Những trò chuyện văn chương châu Á

THUẬN 11/11/2022 08:18 GMT+7

TTCT - Hàn Quốc có những mô hình tuyệt diệu để quảng bá văn chương. Dịch văn học, với quốc gia này, đã là một chiến lược quốc gia.

Những trò chuyện văn chương châu Á - Ảnh 1.

Nhà văn Thuận (thứ ba từ trái qua) cùng các đồng nghiệp châu Á tại festival. Ảnh: BTC Festival

Văn chương Hàn bắt đầu có dịp "đối đầu" với các nền văn chương khác. Không gì kích thích nghệ thuật hơn những sóng gió với bên ngoài. Và không gì phản sáng tạo hơn sự bình yên ru ngủ.

Mùa hè vừa rồi, sau sự kiện xuất bản Chinatown ở Anh và Mỹ, tôi bất ngờ nhận được nhiều lời mời từ các lễ hội văn học quốc tế nhưng Asian Literature Festival lần IV của thành phố Gwangju khiến tôi quan tâm hơn cả. 

Trước hết, có lẽ vì tôi đặc biệt có cảm tình với Hàn Quốc: bằng tinh thần cởi mở, ý chí thép và sự chuyên nghiệp mà ít dân tộc nào bì kịp, họ đã giành được những kết quả đáng ngưỡng mộ trong âm nhạc, điện ảnh, văn học và nghệ thuật thị giác. Đất nước này thường xuyên phải đương đầu với hiểm họa chiến tranh, kinh qua rất nhiều biến động chính trị - xã hội, đã trở thành một cường quốc văn hóa của châu Á.

Ngôi làng ánh sáng Gwangju

Được thành lập năm 57 TCN, từng là thủ phủ của Bách Tế trong thời kỳ Tam Quốc, thành phố Tây Nam của bán đảo Triều Tiên này theo thời gian đã trở thành một trung tâm chính trị -kinh tế lớn. Ngày nay, đô thị trung ương này nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất ô tô và xây dựng đường sắt, với các xí nghiệp dệt bông, các nhà máy gạo và bia…

Nhưng trên hết, phải kể đến vai trò đặc biệt của Gwangju trong lịch sử hiện đại của đất nước: Năm 1929, vào thời kỳ Nhật chiếm đóng, giữa các sinh viên Hàn Quốc và Nhật Bản ở Gwangju đã nổ ra xung đột rồi biến thành một cuộc biểu tình lớn mà đỉnh điểm là một vụ nổi loạn có mức độ toàn quốc chống lại sự áp bức bóc lột của đế quốc Nhật. 

Hơn 5 thập niên sau, năm 1980 nhân dân thành phố Gwangju vùng dậy phản đối chế độ độc tài của tướng Chun Doo-hwan. Sự kiện này nhanh chóng bị nhà cầm quyền đương thời gán cho cái tội "phản loạn" và gửi quân đội đến đàn áp, nã súng vào thường dân, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn con người.

Bằng truyền thống tranh đấu quật cường và nền tảng kinh tế vững chắc, nhờ sự trợ giúp của các chính phủ tiến bộ sau này, Gwangju từ hai thập niên nay đã trở thành một địa điểm văn hóa độc nhất vô nhị, được mệnh danh là "ngôi làng ánh sáng" của Hàn Quốc. 

Nơi đây có Asian Cultural Center - trung tâm văn hóa dành riêng cho châu Á, tổ chức những hoạt động văn chương và nghệ thuật chuyên nghiệp mang đẳng cấp quốc tế và tạo sân chơi cho các văn nghệ sĩ châu Á mà trong đó phải kể đến Biennale nghệ thuật Gwangju và Festival văn học châu Á.

Năm nay, thi sĩ Shi-jong Kim là người chiến thắng Giải thưởng Văn học châu Á lần thứ 4. Chủ yếu hoạt động ở Nhật Bản nhưng Kim là nhân chứng của thế kỷ bi thảm vừa qua trên bán đảo Triều Tiên. Ông từng là thành viên của cuộc nổi dậy Jeju vào ngày 3-4-1947 đòi thành lập một quốc gia mới dựa trên sự liên minh dân chủ và hòa bình giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên ở vùng đất mới được giải phóng này. 

Sau khi chuyển sang Nhật sinh sống, Kim với tư cách là một người Nhật gốc Hàn đã không ngừng sử dụng thi ca để đối đầu với nền thống trị của thực dân Nhật. Sáng tác bằng tiếng Nhật ở Nhật Bản, Shi-jong Kim, trong vai trò một "nhà thơ vĩ đại", luôn tập trung vào việc khôi phục sự đoàn kết dân tộc bằng cách làm sống lại phong trào dân chủ, viết về chủ đề Chiến tranh lạnh thời hậu thuộc địa, và qua đó đóng góp cho văn chương thế giới.

Trên màn ảnh phủ kín bức tường chính của phòng hội thảo, chúng tôi ngắm nhìn khuôn mặt ưu tư của Shi-jong Kim, lắng nghe giọng ông run run xúc động đọc những sáng tác của mình và tâm sự về những trầm bổng của một số phận tha nhân độc đáo.

Đi tìm gương mặt đã mất của châu Á

Đó là chủ đề của festival năm nay (In search of Asia’s Lost Face), điều khiến tôi - một fan cứng của Marcel Proust - nghĩ ngay đến tác phẩm Đi tìm thời gian đã mất. Trong ba phiên thảo luận festival (mỗi phiên gồm 4 nhà văn), tôi được xếp vào phiên đầu tiên mà đề tài thảo luận là The Lost Face (Gương mặt đã mất), hai phiên kia là về Thế hệ trẻ ở châu Á (Young People in Asia) và Một chuyển tiếp lớn (A great Transformation). Họ muốn được nghe tôi phát biểu trong tư cách đại diện không chỉ cho văn chương Việt Nam hải ngoại mà còn văn chương châu Á ở châu Âu.

Khách dự (chủ yếu là các nhà văn, thi sĩ và phê bình gia Hàn Quốc) đã đặt cho tôi nhiều câu hỏi: "Tại sao chị không viết văn bằng tiếng Pháp?", "Chị sử dụng ngôn ngữ nào khi giao lưu với độc giả Pháp?", "Những khó khăn mà bản thân chị và các tác giả châu Á gặp phải trong việc xuất bản ở châu Âu?", hay "Có bao giờ chị cảm thấy mình là nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc?"… Những thắc mắc khiến tôi hào hứng và xúc động.

Tôi rất ấn tượng với tham luận "There was never a face" (Không bao giờ có một gương mặt) của tiểu thuyết gia Son Hong-gyu, với nhận định của anh rằng đại dịch Covid 19 là kết quả của lòng tham vô đáy của các cá nhân và nhóm lợi ích trong việc bóc lột cạn kiệt sức người và thiên nhiên. 

"Hầu như không cường điệu khi nói rằng chúng ta đang sống từ thảm họa này đến thảm họa khác" – anh nói, nhưng vẫn giữ niềm lạc quan "Thảm họa không thể hủy diệt nhân loại. Nó buộc chúng ta phải nhìn lại và suy ngẫm về bản chất của mối quan hệ giữa con người với nhau". 

Còn tham luận "Các vực sâu xác định châu Á" đẹp như một bài thơ siêu thực của nữ sĩ Kim Soo-woo mang cho tôi niềm vui dịu dàng: "Bạn không thể định nghĩa châu Á bằng một khái niệm duy nhất. Một hình thức đơn lẻ hay một ngữ cảnh đều không thể chỉ rõ Châu Á vì nó tự mở ra cho chúng ta thấy qua vô số vực sâu của nó. Những vực sâu này không được thể hiện bằng các ký hiệu, cũng không phải trong các khái niệm hoặc quy chuẩn cụ thể. Như vô tận đường hầm dẫn đến vũ trụ bao la, các vực sâu dẫn đường cho chúng ta bằng cách liên tục hỏi và trả lời câu hỏi của riêng chúng…".

Sau những trò chuyện văn chương, chúng tôi lắng nghe lời kêu gọi đoàn kết giữa các tác giả châu Á của bà Lee Kyung-ja, tiểu thuyết gia và trưởng ban tổ chức festival: "Bất chấp những tai ương lịch sử, văn học châu Á đã đóng một vai trò rất tích cực. Các nước láng giềng của chúng ta như Trung Quốc và Nhật Bản, cùng với Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á đều cùng nhau hưởng những kết quả đáng tự hào mà bối cảnh văn học mang lại. Liên hoan Văn học châu Á là nơi để chúng ta trình bày những tác phẩm văn học báo trước sự giải phóng và độc lập mà người dân châu Á giành được, chính tại đây, thành phố Gwangju, nơi ngọn đuốc dân chủ bất diệt được thắp bằng máu và cái chết của nhiều người dân Hàn Quốc vào tháng 5-1980".

Từ năm 2015 đến nay, qua bốn festival, Giải thưởng Văn học châu Á đã lần lượt được trao cho Damdinsuren Uriankhai (Mông Cổ), Bảo Ninh (Việt Nam), Shaheen Akhtar (Bangladesh) và Kim Shijon (nhà thơ, dịch giả Hàn Quốc hiện sống tại Nhật).

Góc nhìn về đề tài tha hương

… Nếu trong tác phẩm của tôi, hiện thực Việt Nam được soi xét qua cặp mắt của một kẻ sống ở bên ngoài thì xã hội Pháp được mổ xẻ dưới cái nhìn của một di dân. Tổ quốc vì vậy không đóng khung trong vịnh Hạ Long và món nem rán, còn quê hương thứ hai nhờ thế mà không lóng lánh như tháp Eiffel hay bảo tàng Louvre. 

Những mảng tối, những phần ít được biết đến, của bên này hay bên kia lần lượt hiện ra dưới ngòi bút của tôi, thường xuyên gây phiền lòng không ít người, nhưng điều đó chưa bao giờ có khả năng ngăn cản tôi viết ra những suy nghĩ và cảm xúc của mình.

Không chỉ là nơi để đi tìm thời gian đã mất, sau ba mươi năm gắn bó, nước Pháp trở thành cây cầu dẫn tôi đến những nền văn minh khác. Tha hương, nhờ vậy, không chứa đựng nước mắt hoài nhớ, mà nó ẩn giấu một nguồn cảm hứng dồi dào. 

Từ tiểu thuyết thứ hai trở đi, nhân vật của tôi không còn là các đồng hương Việt Nam mà cả những di dân đến từ các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Tha hương, di dân, phân biệt chủng tộc, truyền thống và hiện đại, hiện thực và ký ức, căn cước và lai tạp, các vấn đề của Chinatown còn quay trở lại và tiếp tục được đào xới trong các tiểu thuyết khác của tôi, như Paris 11 tháng 8, T mất tích, Thang máy Sài Gòn, B-52 và đặc biệt là Thư gửi Mina: nhân vật chính, một phụ nữ gốc Việt, đã nhân sự vắng mặt của chồng và con trai trong kỳ nghỉ thu năm 2014 để hằng ngày ngồi viết thư cho Mina - người bạn gốc Afghanistan mà cô đã mất liên lạc từ sau khi tốt nghiệp đại học ở Liên Xô. 30 bức thư không bao giờ được gửi đi, dần trở thành một dạng nhật ký nơi cô thổ lộ nỗi niềm về nghề văn, về cuộc đời tha hương bế tắc bên người chồng gốc Do Thái vô cảm. Tất cả trên một phông nền rộng lớn chạy từ Hà Nội của bao cấp đến Sài Gòn của ngày hôm nay, qua nước Nga của perestroika, Kabul của nội chiến và chưa chắc đã dừng ở Paris trong khủng hoảng di dân của đầu thế kỷ 21…

Tha hương cho đến bây giờ là đề tài quan trọng nhất trong các sáng tác của tôi và có lẽ vì nó mà tôi đã chọn viết văn bằng tiếng mẹ đẻ dù đã sống ở Pháp khá lâu. Trên thực tế, tôi yêu ngoại ngữ và có thói quen sống giữa nhiều ngôn ngữ khác nhau. 

Tiếng Pháp, tiếng Nga và cả tiếng Anh đều góp phần làm tiếng Việt của tôi trở nên phong phú và độc đáo hơn. Ví dụ tôi cố gắng mượn ở tiếng Nga những cấu trúc câu tự do, ở tiếng Anh khả năng ghép từ rất năng động, còn ở tiếng Pháp là tính logic, chặt chẽ với những thể, thời, đại từ quan hệ, những câu phức mênh mông cả trang của Proust, những câu ngắn tài hoa và tinh tế của Modiano, cách viết khoáng đạt bất chấp ngữ pháp và cú pháp của Duras, lối diễn đạt cầu kỳ và minh triết của Sartre, những khiêu khích khinh miệt sắc sảo của Houellebecq...

Không ít người nhận xét rằng tiếng Việt trong tay tôi có vẻ không còn Việt lắm. Nhưng Gilles Deleuze - triết gia người Pháp – từng nói: "Giá trị của một nhà văn là trở thành ngoại nhân trong ngôn ngữ mà anh ta dùng để biểu đạt, ngay cả khi đó là tiếng mẹ đẻ".■

Festival 2022 có nhiều nhà văn, nhà phê bình và nhà báo nối tiếng của Hàn Quốc tham dự như Lee Kyung-ja, Ko Myeong-cheol, Kim Soo-Woo, Kwak Hyo-hwan, Kim Si-Jong, Jeon Chan-il, Kim Nam-il, Lee Sang-gi... Phía nước ngoài có các nhà văn Thuận (Việt Nam), Bejan Matur (Thổ Nhĩ Kỳ), Mya Hnin Yee Shein (Myanmar), nhà nghiên cứu Wu Ming-yi (Đài Loan), Catherine Rose Galang Torres (Philippines), Alvin Pang (Singapore) và giáo sư văn học Việt Nam Đoàn Cầm Thi.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận