Những lằn ranh bị xóa nhòa

HUY ĐĂNG 20/06/2021 17:00 GMT+7

TTCT - “Cơn lốc da cam” Hà Lan, catenaccio của Ý, “xe tăng” Đức hay những chú sư tử Anh hùng hục “kick and run”... đang nhanh chóng trở thành những định kiến lỗi thời trong một thế giới bóng đá mà ranh giới về các hình mẫu chiến thuật ở cấp độ đội tuyển đang ngày càng phai nhạt.

VCK Euro 2020 - được tổ chức dựa trên ý tưởng về một giải đấu đại đồng, không biên giới - đồng thời cũng đang chứng kiến sự xóa nhòa những lằn ranh bản sắc trong lối chơi của các đội.

Dữ liệu thi đấu đang thay đổi mọi thứ

Có một thời, mỗi khi các đội tuyển quốc gia ra trận là người hâm mộ nhắm mắt cũng có thể đọc vanh vách đội hình ra sân và chiến thuật mà họ sử dụng. 

Kalvin Phillips (14) là cầu thủ xuất sắc nhất trận Anh - Croatia. Ảnh: PAP

 

Đội hình có chăng chỉ thay đổi một chút khi vài ngôi sao bị vắng mặt, hay đội bóng vì đặt vào những tình huống đặc biệt. 

Chiến thuật bóng đá mang tính bản sắc đôi khi còn được gắn với cả tính cách dân tộc, trở thành một truyền thống, một niềm tự hào riêng. Suốt một thời gian dài, rất ít HLV dám đi ngược triết lý bóng đá mà đội tuyển của họ đã đời đời tin tưởng.

Người Ý có đặc sản là lối phòng ngự đổ bêtông catenaccio làm nản lòng mọi hàng tấn công. 

Đức đặt trọng tâm là chất thép trong lối chơi, những giai đoạn ngắn bùng nổ trong cả một trận đấu chặt chẽ, và ý chí để lội ngược dòng. Hà Lan từ Rinus Michels thì lừng lẫy bởi bóng đá tổng lực đẹp mắt. 

Anh thì muôn đời tạt cánh đánh đầu, lấy tốc độ và thể lực làm chủ đạo. Những đội bóng có chất Latin như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha được hình dung là đá hoa mỹ hơn, gần với Nam Mỹ. Các đội Balkans thì tinh quái và khó chịu... 

Những trường phái chiến thuật bóng đá, nôm na cũng giống võ học trong tiểu thuyết Kim Dung, không dễ phân cao thấp, hay dở, có chăng chỉ là mỗi thời lại sản sinh ra những thế hệ môn đệ chất lượng khác nhau mà thôi. 

Đá phòng ngự đổ bêtông như người Ý nhưng lại không thiếu người say đắm. Chẳng ai dám nói lượng CĐV của Đức và Ý lại kém Hà Lan, Pháp hay Brazil, dù lối chơi của họ (trước kia) không hấp dẫn bằng. 

Còn Anh tuy cứ bước vào giải đấu cấp độ đội tuyển là muôn đời thất bại (thành công mỗi một kỳ World Cup 1966), nhưng không chịu từ bỏ phong cách “kick and run” quen thuộc.

Ngày nay thì đã khác. Một yếu tố quan trọng dẫn tới sự xóa nhòa các ranh giới bản sắc đó là sự bùng nổ của công nghệ trong bóng đá, cụ thể là thông qua ngành công nghiệp dữ liệu thi đấu. 

Dữ liệu lớn và năng lực phân tích dữ liệu chưa từng có của máy móc đã thật sự thay đổi những giá trị tưởng chừng bất biến của môn thể thao này. Châu Âu, nơi bắt đầu của khoa học hiện đại với thời đại Khai sáng, lại càng tích cực trong việc áp dụng những công nghệ này.

Dữ liệu lớn đã khiến nhiều đội bóng nhận ra có một khoảng cách không nhỏ giữa kinh nghiệm của HLV, cảm tính của người hâm mộ, và các con số lạnh lùng. 

Lấy ví dụ, làm thế nào để đánh giá ai xuất sắc nhất trận? Người ghi bàn luôn có lợi thế, đặc biệt là những bàn thắng quyết định. Nhưng trong trận Anh thắng Croatia, cầu thủ được trang thống kê WhoScored chấm điểm cao nhất là tiền vệ Kalvin Phillips (7,6 điểm) chứ không phải cầu thủ ghi bàn Raheem Sterling (7,2).

Tính đến trước khi bàn thắng được ghi ở phút 57, Phillips cũng là người có điểm số cao nhất của đội (6,5), nhỉnh hơn Sterling (6,2). Anh là người kiến tạo bàn thắng duy nhất trong trận đấu đó và được chấm điểm cao hơn vì những đóng góp vào lối chơi chung. 

Một danh sách dài những thống kê của WhoScored chỉ ra điều đó mà ngay cả một người hâm mộ bình thường hiện cũng có thể kiểm tra dễ dàng qua Internet.

Sự trở lại của 3-5-2

Hiệu quả trong bóng đá, do đó, ngày nay được đánh giá lại hoàn toàn: Tất cả các trường phái chiến thuật bởi thế ngày càng xích dần về một “trường phái” duy nhất - tính hiệu quả. “Pressing”, “gegenpressing”, “tiki-taka”, “catenaccio” hay “kick and run” gì giờ đều phải đặt tính hiệu quả lên hàng đầu - biểu hiện qua những con số.

Phải chăng chính vì thế mà ta được chứng kiến sự trở lại của hệ thống chiến thuật 3-5-2, hay rộng hơn là hệ thống phòng ngự 3 trung vệ ở gần như mọi đội bóng lớn tại giải lần này. 

Đó thực sự là biểu tượng của một thời đại bóng đá mới (đội tuyển Việt Nam thời HLV Park Hang Seo cũng đá chủ yếu với các đội hình 3 trung vệ khác nhau, tùy theo đối thủ). 

Mùa này, Chelsea vô địch Champions League với sơ đồ 3 trung vệ. Nhiều CLB mạnh khác như Barca, Real Madrid, Atletico hay Manchester City cũng sử dụng thường xuyên sơ đồ này.

Ở EURO 2020, chỉ tính lượt đấu đầu tiên của giai đoạn vòng bảng, có đến 10 đội chơi với 3 trung vệ trong đội hình xuất phát, gồm Thụy Sĩ, Phần Lan, Bỉ, Áo, Bắc Macedonia, Hà Lan, Scotland, Ba Lan, Hungary và Đức. 

Trong khi đó, tuyển Ý, vốn từng đưa sơ đồ này trở lại đấu trường quốc tề hồi EURO 2016, lại có hàng thủ 4 người với cách vận hành khá biến ảo. Hậu vệ cánh phải của họ Alessandro Florenzi chủ yếu lùi sâu phòng ngự, còn hậu vệ trái Leonardo Spinazzola dâng cao, tạo thành một sơ đồ “3-5-2 nằm nghiêng”.

“4-3-3 hay 3-5-2 cũng chỉ là cuộc chơi của các con số, quan trọng là cách bạn vận hành nó. 

Thế nào là phòng ngự? Đó là việc bạn phải chiếm lĩnh bao nhiêu không gian, bắt một hậu vệ phải bao bọc cả một khu vườn là cách phòng ngự tồi tệ nhất”, HLV Massimiliano Allegri giải thích khi chuyển sơ đồ chiến thuật của Juventus sang 3-5-2 hồi năm 2016.

Hệ thống phòng ngự với 3 trung vệ ra đời khoảng thập niên 1980, và cho tới khá gần đây vẫn bị nhìn nhận là một sơ đồ khá tiêu cực, thiên về phòng ngự, với 5 người đá phòng ngự (thêm 2 cầu thủ chạy cánh), hay thậm chí là để đậu xe buýt trước khung thành, nếu 2 tiền vệ trung tâm cũng là những cầu thủ đánh chặn.

Tới đầu thế kỷ 21, nó đã gần như biến mất, nhưng đang trở lại mạnh mẽ vài năm gần đây. Đúng như Allegri nói, đó chỉ là những con số, tiêu cực hay tích cực là do cách vận hành. 

Hiện giờ không ít đội chơi tấn công hay nhất đá với 3 trung vệ, điều giúp họ bịt kín các khoảng trống phía sau, giúp cầu thủ chạy cánh bớt phải hỗ trợ phòng ngự. Trận chung kết Champions League vừa rồi, người ta đã thấy Chelsea mới là đội áp đảo Man City về số tình huống tấn công nguy hiểm.

ý đá tấn công, Anh đá phòng ngự?

Với sự hỗ trợ của công nghệ dữ liệu, các HLV ngày càng có cơ sở để thay đổi lối chơi truyền thống. Từ World Cup 2018, HLV Gareth Southgate đã áp dụng sơ đồ 3-5-2 cho tuyển Anh, với lối chơi phòng ngự chặt chẽ hơn rất nhiều, và họ vào được tới bán kết. 

EURO 2020 này, Anh chỉ chuyển sang chơi 4-3-3 vì những ca chấn thương phút chót với Trent Alexander-Arnold và Harry Maguire.

Nhưng dù cho sơ đồ nào, điều quan trọng nhất là tư duy chơi bóng của người Anh đã thay đổi. Trước Croatia trên sân nhà, họ tràn lên thị uy trong khoảng 20 phút đầu. 

Sau khi thất bại với nỗ lực đánh phủ đầu, họ lùi về phòng ngự, bịt kín mọi khoảng trống và kiên nhẫn chờ đợi cơ hội. Giống như Ý, 4-3-3 của Anh dần chuyển thành “3-5-2 lệch phải”, khi hậu vệ trái Kieran Trippier hầu như chỉ ở sân nhà, còn hậu vệ phải Kyle Walker lại dâng rất cao. 

Croatia từng đánh bại Anh ở World Cup 2018 và Southgate đã tỏ ra thuộc bài học đó. Lối chơi “kick and run” coi như đã bị khai tử ở tuyển Anh.

Anh chơi phòng ngự nhiều hơn, và Ý lại tấn công nhiều hơn. Đó là hiện thực mới của làng bóng đá thế giới, khi những thống kê và dữ liệu giúp mọi thứ chiến thuật giờ đều chỉ nhắm tới một mục tiêu duy nhất: hiệu quả của chiến thắng. ■

Pháp đá tiêu cực, Đức lại thiếu hiệu quả

Pháp (phải) nổi tiếng hào hoa nay lại phòng ngự rất chắc chắn, trong khi Đức nổi tiếng hiệu quả nay chuyền bóng qua lại mãi mà không có bàn thắng. Ảnh: AS

 

Trận cầu đinh của lượt thứ nhất vòng bảng Đức - Pháp diễn ra không như mong đợi của khán giả, khi một đội sớm có bàn thắng khá may mắn rồi lùi về phòng ngự đổ bêtông, còn một đội hầu như chỉ biết chuyền bóng qua lại. 

Hơn 20 năm trước, kịch bản đó thường diễn ra với người chiến thắng là Đức, nhưng bây giờ mọi chuyện đảo ngược.

Pháp là đội chơi nhỉnh hơn, tạo ra nhiều cơ hội hơn, có nhiều cá nhân chói sáng hơn, cũng thắng xứng đáng hơn, nhưng điều đó không thể che giấu việc họ hoàn toàn đi ngược truyền thống đá đẹp của mình. 

Pháp chỉ cầm bóng vỏn vẹn 38%, nhưng tung ra đến 18 cú tắc bóng. Từ sau bàn phản lưới của Mats Hummels, Pháp chỉ chăm chăm phòng ngự, và phản công bằng cách đưa bóng cho Kylian Mbappe, rồi để anh “muốn làm gì thì làm”.

Tất nhiên, quan trọng là lối chơi đó hiệu quả. Đức ra sân với sơ đồ 3 trung vệ khá lạ lẫm và về mặt chiến thuật, cách bố trí này phong tỏa được Mbappe. 

Họ rốt cuộc chỉ thua bởi một sai lầm khó tin của hậy vệ dày dạn Hummels. Thật thú vị, tình huống đó tiêu biểu cho vẻ đẹp bất quy tắc trong bóng đá: những pha bóng mà dữ liệu thống kê không thể nào bao quát hết được!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận