Thực phẩm và GMO: Những luận cứ biết nói từ nước Đức

LÊ QUANG 26/05/2015 02:05 GMT+7

TTCT - Thị trường thực phẩm Đức sống trong một mâu thuẫn cực kỳ nan giải. Một mặt các nhà cung cấp cạnh tranh khốc liệt để có giá gần như rẻ nhất châu Âu, mặt khác người Đức vô cùng khó tính khi xét đến chất lượng, đặc biệt họ dị ứng với các can thiệp công nghệ vào đồ ăn thức uống.

 
 Nói KHÔNG với thực phẩm biến đổi gene tại Đức (Ảnh: Upriser)

 Trong nhiệm kỳ hiện tại, Chính phủ Đức đã đổi Bộ Tư pháp thành Bộ Tư pháp và bảo vệ người tiêu dùng để thấy lĩnh vực này đang “nóng” lên ra sao.

Ở Đức và châu Âu nói chung, các loại cây biến đổi gen phải trồng ruộng riêng có rào và khoảng cách xa các loại cây bình thường, còn thực phẩm từ động thực vật liên quan gián tiếp đến biến đổi gen, kể cả bò lợn ăn bột ngô hay đậu tương biến đổi gen, đều phải đánh dấu và có thể nói luôn là ế lăn ế lóc trong cửa hàng.

Thử hỏi thăm khách hàng ở siêu thị, hầu như chắc chắn là chưa ai từng nhìn thấy thực phẩm loại này được mời bán. Thống kê cây trồng biến đổi gen có nhiều nhất ở Hoa Kỳ (43% sản lượng toàn cầu, thống kê năm 2012) trong khi cả châu Âu chỉ chiếm 0,06%. Thăm dò dư luận trong nhiều năm cho thấy đa số người tiêu dùng phản đối thực phẩm GMO (ở Đức năm 2013: 88%).

Thực tế là thực phẩm GMO còn quá mới (từ năm 1996) trên bàn ăn của người tiêu dùng, nên chưa thể có các nghiên cứu lâu dài về tác động, tương tự sóng điện từ của điện thoại di động. 

Từ năm 1997-2004, thực phẩm GMO được coi là loại “thực phẩm mới” và được định nghĩa khá lỏng lẻo trong “Quy chế Novel Food”, từ năm 2004 trở đi trên toàn lãnh thổ EU áp dụng một quy định mới cho đồ ăn thức uống liên quan. 

Nhà sản xuất phải đánh dấu rõ ràng, ví dụ là có dùng phụ gia GMO, bất kể là trong quá trình sản xuất các phụ gia này đã được loại dần (như men trong bia) và trong phòng thí nghiệm không thể tìm thấy dấu vết.

Quá trình xét cấp giấy phép lưu hành 10 năm cho sản phẩm GMO trong EU phải đủ các điều kiện sau đây:

- Có đủ luận chứng khoa học về độ an toàn.

- Theo kiến thức mới nhất, phải an toàn như một sản phẩm tương tự không có GMO.

- Nhà sản xuất phải xuất trình một kế hoạch theo dõi liên tục đường đi của sản phẩm, và khi xảy ra sự cố phải có sẵn chương trình thu hồi sản phẩm nhanh nhất có thể.

- Ít nhất đã thử 90 ngày hoặc lâu hơn trong thí nghiệm với súc vật.

- Đơn nộp tại nhà chức trách trong nước, kể cả khi có giấy phép mà một thành viên EU khác hoặc Ủy ban châu Âu phản đối thì việc thẩm định lại phải lặp lại.

 
 Nước Đức chống lại các tập đoàn thực phẩm khổng lồ muốn quảng bá thực phẩm biến đổi gene bằng các biện pháp nghiêm ngặt.

 Khác với các châu lục khác, châu Âu có một làn sóng mạnh mẽ các tổ chức xã hội dân sự, và họ luôn đóng vai trò quyết định về hướng dẫn dư luận. Đa số vụ bê bối trong thương mại là do người dân phát hiện. 

Do đó việc kiểm tra chất lượng thực phẩm thường được trao cho các viện nghiên cứu và cơ quan kiểm định độc lập của tư nhân. Điều này khiến nhà nước luôn phải dè chừng trong việc cấp phép và các chuỗi thực phẩm phải cân nhắc kỹ khi tiếp cận miếng mồi ít béo bở GMO.

Trung bình từ khi có ý tưởng đến khi ra thị trường, một sản phẩm GMO (như táo không bị ngả màu nâu khi bổ ra) cần trung bình 13 năm, trong khi phí ban hành giấy phép trong nước giá 1-15 triệu USD, giấy phép tầm quốc tế trung bình 35 triệu USD. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận