Olympic Tokyo 2020: Thách thức để trưởng thành

VŨ CÔNG LẬP 31/07/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Trong biến động và thử thách, thể thao thế giới đang đối mặt với thách thức để trưởng thành. Euro 2020 đã vượt qua, và bây giờ là Olympic Tokyo 2020.

Số ca bệnh COVID-19 tăng, bao gồm cả ở VĐV. Biến thể Delta hoành hành ngày một dữ dội. Từ ngoài khơi, bão táp đang ngấp nghé đổ lên đất liền. 

Các quy tắc phòng chống dịch trong Thế vận hội được sửa đổi và cập nhật liên tục. Không khí khẩn trương. Vẫn còn băn khoăn. Nhưng tất cả đã nằm trong vòng kiểm soát. Olympic Tokyo 2020 diễn ra đúng theo kế hoạch.

Naomi Osaka bên ngọn đuốc Olympic. Ảnh: Reuters

 

Vắng vẻ mà âm vang

Cả thế giới hướng về lễ khai mạc. Đấy là buổi trình diễn nghệ thuật, đồng thời là buổi lễ long trọng tuyên bố chính thức cho một sự khởi đầu. 

Nhìn xuống sân, nhất là qua màn ảnh truyền hình, vẫn thấy sắc màu rạng rỡ, vẫn được thưởng thức những nét đặc trưng của văn hóa Nhật Bản. Vẫn là nỗi hân hoan như vẫn quen thuộc và đợi chờ.

Nhưng cũng cảm nhận được chưa bao giờ có một lễ khai mạc vắng vẻ như vậy vì khán giả không được vào sân. Không có những khán đài dậy sóng, mà chỉ còn bốn phía vắng lặng. 

Càng vắng lặng hơn khi tất cả cùng đứng lên cử hành lễ mặc niệm. Nhưng chính vào lúc ấy, chúng ta bỗng hiểu ra rằng cái vắng lặng hôm nay thật ra chứa đựng một sức âm vang lớn, nhắc nhở về cái giá phải trả để được đứng ở đây trong giờ phút này.

Âm vang đấy đến cả với những khán giả đang ngồi trước màn ảnh truyền hình, ngóng chờ Thế vận hội. Chúng ta hay nghe rằng lễ khai mạc là một tấm gương phản ánh thời đại. 

Thời đại hôm nay là thời đại đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực bản thân và tinh thần đoàn kết. Chỉ như vậy thì mới có được những ngày hội thể thao, và hy vọng lần đại hội sau sẽ lại đông đúc.

Có lẽ so với Bắc Kinh 2008, London 2012 và Rio de Janeiro 2016, thì Olympic Tokyo 2020 không tráng lệ bằng. Nhưng không vì thế mà kém sâu sắc. 

Nghệ thuật hôm nay nhắc nhở chúng ta một cách giản dị về những gì rất cụ thể. Màn trình diễn mở đầu thật đơn giản, với hình ảnh trung tâm là một người, có thể là VĐV, là bạn hay là tôi, với một máy tập chạy mà chúng ta đều quen thuộc được đặt giữa sân.

Anh tập khoan thai, với những bước chạy đều đặn nhịp nhàng, dừng lại ngồi nghỉ một chút rồi lại tiếp tục. Như chúng ta vẫn chạy ở nhà hay ở phòng tập. 

 
 Hai linh vật của Olympic 2020

Thế vận hội là cuộc tranh tài đỉnh cao của thế giới, nhưng sức mạnh của một tòa tháp, dù thể hiện trên đỉnh, phải dựa trên một cái nền vững chãi. 

Cái nền được tạo nên từ muôn vạn người tập đơn giản và cái máy giản dị đang ở giữa sân kia. Nhất là trong mùa chống dịch, tất cả phải bắt đầu từ công việc của mỗi người, một cách cụ thể.

Cùng nhau

Không đến nỗi thật khó khăn nhưng phải đủ ý thức và có sự kiên trì. Một màn trình diễn như mọi lần, có lẽ vào hôm nay lại không thật phù hợp, không chỉ vì quá tốn kém, mà vì bản thân thông điệp định truyền tải. 

Thế giới năm nay, sau 2 năm chống COVID-19, cần một sự nỗ lực khác.

Cho nên Olympic 2020 nêu lên khẩu hiệu mới: “Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn - cùng nhau”. 

Vươn lên không ngừng, khát khao chinh phục, nâng cao khả năng của con người, nhưng hãy cùng nắm lấy tay nhau. Đấy là bài học của công cuộc chống dịch, và là tuyên ngôn của thể thao quốc tế từ năm nay.

Không phải chỉ là một nền thương mại toàn cầu, mà chống dịch, chống biến đổi khí hậu, chống khí thải CO2, bảo vệ màu xanh và sự đa dạng sinh học, tất và đều gắn bó, liên kết với nhau và đòi hỏi cách ứng xử, cách tổ chức hành động “cùng nhau”. 

Nếu “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn” là chỉ ra mục tiêu cụ thể, có thể đo đạc một cách vật lý, và định giá một cách vật chất, thì “cùng nhau” lại định rõ một thái độ, một giá trị tinh thần.

Nhiều giá trị tinh thần hiện nay thực sự không được xác định rõ ràng, dễ gây mơ hồ, cho nên phong trào Olympic đưa thêm vào khẩu hiệu một tiêu chí có giá trị tương đối độc lập với các tiêu chí khác là điều rất đáng hoan nghênh. 

Nó cũng gợi mỗi người chúng ta nhớ về trách nhiệm, vừa làm việc cụ thể, lại vừa hướng tới những giá trị lớn lao hơn.

Ngọn lửa Olympic phần nào đánh dấu sự trưởng thành của con người trong toàn bộ lịch sử tiến hóa của mình. Chúng ta vẫn nhớ những câu nói hay nhắc đến thường ngày: “Trong lòng như có lửa”, “Trong tim như thắp lửa”. Ở Tokyo là một ngọn lửa như vậy. Người châm lửa là VĐV quần vợt Naomi Osaka.

Khi nhận ra Osaka, tự nhiên trong lòng tôi trào lên cảm giác rưng rưng khó tả. Phải chăng cô được chọn chính vì hai chữ “cùng nhau”? Nữ VĐV này tượng trưng cho sự hòa hợp các màu da, văn hóa, lối sống, một công dân của toàn cầu, để xóa bỏ mọi tỵ hiềm về phân biệt đối xử.

Phải chăng Osaka còn được chọn vì khẩu hiệu “Cao hơn, nhanh hơn, mạnh hơn”? Bởi cô là VĐV người Nhật có thành tích thi đấu nổi bật nhất thời gian qua, và cũng gợi niềm hy vọng cho những tấm huy chương của chủ nhà ở Olympic Tokyo 2020? 

Hay Osaka được chọn đơn giản vì cô là một VĐV được mọi người yêu mến, do tinh thần thi đấu, do thái độ nhẹ nhàng, thân ái, đầy quyết tâm nhưng cũng rất kiệm lời, thậm chí lắm lúc có cảm giác cô ngại hơn thua và sẵn sàng nhường nhịn.

Dự nhiều Thế vận hội, biết hết những gương mặt được vinh dự thắp lửa, ai cũng xứng đáng, ai cũng là thần tượng, nhưng thú thật tôi thích nhất gương mặt được chọn lần này, và tôi tin nhiều người cũng như tôi.

Thế vận hội nào cũng là một cột mốc của phong trào Olympic. Nhưng rõ ràng Olympic Tokyo 2020 giữ vị trí đặc biệt. Vì hoàn cảnh thời đại, nhưng chúng ta vẫn may mắn được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm, được là một phần, dù nhỏ đến đâu, trong đó. Đây lại cũng là sự ưu đãi của số phận. 

Dù dự Thế vận hội trong quy tắc giãn cách, không được gần gũi, không được tay bắt mặt mừng, thậm chí do khẩu trang mà mỗi khuôn mặt chỉ còn lại đôi mắt, chúng ta vẫn cảm thấy gắn bó với nhau hơn bao giờ hết. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận