Nuôi dạy trẻ hoang dã

CAM LY 28/04/2015 21:04 GMT+7

Chỉ trong vòng một thế hệ qua, hiện đại hóa, công nghệ hóa và đô thị hóa đã gần như tiêu diệt hẳn tinh thần hoang dã kiểu “người rừng Tarzan” của trẻ em toàn cầu. Theo một số liệu thống kê gần đây, tại Mỹ trung bình một đứa trẻ chỉ được tiếp cận với thiên nhiên khoảng 7 phút hằng ngày, trong khi lại ngồi trước các loại màn hình điện tử khoảng bảy giờ.

Những đứa trẻ được thỏa thích “tắm mình trong rừng” - Ảnh: mkginbc.blogspot.com

Giới nghiên cứu khoa học cảnh báo sự thiếu hụt nghiêm trọng không gian ngoài trời và lối sống tách biệt với thiên nhiên đang để lại những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe tinh thần và thể chất của thế hệ trẻ. Làm cách nào để xoay chuyển tình trạng này?

“Hội chứng thiếu thiên nhiên” và sức khỏe trẻ em

Hầu hết nghiên cứu khoa học về tác động môi trường đến sự phát triển của trẻ em được thực hiện trong hai thập niên gần đây nhằm tìm ra giải pháp cho nhiều vấn đề sức khỏe mà thế hệ trẻ em hiện nay phải gánh chịu.

Theo các kết quả nghiên cứu này, sự “giam cầm” tinh vi mà trẻ em đang phải chịu trong thời đại ngày ngay dẫn đến những tác hại về sức khỏe thể chất lâu dài, từ chứng béo phì đến hội chứng “thiếu ánh nắng” khiến chất lượng phát triển cơ thể bị sụt giảm. Thêm vào đó, việc thiếu hẳn cơ hội độc lập tiếp cận với môi trường tự nhiên cũng khiến trẻ em dần dần mất khả năng giải quyết khó khăn bất thường, suy giảm óc sáng tạo.

Thiếu vận động trong môi trường tự nhiên cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ em bị sút giảm khả năng tập trung. Hiện nay tại Mỹ có đến 17% trẻ em đang phải dùng các loại thuốc giúp tăng khả năng tập trung.

Ở một tầm mức rộng hơn, việc mất đi cơ hội gắn kết với thiên nhiên cũng làm giới trẻ giảm lòng yêu môi trường nói chung. Theo tiến sĩ thạch học Scott Sampson - tác giả cuốn sách Làm thế nào để nuôi dưỡng một đứa trẻ hoang dã (phát hành tháng 3-2015), các nhà khoa học môi trường cảnh báo nguy cơ biến đổi môi trường liên hệ chặt chẽ với việc con người đang dần nguội lạnh lòng yêu môi trường, thiếu nhận thức về sự thiết thực của sức khỏe môi trường đối với sức khỏe và sự tồn tại của bản thân mình.

Sự tách biệt giữa trẻ em ngày nay và môi trường tự nhiên xung quanh chúng là hiện tượng mà tiến sĩ Robert Michael Pyle, nhà nghiên cứu động vật hoang dã nổi tiếng tại Mỹ, gọi là “sự tuyệt chủng của những trải nghiệm”.

Trong buổi trò chuyện với Đài phát thanh quốc gia Mỹ NPR ngày 26-3, tiến sĩ Sampson cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc thế hệ trẻ hiện nay dành nhiều thời gian trong các khối nhà bêtông nhiều hơn lang thang ngoài trời.

Một trong những nguyên nhân này là nỗi sợ hãi bị bắt cóc do nghe và đọc quá nhiều nguồn tin báo chí về chuyện này - cho dù xác suất một trẻ em bị bắt cóc tại Mỹ ngày nay hoàn toàn không cao hơn vào thập niên 1950 hay 1960! Nguyên nhân thứ hai là việc các gia đình, vì lo lắng con mình bị thua sút so với bạn bè, cố gắng sắp xếp lịch “làm việc” cho trẻ em quá dày đặc và theo dõi quá sát sao, dẫn đến việc trẻ em đơn giản không còn chút thời gian nào để lang thang độc lập.

Thêm vào đó là sự chú trọng quá mức của nhà trường vào việc dạy số và chữ, trong khi lơ là nền tảng phát triển trẻ em. Một nhà hoạt động môi trường tại Buffalo, New York cho biết khi cô tiếp cận với các trường học trong thành phố để kêu gọi nhà trường dành thêm thời gian cho trẻ em được ra sân chơi giữa buổi học để chúng được nghỉ ngơi và hồi phục, cô thường được hồi đáp rằng nhà trường không có ngân sách cho hoạt động này và học sinh không đủ thời gian để học, nên làm gì còn thời gian ra sân chơi.

Thậm chí ở một số trường, học sinh còn bị phạt bằng việc không được cho ra sân chơi!

Nguyên nhân thứ ba, có xu hướng tăng đột biến trong những năm gần đây, là sức hấp dẫn của các loại công nghệ điện tử với vô vàn chương trình nhắm tới trẻ em, dẫn đến hội chứng nghiện công nghệ thậm chí từ khi trẻ chưa bước vào tuổi đến trường.

Theo tiến sĩ Sampson: “Điều đáng buồn nhất là ngày nay, bộ phận trong cơ thể trẻ em được rèn luyện nhiều nhất chính là... ngón tay cái!”. Cuối cùng, ở tầm mức xã hội, tốc độ đô thị hóa của nhân loại dẫn đến sự thiếu hụt không gian thiên nhiên trầm trọng: Kể từ năm 2008 đến nay, hơn một nửa nhân loại đã dồn về các vùng đô thị trên toàn cầu, dẫn đến tình trạng đô thị ngày càng phình to ra và nuốt mất hoặc làm xuống cấp những mảng thiên nhiên quý giá còn lại.

Năm 2012, Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới đã thông qua nghị quyết “Quyền được kết nối với thiên nhiên và hưởng thụ môi trường lành mạnh của trẻ em”, trong đó xác định sự cách biệt giữa trẻ em và thiên nhiên ngày nay là vấn nạn toàn cầu cần được quan tâm triệt để.

Gắn kết với thiên nhiên sẽ giúp tăng tình yêu với môi trường - Ảnh: c.l.

Giải pháp cho một thế hệ “hoang dã” hơn

Tác dụng tích cực của việc hòa mình vào thiên nhiên đã được chứng minh và thâm nhập vào văn hóa truyền thống của nhiều nước. Nhật Bản có truyền thống “tắm mình trong rừng” (Shinrin-yoku), tức đi dạo trong rừng một thời gian ngắn nhằm mục đích giảm stress, giảm trầm uất, xoa dịu thần kinh, tăng cường trạng thái trao đổi chất trong cơ thể.

Hiện Nhật Bản có 44ha rừng dành riêng cho truyền thống này. Ở các nước Bắc Âu, chính sách học đường cho phép trẻ em có nhiều thời gian nghỉ giữa buổi học hoặc giữa các tiết học để ra sân chơi thư giãn.

Từ nhiều nghiên cứu qua hai thập niên gần đây, các nhà khoa học đã chứng minh việc trẻ em được ra ngoài trời có ảnh hưởng tích cực rõ rệt, cụ thể là giảm độ căng thẳng và trầm cảm, tăng khả năng giải quyết vấn đề, tăng độ tập trung. Ngoài ra, việc tự do tìm tòi và nghịch đất cát, cành cây, cỏ dại... cũng là yếu tố trợ giúp khả năng sáng tạo và óc tò mò của trẻ em.

Tuy nhiên, việc thiết lập thói quen trở về với thiên nhiên và khơi gợi lại tình yêu thiên nhiên cho trẻ em không phải là một tiến trình đơn giản. Khi một thế hệ đã bị thui chột lối sống hòa hợp với thiên nhiên - vốn là lẽ sống tự nhiên từ ngàn đời nay - việc phục hồi lối sống lành mạnh truyền thống đòi hỏi có sự phối hợp của gia đình, nhà trường, cộng đồng xung quanh trẻ em và văn hóa nói chung của toàn xã hội.

Bắt đầu thiết lập lại thói quen sống thân thiện với thiên nhiên hơn là bước đi đầu tiên mà những người ủng hộ phong trào nuôi dạy trẻ hoang dã đề xuất.

Trên trang web của mình, tiến sĩ Sampson đề ra chương trình 30*3, kêu gọi các gia đình đưa trẻ em ra ngoài trời ít nhất 30 phút một lần và ít nhất ba lần một tuần. “Hãy để cho bọn trẻ ném đá, trèo cây, bước ra khỏi lối mòn và hãy nhìn xem trẻ con phản ứng tích cực như thế nào đối với những đổi thay tưởng chừng rất nhỏ đó” - ông khuyến khích.

Bên cạnh đó, người lớn là một thành tố quan trọng trong tiến trình đảo ngược sự tách biệt giữa trẻ em và thiên nhiên. Tiến sĩ Sampson kêu gọi: “Khi bạn đang chở trẻ con đến trường, hãy trò chuyện với con về trời mây, về cây cối, về gió và mưa. Hãy dành cho chính bạn vài phút để mắt đến thiên nhiên xung quanh mình. Vì khi bạn trân trọng thiên nhiên, con cái bạn sẽ được giáo dục lòng yêu thiên nhiên từ chính bạn”.

Tại mỗi cộng đồng và khu phố, người dân được khuyến khích chung tay trồng một mảnh vườn nhỏ để từ đó côn trùng và chim chóc tìm về. Các trường học cũng được khuyến khích thay đổi lịch học tập của học sinh để trẻ em được ra hít thở không khí nhiều hơn, lăn lộn trên cỏ nhiều hơn, thậm chí có thể nằm trên cỏ dưới gốc cây mà làm bài tập.

Ngoài ra, ở các đô thị và ngoại vi thành phố, phong trào nuôi dạy trẻ hoang dã cũng đề xuất với chính quyền đưa vào quy hoạch tổng thể hệ thống đường đi bộ rộng rãi, vì đó là giải pháp xã hội để thúc đẩy trẻ em bước ra ngoài nhiều hơn.

Theo tiến sĩ Sampson, một khu quy hoạch không có đường đi bộ đồng nghĩa với việc chỉ định cho mọi người bước ra khỏi nhà là leo lên xe, chuyển từ một không gian kín này sang một không gian kín khác. Trong khi đó, theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ, ô nhiễm không khí trong môi trường kín nặng nề hơn ô nhiễm không khí ngoài trời 2-10 lần và hiện là mối nguy hại môi trường lớn nhất cho sức khỏe con người.

Mạng lưới trẻ em và thiên nhiên, do Richard Louv, tác giả cuốn sách Đứa trẻ cuối cùng trong rừng nêu tác hại của một thế giới thiếu thốn tình yêu thiên nhiên - đồng sáng lập, cho biết hiện nay tại các nước Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Ý, Mexico và Colombia có trên 100 chương trình vận động quy mô lớn, tiến hành thường xuyên các chương trình kêu gọi quay về với thiên nhiên hướng tới hàng triệu trẻ em mỗi năm.               

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận