Những ngày đầu năm lộn xộn

DANH ĐỨC 18/01/2023 08:49 GMT+7

TTCT - Có vẻ như thời sự quốc tế năm 2023 nấn ná "đợi" lịch Chính thống giáo hết năm 2022 để bắt đầu với những cuộc biểu tình nổ ra lại ở Brazil, Pháp, những cảnh báo phòng dịch ở Thái Lan và châu Âu...

Người ủng hộ ông Bolsonaro tràn vào trụ sở Quốc hội Brazil. Ảnh: Getty Images

Người ủng hộ ông Bolsonaro tràn vào trụ sở Quốc hội Brazil. Ảnh: Getty Images

Tất cả gợi lại những gì xảy ra đúng hai năm trước.

Thứ bảy 7-1 vừa rồi, sau khi đã tự vắng bóng suốt đại dịch COVID-19, những người theo phong trào áo gi lê vàng ở Pháp lại xuống đường, đáp lời kêu gọi trên mạng xã hội: "Hãy chiến đấu, sẽ chẳng ai làm thay bạn đâu!".

Xuống đường ở Pháp

Tấm bích chương cổ động xuống đường khoác lên mình tháp Eiffel một cái áo gi lê vàng quen thuộc trước đại dịch, kèm khẩu hiệu "Chính phủ lừa dối - Gi lê vàng thắng lợi". 

Cũng mối bất bình cũ là dự án cải cách hưu trí của Tổng thống Emmanuel Macron, cải cách (bảo hiểm) thất nghiệp, sự tan tác của bộ máy công vụ cùng các tiệm buôn bán nhỏ, thêm vào đó là nạn lạm phát phi mã năm 2022 khiến dân chúng cảm thấy mình nghèo đi rõ ràng.

Tất nhiên, không chỉ phong trào gi lê vàng mới phản đối các chính sách của ông Macron và nữ Thủ tướng Elisabeth Borne, mà còn có các đảng phái khác trong xã hội Pháp, mà dân số chỉ 67,8 triệu người song có đến 12 ứng viên tổng thống ở vòng một cuộc bầu cử năm ngoái. Như thường lệ, các nghiệp đoàn ở Pháp vẫn đi đầu.

Tân thủ lĩnh Đảng Xanh (EELV) Marine Tondelier là một trong những tiếng nói chống lại cải cách hưu trí của ông Macron mạnh mẽ nhất, hôm chủ nhật vừa qua đã tuyên bố: 

"Chính trên đường phố mà cuộc tranh luận sẽ diễn ra. Đây là lý do đặt niềm tin vào các nghiệp đoàn là rất quan trọng. Chúng ta cần họ giành chiến thắng trên đường phố. Chúng ta phải huy động thế giới lao động" (20 Minutes 8-1).

Từ năm 2017 ở nhiệm kỳ đầu, ông Macron đã tính sửa tuổi về hưu khi đó còn 62, trên nguyên tắc chế độ hưu trí "toàn dân", không phân biệt công, tư hay độc lập, ngành nghề, cấp chức... để mọi người về hưu một cách "bình đẳng". 

Nhưng đến năm 2019, thủ tướng Pháp lúc đó là ông Edouard Philippe, thừa lệnh ông Macron, lại loan báo "tuổi về hưu cân bằng" sẽ là 64, và đã bị phản ứng nặng nề, may có đại dịch COVID-19 năm sau "cứu nguy"!

Năm ngoái 2022, dịch bớt, tái đắc cử, ông Macron tiếp tục cải cách: nâng tuổi hưu trí lên 65, và không nói tới chuyện khác biệt ngành nghề nữa! 

Nói cho ngay, cải cách hưu trí là nhu cầu chung cho nhiều xã hội đóng bảo hiểm xã hội ngày càng hẻo mà dân số ngày càng già. Nhưng với dân chúng, làm thêm năm nào là khổ năm đó, vậy thôi.

Những ngày đầu năm lộn xộn - Ảnh 2.

Phong trào gi-lê vàng nay đã trở thành một đặc sản ở Pháp. Ảnh: The Guardian

Làm loạn ở Brazil

Bên kia bán cầu, Brazil chìm trong bạo loạn sau khi cựu tổng thống Lula Da Silva, cầm quyền 2003-2011, tái đắc cử tháng 10-2022 và tuyên thệ nhậm chức hôm 1-1 trong những lo ngại tổng thống mãn nhiệm Jair Bolsonaro không thừa nhận thất bại và không chuyển giao quyền lực, noi gương ông Donald Trump ở Mỹ. 

Kết quả cuộc bầu cử, công bố hôm 30-10, rất sát nút, 50,89% bầu ông Lula và 49,11% bỏ cho ông Bolsonaro trên 99,76% số phiếu được kiểm, mức hơn thua sít sao dễ trở thành cái cớ đưa tới những cáo buộc gian lận bầu cử. 

May mắn thay, cuối cùng ông Bolsonaro, tuy vẫn không thừa nhận kết quả bầu cử, đã tôn trọng hiến pháp mà ủy quyền cho chính phủ của mình chuyển giao quyền lực. 

Tuy nhiên chỉ một tuần sau, những người ủng hộ ông Bolsonaro đã làm loạn: thủ đô Brasilia là mục tiêu tấn công của họ vào chiều chủ nhật 8-1, bắt đầu bằng cuộc tấn chiếm xâm lược quảng trường Tam Quyền, nơi có điện Bình Minh (dinh tổng thống), trụ sở quốc hội và Tòa án tối cao liên bang (STF). Cảnh sát đã cố gắng ngăn vụ tấn công bằng hơi cay, nhưng vô ích. 

Phe của ông Bolsonaro kêu gọi quân đội can thiệp quân sự, đòi kiểm lại phiếu, và chấm dứt "chế độ độc tài STF", theo báo chí Brazil.

Tòa tối cao ở nước nào cũng quyền lực, nhưng STF của Brazil là rất đặc biệt. Do nhiều biến động lịch sử, cơ quan này nay trở thành định chế ra quyết định then chốt để giải quyết những bế tắc chính trị giữa hai nhánh hành pháp và lập pháp. 

Đặc biệt, ngay cả chính quyền có muốn sửa hiến pháp thì cũng không "đụng chạm" được tới STF. Phe của ông Bolsorano "kỵ" STF là phải.

Vụ việc ở Brazil ngay lập tức được nhiều hãng tin so sánh là y hệt vụ những người ủng hộ ông Trump tấn công trụ sở Quốc hội Mỹ cách đây hai năm, với mẫu số chung là cả hai ứng viên thất cử đều không công nhận kết quả bầu cử. 

Song cũng có khác biệt: ông Bolsonaro không hô hào phe ủng hộ mình xuống đường. Sau khi thất cử, ông đã ủy quyền bàn giao và lẳng lặng bay sang Florida (Mỹ) hôm 30-12, lánh mặt lễ nhậm chức của đối thủ Lula, nhân tiện thăm ông bạn chí thiết cùng cảnh ngộ Trump. 

Đến hôm thứ hai 9-1, sau khi vụ bạo loạn ở Brasilia đã nổ ra, ông Bolsorano hô đau bao tử rồi nhập viện. Tất cả diễn biến cho thấy ông có vẻ đã rút kinh nghiệm từ vụ của ông Trump.

Những ngày đầu năm lộn xộn - Ảnh 3.

Bức hình ông Bolsonaro nhập viện gây xôn xao trên Twitter. Ảnh: CNN

Nga và ông Bolsorano

Tính tương đồng và tình bạn giữa hai ông Bolsorano và Trump là điều mà báo chí quốc tế đã nói đến từ lâu, nhưng có một điểm ít người biết hơn: cả hai ông đều rất khoái thân với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngày

16-2-2022, tức tám ngày trước khi ông Putin ra lệnh tấn công Ukraine, ông Bolsonaro sang thăm chính thức nước Nga và ông Putin.

Trang web của Chính phủ Brazil hôm đó loan tin: "Tổng thống Jair Bolsonaro và Tổng thống Vladimir Putin gặp nhau ở Matxcơva", đồng thời nhắc lại rằng hai ông từng gặp nhau trực tiếp hai lần trước đó: bên lề thượng đỉnh G20 ở Osaka vào tháng 6-2019 và tại thượng đỉnh BRICS lần thứ 11 ở Brasilia, tháng 11-2019. 

Chưa hết, hai ông cũng đã có hai hội nghị truyền hình và một số cuộc điện đàm kể từ tháng 1-2019. Tuy nhiên, ông Bolsorano vẫn chưa thể sánh với ông Trump về số lần gặp ông Putin: tính tới tháng 10-2019, ông Trump đã gặp/nói chuyện với ông Putin 16 lần, tờ Washington Post 4-10-2019 đếm và công bố.

Thế nhưng, năm ngoái là năm ngoái, năm nay là năm nay. Từ hôm 1-1, ông Lula mới là tổng thống Brazil, và Washington, nay cũng đã có một tổng thống khác, mời ông sang thăm vào đầu tháng 2. Nhưng cuộc tranh đấu ắt chưa dừng lại. 

Truyền thông Mỹ cho biết Steve Bannon, một cựu cố vấn chính trị cao cấp của ông Trump, đã "dàn dựng vở tuồng" mang tên "cuộc bầu cử gian lận ở Brazil" từ năm ngoái. 

Trong một cuộc tiếp con trai ông Bolsorano tại tư dinh của ông Trump ở Mar-a-Lago vào tháng 11-2022, Bannon đã chỉ bảo sao đó mà khi về nước, anh này đăng lên Twitter một video úp mở rằng hệ thống bỏ phiếu kỹ thuật số ở Brazil đã được cài sẵn để gian lận (New York Times 10-11-2022). Song, cũng theo NYT, quân đội Brazil đã bác bỏ tin này là "vô căn cứ".■

Covid tái xuất

Trong khi đó, đang có một số quan ngại về sự bùng phát trở lại của dịch Covid biến thể mới trong bối cảnh, mà theo bản tin cập nhật hằng tuần đề ngày 4-1 của WHO, trên toàn cầu trong tuần lễ 26-12-2022 đến 1-1-2023, có hơn 3 triệu trường hợp mắc mới và 10.000 ca tử vong được báo cáo.

Trung Quốc đang chật vật đối phó làn sóng COVID sau khi gỡ phong tỏa. Ảnh: Foreign Policy

So với tuần trước, số ca mắc mới giảm 22% và ca tử vong giảm 12%. Tuy nhiên, nếu tính cả tháng thì trong 28 ngày từ 5-12-2022 đến 1-1-2023, đã có hơn 14,5 triệu ca mắc mới và hơn 46.000 ca tử vong mới được báo cáo - tăng lần lượt 25% và 21% so với 28 ngày trước.

Nhìn chung, Covid vẫn hoành hành: tính đến ngày 1-1, trên toàn cầu đã có hơn 656 triệu trường hợp mắc bệnh được xác nhận và hơn 6,6 triệu ca tử vong được báo cáo.

Phần sau bản tin ngày 4-1 của WHO đề cập đến các biến thể "độc hại" mới, dù "dựa trên bằng chứng hiện tại, không có dấu hiệu về mức độ nghiêm trọng gia tăng liên quan đến các biến thể được theo dõi này, so với các dòng Omicron trước đây.

Tuy nhiên, kết luận như vậy không có nghĩa là WHO không cảnh giác trước các biến thể mới, gồm XBB.1.5.

Nhóm tư vấn kỹ thuật về sự tiến hóa của vi rút (TAG-VE), vốn vẫn họp thường xuyên để xem xét bằng chứng khoa học mới nhất về việc lưu hành các biến thể SARS-CoV-2 và tư vấn cho WHO về khả năng thay đổi các chiến lược y tế công cộng, đã họp ngày 3-1 để thảo luận về tình hình COVID-19 ở Trung Quốc đại lục.

Kết luận của TAG-VE từ cuộc họp là: "Tại thời điểm này, TAG-VE đánh giá tỉ lệ XBB.1.5 đang tăng nhanh ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác".

Điều này trùng với một báo động trên CNN ngày hôm sau, 4-1: "Các nhà khoa học cảnh báo XBB.1.5 có thể là biến thể phụ dễ lây truyền nhất của Omicron cho đến nay".

CNN cho biết thêm: "Trong tháng 12, tỉ lệ nhiễm COVID-19 mới ở Hoa Kỳ do XBB.1.5 gây ra đã tăng từ 4% lên 41%. Tiến sĩ Ashish Jha, điều phối viên phản ứng COVID-19 của Nhà Trắng, đã viết trên Twitter: Đó là mức tăng đáng kinh ngạc!".

Bản tin của CNN dẫn phát biểu của một số viên chức WHO cho biết "XBB.1.5, lần đầu tiên được phát hiện ở Hoa Kỳ, và đã lan sang ít nhất 29 quốc gia".

Tiến sĩ Jha lưu ý rằng các công cụ hiệu quả để tránh lây nhiễm COVID-19 nghiêm trọng bao gồm xét nghiệm nhanh, khẩu trang chất lượng cao, thông gió và lọc không khí trong nhà, thuốc uống kháng vi rút và vắc xin cập nhật.

Ông cũng cho biết "sẽ sớm có thêm dữ liệu về mức độ hiệu quả của vắc xin với XBB.1.5".

Các thông tin trên giải thích tại sao, nói ví dụ, Thái Lan đang gắt gao kiểm soát xem khách nhập cảnh có chích ngừa đủ hay không. Vài câu chuyện gây "nhức đầu" ở đây, ở kia cùng với sự lấp ló trở lại của dịch Covid dường như báo trước một năm 2023 không hề dễ dàng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận