Nỗi bối rối của môn sử

SĨ PHU 07/12/2015 17:12 GMT+7

TTCT - Kết thúc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa này vào cuối tuần trước, nhiều người từng lo lắng về việc bỏ môn sử ắt đã thở phào hài lòng. Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ: “Tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới”.

Minh họa DAD

Điều này gây ngạc nhiên cho nhiều người, vì chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD-ĐT đưa ra chỉ mới là dự thảo. Mà đã là dự thảo thì phải để mọi người thảo luận, bàn cãi, góp ý, kể cả tranh luận như đã thấy qua không khí khá gay gắt ở một hội thảo gần đây.

Bản thân quá trình này rất quan trọng vì sẽ giúp ban biên soạn chương trình nhận được các ý kiến phản biện ở nhiều góc cạnh mà chính bản thân họ có thể không lường hết được. Nó cũng quan trọng vì đây là cơ hội tiếp xúc giữa người nghiên cứu và giới thực hành - tức các nhà giáo dục và thầy cô giáo đứng lớp - để tìm tiếng nói chung giữa lý thuyết và thực tiễn.

Cuộc thảo luận về môn sử - chỉ là một phần rất nhỏ của chương trình tổng thể - hóa ra rất thú vị. Thoạt tiên là tiếng nói của một số người trong giới sử gia lên án chuyện “xóa sạch” môn sử, cương quyết giữ lại môn sử làm môn độc lập, thậm chí môn học bắt buộc.

Lập luận của họ khá võ đoán vì thực tế không ai bỏ sử ra khỏi chương trình. Giới chuyên gia nghiên cứu giáo dục bình tĩnh hơn khi trình bày những tham khảo của họ với chương trình của nước ngoài để nêu lên những kinh nghiệm nên học hỏi.

Quan trọng hơn cả, luồng ý kiến chiếm được sự đồng tình của nhiều người là đề nghị nhân cơ hội này nêu lên những yếu kém của việc biên soạn chương trình môn sử hiện nay cũng như cách dạy khô khan, mang tính áp đặt kiến thức chứ không khơi gợi tinh thần ham muốn tìm hiểu lịch sử nước nhà và cả lịch sử thế giới.

Vì thế không khỏi bận tâm tới câu hỏi: Kết luận của Quốc hội có đặt một dấu chấm hết cho quá trình trăn trở tìm cách tiếp cận tốt nhất? Liệu đây có là nguy cơ tạo ra một tiền lệ, chẳng hạn sau này có dự thảo nào muốn đổi mới cách thi cử thì chỉ cần khéo léo tạo dư luận để Quốc hội một lần nữa đưa ra kết luận?

Nếu đọc cả câu trong nghị quyết của Quốc hội mới thấy trong việc này có một phần lỗi của lãnh đạo ngành giáo dục. Nghị quyết viết: “Thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và nội dung nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới”. Nhưng nếu tra cứu lại nghị quyết số 88 nói trên, ắt mọi người sẽ rất ngạc nhiên khi thấy câu: “Ở cấp tiểu học và cấp THCS thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp”.

Như vậy, nghị quyết năm ngoái yêu cầu lồng ghép các môn tạo thành môn học tích hợp, nghị quyết năm nay lại yêu cầu giữ môn học lịch sử. Đó là bởi lãnh đạo ngành giáo dục đã không biết cách giới thiệu cho công luận biết những nỗ lực biên soạn chương trình của mình, tạo ra những hiểu nhầm và lôi kéo sự chú ý của mọi người vào một số lĩnh vực nhỏ chứ không phải tổng thể chương trình như mong muốn.

Hệ quả là với những người biên soạn chương trình, nay Quốc hội ra nghị quyết như thế, có lẽ họ cũng bối rối chẳng biết đường nào mà lần. Nếu làm theo phần đầu (tức theo nội dung của nghị quyết 88) thì họ sẽ “tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên”. Nhưng như vậy làm sao “tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới”?

Một nhà giáo đề xuất theo kiểu nửa đùa nửa thật: thay vì có môn khoa học xã hội thì nay cứ đặt tên thành “khoa học về lịch sử và địa lý” sẽ làm hài lòng tất cả.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận