Ông Năm Cụt

NGUYỆT HỮU 20/11/2008 17:11 GMT+7

TTCT - Người đàn ông ngồi bán vé số bên vệ đường ở khóm Bình Đức 3, phường Bình Đức, thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang) có tên họ hẳn hoi. Ông tên Trần Văn Mới, nhưng người ta vẫn quen gọi ông là ông Năm Cụt. Đơn giản, ông là người con thứ năm trong gia đình và cụt hoàn toàn cả tứ chi. thân thể khuyết tật đó đã theo ông gần nửa kiếp người.

Phóng to
Ông Trần Văn Mới: “Khóc cũng khổ, cười cũng khổ. Vậy thì việc gì không cười để giả bộ quên”
TTCT - Người đàn ông ngồi bán vé số bên vệ đường ở khóm Bình Đức 3, phường Bình Đức, thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang) có tên họ hẳn hoi. Ông tên Trần Văn Mới, nhưng người ta vẫn quen gọi ông là ông Năm Cụt. Đơn giản, ông là người con thứ năm trong gia đình và cụt hoàn toàn cả tứ chi. thân thể khuyết tật đó đã theo ông gần nửa kiếp người.

Miệt An Giang những năm 1940 khi cậu bé Trần Văn Mới ra đời xác xơ đến não lòng. Nhà Mới nghèo, lại đông con, nên chập chững tuổi đầu, khi mà sự học của Mới chỉ dừng lại ở mức nhận biết được mặt chữ thì Mới thôi học và gia nhập đội quân cắt lúa mướn cho những hộ có sẵn đất ruộng trong vùng. Con người miền Tây cũng lạ, cực khổ là vậy nhưng vẫn thản nhiên sống như cây lúa trời bất chấp lụt lội vẫn đơm bông và cho hạt gạo trời ban.

Năm 1963 lúc 23 tuổi, Mới gặp Phiến, Tô Thị Phiến. Nhà Phiến nghèo cũng như nhà Mới. Phiến là con gái đầu của gia đình có ba chị em, nhưng người em trai út đã chết do đói. Mới chọn nghề cắt lúa mướn làm kế sinh nhai, Phiến cũng gặt mướn kiếm sống. Cái nghèo gặp cái nghèo mà nên duyên. Ngày thành vợ thành chồng, Mới chỉ nói với Phiến một câu: “Thương tui rồi, đừng sợ khổ, Phiến nghe”. Câu nói như một định mệnh, chứ cô thôn nữ vùng Cả Chiên có biết đâu, hạnh phúc chỉ đến với đôi vợ chồng trẻ đúng ba năm trời.

Ba đứa con ra đời liên tiếp khiến gia cảnh khốn khó lại càng khốn khó hơn và Mới quyết định làm một cuộc đổi đời. Mới tìm đường lên Sài Gòn mưu sinh bằng nghề tìm phế liệu. Chẳng được mấy bữa, Phiến ở nhà nhận được tin chồng mình đã thành phế nhân. Một trái bom nổ chậm cướp đi cả đôi tay lẫn đôi chân của Mới. Kể sao cho xiết nỗi đau của người vợ khi chứng kiến cảnh chồng mình nằm trên giường bệnh, không tay không chân, cụt ngủn. Những ngày Mới nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Phiến chăm chồng hơn chăm con mọn. Ba đứa con, đứa lớn nhất chưa tròn 3 tuổi, gửi lại quê nhà cho bên ngoại chăm sóc. Phiến lên thành phố để gánh trọn nỗi u uất của người vợ trẻ.

Ông Mới kể câu đầu tiên ông nói với cô y tá khi tỉnh dậy và nhận thấy thảm cảnh cơ thể mình là: “Tui lạy cô, làm ơn cho tui mũi thuốc độc để tui chết đi”. Dĩ nhiên, không vị y tá nào đủ can đảm để đáp ứng lời yêu cầu đó. Thuốc mê rồi thuốc giảm đau liên tục được truyền vào cơ thể Mới, khiến anh thanh niên ngoài chuyện cụt tay chân còn mắc thêm chứng lãng tai. Sau hai tháng điều trị, bác sĩ cho Mới xuất viện. Ngày Phiến ôm chồng trong lòng, ngồi xe đò về lại An Giang, hành khách trên chuyến xe cứ ái ngại cho hoàn cảnh của hai người. Phiến nói mãi mãi bà không quên những cái nhìn, ánh mặt thương cảm của những vị khách đi trên chuyến xe đò năm ấy.

Khi nhìn thấy đàn con nheo nhóc cộng với cái thân èo uột của chồng, Phiến chỉ muốn cho một chai thuốc trừ sâu vào bữa cơm để cả nhà chết chung với nhau. Nhưng nhớ lại câu nói ngày đó của ông, bà lại lẳng lặng nuốt nước mắt vào lòng để sống. Hàng xóm qua thăm ông, khi về có người nói nhỏ với Phiến: “Mày bỏ nó đi Phiến. Mày còn son sắt vậy kiếm một tấm chồng khác đi, chứ không lẽ chịu khổ suốt đời”. Nghe tất cả những lời đó, Phiến chỉ ôn tồn đáp: “Yêu nhau là duyên, cưới nhau là nợ. Sống với cái cảnh ổng tàn phế như vậy là nghiệp chướng. Nhưng dẫu sao cũng còn cái nghĩa, cái tình”.

Phóng to

Bà Tô Thị Phiến: “Yêu nhau là duyên, cưới nhau là nợ. Sống với cái cảnh ổng tàn phế như vậy là nghiệp chướng. Nhưng dẫu sao cũng còn cái nghĩa, cái tình”

Cha mẹ hai bên đều nghèo, dẫu có thương nhói lòng thì họ cũng không thể giúp đỡ gì được cho nỗi bất hạnh ấy của hai người. Phiến bỏ nghề cắt lúa mướn, chuyển sang làm bánh tằm và bánh bò đi bán dạo quanh phường. Có hôm bán được tiền, có hôm mâm bánh chỉ đổi vài lon gạo. Mọi khẩu phần từ sữa cho đến thức ăn của đàn con đều bị cắt hết.

Quy đổi cho sự thiếu chất dinh dưỡng ấy là những liều thuốc đặc trị cho vết thương của ông. Đàn con vốn đã èo uột nay lại càng èo uột hơn. Sau hơn hai năm nằm bất động trên giường, các vết thương của Mới đã lành hẳn. Từ chỗ cụt của tay chân, những mẩu thịt dư cứ mọc ra để hành hạ Mới.

Lết được xuống giường, Mới bắt đầu tập cuộc sống của người bình thường. Bà Phiến nói trong nước mắt: “Nhìn ổng những ngày đó còn thua đứa con nít 3 tuổi. Buồn phận mình, ổng không cho ai chăm sóc gì cả. Ngoại trừ chuyện vệ sinh cá nhân bắt buộc tui phải lo. Chén cơm xới ra đặt trước mặt, ổng cứ vục mặt xuống ăn. Vừa ăn vừa khóc”. Cuộc sống cứ thế trôi qua, mâm bánh bò và bánh tằm của bà cứ nặng dần lên theo sự ra đời của những người con khác. Nghĩ cũng lạ, mặc dù là phế nhân nhưng ông cũng đã có thêm với bà bốn mặt con nữa. Tổng cộng trai gái trong nhà ông bà đúng bảy người.

Trong 21 năm trời, ông chỉ lết đi lết lại trong căn nhà bé xíu và ẩm thấp đó. Chẳng biết làm gì, có khi tiếng thở dài than trách số phận của ông cũng kiệm lại. Dường như khi đã đến tận cùng nỗi đau, người ta không còn cảm giác đau đớn nữa. Năm 1988, vô tình một người bạn cũ của ông ghé thăm. Thấy cảnh bạn mình như vậy, vị khách đề nghị ông đi bán vé số để phụ giúp vợ nuôi gia đình. Vé số thời điểm đó chỉ 50 xu một tờ. “Ông cứ đi bán đi, không cần vốn, tui bảo lãnh. Nếu ngày nào bán không hết thì tui ôm, ông yên tâm” - người bạn đề nghị. Vậy là ông Mới gia nhập đoàn quân bán vé số từ ngày ấy.

Từ ngày về nhà sau tai nạn, lần đầu tiên ông nhờ bà ẵm ra khu vực đầu đường lớn để ngồi bán vé số. Xấp vé số đặt trên mảnh nilông để bên vệ đường, trước mặt ông là cái lon nhôm. Hễ khách muốn mua vé số, cứ tự nhiên chọn vé và đặt tiền vào cái lon nhôm ấy. Nhiều khách thấy ông cụt cả tứ chi như vậy nên dẫu không mua vé số nhưng cũng đặt vào cái lon ấy ít tiền. Cứ mỗi lần có khách nào bỏ tiền vào lon mà không lấy vé số, ông đều kêu giật ngược lại để trả số tiền kia.

Hành động đó của khách đương nhiên xuất phát từ lòng tốt, nhưng lại khiến ông mặc cảm về cơ thể tàn tật của mình. Ngày đầu tiên bán vé số về, cầm được ít tiền lời đưa cho vợ là lúc ông cảm thấy cuộc đời mình đáng sống nhất. Người đàn ông 48 tuổi là ông khi đó mới có thể len lén thở dài như trút được sự u uất trong lòng đè nén mình mấy chục năm nay. Nhưng niềm vui kéo dài mấy hôm, cơ thể không lành lặn của ông cứ tiếp xúc với mặt đường hoài nên sinh ra đau nhức.

Nỗi đau từ những đốt xương cụt khiến ông gần như chết giấc bên vệ đường. Mặc, ông vẫn giấu vợ giấu con để được tiếp tục bán vé số. “Hơn 20 năm tôi sống bám vào bà ấy như đứa con nít chưa thôi nôi. Thậm chí, mọi sinh hoạt cá nhân của tui bà ấy cũng lo. Nhìn vợ cực vậy đau lòng lắm nhưng lại không dám nói ra. Nói ra sợ vợ tủi phận mà tui cũng tủi. Nên khi kiếm được đồng tiền, có chết tui cũng phải kiếm nữa” - ông nói. Hôm sau, trước khi ra ngồi bán vé số, ông nhờ bà mặc cho ông thêm hai cái quần cụt nữa, tổng cộng là ba cái quần để chống chọi với sự ma sát của những mẩu xương cụt và mặt đường đầy sỏi đá.

Kiếm được tiền, hình như ông cũng bắt đầu tỉnh dần sau nỗi đau. Điều đó biểu hiện rõ nhất trong mỗi bữa ăn gia đình. Thay vì vục mặt xuống chén cơm, ông đã nhờ con mình buộc hai cọng dây thun vào đầu xương cụt tay phải, kẹp dưới cọng dây thun là cái muỗng dài và bắt đầu từ tốn xúc cơm ăn. Ông kể với chúng tôi là từ lần ăn cơm đó, ông mới nhận ra mình vẫn là con người. Còn trước đây, mỗi lần vục mặt vào bát cơm ăn, ông lại có cảm giác mình là con gì đó chứ chẳng phải là người.

Cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi đi, bảy người con của ông bà đều đã lớn. Chỉ có điều cái nghèo bám từ đời ông bà nội, bà ngoại đến đời bố mẹ họ và nay vẫn tiếp tục ám ảnh đời họ. Con trai ông bà lấy vợ, con gái lấy chồng, oái ăm thay, không có cái đám cưới nào ra dáng một ngày vui. Nó cứ ảm đạm đến tội nghiệp.

Cô dâu mặc áo dài cũ về nhà chồng, chú rể khoác vội cái áo mướn hoặc mượn mà đi đón vợ. Thương con đến bạc tóc, nhưng ông bà thì làm được gì dẫu cho xấp vé số có dày hơn và mâm bánh bò ngày một nặng thêm. Chín miệng ăn, một cơ thể tàn tật đã hút cạn nhựa sống của họ. Không thể thoát cái vòng luẩn quẩn đó, những đứa con trong gia đình lớn lên đều nghỉ học sớm và kiếm sống bằng nghề làm thuê làm mướn, trai cũng như gái.

Dâu nghèo, rể nghèo... lắm lúc ông bà vẫn phải cật lưng ra mà lo cho đám cháu. Cái nghèo bao giờ cũng đi đôi với việc đông con. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đáng lo bằng căn bệnh của bà. Căn bệnh không rõ nguyên nhân, chỉ nhức đầu thường xuyên và bà luôn có cảm giác như ai nện vào bà hàng trăm cú đấm. Có thể đó là căn bệnh do sự u uất và lao động quá sức nhiều năm liền cộng lại. Bà bệnh, mâm bánh bò và bánh tằm coi như bỏ đi, ông lại trở thành trụ cột chính trong gia đình. Có lúc bà mệt, bốn năm ngày liền không đủ sức để tắm rửa cho ông là chuyện bình thường. Và rồi, vé số lên giá, lượng khách mua giảm đi đáng kể, bữa ăn trong gia đình của ông bà lại càng thiếu chất hơn. Vậy mà vận rủi với ông bà đâu dừng lại ở đó.

Người con trai út của ông bà lấy vợ cách đây khoảng 10 năm, hai vợ chồng sống chung với ông bà. Anh sinh đứa con đầu lòng là con trai, khi thằng anh lên 3 thì đứa em gái ra đời. Túng quẫn, cô vợ trẻ đã bỏ lại cả hai đứa con mình cho ông bà chăm sóc rồi đi biệt xứ. Bà nói: “Kể ra nó cũng tội, nhà mình nghèo như vậy, nó có bỏ đi tui cũng không trách gì. Nhưng núm ruột mình rứt ra thì bỏ sao đành”. Còn anh con trai út thì đi làm phụ hồ, bữa có việc bữa không. Vợ bỏ đi, anh buồn lại sinh thói nhậu nhẹt. Con trai anh đi học cũng từ tiền bán vé số của ông nội, con gái anh có sữa uống cũng từ cái thân thể tật nguyền đó của ông nó.

Hôm chúng tôi ghé nhà thăm ông, trời miền Tây bị ảnh hưởng cơn bão số 4 nên mưa dầm liên tục. Hai ngày liền ông không thể ngồi vỉa hè để bán vé số, hơn nữa, năm nay ông cũng đã gần 70, cái cơ thể không lành lặn ấy không đủ “kiên nhẫn” để chiều lòng ông như ngày xưa nữa. Không biết làm gì hơn, ông gom vài ngàn lẻ còn sót lại mua vài ổ bánh mì không cho cả nhà ăn cầm hơi.

Đứa cháu gái nhỏ được nửa ổ, thằng cháu nội đang học lớp 3 được nguyên ổ. Ông ngồi, hút thuốc và cười khan. “Giờ không cười thì biết làm gì hả chú? Với lại, sống với cái nghèo khổ riết rồi mình cũng đã quen. Có gì đâu, khóc cũng khổ mà cười cũng khổ. Vậy thì tại sao lại không cười. Cười để giả bộ quên đi cái kiếp người mà mình đang mang”. Không biết ông lấy đâu ra cái triết lý cực đoan đến vậy.

Trước khi chia tay ông, chúng tôi có bỏ lại ít tiền. Sợ ông tự ái, phải kiếm cớ cho thằng nhóc cháu nội ông, gọi là tiền cho nó sắm sửa sách vở để vào năm học mới. Dường như cả căn nhà như có thêm sinh khí từ số tiền ít ỏi trên. Gần nửa đời người ông duy trì sự sống bằng cái cơ thể dị dạng ấy, gần nửa đời người bà thủy chung chăm sóc ông vì cái nghĩa từ lời nói năm xưa. Cuộc sống đâu ai biết trước chuyện gì. Có thể nhiều người sẽ phải học cách khúc chiết của ông: “Khóc cũng khổ, cười cũng khổ. Vậy thì việc gì không cười để giả bộ quên”.

Ông cười vậy thôi, nhưng chúng tôi vẫn tin rằng ông có quên được đâu khi mà ngày mai trời vẫn mưa và cả gia đình vẫn phải cầm cự cái đói bằng những ổ bánh mì không.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận