Ông Thaksin đang ở đâu?

DANH ĐỨC 23/05/2010 10:05 GMT+7

TTCT - Gần sáu tuần sau khi dấy lên những vụ bạo động có vũ trang, phe áo đỏ quyết “một mất một còn” với chính phủ, trong khi Chính phủ Thái Lan đưa xe bọc thép và quân đội vào phá vòng vây biểu tình hôm 19-5, số người chết sau các vụ đụng độ đã hơn 40 người. Những cái chết này do đâu?

Phóng to
Chính phủ Thái cho xe phá rào chắn do lực lượng áo đỏ biểu tình dựng lên ở trung tâm thủ đô Bangkok ngày 19-5 - Ảnh: Reuters

Câu hỏi này có thể đặt ra bắt đầu từ cái chết của thủ lĩnh quân sự phe áo đỏ Seh Daeng - tiếng Thái có nghĩa là “tư lệnh đỏ”, trong khi tên thật của ông này là Khattiya Sawasdipol - ngày 13-5 vì hai viên đạn vào đầu. Viên trung tướng mới bị “lột lon” vì tội phản loạn này đã bị một tay súng bắn tỉa hạ thủ và chết sau đó trong bệnh viện. Các bác sĩ - giảng viên thuộc Bệnh viện Vajira của Trường Y khoa Bangkok đã làm tất cả để giữ lấy mạng sống của ông (1), vượt lên trên những nghi kỵ có thể có về y đức của họ trong vụ cấp cứu này.

“Ai đã bày mưu tính kế?”, “Ai đã ra lệnh bắn tỉa?”. Tất nhiên với lý lẽ thông thường, mọi nghi ngờ sơ khởi chĩa vào Chính phủ Thái Lan. Cựu trung tướng Seh Daeng từ lâu đã đứng về phía cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra và đầu năm nay, do bất tuân thượng lệnh buộc ngưng hoạt động chính trị nên bị “lột lon”. Từ đó Seh Daeng trực tiếp “bày binh bố trận” trong Bangkok, điều động người từ các tỉnh về, điều mà không một “chính khách salon” nào có thể tổ chức!

Kẻ giật dây?

Tất nhiên, Chính phủ Thái Lan tuyên bố vô can. Bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Sathit Wongnongtoey tố cáo ngược lại: “Bọn khủng bố và kẻ giật dây đang ở nước ngoài muốn gây ra càng nhiều tổn thất sinh mạng nhằm đổ lỗi cho chính phủ trong các cáo buộc pháp lý gửi đến các tổ chức quốc tế” (2).

“Kẻ giật dây đang ở nước ngoài” này chính là ông Thaksin, người đang bị án hai năm tù song hiện trốn lánh tận nước Cộng hòa Montenegro (Nam Âu) với quốc tịch mới được cấp. Đây không phải là quốc tịch nước ngoài đầu tiên của chính khách có tài sản lên đến 76 tỉ baht này (2,35 tỉ USD). Chính phủ Nicaragua trước đó còn cấp cả hộ chiếu ngoại giao.

Cáo buộc của bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Thái Lan rằng kẻ bôn tẩu ở nước ngoài đang “đổ lỗi cho chính phủ trong các cáo buộc pháp lý” xuất phát từ việc ông Thaksin mới thuê Công ty luật Amsterdam & Peroff làm đại diện pháp lý và truyền thông cho mình. Công ty luật này, đặc biệt là ông chủ - luật sư Robert Amsterdam, khét tiếng với những vụ tranh tụng quốc tế cấp quốc gia như Hungary, Nigeria, Venezuela, Guatemala..., những vụ kiện khôi phục quyền lợi cho những đại gia cỡ vụ tỉ phú giàu nhất nước Nga Khodorkovsky cùng Tập đoàn dầu hỏa Yukos bị tịch biên tài sản (3).

Là một đại gia giàu có không kém Khodorkovsky, lại tốt nghiệp tiến sĩ luật khoa Đại học Houston (Mỹ) từ năm 1978, ông Thaksin thừa biết phải nhờ đến công ty luật chuyên nghiệp nào để tìm đường trở lại quyền lực và lấy lại tài sản.

“Quốc tế hóa” cuộc khủng hoảng

Và luật sư Amsterdam đã khởi sự những cáo buộc quốc tế như qua phỏng vấn trên tờ Globe and Mail: “...Chính phủ Thái hiện nay không phải là một chính phủ chính đáng. Một chính phủ mà quyền lực dựa vào các trại lính, được thai nghén từ cuộc đảo chính năm 2006, đang hoạt động dựa trên một bản hiến pháp không thể hiện ý nguyện của dân chúng và được thông qua trong giai đoạn quân đội cầm quyền...” (4).

Luật sư Amsterdam phát ngôn giùm thân chủ Thaksin: “Ông ấy đau khổ vì vụ thảm sát ngày 10-4. Ông ấy đang tìm lối thoát cho vụ này... qua một cuộc bầu cử trung thực, độc lập, cho phép dân chúng Thái được quay về với các định chế dân chủ của họ” (5).

Tờ Globe and Mail nổi tiếng đủ để các tuyên bố của luật sư Amsterdam được các báo khác trích lại. Công ty luật Amsterdam & Peroff đã quá giỏi bài bản quảng bá tuyên truyền khi bôi đen giá trị của Chính phủ Thái Lan hiện tại, tẩy rửa và đánh bóng hình ảnh ông Thaksin và khoác cho ông cái áo “kẻ cứu rỗi”. Chiến dịch quảng bá này được đưa ra sau khi ông tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã mấy lần kêu gọi hai phe ở Thái Lan ngồi lại với nhau. Từ đó, Công ty luật Amsterdam & Peroff dự kiến lôi kéo các tổ chức khác tham gia cuộc khủng hoảng ở Thái Lan.

Những cái chết từ năm tuần qua có thể khởi đầu cho những lên án của các tổ chức nhân quyền, điều chính ông Thaksin lúc còn là thủ tướng từng nếm mùi khi Tổ chức Ân xá quốc tế lên án ông: “Trong nhiệm kỳ đầu của ông Thaksin (tháng 1-2001 đến 1-2005), 18 nhà đấu tranh nhân quyền đã bị ám sát, một người mất tích. Tháng 2-2002, chính quyền Thaksin phát động chiến dịch “Bài trừ ma túy”, qua đó giết chết không qua xét xử hơn 2.700 người. Tháng 1-2004, thiết quân luật được ban hành tại các tỉnh phía Nam. Từ đó, rất đông người nổi dậy gốc Malaysia đã chết” (6).

Các lên án đó sẽ dọn đường cho một thúc ép quốc tế buộc Chính phủ Thái Lan đương nhiệm giải thể và sau đó là bầu cử, ông Thaksin đương nhiên sẽ tranh cử và được xóa án.

Ai tính toán vụ bắn hạ tướng Seh Daeng?

Chính quyền Abhisit Vejjajiva đương nhiên không thể cứ cố tại vị khi các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn. Đó là lý do Thủ tướng Abhisit đã đưa ra lộ trình hòa giải, then chốt là giải tán quốc hội, tổ chức cuộc bầu cử sau khi phe áo đỏ đã ngưng bạo động. Đây là một điều kiện chính đáng: không một chính phủ nào có thể tự mình trở thành “con tin” của bạo loạn. Các chính phủ nước ngoài có muốn can thiệp cũng phải tôn trọng nguyên tắc này, nếu không muốn tạo tiền lệ tha hồ lật đổ theo cách đó.

Trong bối cảnh khủng hoảng đang đẫm máu, chuyến thăm Thái Lan trên đường công du Đông Nam Á của trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ Kurt M. Campbell dễ gây hiểu lầm, nhất là việc ông gặp các lãnh đạo dân sự phe chống Chính phủ Thái Lan. Đáng lưu ý, không có “tướng áo đỏ” Seh Daeng trong cuộc gặp gỡ này, tức ông Campbell muốn tỏ rõ không chấp nhận bạo lực.

Hôm 12-3, trợ lý Campbell phát biểu: “Thông điệp của Hoa Kỳ rất đơn giản. Chúng tôi muốn những ngày tới đây sẽ diễn ra một cách ôn hòa... Các vấn đề chính trị được giải quyết một cách thích hợp qua tiến trình bầu cử cùng các định chế dân chủ khác” (7). Có vẻ như bực dọc, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã triệu đại sứ Eric G. John đến để “quở” về các vụ gặp gỡ này.

Hai tháng sau khi trợ lý ngoại trưởng Campbell rời Bangkok, Seh Daeng bị bắn hạ. Có thể hồ nghi Thaksin tái châm ngòi bạo động sau khi thấy yêu cầu “ôn hòa” của phía Mỹ bằng cái chết của tướng áo đỏ để tình hình rối ren hơn ra khỏi tầm tay Thủ tướng Abhisit? Cũng có thể vụ bắn tỉa này là để cho phe áo đỏ như “rắn mất đầu” trong đối kháng võ lực và cục diện trở nên ôn hòa...?

Trong thế giới của các vụ lật đổ luôn có bóng dáng tình báo. Bản thân luật sư Amsterdam của ông Thaksin được biết đến như là người ăn lương của CIA và tình báo Anh MI5, theo tiết lộ của một tờ báo Serbia (8). Quốc gia này có “ân oán” với Cộng hòa Montenegro mà ông Thaksin đang tá túc (Cộng hòa Montenegro nguyên nằm trong Liên bang Nam Tư) nên có khui chuyện luật sư Amsterdam ra cũng dễ hiểu.

Bản thân tướng áo đỏ Seh Daeng cũng từng tự khai đã giúp Mỹ dọ thám miền Bắc Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam, từng tham gia hoạt động với CIA ở Lào, từng giả dạng thành người Hồi giáo xâm nhập các nhóm phiến loạn ở Aceh, Indonesia (9)...

__________

(1) “Doctors perform kidney dialysis for Seh Daeng”, The Nation 17-5-2010
(2) “Manipulator wants deaths: CRES”, Bangkok Post 17-5-2010
(3) (8) “Who Really Is Robert Amsterdam?”, Borba, Sunday, 10-5-2009
(4) (5) “Defending a controversial figure against the people with bayonets”, The Globe and Mail, 14-5-2010
(6) “Thailand Human Rights”, amnestyusa.org
(7) Press Availability in Bangkok, Thailand 12-3-2010
(9) Khattiya Sawasdipol, Wikipedia

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận