Những đánh đổi xứng đáng

TIM KENNEDY 12/12/2018 00:12 GMT+7

TTCT - Tim Kennedy từng có một việc làm và thu nhập ổn định ở Mỹ. Anh đã từ bỏ công việc đó để rong ruổi như một người làm tự do 4 năm qua ở Đông Nam Á. Tim chia sẻ những trải nghiệm của anh với TTCT.

Ảnh: Ted Ideas
Ảnh: Ted Ideas

Khoảng một năm trước, tôi gặp phải một ngày tồi tệ với công việc. Tôi là một biên tập viên, và vừa nhận một nhiệm vụ vào phút chót với thời hạn ngặt nghèo: trong một ngày phải biên tập toàn bộ, cả lỗi ngữ pháp và văn phong, một tài liệu dài 30 trang, 13.000 từ.

Tệ hơn nữa, văn bản đó vừa nhàm chán đến đau khổ, vừa đầy lỗi, kiểu những lỗi lặt vặt đòi hỏi sự chú tâm và tập trung sát sao để nhận ra và để sửa. Đó là kiểu công việc nhàm chán, nhắm tới chi tiết có thể khiến một nhân viên văn phòng phát điên.

Thật may mắn, ngày hôm đó tôi không ngồi trong văn phòng. Thật ra, là một người làm việc tự do, tôi không thường ngồi trong văn phòng đã hơn hai năm rồi. Lúc đó tôi đang ở Indonesia, trên một chuyến xe lửa từ Yogyakarta đi Jakarta, qua vùng đồi núi miền trung đảo Java với những phong cảnh vào loại đẹp nhất mà tôi từng thấy.

Cứ vài phút, tôi lại hướng đôi mắt ra khỏi màn hình máy tính để ngắm những hàng cọ, ruộng bậc thang và mây trắng mênh mang ngoài cửa sổ tàu. Theo ý tôi, đó là đặc quyền lớn nhất của công việc tự do: tự do được làm việc từ bất kỳ đâu, biến bất kỳ căn phòng nào thành văn phòng của bạn - hay trong trường hợp này, bất kỳ toa xe lửa nào.

Đời sống của người làm tự do không phải lúc nào cũng tốt đẹp như ngày hôm đó ở Indonesia. Trong hai năm qua, trong vai trò một người hoàn toàn làm tự do, tôi đã trải nhiều thăng trầm, những ngày tốt đẹp và tồi tệ, những lúc đầy tự tin và đầy ngờ vực.

Tôi đã có nhiều tháng quá nhiều việc khiến tôi không thể làm xuể, và những tháng khác tôi sẽ may mắn nếu được làm việc vài tiếng mỗi tuần. Sự bất trắc của công việc tự do - không biết được mình sẽ nhận bao nhiêu tiền tháng này, tháng tới, hay tháng tới nữa - có thể rất mệt mỏi. Vậy thì tại sao tôi, và rất nhiều người trẻ ở độ tuổi như tôi, lại đón nhận lối sống này? Điều gì khiến sự linh hoạt và rủi ro của việc làm tự do hấp dẫn như thế với thế hệ trẻ ngày nay?

Câu trả lời với tôi là sự độc lập. Ở Mỹ, quê nhà của tôi, những người làm nghề tự do được gọi theo ngôn ngữ pháp lý là “nhà thầu độc lập” - mà tôi nghĩ là một từ tốt hơn so với “người làm nghề tự do” (nguyên văn là “independent contractor” và “freelancer”). Làm nghề tự do nghe có vẻ nhẹ nhàng, thoải mái, như thể họ là một sinh vật huyền bí có thể chuyển việc liên tục tùy thích.

“Nhà thầu độc lập” thì có nhiều sức nặng hơn, phản ánh cả hai mặt của cuộc mặc cả này: Bạn tự do xây dựng sự nghiệp của mình một cách độc lập, nhưng bạn thực sự là một nhà thầu, một người được thuê mướn tạm thời; những đơn vị sử dụng lao động của bạn không có nghĩa vụ chăm lo cho bạn.

Phần lớn những người đi làm toàn thời gian, trung lưu ở Mỹ nhận được hai lợi ích chính từ phía sử dụng lao động: bảo hiểm y tế và hỗ trợ tiết kiệm cho thời kỳ nghỉ hưu. Trong vị trí toàn thời gian cuối cùng của tôi chẳng hạn, tôi chỉ trả một khoản tiền nhỏ mỗi tháng để được bảo hiểm y tế toàn diện, và chủ lao động của tôi trả 5% tổng lương của tôi vào một tài khoản hưu trí được miễn thuế. Các nhà thầu độc lập về cơ bản không có những phúc lợi đó.

Hai năm qua, tôi đã chi khoảng 100 USD mỗi tháng cho bảo hiểm y tế, và gói bảo hiểm là tối thiểu. Khi đau ốm, tôi sẽ phải trả khoản chi phí y tế 7.000 USD đầu tiên, sau đó thì bảo hiểm mới thanh toán cho tôi. Tức khoản bảo hiểm đó chỉ bảo vệ cho tôi trước những rủi ro cực đoan, những tai họa đe dọa mạng sống, như tai nạn xe hơi hay phẫu thuật lớn, còn những thứ ít nghiêm trọng hơn thì tôi phải tự lo. Về phần nghỉ hưu, trong khi tôi vẫn xoay xở tiết kiệm được chút tiền mỗi năm, tỉ lệ tiết kiệm của tôi thấp hơn nhiều so với một người làm toàn thời gian.

Vậy tại sao tôi lại từ bỏ những phúc lợi đó để làm tự do? Với tôi, lý do chính là được kiểm soát thời gian của mình nhiều hơn. Những công việc toàn thời gian thoải mái, được trả lương cao ở Mỹ thường đòi hỏi sự cam kết về thời gian cực lớn. Công việc toàn thời gian ở Mỹ về cơ bản được định nghĩa là làm khoảng 40 tiếng mỗi tuần, nhưng trên thực tế tôi chưa thấy có công việc nào mà người lao động không được chờ đợi là làm ít nhất 45 tiếng một tuần, và những người làm việc 50-60 tiếng một tuần cũng là thường tình.

Sau vài năm làm toàn thời gian, tôi cảm thấy mình mắc kẹt: Tôi kiếm đủ tiền để được đi nghỉ thoải mái, nhưng tôi làm việc quá cực nhọc và thường không có thời gian để tiêu khoản tiền mình kiếm được. Có tiền làm gì nếu không có thời gian tận hưởng nó?

Hai năm trước, khi tôi 27 tuổi và không hẳn còn trẻ nữa, tôi quyết định bỏ công việc toàn thời gian để chạy theo một giấc mơ cụ thể: sống ở nước ngoài, làm tự do, và đi du lịch vòng quanh Đông Nam Á, vùng đất đã luôn hấp dẫn tôi. Cái giá cho quyết định này không hề rẻ.

Tôi chỉ kiếm được một nửa so với bình thường, nhưng bằng cách sống rẻ hơn và quản lý ngân sách của mình chặt chẽ, tôi đã đi được tám nước, bao gồm toàn bộ Việt Nam, kể từ khi chuyển sang làm tự do. Nếu tôi làm việc toàn thời gian, với chỉ khoảng hai tuần nghỉ phép mỗi năm, về mặt toán học điều đó đơn giản là bất khả.

Với tôi, sự hứng thú khi du lịch đủ lớn để bù đắp cho thu nhập “mất đi”; với những người khác, nhất là với những ai có gia đình và các trách nhiệm khác, sự đánh đổi có thể là bất khả. Thành thật mà nói, làm tự do sẽ dễ hơn nếu bạn có một số đặc quyền nhất định. Trong trường hợp của tôi, tôi còn trẻ, độc thân, không nợ nần, và sức khỏe tốt. Nếu bất kỳ nhân tố nào trong đó khác đi, kết quả của việc làm tự do có thể tệ hơn nhiều.

Còn về bản thân công việc, tôi phải thừa nhận là tôi rất may mắn. Khi tôi bỏ việc ở Mỹ, nơi tôi là phóng viên và biên tập viên cho một tổ chức phi lợi nhuận, họ ngay lập tức yêu cầu tôi tiếp tục công việc trong vai trò nhà thầu độc lập. Việc biên tập và thỉnh thoảng viết cho đơn vị cũ đã là nguồn thu nhập ổn định nhất của tôi trong vai trò người làm tự do, và đã cho tôi tự do nhận những công việc phụ trả thấp hơn khi chúng đến.

Trong hai năm qua, tôi đã biết nhiều người làm tự do thành công với cách sắp xếp này: một công việc cơ sở tương đối ổn định, dù là biên tập, viết lách hay dạy học, rồi sau đó họ tìm thêm các việc khác. Trong trường hợp của tôi, tôi rốt cuộc đã viết và biên tập cho đủ loại ấn phẩm và khách hàng, từ viết lời cho một loạt sách trẻ em phi hư cấu của một nhà xuất bản ở Canada tới các ấn bản địa phương ở Việt Nam như Saigoneer, và tất nhiên, Tuổi Trẻ. Không có phép mầu nào trong việc tìm được việc làm cả: đó là việc tạo dựng mạng lưới liên tục và tìm kiếm những cơ hội mới; bạn không thể chờ đợi công việc chạy tới chỗ bạn.

Có hai thách thức quan trọng khác với đời sống làm tự do khiến tôi ngạc nhiên. Thứ nhất là việc được trả đúng hạn cho những gì tôi đã làm rồi. Thứ hai là tôi đã đánh giá thấp việc làm tự do có thể cô độc ra sao. Với nhiều nhân viên văn phòng, được làm việc ở nhà hay nơi khác ngoài văn phòng nghe như là một giấc mơ, nhưng cũng có những tổn thất: những đồng nghiệp ta có thể trò chuyện cùng, những bữa trưa chung, những thành tựu của cả nhóm...

Làm việc ở nhà thoải mái, nhưng cũng cô đơn. Nhưng tất nhiên, vẫn có thể giao thiệp rộng khi làm tự do. Nền văn hóa quán cà phê ở Sài Gòn và các không gian làm việc chung khiến nó trở thành một nơi tuyệt vời cho người làm tự do. Nhưng tôi chắc chắn là thỉnh thoảng có nhớ tinh thần đồng đội ở văn phòng của mình.

Tôi có nói trước đó là tôi nghĩ nhiều người trẻ bị cuốn hút bởi việc làm tự do vì sự độc lập nó mang lại. Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ rằng một lý do nữa là người trẻ cảm thấy công việc toàn thời gian truyền thống đã trở nên kém hấp dẫn ra sao. Với thế hệ ông bà và cha mẹ tôi ở Mỹ, mọi việc thật rõ ràng: Nếu bạn làm việc cho 1-2 công ty trong cả sự nghiệp, bạn sẽ về hưu với một gói phúc lợi thoải mái và ít phải lo nghĩ.

Nhưng trong khoảng 30 năm qua, ngày càng ít công việc đảm bảo điều đó. Người trẻ ngày nay mong đợi việc thay đổi công ty, thậm chí là toàn bộ nghề nghiệp, khi tìm đường trên nấc thang sự nghiệp của họ. Chúng tôi cũng biết rằng trong khi vẫn có hỗ trợ ít nhiều từ nhà nước, chúng tôi sẽ phải dựa chủ yếu vào tiền tiết kiệm của mình một khi tới tuổi già. Đối mặt với sự bất trắc đó, “chi phí” của việc bỏ ra một hoặc hai năm làm tự do có vẻ thấp hơn. Trong một môi trường kinh tế mà hầu hết các công việc đã trở nên bất ổn hơn ít nhiều, sự bất trắc của làm việc tự do hóa ra không còn quá đáng sợ nữa.

Về phần tôi, tôi dự tính sẽ chuyển trở lại làm việc truyền thống toàn thời gian có lẽ trong năm tới. Nhưng tôi sẽ không đánh đổi những trải nghiệm tôi đã có hai năm vừa qua lấy bất kỳ điều gì. Tôi thích nghĩ về thời kỳ tôi làm tự do như một khoản đầu tư, dù không phải về mặt tài chính. Tôi hi vọng rằng 5, 10, 20 năm nữa, khi tôi trở lại một khu văn phòng nào đó, tôi sẽ nhớ về những ngày ngồi trên chiếc xe lửa ở Indonesia và sẽ mỉm cười.■

HẢI MINH (chuyển ngữ)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận