Ông Vương Hỗ Ninh và nền tảng lý luận của Trung Quốc

H. MINH 03/11/2022 09:47 GMT+7

TTCT - Trang chủ của Tân Hoa xã ngày 24-10 tràn ngập hình ảnh và tin tức về Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), với hình ảnh Tổng bí thư vừa đắc cử Tập Cận Bình chiếm những vị trí áp đảo và trang trọng nhất.

Ông Vương Hỗ Ninh và nền tảng lý luận của Trung Quốc - Ảnh 1.

Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ ra mắt Đại hội 20, từ trái sang là các ông: Tập Cận Bình, Lý Cường, Triệu Lạc Tế, Vương Hỗ Ninh, Thái Kỳ, Đinh Tiết Tường và Lý Hi. Ảnh: Reuters

Trước đó một ngày, bài xã luận "Chung Hoa Luận", tức do lãnh đạo cao nhất của Tân Hoa xã trực tiếp chấp bút, tựa đề: "Bảo đảm cơ bản những thắng lợi mới trên hành trình mới" đã điểm lại một loạt thành tựu phát triển của Trung Quốc trong 10 năm qua. Bài xã luận tất nhiên không quên đề cập vấn đề quan trọng nhất của Đại hội lần này. Khẩu hiệu chính trị "hai xác lập" - được ĐCSTQ thông qua từ năm 2018 - lại được nhấn mạnh: (1) xác lập vị trí hạt nhân của đồng chí Tập Cận Bình trong Trung ương Đảng; và (2) xác lập vai trò trọng tâm của tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới.

Tương tự là "bốn ý thức": (1) ý thức chính trị; (2) ý thức về đại cục, tức ý thức được đại cục của Đảng và đất nước để suy nghĩ, nhìn nhận vấn đề, kiên quyết thực hiện và triển khai thông suốt các quyết định của Trung ương Đảng; (3) ý thức về hạt nhân, tức ý thức về vai trò hạt nhân cho toàn Đảng của đồng chí Tập Cận Bình; và (4) ý thức về tiêu chuẩn, tức kiên định và có ý thức duy trì sự nhất quán cao độ giữa Ban Chấp hành Trung ương Đảng với đồng chí Tập Cận Bình cả về tư tưởng, chính trị, lẫn hành động.

Cùng ngày 24-10, Thường vụ Bộ Chính trị bảy người khóa mới ra mắt với bốn gương mặt mới. Ba người cũ là Tổng bí thư Tập Cận Bình, Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Triệu Lạc Tế, và Vương Hỗ Ninh, chức vụ chính thức là Bí thư thứ nhất Ban Bí thư, nhưng từ lâu đã được coi là nhà lý luận hàng đầu của ĐCSTQ.

Một nhân vật đặc biệt

Ông Vương được cho là người có vai trò lớn trong việc định hình những khẩu hiệu chính trị rút gọn "hai xác lập", "bốn ý thức" rất "đặc sắc Trung Quốc" nói trên, mà đằng sau thứ ngôn ngữ tưởng như giản dị, là một nền tảng ý thức hệ không hề tầm thường.

Trước hết, cần giới thiệu qua nhân vật đặc biệt này trong nền chính trị vốn cũng đặc biệt không kém của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu người Mỹ N. S. Lyons viết về ông trên trang Palladiummag: "Không có gì đáng ngạc nhiên khi ở phương Tây rất ít người từng nghe tới Vương, chứ đừng nói là quen biết ông. Nhưng Vương Hỗ Ninh có lẽ là nhân vật "trí thức công chúng" còn sống nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới".

Là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa này là khóa thứ hai, ông còn là nhà lý luận số 1 Trung Quốc. Dù lặng lẽ, ông được cho là người đứng sau những ý tưởng chính sách lớn nhất của ông Tập, bao gồm "Trung Quốc mộng", cuộc chiến chống tham nhũng, Sáng kiến Vành đai - con đường, và các chính sách đối nội lẫn đối ngoại quyết liệt hơn, hình thành nên "tư tưởng Tập Cận Bình" nay đã được đưa vào điều lệ Đảng. Gần như trong mọi bức ảnh những chuyến công cán quan trọng của ông Tập, ông Vương luôn xuất hiện ở phần nền, không bao giờ quá xa so với nhà lãnh đạo tối cao.

Giống như sự nghiệp chính trị, cuộc đời ông là những nấc thang khác thường.

Quê gốc ở Yên Đài, Sơn Đông, nhưng ông Vương sinh trưởng ở Thượng Hải. Trong Cách mạng Văn hóa (1966-1976), trong khi phần lớn thanh thiếu niên Trung Quốc, bao gồm chính ông Tập, tham gia phong trào "lên núi về làng", tức về sinh sống và lao động ở nông thôn, ông Vương lại học Pháp văn ở Đại học Sư phạm Thượng Hải (nay là Đại học Sư phạm Hoa Đông). Năm 1978, khi Trung Quốc "cải cách mở cửa" và các trường đại học hoạt động rộng rãi trở lại, ông là một trong những người đầu tiên tham gia kỳ thi cao khảo với kết quả xuất sắc tới mức khoa chính trị quốc tế lừng lẫy của Đại học Phúc Đán Thượng Hải, cũng lừng lẫy không kém, nhận ông vào thẳng chương trình thạc sĩ, dù ông không hề có bằng cử nhân.

Luận văn tốt nghiệp của ông ở Phúc Đán, sau này trở thành cuốn sách đầu tay, in năm 1987, tìm hiểu sự phát triển của ý thức phương Tây về chủ quyền quốc gia từ cổ đại tới ngày nay, bao gồm những cái tên Gilgamesh, Socrates, Aristotle, Augustine, Machiavelli, Hobbes, Rousseau, Montesquieu, Hegel, và Marx - được so sánh đối chiếu với ý tưởng quốc gia - nhà nước kiểu Trung Hoa. Cuốn "Phân tích chính trị so sánh" đó - với nhãn quan phân biệt hai hệ thống phương Tây và Trung Hoa, trước hết, nhưng không chỉ là, về hệ thống chính trị - trở thành nền tảng cho nhiều luận thuyết tương lai của ông.

Đó cũng là đề tài giúp ông được cả nước chú ý khi đứng đầu đội thi hùng biện đại học giành chiến thắng trong cuộc thi quốc tế cho các đại học nói tiếng Hoa ở Singapore năm 1993. Đội Đại học Phúc Đán, với lập luận bản chất con người là xấu xa, đã đánh bại đội Đại học Đài Loan bằng lập luận: "Trong khi văn minh phương Tây hiện đại có thể mang tới sự thịnh vượng vật chất, nó không nhất thiết sẽ giúp bản chất con người tốt đẹp hơn".

Bấy giờ là bốn năm sau biến cố Thiên An Môn, và Vương Hỗ Ninh đã được Giang Trạch Dân, nhà lãnh đạo Trung Quốc đương thời, để mắt. Truyền thống trọng hiền tài của Trung Hoa dẫn tới giai thoại có tính truyền kỳ về việc ông Giang đã "tam cố thảo lư" như Lưu Bị mời Gia Cát Lượng (vốn cũng là truyện truyền kỳ) để mời ông Vương rời địa hạt học thuật, tham gia chính trị. Nhưng một phiên bản khác thực tế hơn là ông Vương đã được hai nhân vật thân cận với ông Giang thời bấy giờ, Ngô Bang Quốc và Tăng Khánh Hồng, tiến cử.

Cuộc đời ông Vương lại có bước nhảy vọt: ở tuổi 40 vào năm 1995, ông đi thẳng từ vị trí giáo sư đại học lên Tổ trưởng Tổ chính trị, Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương ĐCSTQ, rồi làm chủ nhiệm phòng đặc biệt quan trọng này từ năm 2002 tới tận năm 2020, dù kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác cao hơn. Nay đã là "tam triều nguyên lão", ông Vương cũng là người tham gia soạn thảo những lý luận dấu ấn của ba đời tổng bí thư Trung Quốc: "ba đại diện" của Giang Trạch Dân, "quan điểm phát triển khoa học" của Hồ Cẩm Đào, và giờ là "tư tưởng Tập Cận Bình".

Ông Vương Hỗ Ninh và nền tảng lý luận của Trung Quốc - Ảnh 2.

Từ trái qua: các đại biểu - Đảng viên Chu Hữu Dũng (chuyên gia bệnh lý thực vật), Vương Á Bình (phi hành gia), và Vũ Đại Tĩnh (vô địch Olympic trượt băng tốc độ cự ly ngắn) thực hiện nghi thức “báo cáo trước nhân dân” khi trả lời phỏng vấn các cơ quan truyền thông ngay trước Đại hội toàn quốc ĐCSTQ lần thứ 20. Ảnh: Tân Hoa xã

Giữa hai hệ thống

Trong hệ thống lý luận đó, vai trò trọng tâm nhất thiết của văn hóa, truyền thống, cấu trúc giá trị và sự ổn định chính trị được nhấn mạnh, đối lập với chủ nghĩa cá nhân, văn hóa tiêu dùng, và hệ thống dân chủ tự do kiểu phương Tây. Ông Vương làm rõ những ý tưởng đấy trong tiểu luận năm 1988, "Cấu trúc văn hóa chính trị đang thay đổi của Trung Quốc", một trong những tác phẩm được trích dẫn nhiều nhất của ông.

Về cơ bản, ông lập luận rằng ĐCSTQ phải đảm bảo để "phần mềm" của xã hội (văn hóa, giá trị, thái độ sống) định hình vận mệnh chính trị quốc gia không khác gì "phần cứng" (kinh tế, hệ thống, định chế). Nghiên cứu nước Trung Quốc đang thay đổi chóng mặt nhờ những cải cách của Đặng Tiểu Bình, ông Vương nhìn nhận quốc gia đang chuyển mình "từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế tiêu dùng", "từ văn hóa hướng về tinh thần sang hướng về vật chất", và "từ văn hóa tập thể sang văn hóa cá nhân". Ông cũng lo ngại rằng tiến trình đó khiến đất nước rơi vào trạng thái mất định hướng về văn hóa, dẫn tới nguy cơ "không còn những giá trị cốt lõi trong cấu trúc hiện thời", ông cảnh báo.

Cũng năm 1988 đó, ở tuổi 30, ông giành được học bổng du học sáu tháng ở Hoa Kỳ với tư cách học giả khách mời. Luôn tò mò về nước Mỹ, ông đã tận dụng tối đa thời gian biểu, ghé thăm hơn 30 thành phố và gần 20 trường đại học khắp đất nước trong nửa năm ngắn ngủi, khiến ông được gọi là Alexis de Tocqueville người Trung Quốc.

Những suy ngẫm của ông từ chuyến đi có tác động lâu dài và sâu sắc, được ông ghi lại trong tác phẩm có lẽ là nổi tiếng nhất của mình, Nước Mỹ chống lại nước Mỹ, in năm 1991. Ông lấy làm lạ lùng về những khu vực tập trung người vô gia cư trên đường phố Washington D.C., tình trạng bạo lực do ma túy không thể kiểm soát ở những khu lao động nghèo, đông người da đen tại New York và San Francisco, và những tập đoàn tư nhân với lợi ích và trách nhiệm bện chặt không còn phân biệt được với nhà nước. Ông kết luận rằng nước Mỹ đang đối mặt với "cuộc khủng hoảng không thể ngăn cản" bởi những mâu thuẫn xã hội, giữa người giàu và người nghèo, da trắng và da đen, dân chủ và chính trị đầu sỏ, chủ nghĩa bình quân và đặc quyền mang tính giai cấp, quyền cá nhân được pháp luật bảo vệ và trách nhiệm tập thể, những truyền thống văn hóa và tính hiện đại thay đổi liên tục.

Chẩn đoán của ông: trong khi người Mỹ có thể cảm nhận được rằng họ đang đối mặt với "những vấn đề xã hội và văn hóa cực kỳ phức tạp", họ lại "có xu hướng cho rằng đó chỉ là những vấn đề khoa học hay kỹ thuật" có thể giải quyết tách rời nhau. Tư duy đó không giúp gì cho họ, theo ông Vương, vì những vấn đề của nước Mỹ có tính tương liên cao độ và cùng một nguyên nhân cội rễ sâu xa: chủ nghĩa cá nhân hư vô cực đoan, không chấp nhận một quyền hành trên cao phân định đúng sai và thiết lập tiêu chuẩn, điều vốn là cốt lõi của chủ nghĩa tự do Mỹ hiện đại.

"Tế bào thực sự của xã hội Hoa Kỳ là cá nhân", ông Vương viết, khi gia đình Mỹ đã "rã rời" trong một hệ thống mà "mọi thứ đều có tính nhị nguyên, và hào quang của chủ nghĩa tiêu dùng bao phủ tất cả. Thịt da con người, tình dục, tri thức, chính trị, quyền lực, và luật pháp đều có thể trở thành hàng hóa", điều "làm xã hội băng hoại và dẫn tới rất nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng". Rốt cuộc, "hệ thống kinh tế Mỹ" tạo ra sản phẩm cuối cùng là "sự cô độc nơi con người" và "chủ nghĩa hư vô trở thành lối sống Mỹ, một cú sốc chết người với sự phát triển văn hóa và với tinh thần Mỹ". Xin nhắc lại, những dòng này do một ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc tương lai chấp bút.

Vỡ mộng về nước Mỹ, ông lập luận rằng Trung Quốc sẽ phải kháng cự ảnh hưởng của chủ nghĩa tự do toàn cầu để trở thành một quốc gia thống nhất về văn hóa và tự tin ở bản thân (xin đối chứng với một khẩu hiệu chính trị phổ biến khác ở Trung Quốc, được ông Tập Cận Bình đề xuất mới vào năm 2016: "Bốn tự tin", bao gồm tự tin về con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, tự tin về lý luận, tự tin về chế độ, và tự tin về văn hóa), qua đó xây dựng một nhà nước mạnh, tập trung quyền lực. "Điều này phản ánh mong muốn của ông pha trộn chủ nghĩa xã hội kiểu Mác-xít với các giá trị Khổng giáo truyền thống và tư tưởng chính trị pháp gia Trung Hoa, chủ nghĩa nhà nước cực trị Tây phương với chủ nghĩa quốc gia, nhằm tạo ra một nền tảng mới, lâu dài, ổn định, và khả dĩ kháng cự lại chủ nghĩa tự do Tây phương", Lyons nhận xét.

Với chính nhiều người Mỹ, những tiên đoán của Vương Hỗ Ninh hơn 30 năm trước đang trở nên gần sự thật một cách đáng sợ. Còn với một nước có tinh thần dân tộc cao như Trung Quốc, không có gì lạ khi sau ngày 6-1-2021, ngày nổ ra sự kiện đám đông dân chúng Mỹ - nhiều người có vũ trang - tràn vào Điện Capitol sau cuộc bầu cử tổng thống có lẽ là chia rẽ nhất trong lịch sử, cuốn Nước Mỹ chống lại nước Mỹ, không còn tái bản, bán chạy như tôm tươi. Những bản sách cũ được rao với giá lên đến 2.500 đô la trên các trang thương mại điện tử trong nước.

Dịch bệnh chủ nghĩa cá nhân

Cho tới giờ, những nỗ lực xây dựng một hệ thống khác của Trung Quốc có thể nói là thành bại lẫn lộn. Về mặt chính trị, kinh tế và thể chế, họ đã thành công. Về văn hóa có thể nói là 50-50, Trung Quốc duy trì được những giá trị truyền thống, nhưng sự xâm thực của văn hóa phương Tây vẫn là rõ ràng. Và có vẻ như mối lo của ông Vương 30 năm trước giờ thể hiện rõ nhất về mặt xã hội ở quốc gia đông dân nhất hành tinh: chủ nghĩa hư vô cá nhân đã bơi qua Thái Bình Dương.

"Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc" đã thay đổi sâu sắc lối sống của xã hội Trung Quốc: chỉ số Gini phản ánh mức độ công bằng xã hội ở nước này hiện là 0,47, thậm chí còn cao hơn Mỹ (0,41). 1% những người giàu nhất nước nắm 31% tổng tài sản xã hội (không kém Mỹ là bao: 35%).

Sự phát triển như vũ bão của các công ty công nghệ Trung Quốc đi kèm lối sống "996" (làm việc từ 9 giờ sáng tới 9 giờ tối, 6 ngày một tuần) khét tiếng, trong khi với giới trẻ, "tốt nghiệp là thất nghiệp" đã trở thành meme trên mạng xã hội. Cảm giác cô đơn và không thể vươn lên nổi trong một xã hội tiêu dùng tàn nhẫn, không khác gì ở Mỹ, giờ cũng rõ ràng ở Trung Quốc. Những từ ngữ phản ánh không gì khác ngoài một thứ chủ nghĩa hư vô cũng "đặc sắc Trung Quốc" xuất hiện và trở nên cực kỳ phổ biến: "nội quyển" (co mình vào trong), "thảng bình" (nằm thẳng, tức trôi giạt, mặc kệ sự đời), "bãi lạn" (mặc cho mọi chuyện hỏng bét), "đinh khắc nhất tộc" (bộ lạc DINK, tức những người trẻ có mục tiêu "double income, no kids" - "thu nhập gấp đôi, không con cái")... Cũng là một kiểu hippie, một loại phản văn hóa, dù không dữ dội và thách thức như ở Mỹ, nhưng cực kỳ gần gũi.

Cuộc chiến lý luận đấy cũng lâu đời như chính con người, từ khi họ có ý thức chính trị. Đế quốc La Mã đã vật lộn giữa chế độ nguyên lão nghị viện và một hoàng đế tối cao. Nước Anh từ hiến chương Magna Carta đã là cuộc tranh chấp giữa nhà quân chủ và nghị hội của quý tộc, rồi của thương nhân và các nhà tư bản. Tiếp đến là những đấu tranh giai cấp theo Marx. Còn hiện giờ, Trung Quốc và phương Tây, đối mặt những vấn đề xã hội khá giống nhau, đang tìm kiếm những cách giải quyết khác nhau cơ bản. Bên phía phương Tây thì hệ thống lý luận đã hình thành lâu đời và vững chắc. Bên phía Trung Quốc, Vương Hỗ Ninh có thể coi là một người tiên phong.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận