Nước Pháp và cuộc chiến chống phe cực hữu

DANH ĐỨC 12/03/2017 17:03 GMT+7

TTCT - Tại sao Tổng thống Pháp François Hollande ra sức thuyết phục dân Pháp về “nguy cơ cực hữu”? Chính trường Pháp đang tan tác? Dân tình Pháp đang rối ren? Nước Pháp cực hữu sẽ như thế nào?

Từ trái qua: ông Macron, ông Fillon và bà Le Pen -ladmedia.fr
Từ trái qua: ông Macron, ông Fillon và bà Le Pen -ladmedia.fr


Sáng thứ hai 6-3-2017, nhật báo uy tín hàng đầu ở Pháp Le Monde đánh thức mọi người bằng một bài bình luận dựa trên cuộc phỏng vấn Tổng thống đương nhiệm François Hollande, lấy tựa đề là “Đối với Hollande và (Thủ tướng Bernard) Cazeneuve, cuộc chiến tối hậu chính là chống lại Mặt trận Dân tộc”,

và câu khởi là: “Quốc trưởng và thủ tướng của ông đã từ khước ra tranh cử tổng thống và quốc hội, song họ liên tục di chuyển với hi vọng sẽ chặn được sự thăng tiến của Marine Le Pen”.

Nội dung phỏng vấn này được nhiều báo Pháp khác lặp lại dưới dạng báo động. Tờ L’Express chạy tít: “Hollande: chiến thắng của Marine Le Pen là mối đe dọa có thật!”.

Đài Europe 2 cũng thế: “Mối đe dọa thắng lợi cho Marine Le Pen ở cuộc bầu cử tổng thống”. Kênh tin tức LCI thì: “Theo Hollande, nguy cơ Marine Le Pen thắng cử là hiện hữu”...

Mối đe dọa thực sự

Tại sao ông Hollande lại gọi khả năng thắng cử của thủ lĩnh Mặt trận Dân tộc (FN) là “mối đe dọa”?

Chẳng qua do thực tế của tình hình: “Phe cực hữu chưa bao giờ lại chiếm ưu thế như thế từ hơn 30 năm qua. Nếu chẳng may nữ ứng cử viên FN thắng cử, bà ấy sẽ ra khỏi khu vực đồng euro, thậm chí ra khỏi cả EU nữa. Nhiệm vụ tối thượng của tôi chính là làm tất cả để nước Pháp không bị thuyết phục bởi một dự định như thế, cũng như đừng phải chịu một trách nhiệm lớn như thế”.

Cảnh báo của ông Hollande rất có cơ sở. Từ lâu, ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen đã dẫn đầu trong các kết quả thăm dò dư luận.

Đài truyền hình BFMTV ngày 6-3 công bố kết quả một cuộc thăm dò mới: ở vòng một cuộc bầu cử tổng thống, bà Le Pen sẽ dẫn đầu với 27% cử tri có ý định bỏ phiếu cho bà, ứng viên “ngôi sao đang lên” Emmanuel Macron về nhì với 24%, còn đại diện cánh hữu François Fillon về ba với 19%.

Hiện các kết quả thăm dò đều dự báo sang vòng hai thì các kịch bản sẽ là: (1) nếu bà Le Pen tỉ thí với ông Macron thì ông này sẽ thắng với 60% số phiếu; (2) còn nếu bà Le Pen đấu với ông Fillon thì ông này sẽ thắng với 56% số phiếu.

Song, tình hình dư luận và chính trường Pháp ngày càng không thuận lợi chút nào cho các đối thủ của bà Le Pen.

Vấn đề ở chỗ, trong khi đảng cực hữu đang cứ vẫn thu hút dân tình muốn một nhà nước “cứng rắn” sau lưng bà Le Pen, thì nội bộ các đảng tả hữu cứ rối như canh hẹ, nhất là cánh hữu.

Ứng cử viên chiến thắng trong vòng sơ bộ của các đảng cánh hữu hôm 20-11-2016 là cựu thủ tướng Fillon thì mãi đến chủ nhật vừa rồi (5-3) vẫn còn phải chơi canh bạc “một mất một còn”: huy động 50.000 người ủng hộ ra quảng trường Trocadero đối diện tháp Eiffel để chứng minh rằng bất chấp những cáo buộc “tư túi” tiền lương bị cho là “ảo” của vợ và hai con ông, quần chúng vẫn tin tưởng ông cùng chương trình tranh cử “thay khác” của ông.

Ông Fillon đã đạt mục đích khi nhiều người nghe theo tiếng gọi của ông, giương cao lá cờ tam tài.

Thế nhưng, sự rạn nứt và lung lay vẫn rất rõ. Trước chủ nhật “thoát chết” vừa qua của ông Fillon, phe phái của ông vẫn còn đòi ông phải tìm người thay để ra tranh cử.

Điều Tổng thống Hollande lo sợ là bộ phận dân tình bất phục, bất mãn sẽ vì ngán ngẩm sân khấu “chính chị, chính em” quá lắm chiêu trò mà... ở nhà không đi bỏ phiếu, hoặc ngả về phía bà Le Pen, ngay ở vòng một. Nguy cơ là như vậy!

Theo một cố vấn của ông Hollande, còn hơn một tháng nữa mới tới ngày bầu cử, nếu bà Le Pen tiếp tục bứt lên trong các cuộc thăm dò dư luận, có khi bà sẽ bỏ xa ứng cử viên về nhì ở vòng một.

Tỉ lệ phiếu có thể chưa đến mức quá bán để bà lên làm tổng thống luôn, nhưng nếu khoảng cách là hơn 10% sẽ rất khó cho người về nhì - dù đó là ông Macron hay ông Fillon - lật ngược thế cờ ở vòng hai.

Giải thích sự vươn lên của FN

Về mặt kinh tế, trong 15 năm qua, dân Pháp đang thấy mình ngày càng khốn khó, nhất là đặt cạnh láng giềng Đức đang trở nên hùng mạnh từng ngày. Năm 2002, hai cường quốc của châu Âu có GDP bình quân đầu người còn tương đương nhau.

Nhưng Đức, dưới thời Gerhard Schröder, đã cải cách mạnh mẽ; còn Pháp, dưới thời Jacques Chirac, đứng yên tại chỗ. Kết quả là giờ tính theo ngang giá sức mua, dân Đức có thu nhập bình quân cao hơn 17% so với Pháp.

Tỉ lệ hàng hóa xuất khẩu tính riêng trong EU của Pháp cũng đã giảm từ 13,4% xuống còn 10,5%, trong khi tỉ lệ thất nghiệp ở mức 10% - và 25% trong những người dưới 25 tuổi - so với chỉ 4% ở Đức.

Những nghi hoặc về kinh tế chồng chất thêm bởi cảm giác mà Laurent Bouvet, một nhà khoa học chính trị, gọi là “sự bất an về văn hóa”. Ba cuộc khủng bố lớn diễn ra trong 18 tháng các năm 2015 và 2016 khiến lòng tin của nước Pháp lung lay nghiêm trọng.

Cuộc bầu cử tổng thống sắp tới sẽ diễn ra trong tình trạng khẩn cấp, đã được gia hạn 4 lần kể từ tháng 11-2015. Dân Pháp giờ phải học cách sống chung với những binh sĩ vũ trang tận răng tuần tra tại các nhà ga và địa điểm công cộng.

Bà Le Pen thành công không phải vì nghị trình của bà (hạ tuổi về hưu, đánh thuế cao hơn với công nhân nước ngoài và tăng mạnh chi tiêu quốc phòng), mà bởi tài năng pha trộn hai dòng dân túy chủ lưu của Pháp: chống người nhập cư, nói về bản sắc và các giá trị tôn giáo, được ưa thích ở miền nam Pháp; chống lại giới cầm quyền cố hữu và thị trường tự do, ở miền bắc.

Cùng lúc, tâm lý nghi ngờ với châu Âu đang dấy lên mạnh mẽ. Tỉ lệ người Pháp nhìn châu Âu một cách hữu hảo đã giảm từ 68% vào năm 2004 xuống còn 38% vào năm 2016, theo một cuộc thăm dò của Pew, tức mức còn thấp hơn cả ở Anh, nơi đã diễn ra Brexit.

Lại có bàn tay ngoại quốc?

Nhiệm vụ tối thượng của tôi chính là làm tất cả để nước Pháp không bị thuyết phục bởi một dự định như thế.

Tổng thống Pháp FranÇois Hollande

Trong thực tế, cảm giác mất an ninh, từ an ninh xã hội đến an ninh kinh tế, vì gánh nặng người nhập cư cứ tích tụ năm này sang năm khác, từ những năm 1990 khi mà cha đẻ của bà Marine Le Pen, ông Jean-Marie Le Pen, còn đang hùng hổ bài ngoại, đã dẫn đến một nhu cầu rất có thật là siết lại làn sóng nhập cư cũng như nhu cầu giữ lại công ăn việc làm cho người Pháp “bản xứ”.

Điều mà ở Mỹ ông Donald Trump đã hứa và đang làm cũng là điều mà ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen đang rao trong chương trình tranh cử 144 điểm của bà, mà điểm đầu tiên là “...trả lại cho dân Pháp chủ quyền tiền tệ, lập pháp, lãnh thổ, kinh tế của mình”.

Tức từ bỏ đồng euro về lại với đồng quan Pháp và xây dựng một “chủ nghĩa yêu nước kinh tế” bằng cách thoát ra khỏi những trói buộc trong EU song song với việc ra khỏi các hiệp định kinh tế đa phương; đàm phán lại các hiệp định song phương; giành thị trường mua sắm công cho các xí nghiệp Pháp cùng các xí nghiệp vừa và nhỏ; ra một sắc thuế bổ sung đánh vào việc sử dụng người lao động nước ngoài...

Để làm được như thế, nhất thiết nước Pháp phải không còn trong khuôn khổ luật pháp chung của EU nữa, ra khỏi không gian Schengen, khôi phục biên giới riêng của Pháp, giảm số người được nhập cư xuống còn 10.000 người/năm, thôi chương trình nhập cảnh vì “đoàn tụ gia đình”, chấm dứt quy chế hai quốc tịch, không còn đương nhiên nhập tịch do sinh ra ở Pháp nữa...

Chương trình 144 điểm quả dựa trên tâm tư của một số dân chúng Pháp đang mong muốn siết lại kỷ cương.

Song, từ đó dẫn đến việc nước Pháp ra khỏi chính trường thế giới bằng cách thôi “xung phong” cáng đáng các nghĩa vụ quốc tế vào lúc mà từ sau khi nước Anh ra khỏi EU, châu Âu chỉ còn một đại diện duy nhất là Pháp trong thường trực Hội đồng Bảo an.

Ngoài những nguy cơ với bản thân nước Pháp như ông Hollande đã nêu, một chính sách đối ngoại xa lánh EU của Pháp còn tạo ra rủi ro sự chi phối của Nga và Trung Quốc tại châu Âu nói riêng và thế giới nói chung sẽ lại càng lớn, một khi Mỹ, Anh và Pháp đều xác định “thân ai nấy lo”.

Nếu nước Pháp trong tay bà Le Pen cũng ra khỏi EU, coi như ông Putin “bất chiến tự nhiên thành”. Một EU mà Ukraine tháng 12-2012 nhất định đòi gia nhập và bị Nga phản kháng bằng vụ Crimea tháng 3-2013, coi như tan tành!

Có thể cũng bởi thế, và bởi nhìn thấy bài học nhãn tiền ở Mỹ trong cuộc bầu cử cuối năm ngoái, mà ngày 19-2 vừa qua, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault đã cảnh cáo những can thiệp vào cuộc bầu cử ở Pháp:

“Nước Pháp sẽ không chấp nhận việc người khác ra lệnh cho mình phải chọn ai. Tôi mạnh mẽ nhắc lại, lợi ích của nước Nga, của nước Mỹ và thế giới còn lại, đó là một châu Âu ổn định, hoạt động trơn tru, đảm nhận trách nhiệm của mình”.

Cảnh báo được đưa ra sau khi chính Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi của Nga (ASV) vào đầu năm nay đã buộc FN phải trả lại số tiền 9 triệu euro mà Ngân hàng Đệ nhất Czech - Nga đã cho đảng này vay vào tháng 9-2014, khi ngân hàng này giải thể vào giữa năm ngoái.

Vụ này phát lộ từ báo chí Nga ngay sau khi tổng thư ký FN, Nicolas Bay, vừa đính chính những phanh phui của tờ Con Vịt Buộc rằng đảng này mới vay thêm 30 triệu euro từ phía Nga, bằng một câu chung chung: “Chưa ký kết một hợp đồng vay tín dụng nào cả”.

Không chỉ nhập nhèm tài chính, trên mặt trận thông tin, có thể thấy rõ hằng ngày Đài Russia Today (RT) Pháp ngữ của Nga đã bắt đầu ra sức cổ động cho bà Le Pen và tấn công đối thủ số một của bà này là ông Macron.

Trả lời phỏng vấn Sky News ngày 5-3, giám đốc phụ trách chiến dịch tranh cử trên các nền tảng số của ông Macron, Mounir Mahjoubi, nói thẳng Nga đứng đằng sau “những cuộc tấn công trình độ cao” và truyền thông được Kremlin tài trợ là “nguồn thông tin sai lạc đầu tiên”.

“Tôi muốn nói chính xác rằng RT và Sputnik News là nguồn thông tin sai lạc đầu tiên lan truyền thông tin về ứng viên của chúng tôi” - ông Mahjoubi nói. Đáp lại, cả RT và Sputnik bác bỏ các cáo buộc, nhưng các cơ quan tình báo Pháp sẽ phải rất sẵn sàng cho cuộc bầu cử sắp tới, với những gì diễn ra ở Mỹ là bài học nhãn tiền cho họ.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận