Những Khổng Ất Kỷ thời hiện đại

NGUYỄN THÀNH TRUNG 04/06/2023 15:00 GMT+7

TTCT - Khổng Ất Kỷ trở thành một trong những meme hot nhất trên mạng xã hội Trung Quốc từ tháng 2-2023.

Anh chàng họ Khổng này không phải người thật, mà là nhân vật văn học trong truyện ngắn cùng tên nổi tiếng sáng tác vào khoảng những năm 1920 của đại văn hào Lỗ Tấn. 

Khổng là một nhà nho nghèo, dành cả cuộc đời nghiên cứu kinh thư Khổng giáo, nhưng lại thi rớt và mắc kẹt trong cảnh sống nghèo khó. Vấn đề là do được coi là có tí chữ nghĩa nên anh ta không chịu làm lao động chân tay. Thà chịu nghèo, còn hơn từ bỏ "tấm áo của bậc trí thức".

Một hội chợ việc làm ở Trùng Khánh tháng 4-2023. Ảnh: AFP

Một hội chợ việc làm ở Trùng Khánh tháng 4-2023. Ảnh: AFP

Chàng họ Khổng bỗng nhiên trở nên hot giữa thời Internet tận hơn 100 năm sau là do hiện nhiều người trẻ Trung Quốc thấy đồng cảm với anh ta, khi đối mặt với những biến động xã hội. 

Nhiều sinh viên trẻ vừa tốt nghiệp đại học cảm thấy nguy cơ thất nghiệp quá cao, hoặc nếu kiếm được công việc văn phòng thì thường phải làm từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày trong tuần (lối sống 996). 

Còn không, dù có bằng đại học, nếu muốn có việc làm, họ sẽ phải chấp nhận làm công việc chân tay - loại công việc mà họ cố gắng học cao chính là để tránh né không phải làm.

1/5 thanh niên thất nghiệp

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), tỉ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi 16-24 ở Trung Quốc đạt mức kỷ lục 20,4% trong tháng 4-2023, sau khi tăng từ 19,6% trong tháng 3, và gấp đôi so với mức trước đại dịch. 

Điều đó có nghĩa 5 thanh niên Trung Quốc thì sẽ có 1 người thất nghiệp. Tỉ lệ này được cảnh báo có thể còn tăng nữa, bởi con số kỷ lục 11,6 triệu sinh viên đại học - tương đương dân số cả nước Bỉ - sẽ tốt nghiệp vào hè năm nay.

Họ sẽ phải cạnh tranh kiếm việc làm trong một thị trường lao động vốn đã đông đúc và ngày càng khắc nghiệt. Thư Tường, sinh viên sắp tốt nghiệp ngành quản trị tài chính ở Thành Đô, cho tờ The New York Times biết là đã gửi hơn 100 đơn xin việc từ tháng 2 vừa rồi nhưng chỉ nhận phản hồi mời phỏng vấn từ 5 công ty. 

Cô nói: "Tôi không tự tin lắm là sẽ tìm được việc". Điều duy nhất khiến cô cảm thấy bớt lo lắng hơn là biết rằng mình không đơn độc - hầu hết bạn cùng lớp của cô cũng gặp vấn đề tương tự.

Tỉ lệ thất nghiệp tăng cao một phần liên quan đến sự hồi phục chậm của nền kinh tế Trung Quốc sau đại dịch, nhưng một phần cũng do nhiều người trẻ từ chối lối sống 996 cạnh tranh đã phổ biến ở nhiều thành phố lớn nước này trong hai thập kỷ qua. 

Dù tỉ lệ thanh niên thất nghiệp trong dài hạn được dự báo sẽ thấp hơn so với hiện tại, khi nền kinh tế mở cửa lại hoàn toàn, tỉ lệ đó vẫn có khả năng duy trì ở mức cao hơn so với trước dịch.

Thông tin tuyển dụng ở một hội chợ việc làm tại Trịnh Châu, Hà Nam. Ảnh: Reuters

Thông tin tuyển dụng ở một hội chợ việc làm tại Trịnh Châu, Hà Nam. Ảnh: Reuters

Các lý do cấu trúc

Có nhiều lý do mang tính cấu trúc giải thích cho điều này: thanh niên là nhóm tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương trước các chu kỳ suy thoái kinh tế, thiếu kinh nghiệm làm việc, không đủ kỹ năng chuyên môn, và mức lương khởi điểm thấp hơn mức họ sẵn sàng chấp nhận. 

Dù số liệu ở nhiều quốc gia cho thấy tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên có xu hướng cao hơn tỉ lệ thất nghiệp chung, nhưng điều này đặc biệt đáng lo ngại với Trung Quốc, bởi cách phản ứng của những người trẻ ở đây.

Cũng theo tờ SCMP, tiền thuê nhà sẽ chiếm gần một nửa thu nhập của đội quân sinh viên mới tốt nghiệp đang tìm kiếm công việc đầu tiên ở các thành phố hạng nhất. Giá thuê căn hộ tăng cao đã vượt xa mức tăng lương khởi điểm trung bình trong 5 năm qua. 

Giá thuê nhà ở Bắc Kinh và Thượng Hải tăng 14-18% kể từ năm 2016, trong khi lương khởi điểm cho sinh viên mới tốt nghiệp tăng 10,4% giai đoạn 2015-2020. Tình hình ở Thượng Hải, Quảng Châu, Nam Kinh hay Thâm Quyến cũng tương tự.

Khi tiền thuê nhà tăng, giá bất động sản cao chót vót, và khó tìm được việc làm tốt, ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc sống dựa vào cha mẹ. 

Nhưng sự hỗ trợ của cha mẹ lại là con dao hai lưỡi khi thanh niên không chịu làm công việc lương ít nếu họ vẫn còn dựa dẫm được vào gia đình. Theo một khảo sát của Đại học Bắc Kinh, 1/3 sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc đang sống với cha mẹ, và hầu hết những người này đều thất nghiệp.

Theo một báo cáo của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs tháng 5-2023, mất cân bằng cơ cấu là một lý do khác đằng sau tỉ lệ thất nghiệp cao của thanh niên Trung Quốc. 

Có sự không phù hợp giữa các ngành học với yêu cầu của doanh nghiệp cũng như nhu cầu của thị trường lao động, ví dụ số lượng sinh viên tốt nghiệp năm 2021 từ các trường chuyên ngành sư phạm, giáo dục và thể thao đã tăng hơn 20% so với năm 2018, nhưng nhu cầu tuyển dụng của ngành giáo dục giảm đáng kể trong cùng thời kỳ. 

Sự không phù hợp về kỹ năng được đào tạo và nhu cầu thị trường chỉ có thể được giải quyết dần dần và là một yếu tố góp phần làm tăng tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên.

Ảnh: China File

Ảnh: China File

Nhà nước làm gì?

Thanh niên Trung Quốc hiện đang là những người có trình độ học vấn cao nhất trong nhiều thập kỷ qua, với số lượng kỷ lục sinh viên tốt nghiệp từ các trường dạy nghề, cao đẳng và đại học. 

Nhưng họ cũng phải đối mặt với khoảng cách ngày càng tăng giữa kỳ vọng và cơ hội. Chính sách chống COVID-19 hà khắc của Chính phủ Trung Quốc cản trở chi tiêu của người tiêu dùng và ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp nhỏ trong 3 năm qua. 

Chính sách kiểm soát chặt chẽ các công ty Internet, fintech, bất động sản và giáo dục tư thục cũng làm tổn thương khu vực tư nhân, nơi cung cấp hơn 80% việc làm ở Trung Quốc. Hàng trăm nghìn người đã mất việc trong ngành công nghệ và giáo dục.

Tình trạng thanh niên thất nghiệp nhiều và kéo dài có thể gây ra những hậu quả kinh tế vĩ mô tiêu cực sâu sắc ở bất cứ nơi nào trong dài hạn. Nhưng nó đặc biệt là một vấn đề với Trung Quốc, khi nước này đang có dân số lớn và già đi nhanh bậc nhất thế giới. 

Trong khi nền kinh tế khẩn thiết cần lực lượng lao động mới có năng suất cao để thay thế dần lớp dân số già, Trung Quốc không chỉ cần nhiều việc làm hơn mà còn cần nhiều công việc được trả lương cao hơn.

Truyền thông chính thống Trung Quốc đang cố gắng thay đổi suy nghĩ của giới trẻ về công ăn việc làm khi cho rằng thái độ kén chọn công việc của thanh niên khiến tình trạng thất nghiệp nặng nề hơn. 

Kể từ khi meme Khổng Ất Kỷ lan truyền nhanh chóng, báo chí Trung Quốc đã xuất hiện nhiều bài viết chỉ trích giới trẻ "quá kén chọn" công việc, kêu gọi họ gạt bỏ "niềm tự hào có học", và hãy lao động chân tay nếu có cơ hội nghề nghiệp.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc thì đã công bố các biện pháp khác nhau để thúc đẩy việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học. Theo CNN, tháng 12-2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi thanh niên thành thị tìm kiếm việc làm ở các vùng nông thôn trong chiến lược "chấn hưng nông thôn". 

Đây cũng là cách mà chính quyền Trung Quốc hy vọng giúp thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, đồng thời giảm bớt căng thẳng cạnh tranh việc làm ở các đô thị lớn. Tháng 4 vừa qua, tỉnh Quảng Đông, công xưởng sản xuất của thế giới, cho biết họ sẽ giúp sinh viên tốt nghiệp đại học và doanh nhân trẻ tìm việc làm ở các làng quê. Tỉnh này cũng khuyến khích thanh niên nông thôn về quê nhà để tìm việc.

Ngoài ra, các cơ quan nhà nước đang phải chia sẻ trách nhiệm giảm bớt tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ khi quân đội Trung Quốc ưu tiên tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp đại học, và các doanh nghiệp nhà nước cam kết tạo ra 1 triệu vị trí thực tập cho sinh viên tốt nghiệp trong hai năm tới. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp mang tính ngắn hạn và cục bộ. 

Những giải pháp trung hạn và dài hạn đòi hỏi nhiều chính sách cải cách kinh tế và giáo dục vĩ mô đau đớn hơn nhiều.■

Theo một khảo sát năm 2021, công việc dành cho sinh viên mới tốt nghiệp ở các thành phố lớn chỉ trả trung bình 5.290 nhân dân tệ (749 USD) mỗi tháng, trong khi lương bình quân của người giữ trẻ, thường là xuất thân nông thôn và chưa tốt nghiệp trung học, ở các đô thị lớn là 6.000 NDT mỗi tháng. Lớn lên trong một xã hội tiêu dùng, người trẻ Trung Quốc thấy công việc với mức lương khởi điểm thấp như vậy khó thể giúp họ duy trì cuộc sống như kỳ vọng. Nhiều thanh niên Trung Quốc mắc kẹt trong thực trạng xã hội oái ăm: những kỹ năng mà họ tốn nhiều thời gian, tiền của và công sức để đào luyện ở các trường đại học có thể không giúp họ kiếm được việc làm tốt hơn những người lao động chân tay.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận