Những mắt xích yếu của đô thị

HOA KIM 30/07/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Tác giả - nhà nghiên cứu lịch sử Ben Wilson trong cuốn Metropolis (2020) gọi đô thị là “phát minh vĩ đại nhất của nhân loại”. Khả năng thích ứng là tài sản quý nhất của các đô thị, nhưng chúng chỉ có thể phát huy khi những mắt xích yếu nhất - các nhóm người thiểu số, yếu thế, dễ tổn thương - được bảo vệ và hỗ trợ đúng mức.

 Ảnh: unhabitat.org

Trong lịch sử, các trận dịch đã ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn đến nhóm thiểu số và những người ở dưới cùng của phổ kinh tế - xã hội đô thị. Họ cũng là nhóm có tỉ lệ mắc bệnh nền cao hơn do phải đối mặt với khó khăn kinh tế và hạn chế tiếp cận các dịch vụ y tế. Đại dịch COVID-19 đã một lần nữa phơi bày sự bất bình đẳng cố hữu này dưới ánh sáng mới.

Bảo vệ mắt xích yếu nhất

Dữ liệu năm 2020 của thành phố New York (Mỹ) cho thấy tỉ lệ tử vong vì COVID-19 của người da đen và gốc Latin cao gấp đôi so với người da trắng. Ở các nước đang phát triển, sự tăng trưởng nóng nhưng không đồng đều của các đô thị dẫn đến tình trạng phần lớn dân số đô thị sống trong các khu ổ chuột với điều kiện sống và vệ sinh kém. Sự kết hợp của các yếu tố như mật độ dân số quá cao, không đủ khả năng tiếp cận các dịch vụ dân sinh cơ bản và sinh kế bấp bênh khiến việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 thông qua các biện pháp cách ly và kiểm dịch là rất khó khăn.

Những vấn đề này dễ thấy ở nhiều thành phố ở Nam Á, châu Phi và Nam Mỹ. Ví dụ, 60% thị dân Ấn Độ đang sống với diện tích sàn bình quân đầu người chưa đến 6,7m2, ít hơn cả diện tích sàn được khuyến nghị dành cho tù nhân, theo một nghiên cứu năm 2020 đăng trên tạp chí Economic and Political Weekly.

Điều này cộng với các vấn đề bất bình đẳng khác đang gây khó khăn và làm giảm hiệu quả của các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus. Tình trạng ở các khu ổ chuột và khu dân cư tự phát càng phức tạp hơn do không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế hay kể cả tiện ích tối thiểu như nước sạch để tuân thủ các khuyến nghị về rửa tay thường xuyên.

Một thực tế là một bộ phận không nhỏ thị dân đang phụ thuộc vào các tương tác xã hội chặt chẽ để kiếm sống, khiến việc tuân thủ các mệnh lệnh giãn cách hành chính là một thách thức thật sự. 

“Đối với hàng triệu người sinh sống ở khu vực châu Phi cận Sahara đang sống trong điều kiện không có nước sạch lẫn không gian sinh hoạt, lời khuyên y tế của WHO là một trò đùa tàn nhẫn. Cùng với lệnh phong tỏa và giới nghiêm, người nghèo phải tuân thủ lời khuyên này trong khi vật lộn với khó khăn chưa từng thấy để có thu nhập hằng ngày nuôi sống bản thân và gia đình. Nhiều người phải lựa chọn giữa phơi nhiễm virus hay là chết đói” - bài báo đăng trên City & Society của nhóm tác giả đến từ Đại học Oxford (Anh) và Đại học Witwatersrand (Nam Phi) nêu ra thực tế đau lòng.

Một nghiên cứu của Yue Qian và Wen Fan năm 2020 phủ nhận quan điểm cho rằng đại dịch COVID-19 là một bất lợi mang tính hệ thống “làm hạn chế hoạt động kinh tế của hầu hết mọi người, bất kể địa vị kinh tế - xã hội hoặc vị trí địa lý”.

Hai tác giả Trung Quốc cho rằng các yếu tố như giáo dục, thu nhập gia đình và việc làm trong khu vực nhà nước là những yếu tố quan trọng quyết định tính dễ bị tổn thương của người dân đối với vấn đề tài chính mà COVID-19 mang lại ở quốc gia gần 1,4 tỉ dân.

Họ nhận định rằng không những COVID-19 có thể làm trầm trọng thêm sự chênh lệch xã hội đã có từ trước, mà còn tạo ra các hình thái bất bình đẳng mới, gây gánh nặng kinh tế cho những người sống ở tâm dịch, những cá nhân bị nhiễm bệnh và gia đình có bệnh nhân COVID-19. Hai nghiên cứu khác ở Romania và Ba Lan cũng cho ra kết quả tương tự.

Nhìn chung, các nghiên cứu về tác động kinh tế - xã hội của COVID-19 cho đến nay đều chỉ ra biện pháp giãn cách xã hội không thể tách rời các cơ chế hỗ trợ kinh tế cho nhóm thị dân yếu thế, và mọi sự bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận dịch vụ của một nhóm dân đều có thể đặt toàn bộ thành phố trong tình thế dễ tổn thương trước virus. Đối tượng này cần được chú ý đặc biệt khi thiết kế và triển khai các chương trình phục hồi kinh tế đô thị sau đại dịch.

 
 Ảnh: Axios

Hòa hợp phép vua - lệ làng

Khi xu hướng đô thị hóa tiếp tục gia tăng trên toàn cầu, tầm quan trọng của quản trị cấp thành phố trong việc giải quyết các thách thức xã hội ngày càng được thừa nhận. Nhìn chung, tầm nhìn dài hạn và các kế hoạch thích hợp để giảm thiểu, hấp thụ, phục hồi và thích ứng là những yếu tố chính quyết định khả năng chống chịu của đô thị đối với bất kỳ sự kiện tiêu cực nào, bao gồm cả đại dịch.

Thành phố Setubal ở Bồ Đào Nha cũng như hàng loạt đô thị lớn ở Đông Á đã cho thấy việc kích hoạt ngay một cơ chế phản ứng khẩn cấp có sẵn đã giúp những nơi này có được phản ứng kịp thời và hiệu quả ban đầu trước đại dịch COVID-19 như thế nào.

Ngược lại, việc không có sự chuẩn bị chủ động và các kế hoạch khẩn cấp đã khiến các đô thị ở Bangladesh gặp khó khăn trong việc ứng phó trước cuộc khủng hoảng mà đại dịch mang lại. Các chính quyền thành phố ở quốc gia Nam Á đã thất bại trong việc nâng cao năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe, phân tích tình hình, đánh giá nguy cơ và thực hiện các biện pháp cần thiết một cách kịp thời.

Sự phối hợp của các bên là rất quan trọng để tránh hiểu lầm, xung đột và đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn lực hạn chế. Thật vậy, quản trị phân tán được cho là nguyên nhân dẫn đến việc ngăn chặn kém hiệu quả sự lây lan của virus tại Mỹ và Úc trong thời kỳ đầu của dịch bệnh, theo nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Lincoln (Anh) và Đại học York (Canada).

Để đối phó với đại dịch, các cấp khác nhau của Chính phủ Úc đã thực hiện các sáng kiến để giảm tác động và ngăn chặn sự lây lan của virus. Tuy nhiên, các hành động của họ không có sự phối hợp, và ưu tiên cũng khác nhau: chính quyền trung ương tập trung vào việc giảm tác động xấu đến kinh tế và thiết kế các gói kích thích để phục hồi nền kinh tế, trong khi chính quyền các bang chủ yếu cố gắng giảm áp lực cho bệnh viện, đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh thông qua việc thực thi các biện pháp phong tỏa.

Những ưu tiên khác nhau này đã gây ra sự bối rối và làm giảm hiệu quả hành động của chính quyền cấp thành phố, nhất là khi họ có nguồn lực tài chính hạn chế và phụ thuộc vào nguồn ngân sách từ trên phân bổ xuống.

Có 2 yếu tố quan trọng đóng góp vào sự thành công của mô hình phối hợp giữa trung ương và địa phương: một là mức độ tin tưởng cao vào chính phủ và các sáng kiến của chính phủ, hai là các cơ chế để thu hút người dân dự phần vào các sáng kiến chống dịch.

Ủng hộ và đẩy mạnh các tổ chức phi chính phủ cũng như các sáng kiến dựa vào cộng đồng cũng có thể đóng vai trò rất quan trọng khi sáng kiến nhà nước là không đủ. Ví dụ, các hoạt động hướng tới cộng đồng như phân phát bữa ăn miễn phí và cung ứng các nhu cầu cơ bản khác đã góp phần ngăn chặn nạn đói trong thời gian phong tỏa năm ngoái ở Ấn Độ. Nhìn chung, sự tham gia của cộng đồng được khuyến khích vì nó có thể giúp thiết kế các kế hoạch khẩn cấp tốt hơn cũng như nâng cao khả năng triển khai chúng thành công trong tương lai.■

Tài sản quý nhất: khả năng thích ứng

“Trong hơn 30 năm qua, một thành phố toàn cầu thành công đã được đánh giá dựa trên một số chỉ số chủ đạo như mức độ đáng sống, tính liên kết với nền kinh tế toàn cầu, nền giáo dục mà chúng cung cấp và văn hóa địa phương (đặc biệt là văn hóa ẩm thực và bán lẻ), tất cả đều được quảng cáo sôi nổi để thu hút giới nhà giàu, chuyên gia và vốn” - Wilson viết trong cuốn Metropolis. Dù thừa nhận sự quyến rũ của cách định nghĩa này, Wilson tin rằng dấu ấn thực sự của một thành phố phải là khả năng thích ứng của nó.

“Khả năng biến hóa theo hoàn cảnh và ứng phó với thảm họa là cốt lõi của năng lực phục hồi - tài sản quý giá nhất của một thành phố. Hãy nghĩ về Tokyo, một thành phố bị giày xéo liên miên bởi động đất và chiến tranh. Lần nào cũng vậy, nó đều đứng dậy trở lại sau khi gần như bị hủy diệt hoàn toàn” - ông viết.

Theo Wilson, tính đàn hồi này không thể chỉ được áp đặt bởi ý chí của giới lãnh đạo mà trái lại, trong suốt lịch sử thế giới đã chứng minh nó phải đến từ tập hợp những người dân tích cực, có khả năng tự tổ chức và xây dựng thành phố của mình từ cơ sở. Các đô thị thành công trong tương lai sẽ được xác định dựa trên cách thức mà chúng đã thích ứng, trước tiên và trên hết là trong một thế giới hậu COVID-19.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận