Những khối tài sản khổng lồ được che giấu ra sao?

LAN CHI 11/04/2016 20:04 GMT+7

TTCT - Mossack Fonseca & Co. không phải là một cái tên nổi tiếng, tuy nhiên hãng luật có trụ sở tại Panama là đối tác quen thuộc của giới tài chính và chính trị toàn cầu. Và vụ bê bối “Hồ sơ Panama” đã lột trần vỏ bọc tưởng như khiêm tốn của công ty này.

Người Iceland đi biểu tình rầm rộ khiến Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson phải từ chức vì có tên trong “Hồ sơ Panama” -Reuters
Người Iceland đi biểu tình rầm rộ khiến Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson phải từ chức vì có tên trong “Hồ sơ Panama” -Reuters


Đó là vụ rò rỉ tài liệu lớn chưa từng thấy, giống như một cơn sóng thần” - Newsweek dẫn lời chuyên gia John Christensen, giám đốc và đồng sáng lập Mạng lưới công lý thuế (TJN) chuyên điều tra ngành công nghiệp quản lý tài sản ở ngoại quốc, nhận định về xìcăngđan “Hồ sơ Panama” đang khiến cả thế giới chấn động.

Giới siêu giàu gửi tài sản ra nước ngoài không phải là hiện tượng gì mới. TJN ước tính có tới 21.000 tỉ USD tài sản tư nhân được gửi gắm một cách bí mật, không chịu thuế hoặc chỉ bị đánh thuế rất thấp tại các quốc gia và vùng lãnh thổ được mệnh danh là “thiên đường né thuế”.

Panama là một trong những “thiên đường né thuế” khét tiếng nhất theo bảng xếp hạng Chỉ số bí mật tài chính (FSI) của TJN. Và tại Panama, Mossack Fonseca là cái tên rất quen thuộc với các nhân vật giàu có và thế lực toàn cầu.

Con quái vật tài chính

Người sáng lập Mossack Fonseca là Jürgen Mossack, sinh tại Đức nhưng lớn lên và học đại học ở Panama. Năm 1977, Mossack thành lập một công ty luật ở Panama, nhưng Mossack Fonseca chỉ ra đời vào năm 1986, khi công ty của Mossack sáp nhập với hãng luật nhỏ của Ramon Fonseca - một chính trị gia kiêm luật sư và tiểu thuyết gia có tiếng.

Cùng nhau, chúng tôi đã tạo ra một con quái vật” - Fonseca từng tự hào mô tả về Mossack Fonseca với một nhà báo. Kể từ đó, Mossack Fonseca mở rộng hoạt động ra toàn cầu với hơn 500 nhân viên ở hơn 40 văn phòng đại diện, chuyên lập công ty bình phong cho các khách hàng quốc tế không chỉ ở Panama mà cả những “thiên đường thuế” (tax haven *) khét tiếng khác như Bahamas, quần đảo Virgin thuộc Anh, Seychelles, Samoa, hay hai bang Nevada và Wyoming ở Mỹ (hai bang có quy định quản lý tài chính lỏng lẻo nhất nước Mỹ).

Công ty bình phong có bất hợp pháp hay không? Theo luật thì không. Nhiều người và tổ chức sử dụng công ty bình phong để đảm bảo sự riêng tư. Ví dụ, một diễn viên hay ca sĩ nổi tiếng muốn mua một căn nhà mà không để giới báo chí biết thì có thể thuê luật sư, lập công ty bình phong để thực hiện giao dịch mua nhà.

Tuy nhiên, sự bí mật và ẩn danh luôn rất dễ trở thành công cụ để thực hiện những hành vi mờ ám. Ví dụ, một doanh nhân Mỹ không muốn chính phủ đánh thuế cao có thể lập công ty bình phong. Nó sẽ đại diện cho doanh nhân này kiểm soát một cách bí mật cổ phiếu, trái phiếu, các tài sản tài chính khác.

Hoặc một cá nhân kiếm bộn tiền từ hành vi phạm pháp như nhận hối lộ hay buôn ma túy muốn che giấu tài sản trước ánh mắt nhòm ngó của nhà chức trách. Một công ty bình phong ở nước ngoài là giải pháp lý tưởng.

Hoạt động phi pháp và chính trị gia

“Hồ sơ Panama” cho thấy Mossack Fonseca chắc chắn có dính líu tới một số hoạt động phi pháp. Vài năm trước, nhà chức trách Las Vegas, bang Nevada (Mỹ) cáo buộc Mossack Fonseca lập 123 công ty bình phong cho một nhân vật thân tín của một cựu tổng thống Argentina.

Kẻ này sử dụng chúng để ăn trộm hàng triệu USD từ các hợp đồng với chính phủ. Tòa án ra trát đòi Mossack Fonseca cung cấp thông tin về dòng tiền đã chảy qua các công ty ở Nevada.

Một ví dụ khác là năm 1986, Mossack phát hiện một công ty bình phong mà Mossack Fonseca lập ra có dính líu tới nhóm tội phạm đã cướp 3,5 tấn vàng, trị giá khoảng 26 triệu bảng Anh thời kỳ đó, từ một nhà kho gần sân bay Heathrow ở London năm 1983.

Biển hiệu hãng luật Mossack Fonseca ở Panama City -Reuters
Biển hiệu hãng luật Mossack Fonseca ở Panama City -Reuters

 

Trong biên bản gửi Fonseca, Mossack viết: “Công ty chúng ta không vi phạm pháp luật. Nhưng công ty có thể đã đầu tư tiền qua các tài khoản ngân hàng và bất động sản có nguồn gốc bất hợp pháp”. Sau đó, Mossack Fonseca làm cố vấn pháp lý cho một công ty bình phong mới của Gordon Parry - kẻ trốn chạy và sau đó bị xử tù 10 năm vì tội rửa tiền từ vụ cướp khét tiếng đó.

Các tài liệu cho thấy cảnh sát London triệt phá công ty bình phong ban đầu. Nhưng nhờ sự hướng dẫn của Mossack Fonseca, Parry đã qua mặt cảnh sát nhờ bán hết cổ phiếu vô danh của công ty này. Cổ phiếu vô danh là không ghi tên, có thể trao tay không cần thủ tục sang nhượng.

Trước khi bê bối “Hồ sơ Panama” nổ ra, Mossack Fonseca từng đối mặt một số rắc rối pháp lý. Năm 2014, Mossack Fonseca bị phát hiện lập công ty bình phong Drex ở quần đảo Virgin thuộc Anh cho Rami Makhlouf, họ hàng và là đồng minh thân cận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Makhlouf có tên trong danh sách cấm vận của Mỹ. Năm 2015, nhà chức trách Đức khám xét văn phòng của Ngân hàng Commerzbank ở Frankfurt và tính truy tố một số nhân viên Mossack Fonseca vì tội hỗ trợ trốn thuế.

Ở Brazil, Mossack Fonseca có dính líu tới vụ xìcăngđan tham nhũng của hãng dầu khí nhà nước Petrobas đang đe dọa làm sụp đổ chính quyền Tổng thống Dilma Rousseff. Trong vụ việc này, các nhà thầu bị tố giác cấu kết với nhau đẩy giá giao thầu từ Petrobas và hối lộ cho các chính trị gia cũng như lãnh đạo Petrobas.

Mossack Fonseca bị cáo buộc đã hỗ trợ một số nghi can rửa tiền bẩn kiếm được từ hành vi tham nhũng. Từ tháng 1-2006, các công tố viên Brazil khẳng định Mossack Fonseca là “cỗ máy rửa tiền khổng lồ”.

“Hồ sơ Panama” đã bóc dỡ hết quy mô khổng lồ của Mossack Fonseca. Các tài liệu cho thấy công ty luật này đại diện cho hơn 300.000 công ty bình phong, phần lớn đăng ký tại Anh và các “thiên đường né thuế”.

Mossack Fonseca hợp tác với hàng loạt ngân hàng hàng đầu thế giới như Deutsche Bank, HSBC, Societe Generale, Credit Suisse, UBS, Commerzbank, Nordea và có khách hàng ở hơn 100 nước. Ước tính khoảng 2.000 tỉ USD tài sản trong các ngân hàng và công ty đã được vận chuyển bí mật dưới bàn tay phù phép của Mossack Fonseca.

Những ngày qua, Mossack Fonseca luôn khẳng định sự trong sạch, nhưng sức ép đối với công ty luật Panama này là cực lớn.

Phản ứng

Có phần gượng gạo và trễ tràng, nhiều chính phủ trên khắp thế giới giờ mới tuyên bố sẽ điều tra những sai sót có thể liên quan tới Mossack Fonseca và “Hồ sơ Panama”, dù những hoạt động mờ ám này đã được tiến hành suốt 40 năm qua.

Bộ Tư pháp Mỹ nói họ sẽ phải xác định xem “có bằng chứng tham nhũng hay vi phạm pháp luật Mỹ” không rồi mới mở điều tra. Nhà Trắng, trong một tuyên bố, cũng nói nước đôi rằng “dù thiếu sự minh bạch trong các giao dịch này”, họ cần chờ các chuyên gia xác minh xem những giao dịch có dấu hiệu phạm pháp hay không.

Các nước châu Âu tỏ ra sốt sắng hơn. Từ Pháp, các công tố viên tài chính nói họ đã mở điều tra sơ bộ về nghi ngờ trốn thuế. Đức, nơi vụ việc được phanh phui, tỏ ra mạnh tay nhất khi Bộ Tài chính nước này nói “sẽ theo đuổi tiếp” những gì mà truyền thông đã nêu. Trong ngày 5-4, hàng loạt quốc gia gồm Úc, Áo, Thụy Điển và Hà Lan đều thông báo mở điều tra với những cáo buộc liên quan đến 11,5 triệu tài liệu vừa được tiết lộ.

Điện Kremlin bác bỏ các cáo buộc liên quan tới Tổng thống Putin. Trung Quốc kiểm soát chặt truyền thông trong nước, các mạng xã hội và công cụ tìm kiếm nhằm chặn thông tin Hồ sơ Panama.

Thủ tướng Anh David Cameron nói những liên hệ với người cha quá cố của ông nêu trong “Hồ sơ Panama” là “vấn đề riêng tư”. Pakistan khẳng định gia đình Thủ tướng Nawaz Sharif (con gái và con trai ông bị nêu tên) không làm gì sai.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko một mực bảo vệ sự minh bạch của ông sau khi các nghị sĩ yêu cầu điều tra các cáo buộc nói ông dùng một công ty ở nước ngoài để trốn thuế. Ông Poroshenko đã chuyển đăng ký doanh nghiệp bánh kẹo của ông sang quần đảo Virgin thuộc Anh vào tháng 8-2014, vào lúc chiến sự ở miền Đông Ukraine lên tới đỉnh điểm.

Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson đã phải từ chức hôm 5-4 sau một cuộc biểu tình toàn quốc bởi ICIJ nói ông và vợ liên quan tới một công ty bí mật ở một “thiên đường né thuế”.

Ai đứng đằng sau?

Vụ Panama Papers quá lớn và thách thức những nhân vật và tổ chức quá quyền lực để có thể cho rằng đó chỉ là một nỗ lực hoàn toàn trong sáng của phong trào báo chí tự do và truyền thông mạng xã hội đang lên. Cùng lúc với khi quả bom được tung ra, ngay lập tức là câu hỏi về việc ai đứng đằng sau.

Giả thuyết đầu tiên, WikiLeaks, cho tới giờ đã không đứng vững. Người sáng lập trang này, Julian Assange, được Nga che chở. Thêm vào đó, ngày 5-4, từ tài khoản Twitter, WikiLeaks cũng bày tỏ nghi vấn tỉ phú George Soros và “các quỹ quyền lực mềm trốn thuế” đứng đằng sau vụ tung tài liệu mật này, gián tiếp khẳng định họ không làm việc đó.

Từ Nga, nhiều hãng tin đặt câu hỏi tại sao Tổng thống Putin của họ lại được “ưu ái” đưa lên tít chính hoặc bìa báo của hầu hết các hãng tin phương tây, dù ông không liên quan trực tiếp tới vụ việc. Trang Infowars.com làm một thống kê chi tiết nói 12 cựu lãnh đạo và lãnh đạo trên toàn thế giới cùng 128 chính trị gia bị nêu tên, nhưng những nhân vật của Nga và Trung Quốc bị nhấn mạnh nhất.

ICIJ cũng bị nghi ngờ về tính trung thực và trung lập khi tung ra hồ sơ này. Trang chủ của họ cho thấy các nhà tài trợ lớn bao gồm Quỹ Open Society (một quỹ của nhà tỉ phú George Soros, một người chống Putin và các hệ thống toàn trị rất quyết liệt), Quỹ Ford, Quỹ Carnegie, Quỹ Gia đình Rockefeller, tất cả đều đóng tại Hoa Kỳ và nhiều quỹ khác.

“Các tập đoàn truyền thông, (báo) Guardian và BBC ở Anh, được độc quyền tiếp cận những dữ liệu này mà bạn và tôi không thể nhìn thấy - Craig Murray, một nhà báo độc lập người Anh, viết trên blog cá nhân - Họ đang bảo vệ chính mình… Đừng bao giờ quên rằng Guardian đã hủy mọi bản họ có trong tay trong hồ sơ Snowden liên quan tới MI6 (Cơ quan tình báo Anh)”.

Trò đổ lỗi sẽ còn kéo dài trong những ngày tới, nhưng cho tới giờ, mọi giả thuyết vẫn chỉ dừng lại ở thuyết âm mưu.■

(*): “Tax haven” (tạm dịch: Thiên đường thuế) là từ chỉ các quốc gia, vùng lãnh thổ áp mức thuế thu nhập rất thấp hoặc bằng 0, có hệ thống tài chính bí mật, khuyến khích người nước ngoài gửi tiền tại đó để né một số loại thuế nhất định như thuế thừa kế, thuế thu nhập đánh vào lãi từ tiền gửi ngân hàng. Chính quyền các “tax haven” hiếm khi cung cấp thông tin tài chính cho các cơ quan thuế nước ngoài. Đặc điểm chung nữa của các “tax haven” là có môi trường chính trị và kinh tế ổn định (mới có thể thu hút giới nhà giàu đến gửi tài sản).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận