​Những nỗi sợ bom tấn

HẰNG NGUYỄN 12/06/2015 03:06 GMT+7

Mùa phim bom tấn 2015 được mở màn (theo truyền thống, mùa thu là thời kỳ đông đảo công chúng đi xem phim ở châu Âu, còn các tháng sáu, bảy và tám thì người ta kéo nhau đến rạp ở Bắc Mỹ), đầu mùa là nửa tá phim về những nỗi sợ. Một số các phim đó đang được giới thiệu ở Việt Nam.

Những con người không còn nhà để trở về trong Mad Max  - Ảnh: cnnhit.com

Khi nỗi sợ được hoán đổi

The lonely villa (Biệt thự đơn độc, 1909) là một bộ phim câm dài 8 phút của Griffith (một trong vài nhà làm phim Mỹ tiêu biểu của thời kỳ). Người phụ nữ với ba cô con gái cố thủ trước một cánh cửa, điện thoại vẫn đang hoạt động và bọn cướp chỉ cố cạy phá bằng những vật dụng đơn sơ nhất.

Một thế kỷ sau, khán giả xem phim chỉ còn biết ý nhị cảm thông trước nỗi sợ của thời kỳ ấy, giờ đây điệp vụ làm khán giả phải sợ hãi đã khó khăn hơn nhiều. Cũng vẫn là người Mỹ, năm 1990, một chú bé 8 tuổi "Ở nhà một mình" đã không mấy bối rối khi hai tên trộm định tấn công ngôi nhà của chú.

Thế kỷ 21, trong bộ phim dựng theo cuốn sách về thời dịch tả, câu chuyện chính là vẻ đẹp của tình yêu chứ không phải nỗi lo sợ đại dịch tả. Để khiến khán giả phải sống trong sợ hãi suốt hơn 90 phút của suất chiếu rạp, một số nhà làm phim có thể ăn theo những nạn dịch mới (The flu - Bệnh cúm, 2013), tìm ra một thứ vi khuẩn đáng sợ biến con người thành quái vật khát máu (28 days later - 28 ngày sau, 2002) hoặc khiến người ta nôn ra máu, bong tróc da rồi chịu cái chết đau đớn (Cabin fever - Trạm dừng tử thần, 2002).

Những nỗi sợ không ngừng được làm mới. Và mùa hè này, trong khi San Andreas (Khe nứt San Andreas, do Brad Peyton đạo diễn) mô tả sự sợ hãi đến bất lực của con người trước thảm họa tự nhiên, Tomorrowland (Thế giới bí ẩn, đạo diễn: Brad Bird) dự báo về một thế giới tương lai trong đó sự diệt vong được báo trước, thì Mad Max (Max điên, George Miller đạo diễn) kể câu chuyện thế giới sau một cuộc chiến tranh hạt nhân, không gian sống u ám với những đám mây phóng xạ bay trên mặt đất khô cằn chỉ còn lửa và cát. “Đừng nghiện nước”, lãnh chúa Immortal Joe (Keays-Byrne đóng) lớn tiếng khuyên nhủ bầy người đang thoi thóp tranh lấy nguồn tài nguyên ít ỏi này.

Joe Bất tử sở hữu nước - thứ ông ta gọi là Aqua Cola - và vì vậy ông ta là chúa tể.

Còn nữ chiến binh trong Mad Max Furiosa (diễn viên Charlize Theron đóng) đau đáu trong mình ký ức về một “vùng xanh” của các bà mẹ nơi xưa kia cô từng được sống. Cô đưa các nạn nhân - nô lệ tình dục của Joe - chạy trốn. 2.000 hiệu ứng hình ảnh, âm nhạc kịch tính đã được tạo ra để mô tả cuộc chạy trốn khỏi nỗi sợ thế giới lụi tàn. 

Để tạo ra một thế giới khô cằn hậu tận thế, ngoài đen và trắng, Mad Max chỉ có hai sắc độ chính cam và xanh mòng két. “Đó là người thật, xe thật và sa mạc thật. Tôi không nghĩ còn có cách nào khác để tạo ra tất cả” - đạo diễn George Miller trả lời báo chí. Mad Max có những góc máy rộng tuyệt đẹp mô tả hoặc một bầu trời đầy mây phóng xạ hoặc một sa mạc chỉ có gió lửa và sự nhỏ nhoi bất lực của con người. Nhằm giảm thiểu việc sử dụng các kỹ xảo máy tính khi mô tả cuộc đối đầu sống chết trên sa mạc, đạo diễn hình ảnh John Seale đã gắn các camera điện tử thu lại hình ảnh của 150 chiến xa (với hơn 300 cảnh có diễn viên đóng thế), nhờ đó máy tính trong Mad Max gần như chỉ làm nhiệm vụ duy nhất là “xóa sổ” các giàn và dây cáp an toàn.

Cũng chính vì chỉ sử dụng rất ít kỹ xảo máy tính, nhà sản xuất phải bỏ công nhiều hơn để tập luyện cho diễn viên. Ví dụ với Polecat - các cảnh quay mà chiến binh được “bắn” sang chiến xa khác theo những cọc nhọn, diễn viên đã phải tập với những cọc nhọn theo kỹ thuật truyền thống Trung Quốc (đứng tấn trên cọc nhọn trong võ thuật), sau đó tập thêm tám tuần theo kỹ thuật xiếc. Đó là cách để họ chuẩn bị một trong số các cảnh rượt đuổi chiếm tới 32% thời lượng bộ phim.

Những nỗi sợ đã đổi thay. Không còn là những người ngoài hành tinh sẽ chiếm đóng và tàn sát, không còn là những tật bệnh sẽ hoành hành và giết hại, sự sợ hãi quay về những điều tưởng chừng đơn giản nhất: không nước sạch, không dầu mỏ, không chim thú, không cây xanh. Không còn kể cả một nơi để gọi là nhà. Chỉ còn lại những bầy người đói khát giành giật để sinh tồn.

Vừa xa xôi, lại vừa hiện thực, những nỗi sợ lấy căn nguyên từ dự báo tương lai của chính loài người.

Cái chết của chim hoàng yến 

Và tương lai đó không phải là những điều sáng sủa. Những gì cô bé Casey Newton (Britt Robertson diễn) nhìn thấy nhờ công nghệ tachyon (trong Tomorrowland) không có gì mới hơn những gì loài người từng dự báo: thị trấn Florida quê hương cô chìm trong lũ lụt vì biến đổi khí hậu, những đám đông giẫm đạp nhau do dân số quá tải... “Ong và bướm đang biến mất, băng tan ra, tảo sinh sôi. Xung quanh các người chim hoàng yến đang rơi chết trong mỏ than, mà các người không thấy được gì ư?”. Đó là lời thoại của thống đốc Nix - người cầm quyền trong thế giới bí ẩn của tương lai. Chim hoàng yến là loài vật hộ mạng của các công nhân ngành than tại Anh hồi thế kỷ trước. Nếu lửa bốc lên trong hầm mỏ, nhân viên cứu hộ sẽ mang hai con chim này xuống hầm trước, hoàng yến rất nhạy cảm với khí độc và có thể gục ngã nếu hầm mỏ đang bị nhiễm độc cacbon monoxit.

Những con chim hoàng yến đang chết. Cuộc chiến sinh tử xảy ra không chỉ với voi và tê giác, những con hổ và bầy khỉ, voọc, cuộc chiến sinh tử đã lan sang cả những sinh vật từng hiển hiện phổ biến trên hành tinh.

Tại nước Mỹ quê nhà của hãng Monsanto, khoảng 30% số ong đã chết, nhưng nếu tính riêng loài ong mật thì con số chết (tùy loài) lên tới 90 đến 100%. Ong mật đảm nhiệm việc thụ phấn cho 71 trong số 100 loại ngũ cốc phổ biến nhất (cung cấp 90% lương thực cho loài người).

Con người cần thức ăn tốt thì các loài ong và ngũ cốc cũng vậy, nếu loài ong suy giảm thì thế giới sẽ lâm vào khủng hoảng thiếu ngũ cốc, rau xanh, hoa quả, sữa... và tất cả các nhu yếu lương thực phẩm khác, còn nếu họ tuyệt diệt thì loài người còn rất ít cơ hội sống sót. Không chỉ ong, loài bướm vua (Danaus plexippus) từng là loài bướm phổ biến nhất tại Bắc Mỹ cũng rất nhạy cảm với thuốc diệt cỏ của Monsanto và đang được Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp vào tình trạng sắp bị đe dọa (biến mất).

Cô bé Casey Newton (Britt Robertson đóng) và cú chạm tay đến tương lai trong Tomorrowland - Ảnh: cdn.idigitaltimes

Cơ hội của tương lai

Sự sống đang ngày càng đắt giá. Băng tan ra trên Bắc cực đã khiến gấu trắng mất đi khu vực săn mồi, muốn tồn tại phải săn thịt cả con mình. Ở Trung Quốc, người ta nghĩ ra cách kinh doanh oxy đóng lon bán giá 5 tệ. Những dòng sông khe suối đã chết, chúng ta đang phải trả giá để một cơ quan lọc sạch tất cả rồi bán lại cho ta. Nếu những cây xanh chết đi, trên bầu trời chỉ còn vần vũ những đám mây ô nhiễm, thì tương lai của công cuộc kinh doanh không khí sạch nào đâu chỉ là câu chuyện của một nhóm người chơi trội.

Loài người có thể làm gì? Furiosa trong Mad Max không phải một chiến binh bị đào thải hay ghét bỏ, cô từng là một thủ lĩnh hưởng đặc lợi trong băng nhóm của Joe Bất tử. Nhưng cô đã đoạn tuyệt ân sủng của Joe Bất tử để đưa các nạn nhân của Joe tới vùng xanh.

Liệu loài người có thể từ bỏ đặc quyền của họ, từ bỏ sự say khát với những lợi lộc họ đang được hưởng khi ý thức rằng điều đó tương đương với gieo rắc chết chóc và đau khổ cho những giống loài khác?

Không phải ôtô hay là máy bay, theo một báo cáo dài 400 trang vài năm trước của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc, công nghiệp chăn nuôi chính là thủ phạm lớn nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu: ngành công nghiệp này tạo ra 18% khí thải nhà kính, lớn hơn số khí thải của tất cả xe cộ cộng lại. Và những tác hại này được dự báo tăng lên gấp đôi vào năm 2050 do mức tiêu thụ thịt đang không ngừng tăng. Để sản xuất 1 lít sữa bò phải tiêu tốn tới 990 lít nước và con số cho 1kg thịt bò là 15.415 lít nước.

Ngoài kia, bầy gấu trắng đang kêu cứu. Loài cá voi và cá heo với những nếp gấp não sâu hơn cả loài người đang kêu cứu. Bầy tê giác đang mất đi những cá thể cuối cùng. Loài lợn biết ru con và có trí thông minh hơn một đứa trẻ ba tuổi đang bị nhốt trong những lồng nuôi công nghiệp có kích thước chỉ hơn nửa mét chiều rộng. Có những người bạn của chúng ta, họ đang cần được giải cứu.

Sự giải cứu ấy không chỉ là trách nhiệm đạo đức mà còn chính là quyền lợi của những chiến binh Furiosa trong thế giới con người. Bởi vì không chỉ hai chú chim hoàng yến có thể cứu mạng những người thợ mỏ, mạng sống của các giống loài khác cũng có thể cứu mạng sống của loài người. Như gió, như mây, như nắng trời đã luôn cùng tồn tại, trái đất này không bao giờ có thể chỉ thuộc về một loài người.

Nhưng loài người chưa khi nào ngừng hi vọng. Một bà mẹ từ vùng xanh của Furiosa luôn mang trong người hạt giống cây và gieo trồng lại ở mỗi nơi bà đến. Có hai con sói trong Tomorrowland, một của bóng tối và tuyệt vọng, một của ánh sáng và hi vọng, sự chiến thắng sẽ thuộc về con sói được nuôi dưỡng.

“Những người biết mơ, họ phải gắn với nhau”, lời thoại của người máy biết rung động Athena trong Tomorrowland.      

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận