Ông Hai Ngọ - lực hút nhân tâm của trí thức Sài Gòn

KIM SƠN 29/06/2013 20:06 GMT+7

TTCT - Sự ra đi của viện sĩ, tiến sĩ Dương Quang Trung để lại niềm tiếc thương sâu sắc cho nhiều người, gợi nhớ những ký ức sâu nặng về ông - một trí thức, một nhân cách lớn...

Viện sĩ, tiến sĩ Dương Quang Trung - Ảnh: Kim Sơn

Sáng 23-6, PGS.TS.BS Võ Văn Thành gọi điện cho tôi báo tin dữ: “Chú Tư Trung (bác sĩ Dương Quang Trung) mất rồi”. Tôi choáng váng, bàng hoàng. Cảm xúc mất mát dâng tràn, cùng lúc bao kỷ niệm về những tháng ngày gặp gỡ, làm việc cùng chú ùa về.

Tên chú gắn liền với hình ảnh một trí thức được đào tạo tại Pháp, người có kiến thức uyên bác mà khiêm nhường, bao dung và đức độ, cả đời tâm huyết, hết lòng với việc thu hút nhân tâm về cùng một mối: cùng chăm lo cho sức khỏe của dân, phát triển nền y học nước nhà, cụ thể là mảnh đất Sài Gòn - TP.HCM, nơi ông đảm nhận chức vụ phó giám đốc rồi giám đốc Sở Y tế từ sau ngày giải phóng. 

Trong giai đoạn đất nước bị cấm vận, thiếu thốn mọi bề, nhiều bác sĩ ở Sài Gòn lần lượt từ bỏ quê hướng xứ sở ra nước ngoài sinh sống, chính ông cùng với chú Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) nhiều đêm trăn trở, họp bàn tìm mọi cách giữ chân nhiều bác sĩ ở lại. 

BS Võ Văn Thành, một chuyên gia đầu ngành về xương khớp, kể lại chuyện cũ: 25 năm về trước - trước ca mổ cặp song sinh dính liền Việt - Đức, khi có dịp ngồi cùng xe với ông đi công tác, ông hỏi thăm gia đình riêng bác sĩ Thành rồi bằng ánh mắt nghiêm nghị, ông bảo sẽ cho bác sĩ Thành đi tu nghiệp tại Pháp. Nhưng như nhiều trường hợp khác, ai cũng lo ngại bác sĩ có dịp đi rồi sẽ không về. Bác sĩ Thành hứa với ông: “Anh cho em đi chính thức, đàng hoàng, em sẽ trở về đàng hoàng”. 

Lúc ấy, ông nhắc lại lời chú Sáu Dân: “Cho đi mười, bốn người trở về xây dựng đất nước cũng được”. Và sau đó không chỉ bác sĩ Võ Văn Thành, rất nhiều thầy thuốc khác, đặc biệt là lớp trẻ như êkip bác sĩ mổ tim được ông gửi sang Pháp học hai năm, đều đã trở về và trở thành những phẫu thuật viên tim tài hoa, đến nay đã thực hiện hơn 20.000 ca mổ. 

Ông là vậy. Một nhân cách đường hoàng, tấm lòng bao la rộng mở và đầy thuyết phục khiến những người trí thức Sài Gòn không phụ lòng ông.

Nhiều lần làm việc với ông, khi nói về những trăn trở khi tình hình y đức ngày càng xuống cấp, ông bảo đó là điều khiến ông thắt lòng nhất. Bởi “nghề y để cứu người chứ không phải để làm giàu. Nếu ai ham làm giàu thì đừng chọn nghề y”. Tôi lo lắng chuyện y đức càng ngày cứ như tuột dốc không phanh, làm cách nào để cứu người bệnh trong thời buổi kim tiền là trên hết, thì nghe ông nói: Hãy lấy nhân đức thắng bạo tàn. Hãy trồng hoa và nhổ cỏ dại từ từ... 

Khi chuẩn bị in quyển sách Những thiên thần áo trắng, tôi có đến gặp ông xin ý kiến bởi băn khoăn giữa hai bài từng viết về ông, một bài là “Có một viện sĩ hàn lâm phẫu thuật Pháp mang tên Hai Ngọ” và bài kia là “Xin nguyện một đời làm bóng râm cho lớp bác sĩ trẻ”, hỏi ông thích bài nào. Ông nói thích bài trước với cái tên “Hai Ngọ” vì với ông, những ngày sống với đồng đội trong chiến khu, giữa rừng già là những ngày đẹp nhất và cũng là những ngày tháng đau đớn không thể nào quên khi ông phải ôm từng thi thể đồng đội quàn trong bao nilông đi chôn cất... “So với những hi sinh ấy thì khó khăn hôm nay có nghĩa gì, việc mình làm cũng rất nhỏ nhoi” - ông trầm ngâm khi hồi tưởng.

Ông cho rằng việc mình làm “rất nhỏ nhoi”, nhưng thật khó tưởng tượng sự phát triển của ngành y tế thành phố nếu thiếu ông. Và cũng thật may mắn khi có được ông để nhiều cơ ngơi y tế được ông tâm huyết gầy dựng và phát triển các chuyên khoa, như các Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Trung tâm Tai mũi họng, Trung tâm Mắt, Trung tâm Răng hàm mặt (nay đều là các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành), rồi Viện Tim, Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế (nay là Đại học Phạm Ngọc Thạch)...

Dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn miệt mài làm việc như con tằm nhả tơ, không hề nghỉ ngơi. Không nghỉ đến tận phút cuối cùng, bởi vẫn còn nhiều công trình dang dở dù ông đã ở tuổi 85. 

Người thầy thuốc uyên bác mà bình dị ấy, người là lực hút nhân tâm của trí thức từ nhiều nguồn và giữ chân họ ở lại, sống chết với nghề và tận tụy cống hiến hết lòng cho người bệnh... đã thật sự để lại một giá trị chân lý sống quý giá cho cõi nhân gian này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận