lẽ ông Trình (nhà chỉ cách chân đập chưa đến 400m) là người “đi” đầu tiên. Vừa lùa đàn trâu bốn con lớn bé vào chuồng, ông Trình ngồi xuống bộ ván gỗ để trước sân, nhìn ra phía con sông khô cạn nước bên dưới chân đập rồi thở dài nói tếu táo: “Cũng chưa biết thế nào mà lường. Mà nếu có chết vì động đất hay vỡ đập thì tui chưa phải là người đầu tiên đâu. Nếu có cũng phải là mấy ông hằng ngày chui vô chui ra cái thân đập đó kìa (những người vận hành đập), còn tui là người thứ mấy đó chứ không thể nào là người thứ nhất được”.

Nói rồi ông Trình cười khà khà, cái cười của một lão nông đã gắn bó với vùng đất này gần 40 năm. Nhưng đằng sau chuỗi cười ấy là nỗi đau nhói khi bất giác chúng tôi hỏi: “Thế cả nhà đi đâu mà giờ chưa về lo cơm nước hả bác?”. Nghe vậy, mặt ông Trình chùng lại: “Tui nghe đì đùng quá nên cho mấy mẹ con về nội dưới Tam Kỳ rồi. Mình già rồi có chết cũng chẳng sao, chứ con cái còn nhỏ quá để ở lại đây không đành, nhỡ khi mình đang đi rẫy mà xảy ra chuyện (động đất) thì hối hận lắm đó chú”.

Căn nhà rộng thênh thang, cây bưởi trĩu quả phía trước hiên nhà cũng lấp ló vàng ươm vậy mà vắng hơi người quá. Cảm giác ấy không chỉ riêng với gia đình ông Trình mà hình như của cả Trà Đốc. Đi đâu cũng thấy cỏ dại mọc tràn vào tận hiên nhà.

Phóng to
Gia đình bà Hồ Thị Lúa (xã Trà Đốc) chuyển từ căn nhà xây sang căn nhà gỗ để sống vì sợ những bức tường bêtông có thể sập bất cứ lúc nào khi rung chấn xảy ra (ảnh chụp ngày 11-9-2012) - Ảnh: Tấn Vũ

Mất ngủ ở Trà Giác

Nằm heo hút ở thượng nguồn con sông Tranh, cách trung tâm huyện Bắc Trà My hơn nửa ngày đi bộ, xã Trà Giác gần như cách biệt với thế giới bên ngoài. Cái tên Trà Giác được biết đến nhiều hơn khi đoàn của Viện Vật lý địa cầu đến khảo sát và nhận định rằng đây chính là chấn tâm của những trận động đất rung chuyển vừa rồi. Băng qua những cánh rừng, chúng tôi tìm về Trà Giác cùng qua đêm với người dân để chờ xem các cơn rung chấn.

Ông Lê Văn Tuấn, chánh văn phòng UBND huyện Bắc Trà My, lắc đầu ngao ngán: “Tôi đã gõ sẵn trong máy tính một cái báo cáo động đất, nếu có gì bất trắc thì điền ngay số liệu, thời gian, tình hình diễn ra rồi gửi gấp lên cấp trên. Động đất ám ảnh đến nỗi ai cũng phải viết nhật ký về nó”.

Ngọn núi K’run cao ngất như bức tường sừng sững che nắng gió cũng là nơi trỉa lúa bao đời nay của đồng bào người Co ở Trà Giác. Trong ký ức của họ, ngọn K’run còn là ngọn núi của thần linh và ẩn chứa những điều kỳ bí. Vào những ngày đầu năm, cư dân quanh ngọn núi kéo nhau về đây làm lễ rước nước. Những con gà tơ chân vàng khỏe mạnh, những con lợn to nhất được mang đến lễ tế với niềm tin một năm sung túc bình an đến với bản làng. Nhưng thời gian gần đây mọi thứ đã diễn ra theo chiều ngược lại khi lòng đất đêm đêm ầm ào, nhà rung núi lở.

Nhà ông Hồ Văn Dút có bốn người con, hai đứa lớn đã biết ra rẫy trỉa lúa, hai đứa nhỏ lẽo đẽo theo mẹ ra suối bắt cá. Từ ngày có động đất, cuộc sống vui tươi của gia đình ông mất hẳn. Căn nhà xây tái định cư ông bỏ đó, dọn tất cả sang căn nhà lá sàn bằng tre nứa bên cạnh để sống. Cái bếp bằng đất sét nhồi rơm dựng lên giữa căn nhà sàn hun hút khói. Ngồi nhai trầu bên bếp lửa giữa nhà, ông Dút phân trần: “Ở đây nếu có rung chấn hay sập nhà thì mình chui ra thôi. Tranh tre vách nứa chẳng đè chết ai cả”.

Từ ngày có động đất, ông Dút dặn vợ con đừng bao giờ đóng cửa, vì theo ông cứ để vậy nếu có chuyện gì còn chui ra nhanh hơn. Gạo thóc, mắm muối, các đồ dùng hằng ngày của gia đình ông đều mang qua căn nhà tạm.

Đêm Trà Giác lạnh hơn bởi cơn mưa rừng. Chúng tôi quây quần bên bếp lửa nướng sắn và uống nước lá rừng. Những người đàn ông người Co miệng nhai trầu chóp chép thỉnh thoảng nhổ toẹt nước đỏ xuống sàn đất. Bất chợt căn nhà sàn đong đưa mạnh, bếp lửa đỏ rực vừa nhóm chao nghiêng, ông Dút giật thột: “Đó đó... hắn đó! Động đất đó. Cứ rung miết như rứa, rung từ hồi năm ngoái tới chừ mà chưa hết. Mất ăn mất ngủ cũng vì rung!”.

Vừa nói ông Dút vừa lách người qua cầu thang lao thẳng ra trước sân nhìn lên đỉnh núi. Ngoài sân, cây mận trĩu quả bắt đầu rơi lộp độp, những trái mận giập bể khi chạm đất, cành cây rung lên như có người rung cây hái quả. Hai đứa con nhỏ cuống cuồng rồi co ro bên mẹ...

Nhà bên kia suối, tiếng trẻ con khóc thét, những con chó săn hung hãn của đồng bào bản địa sợ đất rung nhảy bắn lên ghế, cụp đuôi nhìn xuống. Cảm giác đong đưa ở Trà Giác mạnh hơn nhiều so với những gì chúng tôi chứng kiến tại trung tâm huyện Bắc Trà My. Những căn nhà xây ở Trà Giác vết nứt cũng to hơn, nhà sàn thì đong đưa phát ra âm thanh cọt kẹt. Mái tôn rung ào ào như có mưa đá. Và với người dân nơi đây, ánh mắt họ dường như sâu hơn sau những đêm dài thăm thẳm.

Phóng to
Công nhân tổng thầu xây dựng công trình thủy điện Sông Tranh 2 gia cố bờ kè vai phải của thủy điện - Ảnh: Tấn Vũ

Ông Dút nhoài người hỏi vọng qua nhà hàng xóm bằng một tràng tiếng Co chát chúa. Ông giải thích rằng mình hỏi vì sao con bé nhà bên khóc thét rứa. Hàng xóm ông phân trần do sợ động đất. Con bé khóc cả tháng nay, mất ngủ, sốt li bì. Sợ những cơn dư chấn tiếp theo, nhiều người đổ xô ra con dốc đầu làng, đám thanh niên đốt củi ngồi ngóng. Những người phụ nữ chống cằm ôm con nhìn nhau mà chẳng nói câu gì.

Sương xuống nhiều lúc đêm khuya củi tàn, chúng tôi kéo về nhà ông Dút nằm co ro bên bếp lửa chờ trời sáng. Ông Nguyễn Thanh Hưng, phó chủ tịch UBND xã Trà Giác, nói: “Có 31 ngôi nhà tái định cư đã xuống cấp nghiêm trọng mấy năm nay. 11 hộ dân đã bỏ đi vì thiếu đất sản xuất, không sống nổi. Xã nỗ lực vận động mãi dân mới quay trở lại. Nay động đất, dù lo sợ dân chưa bỏ làng nhưng đã bỏ nhà”.

Ông Hưng kể lại cách đây vài hôm ông phải ngớ người khi một người dân cứ đến bắt chính quyền xã đền nhà nứt. Bà nằng nặc đòi xã phải đền nhà cho bà. Cán bộ xã giải thích mãi bà mới đồng ý về nhưng với điều kiện: “Nếu còn động đất, nhà còn nứt bà sẽ kiện!”.

Đêm Trà Giác lạnh hơn bởi cơn mưa rừng cứ rả rích kéo dài đến tận sáng hôm sau.

“Hiện chính quyền huyện chưa thông báo cho người dân biết các vị trí sẽ trốn, tránh khi có sự cố vỡ đập hay động đất nghiêm trọng vì sợ người dân hoang mang. Nhưng trên thực tế chúng tôi đã chấm hết các tọa độ cao điểm này rồi. Khi xảy ra biến cố thì hệ thống các xã, phường, thị trấn sẽ thông báo khẩn cho người dân bằng hệ thống loa và còi hụ dẫn đường cho người dân biết để sơ tán đến các cao điểm.

Ngoài ra, Ban phòng chống bão lụt tỉnh cũng đã có những thông báo ban đầu cho người dân và các trường học cách phòng chống động đất, như học sinh thì núp xuống gầm bàn hay ở nhà tre, lán để hạn chế nguy cơ bị bêtông đè”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận