Những người hiến đất lặng lẽ

HUỲNH VĂN MỸ 12/11/2013 03:11 GMT+7

TTCT - Cuộc sống họ còn khó khăn, từng tấc đất thấm đẫm mồ hôi khai vỡ của họ. Vậy mà họ đã không ngần ngại bỏ ra mỗi người một diện tích đất đai đáng kể để làm đường, xây trường học, xây nhà thôn.

Không ngồi chờ kinh phí hỗ trợ, họ còn rủ nhau góp tiền của, công sức mở đường lớn để xóm làng thông thương được với chợ xa.

Đường vào mấy xóm nhỏ và vào khu sản xuất rộng chừng 60ha của làng Nam Cao (xã Tơ Tung), trong đó chị Long Thị Bách đã hiến đến 400m2. Đường mở rộng đến 6m, rất thuận lợi cho dân làng trong việc đi lại và vận chuyển nông sản - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

7g sáng, những xóm làng nằm dưới chân những dãy núi lớn phía tây nam thị trấn Kbang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đâu cũng rộn tiếng người, tiếng xe máy, xe tải trên những con đường lên rẫy, lên nương hay xuống chợ thị trấn. Không còn cảnh gùi - gánh trên vai, ai cũng lộ vẻ vui tươi, phấn chấn trên đường.

“Giờ thì khỏe cái vai, cái chân nhiều lắm rồi. Chỉ có lo mà làm để có nhiều nông sản bán ra thôi. Cũng là nhờ có mấy con đường mới được mở ra đó” - một người dân bắt đầu từ chuyện những con đường mới được khai mở nơi quê họ.

Để trẻ khỏi xắn quần đi học

Mới hơn 8g, “lão nông” 46 tuổi Dương Văn Phóng (thôn 2, xã Lơ Ku) đã hái và chở về nhà được hai bao tải cà phê đổ ra sân phơi. “Cũng nhờ có con đường đến rẫy mới được bà con mình mở ra vài năm nay nên mình mới đưa xe máy, xe tải vô tận rẫy được. Trước thì chỉ có gùi trên vai, đưa được cả tạ cà phê này về nhà thì toát mồ hôi hột chứ dễ đâu!” - ông Phóng nói, chỉ tay về phía rẫy xa.

Vùng rẫy của ông Phóng nằm ở đầu khu sản xuất Bãi Cháy, gần đường xe chạy. Ông kể khi con đường chưa mở, việc chuyển nông sản thu hoạch từ rẫy về nhà hay ra đường để bán không quá khó nhọc đối với ông như với những người có rẫy nằm ở giữa hay cuối khu sản xuất. Không so tính thiệt hơn, ông bàn với người em ruột có khu rẫy nhỏ nằm kề khu rẫy của ông hiến thêm vào một ít để có 2.400m2 đất mở con đường vào khu sản xuất cho 10 hộ có rẫy ở đây được sử dụng.

Đứng bên con đường lớn dẫn vào khu sản xuất lúa, mì, mía, cà phê rộng hơn 20ha, ông Phóng hồ hởi kể: “Nghe tui nói chuyện mở đường, bà con nửa tin nửa ngờ vì thấy tui cũng không giàu có gì lại bỏ đất ra nhiều quá. Nhưng khi nghe tui bàn chuyện bảy hộ khá hơn trong số 10 hộ này bỏ ra mỗi người 1 triệu đồng, còn tui với người em trai Dương Văn Đức bỏ ra 8 triệu gánh phần cho những hộ khó khăn để thuê xe làm đường thì bà con mới tin là tui nói thiệt. Vậy là tui đến trình với thôn xã rồi đi kêu xe ủi, xe múc đến làm liền. Cùng dựa vô nương rẫy mà sống, phải thương yêu, giúp đỡ nhau mới được”.

Cũng giống như ở Lơ Ku, chuyện hiến đất để làm con đường lớn vào khu sản xuất, vào mấy xóm nhỏ ở làng Nam Cao của xã Tơ Tung (huyện Kbang) cũng xuất phát từ tấm lòng vì cộng đồng của một số người dân.

Trưởng làng Nam Cao Châu Minh Kiệt kể khi nhắm đến việc mở con đường này, ông rất lo lắng vì ngại đụng đến một diện tích khá lớn của một số hộ, trong khi ruộng đất ở đây không nhiều, toàn do người dân tự khai vỡ rất khó nhọc. Nhưng nỗi lo của vị trưởng làng đã sớm được giải tỏa ngoài cả mong đợi.

“Nghe trên nói mở đường vào khu sản xuất, vào mấy xóm ở cuối làng, tui rất vui. Thấy lũ nhỏ ở đó phải xắn quần lội lầy đi học mùa mưa vì con đường đã nhỏ lại bị lở lói nên thương chúng lắm. Còn người làm ruộng rẫy cũng khổ không ít vì khi thu hoạch phải thuê xe đầu kéo chuyển nông sản ra từng đoạn ngắn, đã tốn kém lại vất vả. Mình bỏ ra một số đất nhưng người trong xóm ngoài làng được lợi lâu dài là việc nên làm” - chị Long Thị Bách, người đã hiến 400m2 đất để mở đường, nói.

Hiến nhiều đất nhất, người nữ nông dân 39 tuổi đã làm gương cho một số hộ trong làng thuận lòng bỏ ra mỗi người dăm bảy chục mét vuông đất cho con đường mở ra sự phát triển của quê làng. Cần cù với nương rẫy để mưu sinh, tự thấy mình khá hơn những người còn khó khăn trong làng, ngoài hiến đất chị Bách còn đóng góp gần 3 triệu đồng để làm đường.

“Mình góp trội hơn một ít cũng coi như giúp phần cho mấy người còn khó mà” - chị Bách nói nhẹ.

Nhờ đường giao thông nông thôn trong vùng được xây dựng, chủ máy tách hạt bắp đặt máy nơi khu đất rộng bên đường để tách hạt thuê cho bà con trong vùng - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Trường mẫu giáo và Nhà văn hóa làng Suối Lơ (xã Tơ Tung) được xây dựng trên khu đất rộng 430m2 do bà Má Thị Tuyên hiến tặng - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Vì một đời dựa rừng, dựa làng

Đường vào làng Suối Lơ (xã Tơ Tung) mới trải bêtông trông tươi tắn hơn với mái trường mẫu giáo và nhà văn hóa làng đứng bên đường sáng rạng màu ngói, màu sơn. Kề trường mẫu giáo là một ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng, tường vách sẫm màu ximăng vẫn chưa được quét vôi. Bà Má Thị Tuyên, chủ nhà, là người đã hiến đất để xây trường mẫu giáo và nhà văn hóa làng.

Thật khó ngờ người chủ hộ vẫn còn nhiều khó khăn, chật vật này lại là người sẵn lòng hiến đến hơn 430m2 đất mặt tiền đường liên thôn để xây dựng hai công trình này. Nhưng người phụ nữ trông già hơn tuổi 60 của mình lại không muốn nói nhiều về chuyện hiến đất cho cộng đồng. “Có gì đâu, mình bỏ ra một ít đất mà được việc cho bà con trong làng” - bà Tuyên nói.

“Một ít đất”, theo cách nói của bà Tuyên, nhưng được người làng Suối Lơ đánh giá ít nhất cũng khoảng 60-70 triệu đồng nhờ số đất này nằm bên mặt đường. Nhưng bà không tính toán gì cả vì lợi ích lâu dài của bà con trong làng.

Cũng người ở làng Suối Lơ cho hay chồng bà Tuyên bị tai biến não mấy năm nay, do tốn tiền chạy chữa bệnh cho chồng nên gia đình bà được xếp diện hộ nghèo. Đến nay, chồng bà đã qua cơn nguy kịch, tự đi lại được trong nhà nên địa phương đang tính đưa gia đình bà ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Dưới chân dãy núi Ba Mõm sừng sững, với ngôi nhà văn hóa làng khang trang nằm bên đường, làng Tơ-pơng (xã Lơ Ku) của cư dân Ba Na phô ra được dáng vẻ của một làng nông thôn mới nơi núi rừng. Phó chủ tịch UBND xã Lơ Ku Dương Thị Thanh Xuân nói địa phương rất phấn khởi khi có được mặt bằng để xây dựng một nhà văn hóa theo chuẩn nông thôn mới cho làng Tơ-pơng.

“Tuy đất đai ở đây không đến nỗi thiếu, nhưng để có đất ở vị trí thuận hợp xây nhà văn hóa làng thì không dễ. Khi được cụ Đinh Khiêm tự nguyện hiến cho làng 300m2, chúng tôi như cất được nỗi lo, mừng lắm” - bà Xuân kể.

Cũng như bà Má Thị Tuyên ở Suối Lơ, người hiến đất xây nhà văn hóa làng Tơ-pơng cho rằng việc mình làm là không có gì đáng nói. “Mình sống một đời nhờ dựa vô cái đất rừng, dựa vô cái làng, nay bớt một ít đất để làm cái nhà văn hóa của làng thì có gì mà tiếc chứ. Mình cũng sống trong cái làng mà. Cái làng nó đẹp lên mình thấy sướng con mắt, vui cái bụng là thỏa mãn rồi!” - vị lão làng Ba Na 80 tuổi nói chậm rãi.

Tuy tuổi cao, nhưng hằng ngày ông Khiêm vẫn thường lên rẫy ra nương bởi những lão làng vùng cao ưa tự lực, thích làm lụng. Vợ mất, hai người con lớn có gia đình riêng đã lâu, ông tự lo cho cuộc sống và giúp thêm cho người con trai tàn tật không vợ con.

Khó không than, nghèo không tham, cái gì lợi cho làng nước thì làm, không so bì hay tính toán hơn thiệt cho mình. Lặng lẽ với việc làm của mình, những người hiến đất cho cộng đồng đã nói lên như thế.

“Trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với nỗ lực vươn lên của các tầng lớp nhân dân, từ năm 2011 đến nay huyện Kbang đã có những thành quả nhất định. Trong số những nỗ lực, đóng góp của nhân dân, huyện đánh giá cao việc người dân tự nguyện hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn, mở đường đến các khu sản xuất, xây nhà văn hóa, nhà mẫu giáo thôn, làng.

Huyện chúng tôi đã chỉ đạo các xã lập danh sách những người hiến đất tiêu biểu để kịp thời khen thưởng bởi việc làm của họ rất đáng được phát huy, trân trọng” - ông Trần Vĩnh Hưng, chủ tịch UBND huyện Kbang, nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận