Paralympic: Một lịch sử chữa lành những vết thương

HUY ĐĂNG 05/09/2021 17:00 GMT+7

TTCT - 12 năm trước, một quả tên lửa RPG trên chiến trường Afghanistan đã thổi bay phân nửa mạng sống của lính nhảy dù người Anh Jaco Van Gass. Nhưng với 3/4 cơ thể còn sót lại, Van Gass vẫn trở thành một biểu tượng người hùng với hàng triệu người.

Những cựu chiến binh, những nạn nhân của chiến tranh như Van Gass trở thành tâm điểm ở Paralympic Tokyo 2020.

Mục tiêu ban đầu

Paralympic ra đời vào năm 1960. Trải qua 6 thập niên, phong trào thể thao dành cho người khuyết tật trở thành điều hết sức gần gũi với cuộc sống con người. 

Bác sĩ Guttmann và thế hệ những VĐV đầu tiên ở giải đấu tiền thân của Paralympic. Ảnh: Ole

 

Hầu hết các bậc cha mẹ có con em bị khuyết tật ngày nay đều biết tìm đến những lớp học thể thao, và thể thao trở thành thứ không thể thiếu giúp những người khiếm khuyết cơ thể phát triển năng lực như một người bình thường.

Nhưng có lẽ không nhiều người biết - hơn nửa thế kỷ trước, cội nguồn của Paralympic chính là dành cho các nạn nhân của chiến tranh, với mục tiêu giúp họ hòa nhập cùng cuộc sống bình thường. 

Sự kiện đánh dấu sự ra đời của Paralympic diễn ra vào năm 1948 - trùng với kỳ Olympic diễn ra tại London. Bác sĩ người Đức gốc Do Thái Ludwig Guttmann, người từng được hỗ trợ trốn thoát khỏi Đức quốc xã năm 1939, đứng ra tổ chức một cuộc thi đấu thể thao dành cho các cựu chiến binh Thế chiến II người Anh. 

Đa số họ là các bệnh nhân chấn thương tủy sống. Giải đấu thể thao đó mang tên Thế vận hội Xe lăn quốc tế.

Ngay từ lần tổ chức đầu tiên, bác sĩ Guttmann đã đặt mục tiêu sẽ đưa giải đấu thể thao này lên sánh ngang tầm Olympic, trở thành một kỳ Thế vận hội dành riêng cho những người khuyết tật. 

Tuy nhỏ lẻ, hạn hẹp kinh phí, nhưng sự kiện thực sự mang tầm quốc tế khi có sự tham dự của các cựu binh người Hà Lan và Anh, tổng cộng 16 VĐV. Địa điểm diễn ra không đâu khác mà chính là Bệnh viện Stoke Mandeville (ở Buckinghamshire), nơi bác sĩ Guttmann làm việc. 

Cái tên Stoke Mandeville sau này được xem như cánh đồng Marathon của Hy Lạp - nơi khởi phát phong trào Olympic.

Thế vận hội Stoke Mandeville tiếp tục được tổ chức những năm sau đó, đến mức thường niên từ năm 1952. Đến năm 1960, nó trở thành kỳ Paralympic đầu tiên. 

Cuộc thi không còn chỉ dành cho các cựu chiến binh, nhưng tiêu chí VĐV khuyết tật dự giải đơn giản vẫn phải là “xe lăn”. Kỳ Paralympic đầu tiên diễn ra ở Rome có 400 VĐV đến từ 23 quốc gia tham dự.

Bác sĩ Guttmann cùng những cộng sự ở Bệnh viện Stoke Mandeville cũng là thành viên sáng lập đầu tiên của Ủy ban Thế vận hội Stoke Mandeville. 

2 năm sau kỳ Paralympic đầu tiên mới xuất hiện một tổ chức thể thao dành cho người khuyết tật, nhằm mục đích hỗ trợ những người khuyết tật không đủ điều kiện tham dự Paralympic. Đó có thể xem là bước đi đầu tiên của phong trào thể thao khuyết tật thế giới. 

Paralympic không còn là một sự kiện thể thao dành cho “những người khuyết tật ưu tú” nữa, thay vào đó, nó trở thành phong trào tập luyện cho tất cả mọi người khuyết tật.

Dần dà, phạm vi Paralympic được mở rộng với nhiều hạng mục khác nhau, các tiêu chuẩn tập luyện, thi đấu được phát triển, ngày càng đồng nhất với Olympic. 

Năm 1988 tại Seoul, Paralympic và Olympic thống nhất được tổ chức cùng nhau tại một thành phố, sử dụng cùng cơ sở vật chất và liền mạch về thời gian.

Vượt qua những nỗi đau

Sau 6 thập niên, những nạn nhân của chiến tranh một lần nữa trở thành tâm điểm của Paralympic. Gần 10% các VĐV của Mỹ dự Paralympic Tokyo 2020 là những cựu chiến binh. 

Đoàn thể thao người tị nạn cũng tham dự giải với 6 thành viên, và mỗi ngày chúng ta lại thấy những VĐV xuất sắc như Van Gass tỏa sáng.

Cựu lính nhảy dù người Anh gặp nạn vào năm 2009, và được Help for Heroes - tổ chức hỗ trợ các cựu chiến binh của Anh - giúp đỡ. 

“Tôi đã học cách thích nghi, giống như cách mà tôi đã thích nghi để trở thành một lính nhảy dù. Chúng tôi có thể lên kế hoạch để hạ cánh trên một tòa nhà có cửa thoát, nhưng nếu phải hạ cánh ở một nơi khác thì chúng tôi vẫn phải chấp nhận. Thông qua Help for Heroes, tôi biết cuộc sống của mình vẫn còn nhiều mục tiêu”, Van Gass nói.

Với năng lực và ý chí của một quân nhân, Van Gass nhanh chóng thích nghi với đời sống thể thao chuyên nghiệp. 

Trượt tuyết và leo núi là những môn thể thao đầu tiên anh lựa chọn. Năm 2011, anh trở thành người gốc Nam Phi đầu tiên chinh phục được ngọn Manaslu ở dãy Himalaya (ngọn núi cao thứ 8 thế giới, 8.164m). 

2 năm sau, Van Gass, cùng hoàng tử Anh Harry tham gia chuyến thám hiểm hành trình 335km ở Nam Cực nhằm gây quỹ cho các thương binh. Sau đó, anh bắt đầu hướng đến những môn thể thao cạnh tranh. 

Ngay trong lần đầu tham dự Paralympic, cựu quân nhân người Anh đã giành được 2 HCV và 1 HCĐ ở môn xe đạp.

Trong số các cựu quân nhân tham dự Paralympic, Bradley Snyder có lẽ là người nổi tiếng nhất. VĐV bơi lội khiếm thị này từng phục vụ trong hải quân Mỹ khi tham chiến ở Afghanistan. 

Anh bị thương nặng trong lúc giúp đỡ các nạn nhân của một vụ đánh bom năm 2011, màng nhĩ của Snyder bị vỡ và từ đó anh phải làm quen với cuộc sống mù lòa.

“Khi không còn ánh sáng đôi mắt, mọi việc bạn làm đều trở nên khó khăn. Điều duy nhất tôi không bị cản trở là bơi lội”, Snyder nói. Anh vốn là đội trưởng đội bơi ở Học viện Hải quân nên dễ dàng thích nghi với đời sống thi đấu thể thao. 

Chỉ một năm sau đó, Snyder đến Paralympic London 2012 và giành 2 HCV. Ở Rio de Janeiro 2016, anh lại có 3 HCV. Đến với Tokyo 2020, Snyder chuyển sang thi đấu 3 môn phối hợp (bơi, đạp, chạy) và lập tức giành HCV Paralympic thứ 6 trong sự nghiệp.

Có rất nhiều những câu chuyện xúc động như của Van Gass và Snyder ở Paralympic Tokyo 2020. 

Từ những cựu chiến binh cho đến các nạn nhân chiến tranh, họ là cội nguồn cho sự ra đời của phong trào thể thao người khuyết tật, và câu chuyện chữa lành vết thương của họ càng đáng được kể hơn bao giờ hết khi nhân loại đang oằn mình trong một đại dịch đã kéo dài 2 năm và chưa biết bao giờ mới kết thúc.■

Vị bác sĩ nhìn xa trông rộng

Trước thềm Tokyo 2020, Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) đã tổ chức một cuộc phỏng vấn với bà Eva Loeffler, con gái bác sĩ Guttmann, như lời nhắc nhở về cội nguồn của Thế vận hội người khuyết tật. 

Và không chỉ có làng thể thao khuyết tật tri ân Guttmann. Vị bác sĩ phẫu thuật thần kinh người Đức gốc Do Thái còn để lại nhiều di sản quan trọng trong lĩnh vực phục hồi chức năng của y khoa. 

Ngay từ thời còn làm việc cho Đức quốc xã, ông đã đấu tranh không ngừng nghỉ cho các lý thuyết điều trị chấn thương cột sống và liệt nửa người. 

Ông từ chối “bản án tử” dành cho những bệnh nhân này và kiên trì dùng các phương pháp vật lý trị liệu để khôi phục cuộc sống bình thường cho họ. 

“Thế vận hội xe lăn” tiền thân của Paralympic vì vậy là một phần trong sự nghiệp y khoa của bác sĩ Guttmann. Thông qua đó, ông muốn khuyến khích bệnh nhân của mình tham gia các hoạt động thể thao như một yếu tố bắt buộc trong quá trình phục hồi chức năng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận