Những ngày sống ở Hoàng Sa

MAI PHI 14/02/2017 02:02 GMT+7

TTCT - Theo lời cha tôi kể lại, gia đình chúng tôi sống ở đảo Hoàng Sa (Pattle Island) - thuộc quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) từ năm 1938 đến năm 1941. [1]

Các nhân viên đài khí tượng chụp ảnh kỷ niệm trên canô sau chuyến đi chơi và tặng ông Mai Xuân Tập
Các nhân viên đài khí tượng chụp ảnh kỷ niệm trên canô sau chuyến đi chơi và tặng ông Mai Xuân Tập


Cha tôi - cụ Mai Xuân Tập (1910-1983) - là một điện báo viên (télégraphiste) được đào tạo tại Pháp (1930-1935). Sau khi về nước, cha về sinh sống tại quê nhà, làng Phương Liệt, xã Phương Liên, ngoại thành Hà Nội.

Tại đây, cha lập gia đình với mẹ tôi - bà Nguyễn Thị Thắng (1915-1954). Cha là người đầu tiên được cử ra đảo Pattle thuộc quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) làm điện báo viên cho đài khí tượng ngay khi mới được thành lập (1938) [2].

Cụ được phép đưa cả gia đình ra đảo, gồm mẹ tôi và hai con gái đầu là tôi - Mai Thị Phi (sinh năm 1936), Mai Thị Phương (sinh năm 1937) lúc đó mới 1-2 tuổi.

Gia đình ông Mai Xuân Tập, gia đình ông Đỗ Đức Mùi (người phụ trách đài khí tượng) và một số nhân viên trước trụ sở đài khí tượng. Ông Tập mặc áo complet đen ngoài cùng bên phải
Gia đình ông Mai Xuân Tập, gia đình ông Đỗ Đức Mùi (người phụ trách đài khí tượng) và một số nhân viên trước trụ sở đài khí tượng. Ông Tập mặc áo complet đen ngoài cùng bên phải

 

Sống trên đảo

Khi đưa cả nhà đến đảo, cha tôi rất mừng vì trên đảo đã có nhiều gia đình viên chức của các công sở nhà nước và cư dân sinh sống, quây quần gần gũi.

Bên cạnh trạm khí tượng có trạm sóng ngắn (TSF) để thu phát tin tức hằng ngày, nối thông tin giữa đảo Hoàng Sa và đất liền; có hải đăng và các nhà cửa quân sự như đồn binh, nhà ở của binh lính, gồm lính Pháp và lính bảo an người Việt [3].

Có cả một bệnh xá do một bác sĩ được đào tạo theo y học phương Tây phụ trách. Cư dân trên đảo là ngư dân trong đất liền ra khơi đánh cá, lên đảo và ở lại sinh sống.

Họ trồng các loại cây ăn trái, rau xanh, chăn nuôi gà vịt, đi biển đánh bắt tôm cá... để cung cấp thực phẩm cho các gia đình. Họ sử dụng nguồn phân chim phong phú trên đảo để chăm bón vườn cây của họ [4]. Trên đảo có rất nhiều cây và chim trời.

Nhân viên đài khí tượng và gia đình họ thường tụ họp với nhau tại trụ sở đài vào các ngày nghỉ lễ tết hay cuối tuần hoặc cùng nhau đi chơi dọc bãi biển bằng canô.

Chiều chiều mẹ thường bế tôi dạo chơi trên bãi cát vàng trước đài khí tượng, gần cột đèn hải đăng. Nhiều lần mẹ bảo tôi giơ tay vẫy những đàn chim biển đang bay vào đảo để trú ngụ qua đêm.

Thỉnh thoảng mẹ tôi nhặt được những vỏ ốc có vân nhiều màu rất đẹp. Mẹ đưa tôi xem và âu yếm hỏi: “Bé có thích không?”. Tôi đáp: “Con thích”.

Khi rảnh rỗi cha tôi thường đi dạo trên con đường chính, rộng chừng 2m, nối từ cầu tàu vào giữa đảo, hai bên có các bụi cây nhỏ rậm rạp. Điểm cuối con đường là một giếng nước, nằm phía phải đồn binh và nhà của trạm khí tượng.

Tại đây, tháng 12-1939 mẹ tôi đã sinh thêm người con gái thứ ba đặt tên là Mai Kim Quy. Cha tôi nói đặt tên cho em tôi như vậy là để ghi nhớ trên bãi biển đảo này có rất nhiều rùa. Em tôi đã được cấp giấy khai sinh (Déclaration de naissance) số 666, trong giấy ghi rõ “Em bé Mai Kim Quy (nữ), sinh ngày 7-12-1939, hồi 15 giờ tại đảo Pattle, thuộc quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands).

Là con gái ông Mai Xuân Tập - nhân viên khí tượng (météorologiste) và bà Nguyễn Thị Thắng (nội trợ)”. Hai người làm chứng ký trong giấy khai sinh là bác sĩ Nguyễn Tăng Chuẩn và trưởng trạm vô tuyến - ông Đỗ Đức Mùi.

Bản gốc giấy khai sinh bé Mai Kim Quy bằng tiếng Pháp
Bản gốc giấy khai sinh bé Mai Kim Quy bằng tiếng Pháp

 

Giấy khai sinh được cấp ngày 28-6-1940 do ông Chauvet, đại diện đơn vị hành chính tại đảo Hoàng Sa, ký tên, đóng dấu đỏ. Trong dấu có dòng chữ tiếng Pháp: “Délégation de Croissant et Dépendances”, nghĩa là: “Đơn vị hành chính đảo Trăng Lưỡi Liềm và các đảo phụ thuộc” [3].

Phía trên bên trái ghi rõ: Cộng hòa Pháp, Xứ bảo hộ An Nam, đơn vị hành chính đảo Hoàng Sa, quần đảo Hoàng Sa”. Từ đó, gia đình tôi gồm năm người sống trên đảo Hoàng Sa.

Mẹ Thắng bế tôi đi chơi trên đảo
Mẹ Thắng bế tôi đi chơi trên đảo

 

Từ kỷ vật gia đình đến bằng chứng chủ quyền

Cuối năm 1941, cha tôi chuyển về làm kỹ thuật viên vô tuyến điện trên tàu De Lanessan, đang hướng hoạt động về vùng biển phía nam, sau khi kết thúc các chuyến khảo sát hải dương học tại đảo Hoàng Sa.

Tàu thường cập cảng Sài Gòn, vì vậy gia đình tôi về sống tại quận Phú Nhuận. Ở đây mẹ tôi sinh con trai là Mai Xuân Phú (1943). Rất đau đớn là em Mai Kim Quy đã mất năm 1942 vì bệnh.

Sau năm 1945, cha tôi trở lại làm điện báo, chuyên trách vô tuyến điện tại các sở bưu điện Nha Trang, Phan Thiết, Huế, Hà Nội, Hải Phòng cho đến ngày nghỉ hưu tại thành phố cảng (1970).

Khi về già, cha tôi đã trao bản gốc giấy khai sinh này cho Mai Xuân Phú - em trai tôi và là con trai trưởng của cụ - lưu giữ. Còn toàn bộ ảnh kỷ niệm trên đảo do hai chị em gái lưu giữ.

Đây là những kỷ vật thiêng liêng của gia đình chúng tôi. Nhận thấy bản gốc giấy khai sinh em Mai Kim Quy và các bức ảnh gia đình sống ở Hoàng Sa là bằng chứng sống cho sự quản lý hành chính và chủ quyền lãnh thổ của nước Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands), nên ba chị em chúng tôi đã nhất trí hiến tặng cho Nhà nước và đã được Bộ Ngoại giao ta tiếp nhận tháng 8-2013.

Gia đình tôi ở đảo có 5 người: cha Mai Xuân Tập, mẹ Nguyễn Thị Thắng và các con Mai Thị Phi, Mai Thị Phương, Mai Kim Quy
Gia đình tôi ở đảo có 5 người: cha Mai Xuân Tập, mẹ Nguyễn Thị Thắng và các con Mai Thị Phi, Mai Thị Phương, Mai Kim Quy

 

Cho đến nay, mặc dù sống qua nhiều tỉnh thành theo quá trình thuyên chuyển công tác của cha, nhưng ký ức về những năm tháng sống trên đảo Hoàng Sa cùng gia đình vẫn in đậm trong tâm trí tôi. ■

Chú thích:

1- Đảo Hoàng Sa (tiếng Anh: Pattle Island; tiếng Pháp: Ile de Pattle), là một đảo san hô thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm (Croissant) của quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands).

2- Đài khí tượng trên đảo bắt đầu hoạt động từ năm 1938 với số hiệu 48.860 do Tổ chức Khí tượng quốc tế (sau này là Tổ chức Khí tượng thế giới) cấp phát. Mỗi ngày các nhân viên của đài đo tám kỳ quan trắc (obs): gió, mưa, mây, nắng, nhiệt độ nước biển, độ ẩm, khí áp... Thả bóng thám không hai lần: 6h sáng và 12h trưa, rồi truyền thông tin về Nha khí tượng Sài Gòn qua đàm thoại vô tuyến (lúc đầu bằng mã morse). Đài khí tượng tại đảo Hoàng Sa hoạt động tương đối liên tục, trừ vài năm chiến tranh khi đế quốc Nhật chiếm đóng, và chỉ dừng lại khi Trung Quốc chiếm đảo sau trận hải chiến Hoàng Sa (1974). (Nguồn: Hoàng Sa (đảo) - Pattle Island. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

3- Năm 1938, người Pháp dựng bia chủ quyền, xây dựng xong đèn biển, trạm khí tượng, đài vô tuyến điện ở đảo Hoàng Sa (Ile de Pattle) trong quần đảo Hoàng Sa (Iles de Paracels). Hàng chữ trên bia chủ quyền ghi rõ: “Cộng hòa Pháp, Vương quốc An Nam, quần đảo Hoàng Sa, đảo Pattle. 1816-1938” (1816 là năm vua Gia Long thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, 1938 là năm dựng bia).

Ngày 5-5-1939, toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ký nghị định sửa đổi nghị định ngày 15-6-1938 và thành lập tại quần đảo Hoàng Sa hai đơn vị hành chính là “Trăng Lưỡi Liềm và các đảo phụ thuộc”, “An Vĩnh và các đảo phụ thuộc”. Nguyên văn tiếng Pháp là: “Délégation de Croissant et Dépendances” và “Délégation de Amphitrite et Dépendances”. (Nguồn: trích trong cuốn Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 3-2013)

4 - Chuyến khảo sát thứ hai của tàu De Lanessan tại Hoàng Sa vào tháng 6 và 7-1926, tìm thấy mỏ phosphat được tạo bởi phân chim trên các đảo. Theo kết quả nghiên cứu, dự trữ về quặng phosphat dự tính ít nhất 10 triệu tấn, có thể cung cấp phosphat canxi cho nền nông nghiệp toàn Đông Dương trong 20 năm. Hơn nữa, quặng ở đây có tỉ lệ phosphat hòa tan khá lớn, rất có lợi về mặt cây trồng. Các chuyên gia được hỏi ý kiến về vấn đề này đều thống nhất như vậy. (Nguồn: báo cáo của Viện Hải dương học năm 1931-1932)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận