Ông Trump thăm Ấn Độ: Đằng sau những tràng pháo tay

HỮU NGHỊ 28/02/2020 23:02 GMT+7

TTCT - Tiếng vỗ tay hoan hô ông Donald Trump trong sân bóng gậy lớn nhất thế giới Motera ở Ahmedabad, quê nhà của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, thật vang dội. Song, quan hệ giữa hai nước không chỉ tóm tắt trong vài màn trình diễn ngoạn mục...

Ông Trump (phải) đã được chủ nhà Modi chào đón rất nồng hậu. Ảnh: Newsweek
Ông Trump (phải) đã được chủ nhà Modi chào đón rất nồng hậu. Ảnh: Newsweek

Đáp lại những hoan hô vang trời, Tổng thống Mỹ tán dương chủ nhà Modi cùng những thành quả của ông này: “Một nhà lãnh đạo đặc biệt, người đấu tranh vĩ đại cho Ấn Độ, người làm việc ngày đêm cho đất nước của mình, và người đàn ông mà tôi tự hào gọi là người bạn chân tình của tôi”.

Namaste...

Phải nhìn nhận rằng bộ phận quan hệ công chúng của Nhà Trắng chịu ảnh hưởng từ ông chủ vốn chuyên nghề truyền hình thực tế và các thể loại diễn xướng khác nhau từ thời còn làm chủ bán bất động sản. Các chuyến công du lớn của ông Trump cho tới nay đều mang màu sắc đó với những sự kiện đinh gắn với thể thao, vốn là thứ dễ hấp dẫn quần chúng nhất.

Còn nhớ cuối tháng 6-2019, ông Trump từng xuất hiện trong nhà thi đấu sumo khổng lồ Kokugikan 11.000 chỗ để xem trận chung kết môn vật cổ truyền của Nhật Bản cùng Thủ tướng chủ nhà Abe Shinzo.

Tới hạ tuần tháng 9-2019, chính Thủ tướng Ấn Độ Modi đã được mời dự trận banh cà na, môn thể thao đại chúng của nước Mỹ tại sân NRG 71.000 chỗ ở Houston - thành phố lớn nhất bang dầu mỏ Texas, như lời nhắc nhở hai bên sẽ cộng tác nhiều hơn trong lĩnh vực năng lượng.

Lần này ông Trump dự một trận bóng gậy (cricket), môn thể thao tuy xuất xứ từ thực dân Anh song nay lại vô cùng đại chúng ở bán đảo Nam Á và còn được hiểu là môn “thoát nghèo” với nhiều người Ấn.

Ý nghĩa này càng thích hợp với lời tán dương ông Modi của ông Trump: “Chỉ trong một thập kỷ, Ấn Độ đã giúp hơn 270 triệu người thoát khỏi đói nghèo. Dưới thời Thủ tướng Modi, lần đầu tiên trong lịch sử, mọi ngôi làng ở Ấn Độ giờ đều có điện [vỗ tay].

320 triệu người Ấn Độ hiện được kết nối Internet [vỗ tay]. Thêm 600 triệu người được tiếp cận với vệ sinh cơ bản, và thật khó tin, cứ mỗi phút trôi qua lại có 12 người Ấn Độ được thoát khỏi nghèo đói cùng cực [lại vỗ tay]”.

Vỗ tay cho thành tựu hôm qua và cho cả tương lai: “Ấn Độ sẽ sớm trở thành đất nước của giai cấp trung lưu lớn nhất thế giới. Trong vòng chưa đầy 10 năm nữa, tình trạng nghèo đói cùng cực được dự đoán sẽ hoàn toàn biến mất. Tiềm năng của Ấn Độ là không thể tin được”.

Tại sao lại nhắc đến chuyện xóa đói giảm nghèo? Chẳng qua nghèo là một thực tại to lớn khá “đại trà” ở châu Á nói chung và Ấn Độ nói riêng. Nhưng Ấn Độ phải có gì đặc biệt ngoài thành tích xóa đói nghèo mà nhiều nước châu Á khác cũng có thể tự hào chứ.

Soạn giả cho bài diễn văn của ông Trump chiều 24-2 không quên điều đó, khi khen Ấn Độ không chỉ là tấm gương cho mọi quốc gia trên thế giới về thoát nghèo mà còn là, và nhất là, “một đất nước dân chủ..., một đất nước hòa bình..., một đất nước khoan dung, một đất nước tự do tuyệt vời”.

Phải dẫn người nghe qua hành trình xóa nghèo rồi thì dân chủ, tự do, hòa bình, khoan dung để có thể nêu ra sự khác biệt: “Đó là tất cả sự khác biệt trong thế giới này giữa một quốc gia tìm kiếm sức mạnh qua sự o ép, đe dọa và xâm lược, và một quốc gia trỗi dậy bằng cách giải phóng người dân để họ có thể theo đuổi giấc mơ của mình.

Đó là Ấn Độ. Đây là lý do tại sao những thành tựu của Ấn Độ trong 70 năm qua hoàn toàn không có đối thủ”. Ông Trump kết thúc đoạn tán tụng: “Chính niềm tin của quý vị vào sức mạnh của một xã hội tự do, niềm tin vào chính người dân của quý vị, niềm tin và sự tôn trọng phẩm giá dành cho mỗi con người đã khiến mối quan hệ Hoa Kỳ - Ấn Độ trở thành một tình bạn đẹp tự nhiên, bền vững. [vỗ tay vang dội]”.

Dường như để phụ họa hay minh họa cho những lời tán tụng của ông Trump, cùng ngày 24-2, thẩm phán Tòa tối cao Ấn Độ Deepak Gupta đăng đàn trên báo Hindustan Times với một bài xã luận đanh thép trong tình hình đất nước đang căng thẳng vì biểu tình kéo dài nhiều ngày liên quan tới luật quốc tịch bị cho là kỳ thị người Hồi giáo.

“Không tôn trọng chính quyền không có nghĩa là không tôn trọng đất nước - ông Gupta nói - Ngay cả khi chính phủ được bầu lên với đa số đáng kể, những người phản đối chính phủ đó không bị bắt buộc phải im lặng trong suốt 5 năm...

Mọi cá nhân đều có quyền bất đồng quan điểm và không đồng ý, vì điều đó được quy định trong hiến pháp và còn là một quyền con người”. Kiểu cách ăn nói như vậy, phải công nhận quả là giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ có một sự “đồng khí tương cầu”, nếu không phải là từ lịch sử đón nhận các giá trị dân chủ kiểu Anh (do cùng là thuộc địa cũ của nước này), thì cũng ở hai nhà lãnh đạo đương nhiệm.

Còn nhiều rắc rối

Tất nhiên, tình hình Ấn Độ không toàn màu hồng. Những va chạm đẫm máu về vấn đề quốc tịch Ấn cho người Hồi giáo là câu hỏi được nêu bằng xương bằng thịt cho những lời tán dương khác của ông Trump trong bài diễn văn ở sân bóng gậy: “Quốc gia của các bạn luôn được ngưỡng mộ trên khắp trái đất là nơi mà hàng triệu người theo Ấn giáo, Hồi giáo, đạo Sikh, đạo Jain (Kỳ Na giáo), Phật giáo, Kitô giáo và Do Thái giáo cùng nhau sống trong hòa hợp”.

Lời tán tụng trên có phần quá lố khi mới một ngày trước, Bộ trưởng Nhân quyền Pakistan Shireen Mazari đã ra trước Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva để giải trình về tình trạng nhân quyền ở khu vực tranh chấp Kashmir, trong đó bao gồm nhiều cáo buộc Ấn Độ vi phạm nhân quyền ở vùng nhiều người Hồi giáo này qua luật quốc tịch mới đây.

Sáng 25-2, khi ông Trump còn chưa rời Ấn Độ, Thông tấn xã Dawn của Pakistan đăng một bài xã luận trả đũa “răng đền răng, mắt đền mắt” không chừa một ai: “Donald Trump và Narendra Modi giống nhau theo nhiều cách.

Cả hai đều là những người ngoại cuộc với chính trị song đã vươn tới đỉnh cao quyền lực nhờ sự pha trộn chủ nghĩa dân túy cánh hữu với tư tưởng phi chính thống”. Bài xã luận còn mượn phát biểu của ông Gupta (dẫn ở trên) làm vũ khí: “Cả hai đã thúc đẩy các chương trình nghị sự chuyên chế của họ trên lưng các nhóm thiểu số”.

Bài báo tố cáo không thương tiếc: “Ông Modi và vây cánh của ông ta đã làm mọi cách để đảm bảo rằng Tổng thống Trump chỉ nhìn thấy phần “Ấn Độ tỏa sáng”, che đậy những gì xấu xa và những gì tạo thành một Ấn Độ hoàn chỉnh thực sự”.

Bài báo dẫn ví dụ là một bức tường đã được xây lên để che đi một khu ổ chuột tại Ahmedabad khỏi tầm mắt của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ. Những con khỉ vốn hay nhởn nhơ ngoài đường ở thành phố Gujarat cũng bị gom nhốt, do trong lịch trình công du, gia đình ông Trump có chuyến thăm ngôi đền kỳ quan Taj Mahal, nơi luôn có một bầy gần 500 con khỉ chuyên lục balô du khách kiếm ăn.

Cùng ngày, một bên thứ ba khác phản pháo ngay trước nửa đêm thứ hai 24-2. Tờ Global Times - dẫu sao cũng là tiếng nói của cường quốc nhất, nhì thế giới - không tự cho phép mình sử dụng ngôn ngữ “sa sả” như Pakistan.

Thay vì thế, tờ báo Trung Quốc tiếp cận nhẹ nhàng, có vẻ như khách quan đứng ngoài nhận xét: “Vẫn còn những quan ngại ngay giữa chuyến thăm của Trump”. Những quan ngại đó là gì? “Ve vãn New Delhi nhằm ngăn chặn Bắc Kinh là chiến thuật mặc định sẵn của Washington kể từ thời chính quyền George W. Bush.

Sau khi ông Trump nhậm chức, kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trở thành phần nổi bật trong chiến lược đối ngoại của Mỹ, và Mỹ cần Ấn Độ - đồng minh tự nhiên của nước này - đứng vào hàng ngũ”, tờ báo viết.

Global Times bình luận rằng Ấn Độ và Mỹ vẫn có những lợi ích khác nhau, thậm chí xung đột, chẳng hạn chính sách “Nước Mỹ trước hết” của ông Trump mâu thuẫn với kế hoạch “Sản xuất tại Ấn Độ” của ông Modi. Báo này cho rằng hai bên bất quá ký vài hiệp ước be bé rồi hết.

Quả thật, những động thái thực chất nhất của chuyến thăm cho tới giờ dừng lại ở mức khiêm tốn: một thỏa thuận bán vũ khí 3,5 tỉ đôla, một ghi nhớ nhằm giảm bớt thâm hụt thương mại của Mỹ với Ấn Độ lên tới 25,2 tỉ đôla, và có lẽ chút tranh thủ của ông Trump với cử tri Mỹ gốc Ấn.

Thiệt ra thì chuyện Ấn - Mỹ còn đầy hục hặc không chỉ Trung Quốc mới biết. Jeff M. Smith của Quỹ Heritage tháng 8-2019 từng công bố một nghiên cứu 31 trang tựa đề Modi 2.0: Khác biệt và các lợi ích đạt được trong quan hệ Ấn - Mỹ nêu rõ: “Nhân hợp tác Ấn Độ - Hoa Kỳ đang đạt đến mức chín muồi, hai bên cần bắt tay vào đối phó với những trở ngại lớn trong quan hệ song phương về thương mại, thương mại điện tử, và lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ chống lại Iran và Nga.

Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi phải hành động để giải quyết những khác biệt này và đưa quan hệ song phương trở lại quỹ đạo tích cực”.■

Quan hệ Mỹ - Ấn, đúng như lời Smith, nay mới ở mức "chín muồi", bởi lẽ hai nước không phải đồng minh truyền thống gì cho cam. Mỹ từng đứng về phía Pakistan trong cuộc chiến tranh năm 1971 mà Đông Pakistan, được Ấn Độ ủng hộ, tách ra thành Bangladesh ngày nay.

Rồi sau đó tham vọng hạt nhân của Ấn Độ cũng khiến quan hệ song phương gần như đóng băng tới tận năm 2000, khi Bill Clinton trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Ấn Độ sau hơn 20 năm.

Vấn đề hạt nhân coi như giải quyết xong vào năm 2005, khi Tổng thống Bush và Thủ tướng Manmohan Singh ký Sáng kiến hợp tác hạt nhân dân sự, coi như một sự chấp thuận các chương trình hạt nhân quân sự của Ấn Độ từ Hoa Kỳ.

Tới cuối năm 2019, theo CNN, Ấn Độ đã là khách hàng của lượng vũ khí Mỹ trị giá 18 tỷ đôla và Mỹ là đối tác tập trận song phương thường xuyên nhất của Ấn Độ. Mỹ cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ với kim ngạch song phương 142 tỷ đôla vào năm 2018, và ước tính 150 tỷ đôla năm 2019.

Tuy nhiên, những con số đó - với mức thâm hụt lớn cho Mỹ - cũng tạo ra trở ngại cho quan hệ song phương: Năm 2018, Mỹ từng kiện Ấn Độ ra Tổ chức Thương mại thế giới với cáo buộc nước này "trợ giá cho xuất khẩu".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận