Nốt nhạc trầm cuối cùng của một người Hà Nội

PHẠM THỊ NGỌC LIÊN 11/12/2021 00:00 GMT+7

TTCT - Tạm biệt anh. nhé - nốt nhạc trầm của Hà Nội.

 
 Nhạc sĩ Phú Quang. Ảnh: Nguyễn Khánh

1.Tôi vẫn luôn nghĩ anh là một người không vui. Nỗi buồn lạ lắm, có che giấu đến cỡ nào, nó vẫn hiện ra trong bất chợt. Ở anh là đôi mắt dù đang cười vẫn như ẩn một giọt nước mắt, là nét môi đôi khi cắn chặt giữa một nốt đàn, là ly cà phê nhỏ đến giọt cuối cùng, đã nguội lạnh rồi mà chưa được nhấp môi, là điếu thuốc không buồn gạt tàn và khói đã ám vàng trên những ngón tay.

Anh là người thành công về mọi mặt. Tên tuổi và tài năng của anh vang xa không chỉ trong nước mà ở nhiều nước khác, ở đâu có người Việt, nhất là người Hà Nội, hẳn đều có tác phẩm của anh trong nhà mình - những bài hát rất riêng của một trời Hà Nội xanh. Như anh có lần bảo: “Tôi thấy lá của Hà Nội xanh hơn lá của các nơi khác”.

Có gì lạ đâu khi anh bảo mình yêu Hà Nội đến vô cùng, đến nỗi khi chọn Sài Gòn là nơi an trú thứ hai, nơi mang đến thành công không ít đối với anh, anh vẫn viết “mỗi khi lòng xác xơ tôi lại vội vã trở về - lấy cho mình dù chỉ là chút bóng đêm trên đường phố quen, dù chỉ là một chiều sương giăng lối cũ…”. Câu thơ của Thanh Tùng lúc ấy đã hòa lẫn vào nhạc của anh thành một khối buồn, khối nhớ thương và khắc khoải. Có lẽ vì vậy, anh có nhiều bài hát về Hà Nội phổ từ thơ của bạn bè. Nhưng ai không thường đọc thơ, hẳn sẽ nghĩ chính anh đã viết nên những dòng chữ ấy. Mỗi bài hát như một lời tự tình với chính mình. Nỗi nhớ mùa đông (Không đề gửi mùa Đông, thơ Thảo Phương); Đâu phải bởi mùa thu (Yên tĩnh - Giáng Vân); Em ơi, Hà Nội phố (thơ Phan Vũ); Tình khúc 24 (thơ Dương Tường); Nỗi buồn (Cỏ, chim sẻ và châu chấu, Hoàng Phủ Ngọc Tường)…

2. Một buổi sáng mùa đông cách đây khoảng hơn 20 năm, tôi nhận được một cuộc điện thoại. Mới lần đầu gọi mà anh nói tự nhiên như thể chúng tôi quen biết lâu lắm rồi: “Anh muốn cho Ngọc Liên nghe bài hát này. Nhà Liên có piano không?”. Và anh đến, ngồi vào trước cây đàn Yamaha của tôi, vừa đàn vừa hát bài Im lặng đêm Hà Nội. Tôi cảm động đến sững sờ. Phú Quang bảo: “Xin lỗi vì anh đã phổ nhạc trước khi xin phép Liên. Nhưng anh không thể không viết ngay lúc ấy, lúc vừa xem hết câu thơ cuối: Im lặng đến tê người. Đời anh cũng đã từng có những im lặng tê điếng như thế…”.

Cuộc trò chuyện kéo dài bên bình trà từ đầy đến cạn cho tôi thấy hình ảnh rõ nhất của anh - một người đàn ông khá lụy tình và làm nhiều phụ nữ lụy tình mình; một trái tim âm ỉ buồn rầu, một tính cách đầy kiêu hãnh chen lẫn mặc cảm của người lập nghiệp xa quê hương, trên hết là nỗi cô đơn chấp chới ẩn hiện trong đôi mắt. Hoạt ngôn, hóm hỉnh, tâm hồn bay bổng, phóng khoáng, anh gieo nhiều nỗi lụy tình cho những phụ nữ vây quanh để rồi cũng nhận lại cho mình những nỗi đau tan vỡ. “Tôi đã yêu như chết là hạnh phúc/ Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em… Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc/ Em tìm gì khi thất vọng về tôi?”. Tôi cho rằng khi phổ nhạc bài thơ Khúc mùa thu của Hồng Thanh Quang, anh đã nghĩ đó chính là tâm sự của mình. Ấy cũng là lúc anh đọc câu thơ “Chỉ còn hơi ấm mối tình đau. Anh đi có đôi lần nhìn lại. Chỉ còn em, im lặng đến tê người…” của tôi và thấy mình đứng tê dại ở một góc hồ, nhìn theo bóng hình người xa dần rồi mất hẳn.

Dạo ấy, Phú Quang mở một quán cà phê trên đường Đồng Khởi, nơi anh gọi là Tình khúc 24 của anh. Một mặt tường gạch trần phía trái quán đầy kín chữ ký của các nhạc sĩ, ca sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà báo… Tôi thấy chữ ký của Trịnh Công Sơn, Trịnh Cung, Kiều Tuấn, Hồng Nhung, Ngọc Anh, Phan Vũ, Cẩm Vân… và nhiều người nổi tiếng khác nữa. Mặt tường với vô vàn chữ ký đầy màu sắc ấy như bức tranh lập thể vẽ từ tình cảm của mọi người dành cho anh. Tôi đã vui thích ký tên trên một viên gạch, mỗi lần ghé đó uống cà phê, tôi luôn phải dò tìm viên gạch của mình, xem nó đã lẫn vào đâu trong hàng hàng lớp lớp chữ ký sau tôi. Năm 2008, khi Phú Quang quyết định quay về Hà Nội sống, quán cà phê đổi chủ và bức tranh chữ ký ấy đã không còn…

Những bài hát về tình yêu của anh có thể là niềm an ủi, những giọt nước mắt nhỏ xuống cho người và cho đời. Nhưng nó có an ủi được chính anh không? Sâu trong đôi mắt lấp lánh của anh, tôi vẫn nhìn thấy những bông hoa tàn héo. Tôi vẫn thấy cái tôi cô đơn của anh lừng lững buồn.

3. Hà Nội hôm nay đã vào đông. Chút lá thu vàng cuối cùng có lẽ đã rụng đầy trên vỉa phố. Còn người ấy vĩnh viễn đi rồi. Người có nhiều nỗi buồn hơn vui. Tôi tin rằng ở đâu đó trên những vòm cây xanh biếc trời Hà Nội, những vạt sương phủ kín mặt hồ hay những con đường rụng đầy lá vàng khi mùa sang, anh vẫn đứng để ngắm nhìn. Giờ đây thì không “vội vã trở về, vội vã ra đi” nữa, anh ở lại trong những tiếng dương cầm vang ra từ nhiều ô cửa, lắng nghe những lời chúc lành từ mọi người, và từ đó, những nỗi buồn sẽ được an yên.

Tạm biệt anh nhé - nốt nhạc trầm của Hà Nội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận