Nước Anh: Sau mơ mộng là thực dụng

HỒ QUỐC TUẤN 29/10/2022 17:07 GMT+7

TTCT - Ông Rishi Sunak, 42 tuổi, sẽ trở thành thủ tướng trẻ nhất nước Anh trong 200 năm qua và cũng là thủ tướng da màu đầu tiên trong lịch sử đất nước. Vậy là trong vòng 4 tháng, nước Anh đã có 4 bộ trưởng tài chính, 3 bộ trưởng ngoại giao và 3 thủ tướng.

Nước Anh: Sau mơ mộng là thực dụng - Ảnh 1.

Ông Rishi Sunak sẽ lên thay bà Lizz Truss. Ảnh: Sky News

Những biến cố liên tục với chính quyền ở cấp cao nhất không chỉ khiến nước Anh trở thành chủ đề đàm tiếu của mạng xã hội, nghiêm trọng hơn, nền kinh tế Anh đang có nguy cơ là ngòi nổ gây ra rủi ro hệ thống với thị trường tài chính toàn cầu. 

Sự bất ổn ở Anh có thể không khu biệt ở nước này, như nhận định của cựu bộ trưởng tài chính Mỹ và nhà kinh tế nhiều ảnh hưởng Larry Summers. Bất ổn của thị trường trái phiếu Chính phủ Anh và các quỹ hưu trí có thể tạo làn sóng lây lan sự sợ hãi sang nhiều thị trường khác.

Vậy liệu ông Sunak nắm quyền thủ tướng có thể giúp ổn định tình hình?

Người tốt nhất nước Anh có thể có

Dựa vào hiểu biết của tôi với tình hình ở Anh, thì đây là lựa chọn tốt nhất mà nước Anh có thể có lúc này.

Ông Sunak, ngay từ cuộc đua với bà Truss và những ứng viên khác để thay thế thủ tướng Boris Johnson mấy tháng trước, đã cho thấy rõ là người hướng tới những chính sách thực dụng và ổn định, dù không gây được ồn ào trên truyền thông. 

Có lẽ chính vì vậy ông đã thua trong cuộc đua với bà Truss, người đưa ra sứ mệnh về một chính phủ "nhỏ", ít can thiệp vào nền kinh tế, giảm thuế, và thúc đẩy tăng trưởng bằng những kế hoạch chi tiêu mạnh tay (mà không biết tiền đến từ đâu).

Nhiều đảng viên của Đảng Bảo thủ Anh chọn bà Truss vì những hứa hẹn giảm thuế thu nhập và những gói chi tiêu hỗ trợ nền kinh tế khổng lồ, đồng thời đảm bảo không tăng thuế đánh vào các khu vực đang kiếm lợi nhuận cao đột biến như dầu khí hay ngân hàng. Bà và bộ trưởng tài chính Kwasi Kwarteng của mình định tài trợ những chương trình đó bằng nợ vay.

Điều làm tôi ngạc nhiên là quá nhiều người tin vào kế hoạch hão huyền này. Tôi đã nhiều lần đặt câu hỏi "tiền đâu mà làm vậy?" trong các cuộc thảo luận về chính sách của tân thủ tướng Anh, và nhiều người lảng tránh theo kiểu "rồi sẽ tìm ra cách", "nước Anh thiếu gì tiền", "người ta là thủ tướng thì phải có tính toán chứ". Tôi nhận ra số người có thể tin chuyện hai nắp đậy được 10 nồi này đông hơn tôi tưởng.

Nhưng thị trường thì không tin. Người nắm giữ trái phiếu Anh nhìn thấy triển vọng u ám của công nợ quốc gia, nếu bà Truss và ông Kwarteng quả làm như họ nói. 

Thế là họ ồ ạt bán trái phiếu. Thủ tướng Anh và bộ trưởng tài chính có thời gian tại vị ngắn nhất lịch sử đã không thèm tham khảo ý kiến độc lập, bỏ ngoài tai quy trình thông thường là tham vấn chuyên gia về tác động lên ngân sách của các chính sách này. 

Họ không tin giới chuyên gia, mà với họ là những người chỉ biết thọc gậy bánh xe, không đủ tầm nhìn, cản trở quyết tâm chính trị của họ.

Hậu quả giờ đã rõ. Theo điều trần với chính phủ, các quỹ hưu trí ở Anh chỉ cách bờ vực "thảm họa" có vài tiếng đồng hồ, khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) buộc phải can thiệp trước tình trạng mất thanh khoản và rủi ro đổ vỡ hàng loạt trên thị trường trái phiếu. 

Cuộc can thiệp tốn kém 65 tỉ bảng Anh đấy lẽ ra đã tránh được nếu chính phủ Truss tham vấn các quỹ hưu trí, chuyên gia kinh tế và cơ quan đánh giá độc lập về ngân sách trước khi ra quyết định.

Thôi đi những mơ mộng

Tinh thần mạo hiểm, "liều ăn nhiều" của đội ngũ bà Truss đồng thời phản ánh góc nhìn nóng vội của một số người ủng hộ Brexit. Họ tin rằng phải làm gì đó ngay lập tức để hiện thực hóa tầm nhìn nước Anh chính quyền nhỏ, ít can thiệp, thuế thấp, ít bị ràng buộc bởi những quy định quan liêu của EU nhờ Brexit. Sự nóng vội đó suýt nữa đã đưa nước Anh vào thảm họa tài chính.

Hiện giờ, Anh vẫn đang đứng trước những thử thách kinh tế khổng lồ. Thị trường tài chính vẫn mong manh, lạm phát cao, niềm tin tiêu dùng tuột dốc không phanh, chi phí năng lượng đè nặng lên hộ gia đình và doanh nghiệp. Khả năng Anh tránh được suy thoái kinh tế vào năm 2023 cũng vô cùng thấp. Đó là những điều đầu tiên ông Sunak thừa nhận sau khi nhậm chức.

Ông là người ủng hộ Brexit (thậm chí còn là thành phần Brexit "trung kiên": ông ủng hộ Brexit khi chính ông Johnson còn đang lưỡng lự), và cũng tin tưởng vào lý tưởng điển hình của phe Bảo thủ: chính phủ nhỏ, chi tiêu công ít, thuế thấp, cải cách môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp. Nhưng ông không phải người thúc đẩy thị trường tự do và chính phủ ít can thiệp ở mức độ cực đoan như đội ngũ của bà Truss.

Ông Sunak là một chính trị gia thực dụng. Thời điểm để thực thi chính sách với ông cũng quan trọng không kém nội dung chính sách. Ông đã công khai phản đối kế hoạch chi tiêu của bà Truss khi tranh cử vì cho rằng nó không đúng lúc và có thể gây bất ổn kinh tế. 

Ông ủng hộ chính sách tài khóa "có trách nhiệm", cụ thể là giảm nợ công về mức chấp nhận được, nhưng vẫn chi tiêu hỗ trợ những khu vực cần thiết trong nền kinh tế cần "vượt khó" do chi phí cao. Điều đó đồng nghĩa phải tăng thuế với những khu vực đang kiếm nhiều tiền, và tăng thuế thu nhập.

Nước Anh thời Sunak, vì vậy, sẽ không phải là nước Anh muốn đột phá hay lập tức đảo chiều. 

Thay vào đó, nước Anh đấy sẽ buộc phải trải qua giai đoạn khó khăn với những chính sách khắc khổ: lãi suất cao; tăng thuế đánh vào người giàu và những ngành hưởng lợi từ giá năng lượng cao, để tài trợ cho dân chúng và doanh nghiệp khi lạm phát ngất ngưởng; hâm nóng quan hệ với EU - đối tác thương mại lớn và gần gũi nhất - để giảm thiểu tác động tiêu cực do thiếu hụt nguồn lao động giá rẻ từ đấy, chưa kể thủ tục xuất nhập khẩu rườm rà, chủ yếu do Brexit. 

Đồng thời, chính phủ Sunak cũng phải tìm cách tận dụng lợi ích của Brexit để bỏ bớt một số quy định quá chặt trên thị trường tài chính và công nghệ, khởi động lại những dự án chi tiêu công trọng điểm về năng lượng và hạ tầng.

Muốn vậy, ông Sunak phải đoàn kết các thành viên trong Đảng Bảo thủ dưới một tầm nhìn mới. Họ phải bỏ hẳn những giấc mơ hão huyền và bớt nói chuyện tái lập những huy hoàng của đế chế Anh một thời. 

Trong bối cảnh hiện tại, nước Anh cần ưu tiên cho các động lực tăng trưởng kinh tế (một trong những thông điệp hiếm hoi đúng đắn của cựu thủ tướng Truss), nhưng không thể thực hiện mô hình nhà nước nhỏ, thuế thấp như thời hậu chiến, điều mà nhiều thành viên Đảng Bảo thủ ao ước, nhưng trong bối cảnh này, như thực tế nắm quyền của bộ đôi Truss - Kwarteng cho thấy, không hề khả thi.

Là một người lạc quan, tôi vẫn tin vào sự thực dụng của người Anh. Sau thất bại với những thử nghiệm to gan và mơ mộng của bà Truss, các chính trị gia Anh sẽ ủng hộ các chính sách ít gây sốc và thực tế hơn, bắt đầu với ông Sunak. ■

Ai sẽ là bộ trưởng tài chính?

Tầm nhìn của ông Sunak tương thích với chính sách mà bộ trưởng tài chính đương nhiệm Jeremy Hunt được cho là sẽ hướng tới. Một trong những việc đầu tiên ông Hunt làm khi lên thay ông Kwarteng là lập lại nhóm cố vấn kinh tế. điều mà ông Kwarteng không đoái hoài tới.

Trong trường hợp ông Hunt rời đi trong tương lai (có đồn đoán rằng ông Sunak chỉ tạm giữ ông Hunt cho lúc khó khăn này thôi, rồi sẽ tìm đồng minh chính trị để thay ông sau), ông Sunak nhiều khả năng cũng sẽ bổ nhiệm một bộ trưởng tài chính kiểu truyền thống như vậy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận