Ông trời không phải là người để trách

TRUONGUY 08/09/2012 00:09 GMT+7

TTCT - Bộ phim The Intouchables ra mắt khán giả Việt Nam hè qua được xây dựng trên một nguyên mẫu có thật: doanh nhân Pháp Philippe Pozzo di Borgo, 61 tuổi, bị liệt tứ chi. Báo Đức Spiegel đã phỏng vấn ông sau khi bộ phim gây tiếng vang không chỉ ở Đức. TTCT trích giới thiệu bài phỏng vấn thú vị này.

Phóng to
Nhân vật Philippe do François Cluzet đóng và người chăm sóc Driss (do Omar Sy đóng) trong phim The Intouchables - Ảnh: wordpress.com

Vẫn có thể có ích dù trên xe lăn

Ðến nay, The Intouchables đã phá các kỷ lục phòng vé Pháp, và đã có hơn 30 triệu người xem ở Tây Âu. Với doanh thu vượt mốc 300 triệu USD, đây là bộ phim không nói tiếng Anh thành công nhất mọi thời đại. The Intouchables được đề cử tổng cộng chín giải thưởng Cesar 2012 (France’s Academy Awards), và đã đoạt giải thưởng lớn tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo 2011. (World Socialist Website)

* Spiegel: Ông Pozzo di Borgo, hơn 8 triệu người Ðức và 20 triệu người Pháp đã xem phim về cuộc đời ông. Ông là một trong những người bị liệt nổi tiếng. Ðó là phúc lành hay tai họa?

- Pozzo di Borgo: Nhiều phúc lành hơn. Có thể vì sự nổi tiếng của mình, tôi có thể có ích cho những người ngồi xe lăn khác, hay cả với những người không bị liệt. Sao cũng được. Tôi luôn tin chắc rằng chúng ta có các nghĩa vụ, bất kể tình trạng sức khỏe ra sao.

* Ông có thấy không thoải mái khi nằm trong xe lăn của mình và những người khác nhìn ông?

Tôi phải nằm vào cái này năm 42 tuổi. Bạn sẽ đạt được sự chín chắn sau một thời gian nhất định. Tôi không quan tâm người ta nghĩ gì về mình. Nó như thế này: xã hội chúng ta đánh giá cao những thứ như tuổi trẻ và thành tích, cũng như việc phải khỏe mạnh và đầy năng lượng. Đó là lý do vì sao nhiều người băn khoăn đấu tranh với việc chúng tôi đang bị chậm lại khá nhiều và có ít khả năng đối phó. Người ta sợ chúng tôi. Thứ duy nhất chúng tôi có thể làm là hấp dẫn họ, bằng nụ cười và tính hài hước của mình...

* Những bất tiện nào ông quan sát thấy khi mọi người thử tương tác với ông?

- Ở Paris (hiện Pozzo sống ở Morocco - ND), có lần tôi bị rơi khỏi xe lăn. Khi đó tôi nói với những người xung quanh: "Có thể nào các ông bà giúp đặt tôi trở lại xe lăn không?". Nhưng không ai dám chạm vào tôi. Chúng tôi thường phải đợi đội cứu hỏa tới.

* Thế ông đã như thế nào, lúc vẫn còn đi được đấy?

- Tôi đã rất thành công, nhanh nhẹn và bị cuốn đi đến nỗi không nhận ra những người khác. Tôi không thấy có những người đang sống ở một nhịp điệu khác. Nói một cách khác, tôi cần một cú đánh vào đầu để có thể dừng lại, hiểu điều gì đang thật sự diễn ra.

* Những chuyện đùa vẫn tưng bừng trong sách ông viết. Ông rất hài hước với cảnh huống của mình. Ông có chuyện tiếu lâm yêu thích nào về những người bị liệt?

- Anh có biết tìm người liệt ở nơi nào không?

* Không.

- Ở nơi mà anh bỏ anh ta lại.

* Liệu người liệt có phải là những người duy nhất có thể nổ những chuyện tiếu lâm về người liệt?

- Nếu đó là chuyện tiếu lâm hay thì tôi sẽ chấp nhận, bất kể ai dựng ra nó.

* Bộ phim về cuộc đời ông cũng đầy những pha tự giễu mình. "Tôi thà bắn mình", người chăm sóc đã nói với ông chủ Philippe như thế, và ông chủ đã đáp: "Cả điều đó nữa, cũng khó cho một người bại liệt". Làm sao ông có thể cười nhạo như thế trên số phận của mình?

- Sự khôi hài là một công cụ, anh biết đấy. Tôi luôn lo sợ bị bỏ ngồi lại trong góc, một mình. Bởi tôi không còn sức mạnh để thuyết phục anh giúp tôi nên tôi phải làm mọi người cười. Chỉ khi đó anh mới để ý tới tôi. Việc trốn vào trong sự hài hước cũng là một cách thực dụng để xoay xở trong tình cảnh của chúng tôi. Nó tốt hơn cho tất thảy những ai liên can.

* Trong quyển sách của mình, ông viết: "Pozzo đã mất nam tính. Hắn ta trở thành tháp nghiêng Pisa, luôn nghiêng về phía này hay phía kia". Sao ông có thể viết cay nghiệt thế về mình?

- Bởi vì anh phải trung thực về mọi thứ. Đâu phải ta đang ở trong nhà hát... Anh chỉ có thể đưa mình khỏi tình thế khó khăn nhất một khi anh gọi được tên rõ ràng số phận của mình, và chấp nhận nó. Chỉ khi đó thôi.

* Có một nguyên do nào cho tai nạn của ông không?

- Nếu có ông trời thì chắc chắn ông ta không phải là người bị trách móc. Ông ta có muốn nó đâu. Nó là vận rủi, là sự bất hạnh, là một lỗi lầm chúng tôi mắc phải hay một tai nạn, nhưng cũng là một cơ hội cho chúng tôi. Có thể chúng tôi đã đi sai thế nào đó và điều đó đang được sửa chữa. Đó cũng là một loại nguyên do. Dù sao, tôi cũng không tức giận ai vì tai nạn của mình, không trách hờn ai, dù dưới mặt đất hay trên thiên đàng. Tôi chỉ cố tìm điều tốt nhất từ (tai nạn) đó.

Phóng to
Philippe Pozzo di Borgo, nguyên mẫu của nhân vật Philippe - Ảnh: Spiegel

Thương hại không thể chữa lành...

* Ông có ủng hộ bất cứ hình thức nghiên cứu nào (về khoa học hỗ trợ người bại liệt) không?

- Có lần người ta đề nghị để người máy đút tôi ăn. Họ tới bệnh viện với cái máy, và để làm họ phật ý tôi bảo: "Tôi chỉ ăn đậu". Dĩ nhiên, đậu không thể tự nhảy vào miệng tôi. Khi đó tôi hỏi họ: "Ai sẽ đặt dĩa đậu vào cái máy?". Bà bếp, họ đáp. Tôi bèn nói: "Tôi thích bà bếp hơn cái máy". Công nghệ không được phép cô lập người tật nguyền, nó không thể được sử dụng như một cái cớ để người khỏe mạnh nói: Chúng tôi đã cấp cho anh người máy, giờ anh có thể tự mình được rồi.

* Ông có lần đã nói: "Hãy kéo cái phích cắm tôi ra đi! Ðừng hỏi gì nữa. Tôi không còn sót lại chút sức lực nào". Khi đó là khoảnh khắc thế nào?

- Trong năm đầu luôn có những khoảnh khắc thất vọng. Nhưng trong trường hợp của tôi, trạng thái ấy đến trễ hơn. Tôi chỉ cảm thấy tật nguyền thật sự ba năm sau đó, khi người vợ yêu thương Béatrice của tôi qua đời. Với cái chết của bà ấy, bất ngờ tôi thấy mình quá cô đơn, và sự cô đơn là điều đáng sợ nhất trong tất cả.

Tôi biết nhiều người không ngồi xe lăn cũng tự tử, vì họ cô đơn và không tìm ra lẽ sống. Luôn luôn phải có ai đó, những đồng loại của chúng ta, cho chúng ta động cơ sống. Đó là lý do vì sao quan điểm trị liệu của tôi là không được để mình cô đơn.

* Ông học gì từ người chăm sóc mình, Abdel, một tội phạm ngoại ô gặp ông ngay sau khi mới ra tù?

- Anh ấy giúp tôi lấy lại dũng khí và tình yêu cuộc sống, sau khi tôi trở nên suy nhược vì cái chết của vợ mình. Tôi, một quý tộc, được thấy một thế giới mới nhờ anh ấy, một thế giới ngoại ô, những điểm nóng của xã hội, nơi mà người ta bị bỏ ngoài lề. Tôi chưa từng biết thế giới đó trước đây. Bạn không thể bỏ những người này bên lề xã hội.

* Về phần Abdel, anh ta đã nói thế này về ông: "Không có Pozzo, có thể tôi đã chết trong tù". Trong chủ nghĩa tư bản, họ gọi đó là tình huống hai bên đều thắng.

- Đúng vậy. Mặc dù không ở trong tù như Abdel, tôi cũng có thể đã chết.

* Hiện nay Abdel ra sao? Quan hệ các ông thế nào?

- Chúng tôi thường gặp nhau. Anh ấy hiện là một doanh nhân, một chủ trại gà thành công. Anh đã lập gia đình, có ba con và mập thêm 30kg!

* Trong phim, nhân vật Philippe nói: "Bọn trẻ ngoại thành không biết thương hại. Ðó chính là điều tôi muốn. Không thương hại!". Thương hại thì có gì sai chứ?

- Thương hại không thể chữa lành. Khi ai đó khóc vì tôi, anh ta thật ra khóc cho chính mình, và rồi chúng ta không thể tất cả cùng khóc. Với người lành lặn, thương hại là cách để bảo vệ họ, nhưng nó không làm điều gì tốt cho tôi cả.

The Intouchables (Intouchables cũng là từ tiếng Pháp, có nghĩa là những kẻ không ai muốn dây dưa) là tác phẩm của hai đạo diễn Pháp Olivier Nakache và Eric Toledano. Họ quyết định thực hiện bộ phim sau khi xem cuốn phim tài liệu In life and death về cuộc đời của Pozzo di Borgo và người chăm sóc gốc Algeria của ông là Abdel Sellou.

Trong cuốn phim tài liệu đó, cuộc đời của Pozzo, theo tự sự của chính tác giả, như được "tắm trong champagne": sinh ra trong gia đình quý tộc, lớn lên trong những tòa lâu đài và trang viên thơ mộng của nước Pháp, tốt nghiệp những trường tốt nhất Pháp rồi làm giám đốc Hãng rượu champagne Moët & Chandon trước khi trở thành tổng giám đốc Hãng Pommery... Năm 1993, Pozzo di Borgo bị liệt tứ chi sau một tai nạn nhảy dù lượn. Ông chìm trong trầm uất cho đến khi gặp Abdel.

Trong phim The Intouchables, doanh nhân giàu có bị liệt Philippe (do François Cluzet đóng) đã chọn chàng thanh niên da màu gốc Senegal tên Driss (Omar Sy đóng) từ khu ổ chuột ngoại ô đến xin giúp việc, bất chấp sự can ngăn của người thân và bạn bè vì theo Philippe, "bọn trẻ ngoại ô không biết đến thương hại". Hai nhân vật gần như tương phản - một giàu có, trí thức, lịch lãm, đến từ tầng lớp thượng lưu và một nghèo nàn, cộc cằn, ít học, thuộc thành phần dưới đáy xã hội - dần trở thành tri kỷ. Vì tuy có xuất phát điểm khác hẳn nhau, họ đều là những người bị xã hội thờ ơ.

Bộ phim đầy tiếng cười bởi những khoảnh khắc sống táo bạo nhưng vô cùng chân thực của hai con người xã hội ngại "dây dưa" này.

MINH NHIÊN trích dịch từ Spiegel

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận