Sau "tìm kiếm tài năng", những đứa trẻ này sẽ đi đâu?

CUNG TUY 02/06/2016 21:06 GMT+7

TTCT - Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Việt Nam 2016” (Vietnam’s Got Talent 2016) kết thúc cuối tuần qua sau khi tìm thấy tài năng nhí Trọng Nhân, 9 tuổi. Năm ngoái, cũng ở cuộc thi này, một tài năng 9 tuổi khác đăng quang - bé Đức Vĩnh. Trọng Nhân được khen là “thiên hạ đệ nhất trống”, là “tài sản quốc gia”, còn trước đó Đức Vĩnh được gọi là “thần đồng”.

Trọng Nhân, quán quân của Vietnam’s Got Talent mùa mới nhất-A.N.
Trọng Nhân, quán quân của Vietnam’s Got Talent mùa mới nhất-A.N.

Ngay sau khi Vietnam’s Got Talent 2016 kết thúc, cuộc thi “Thần tượng Việt Nam nhí” (Vietnam Idol nhí) cũng bước vào vòng “Nhà hát”, chuẩn bị lên sóng truyền hình vào tháng 6 tới. “Gương mặt thân quen nhí” đang chờ khai màn sau khi “Gương mặt thân quen” “nhớn” kết thúc.

Và một cuộc thi “Hòa âm ánh sáng nhí” (Remix nhí) nghe nói đang trên bàn thảo luận... Dường như chưa bao giờ tài năng nhí trên sân khấu biểu diễn được phát hiện nhiều và... tài năng như thế. Một tín hiệu mừng cho tương lai nghệ thuật Việt Nam chăng?

Trọng Nhân chỉ giỏi... bình thường!?

Phải công nhận màn chơi trống và hát rock bản Ngọn lửa cao nguyên của cậu bé 9 tuổi trong đêm gala Vietnam’s Got Talent 2016 hôm 14-5 vừa qua thật ấn tượng và lôi cuốn. Ba vị giám khảo đứng cả lên suốt thời gian Trọng Nhân trình diễn và cả ba cùng đề cử tay trống nhí đại diện Việt Nam biểu diễn/thi đấu tại nước ngoài.

Cũng đã có thông tin về việc nhóm nhạc rock Mỹ Avenged Sevenfold tỏ ra bất ngờ khi xem Trọng Nhân biểu diễn một ca khúc của họ (vòng loại). Chưa rõ cụ thể Avenged Sevenfold bất ngờ về “trình” chơi trống của cậu bé Việt hay về sự phấn khích của đám đông nửa bên kia trái đất trước màn trình diễn một tác phẩm của họ.

Tuy nhiên, ba vị giám khảo Vietnam’s Got Talent 2016 thì chỉ nhạc sĩ Huy Tuấn có chuyên môn âm nhạc, nhưng là kèn (flute) chứ không phải trống. Giới chuyên môn tỏ ra thận trọng hơn. Lê Quang Minh, tay trống của nhóm Little Wings, cho rằng: “Cách chơi của Trọng Nhân mà mọi người trầm trồ thật ra chỉ phần nhiều mang tính phô diễn.

Mà ở bộ môn này, vấn đề không phải là chuyện tay chân chơi như thế nào, tư duy mới là điều quan trọng. Trọng Nhân vẫn còn thiếu sự tinh tế khi chơi. Ở nước ngoài, ngay từ lúc nhỏ các tay trống nhí đã được hướng đến sự tinh tế. Tính phô diễn nhiều, có kỹ thuật tốt nhưng vẫn giống nhau, thiếu một cá tính mới, Trọng Nhân đang giống rất nhiều người trước đây”.

Trần Toàn, một rocker, lại đánh giá cao chất rock metal mà Trọng Nhân chơi dù anh cũng cho rằng: “Sự khác biệt vẫn nằm ở lối đánh. Trọng Nhân chọn hình thức theo lối biểu diễn của rock metal - vốn thường mang nhiều năng lượng, nhưng em chưa mới và cũng chẳng lạ”.

Jagger Alexander-Erber, nay 13 tuổi, từng tham gia chương trình Australian’s Got Talent ở Úc khi mới lên 9, đã gây ngạc nhiên cực lớn bởi lối tư duy mới mẻ và khác biệt qua cách chơi trống. Năm 2014, khi đến biểu diễn tại Úc, nhóm Rolling Stones đã mời Jagger diễn mở màn và tay trống của nhóm, Charlie Watts, khen ngợi cậu là “tương lai của trống”.

Đến giờ, Jagger vẫn đang xếp đầu tiên trong danh sách “Những tay trống xuất sắc nhất dưới 25 tuổi” ở Úc. Tay trống Lê Quang Minh hi vọng: “Tôi muốn nhìn thấy một Trọng Nhân chất hơn”.

Phương Mỹ Chi -Gia Tiến
Phương Mỹ Chi (trái) được nhiều người đánh giá có năng khiếu đặc biệt.   Ảnh:Gia Tiến

Được phát hiện rồi... đi đâu?

Những chương trình như Vietnam’s Got Talent hay Vietnam Idol nhí, Giọng hát Việt nhí... trong vài năm gần đây, xét một cách công tâm, đã phát hiện được không ít tài năng biểu diễn nhỏ tuổi.

Đức Vĩnh (quán quân Vietnam’s Got Talent 2015, được ví như “thần đồng” trong lĩnh vực trình diễn nghệ thuật dân gian), Nguyễn Thiện Nhân (quán quân Giọng hát Việt nhí 2014), Phương Mỹ Chi (á quân Giọng hát Việt nhí 2013), Hoàng Anh (á quân Giọng hát Việt nhí 2014), Quang Anh (quán quân Giọng hát Việt nhí 2013) hay mới nhất là Trọng Nhân... đều đã trở thành những tài năng nhí nhờ ánh sáng của truyền hình trực tiếp.

Kỳ thực, Trọng Nhân đã được phát hiện từ hai năm trước, khi cậu bé ở tuổi lên 7, giành vị trí quán quân cuộc thi Nhí tài năng 2014, điều mà những tài năng như La Cẩm Cường (sinh năm 1996), người chơi trống từ năm lên 4 tuổi, chưa bao giờ có một cơ hội “bước ra ánh sáng” nhờ truyền hình.

Nhưng quan trọng hơn cả, là sau đó các “ngôi sao tương lai” này đi đâu?

“Trọng Nhân phải được học hành một cách bài bản để nâng tư duy. Nhưng tôi thấy hiện nay chuyện này là rất khó bởi Việt Nam không có trường chuyên nghiệp cho trống, không có những festival dành cho nhạc cụ, không có nơi cọ xát thì sẽ rất khó đòi hỏi” - tay trống Lê Quang Minh nhận định. Còn nếu không, cứ tự mày mò là con dao hai lưỡi, có thể thành công mà cũng có thể lạc lối.

Đã có rất nhiều ví dụ thực tế về những ca sĩ ngày nhỏ được xem là những hiện tượng âm nhạc đình đám nhưng khi lớn lên lại không bằng được ngày xưa. Đó có thể là do con đường âm nhạc họ chọn, hoặc sai hướng, hoặc bị định hướng nhầm. Xuân Mai, Xuân Nghi hiện giọng vẫn còn tố chất nhưng bản sắc âm nhạc lại không rõ ràng. Quang Vinh, người một thời được xem là “hoàng tử sơn ca”, giờ cũng im hơi lặng tiếng.

Một số trường hợp tài năng nhí đăng quang trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng kể trên, ra khỏi cuộc thi cũng vẫn đang loay hoay. Có người vỡ giọng (Quang Anh), có người về quê và chờ cơ hội (Đức Vĩnh), có người phải đổi nghệ danh để đi hát (Thiên Nhâm - á quân Giọng hát Việt nhí 2014, giờ thành Thiên Vũ)...

Giám đốc chuyên môn của Soul Music Academy, ca sĩ Bùi Triệu Yên, phân tích: “Một ngôi sao đích thực phải được phát triển trên khả năng âm nhạc bẩm sinh cộng với những kiến thức và cả công nghệ đi kèm. Nhưng ta đang thấy phần công nghệ lấn át và làm mất đi cảm xúc, sự hồn nhiên của các em. Bản năng âm nhạc là rất quan trọng, nó không thể bị công nghệ lấn lướt. Công nghệ đang biến trẻ em thành những bản sao”.

Điều này lý giải vì sao dù đã tìm được cho mình những cơ hội tốt khi được lên truyền hình để tỏa sáng nhưng phần lớn những tài năng nhí lại không biết làm gì sau đó. Có lẽ bởi các em được nhào nặn thành những bản sao.

Thiện Nhân trở thành một Cẩm Ly tương lai, Quang Anh thì được kỳ vọng trở thành một Tùng Dương mới, Ngọc Duy sẽ thành một ngôi sao giải trí kiểu Trọng Hiếu... Có lẽ nhiều người làm chương trình đã xác định rằng yếu tố hấp dẫn của bất cứ show ca nhạc nhí nào trên truyền hình là làm sao biến trẻ con càng giống người lớn càng tốt, phiên bản người lớn với hình thức trẻ con.

 “Chúng ta thiếu sự sáng tạo bởi vẫn đi theo một khuôn mẫu nhất định chứ chưa bao giờ đi chiều ngược lại. Ở phương Tây, điều “ngược lại” ấy đã được áp dụng cho trẻ em từ bé. Khi một đứa bé tiếp xúc với một thể loại âm nhạc nào đó, chúng sẽ được phát biểu, được khơi gợi và từ đó mới xây dựng được nhu cầu phải có một cá tính âm nhạc riêng. Đó là một phản xạ cần phải có mà nền giáo dục âm nhạc ở Việt Nam hiện vẫn còn thiếu. Khi bạn tự do trong suy nghĩ thì âm nhạc của bạn sẽ rất hay. Những đứa trẻ cần phải biết rằng chúng không phải hát bằng âm thanh, mà hát bằng âm nhạc thật sự” 

Triệu Yên, giám đốc chuyên môn của Soul Music Academy.

Hết vòng thi này tới vòng thi khác, những đứa trẻ này được ra đề bài, hay khác đi, được “nhào nặn” thành một bản sao của người khác theo những hình mẫu cụ thể, để lấy lòng công chúng trong một cuộc chơi có tên gọi là “gây tò mò”. 

Trên thực tế, thị trường nhạc thiếu nhi hiện gần như không có công chúng trong khi thị trường biểu diễn chuyên nghiệp của người lớn lại chưa có chỗ thật sự cho những đứa trẻ này. Thế nên những đứa trẻ tài năng sẽ luôn gặp khó khăn khi bước ra khỏi một cuộc thi. Và các em đi đâu là điều không ai biết, ngay cả nhà tổ chức các cuộc thi.■ 

Bạn có thể nghe và so sánh một Trọng Nhân 7 tuổi tại cuộc thi  Nhí tài năng 2014

Và 9 tuổi trong cuộc thi Vietnam’s Got Talent 2016. Vietnam's Got Talent 2016 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận