Những cô gái Sa Pa tung hoành đường chạy

KHƯƠNG XUÂN 04/05/2021 20:05 GMT+7

TTCT - Một ngôi sao vừa xuất hiện trên đường chạy trail (đường mòn) VN - đơn vị tổ chức thông báo kết quả cuộc thi Vietnam Trail Marathon 2021 vừa diễn ra tại Mộc Châu ngày 24-4. Hà Thị Hậu, cô gái người Sa Pa (Lào Cai), gây choáng váng làng chạy khi đánh bại các đối thủ sừng sỏ trong và ngoài nước để về nhất cự ly siêu marathon 70km.

Nhiều thành viên trong CLB chạy Sa Pa của Hậu là người dân tộc thiểu số. Cùng nhau, họ đã vượt 320km đường núi để có mặt tại huyện Mộc Châu (Sơn La) tranh tài. Điều đáng kinh ngạc là những cô gái từ các bản làng xa xôi như Hậu mới tập chạy được trên dưới 1 năm.

Giàng Thị Linh và Hà Thị Hậu (thứ hai từ phải sang) cùng bạn bè trong CLB chạy Sa Pa. -Ảnh: NVCC

 

Mất việc vì COVID-19 nên đi chạy

Vietnam Trail Marathon 2021 (VTM 2021) nổi tiếng là một trong những giải chạy bộ khốc liệt nhất VN. Thời điểm giải diễn ra, Mộc Châu nắng như đổ lửa từ 8h sáng đến 17h chiều. Nhiệt độ giữa trưa trên các dãy núi (độ cao 800-1.300m) có khi lên tới 35-38 độ C, thiêu đốt bước chân của cả những VĐV can trường nhất.

Ban tổ chức cho biết chỉ 24/48 VĐV nữ và 86/206 VĐV nam ở cự ly 70km cán đích thành công. Số còn lại bỏ cuộc giữa đường hoặc về đích quá thời gian quy định. Ngoài ra, hàng trăm VĐV ở cự ly 42km, 21km cũng bỏ cuộc. Lý do chính là sốc nhiệt, chấn thương, cơ thể kiệt quệ vì phải thi đấu trên địa hình núi cao, vực sâu, nắng nóng.

Thế nhưng địa hình, thời tiết kinh hoàng tại VTM 2021 không thể làm khó Hà Thị Hậu (32 tuổi). Xuất phát lúc 4h sáng, chỉ sau 9 giờ 1 phút 45 giây, Hà Thị Hậu đã bất ngờ về nhất cự ly 70km. Để lên ngôi vô địch, cô đã đánh bại VĐV chạy địa hình nổi tiếng người Pháp Axelle de Feraudy, nhà vô địch Vietnam Mountain Marathon (VMM) 100km Nguyễn Thị Đường (Hà Nội).

Trước khi VTM 2021 diễn ra, không ai biết Hậu là ai bởi cô chưa từng tham dự bất cứ cuộc chạy marathon (42,195km) hay siêu marathon (70km, 100km…) nào, trong khi các đối thủ đều là những VĐV phong trào sừng sỏ, nổi tiếng trong làng chạy địa hình VN.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ Cuối Tuần sau khi lên bục nhận huy chương, Hậu tâm sự: “Tôi quá bất ngờ vì mình trở thành nhà vô địch của giải, cảm giác hạnh phúc không diễn tả nổi. Tôi mới chạy bộ từ tháng 7-2020 khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở VN khiến tôi mất việc. Là nhân viên du lịch tại Sa Pa, khi dịch bệnh ập đến, khách nước ngoài không thể đến VN, cơ hội làm ăn của tôi không còn. Rảnh rỗi nên tôi tham gia CLB chạy tại Sa Pa để duy trì sức khỏe và có niềm vui”.

Hậu cho biết có lẽ việc quen leo đồi núi, lên nương làm ruộng đã giúp cô có sức khỏe phi thường. Ban đầu, Hậu đặt mục tiêu chạy trong 8 giờ nhưng vì chân bỗng dưng bị đau nên 4km cuối cô chỉ đi bộ chứ không thể chạy được. Dù vậy cô vẫn về đích trước VĐV về nhì là De Feraudy đến 29 phút. Suốt hơn 9 tiếng chạy bộ, Hậu chỉ ăn được 3 gói gel dinh dưỡng vì không quen, và uống nước điện giải tự mang theo. Thậm chí đôi gậy cô cũng phải đi mượn của người quen, và vì chưa dùng bao giờ nên Hậu vô cùng lóng ngóng.

Trước khi dự VTM 2021, Hậu chỉ dự duy nhất một giải là VMM 2020 tại Sa Pa. Lúc đó cô chạy 21km và về nhất với thời gian 2 giờ 32 phút 35 giây. Hậu đã chạy trên núi với tốc độ của một VĐV chạy đường phố. Tại VMM 2020, Hậu thậm chí về trước VĐV nam vô địch cự ly 21km tới 26 phút - điều hiếm thấy trong giới thể thao.

Từ thung lũng Mường Hoa đến cao nguyên Mộc Châu

Đôi chân dài miên man và khuôn mặt xinh đẹp khiến nhiều người tưởng Giàng Thị Linh là “hot girl” từ phố thị lên Mộc Châu chạy bộ. Nhưng Linh là một phụ nữ Mông đã có gia đình và hai con. Linh bảo các cô gái Mông thường lấy chồng khi mới 15-16 tuổi, nhưng cô may mắn được học hết cấp 3, nên 18 tuổi mới cưới một chàng trai dân tộc Tày.

“Nhà tôi ở thung lũng Mường Hoa, xã Hầu Thào, huyện Sa Pa. Gia đình khó khăn lắm, quanh năm chỉ làm ruộng mà không đủ sống. Khi tôi học xong phổ thông thì tự học thêm tiếng Anh để làm hướng dẫn viên du lịch cho người nước ngoài ở Sa Pa. Cả hai vợ chồng đều làm du lịch nhưng năm 2020 COVID-19 đến thì không có khách nước ngoài để đi hướng dẫn nữa. Vợ chồng tôi mở một homestay để kinh doanh nhưng khách VN cũng ít. Chồng tôi phải đi chợ bán thịt lợn để trang trải kinh tế” - Giàng Thị Linh chia sẻ.

Đến với chạy bộ được 1 năm, bà mẹ hai con cho biết cô đã giảm 10kg và trở nên xinh đẹp như thời con gái. Linh chạy cũng nhanh như gió, chỉ thua người bạn cùng CLB là Hà Thị Hậu một chút. Tại VTM 2021, Linh về thứ 10 cự ly 21km với thời gian 3 giờ 12 phút 29 giây. Trước đó Linh cũng về nhì cự ly 21km tại VMM 2020 ở Sa Pa.

“Hồi bé tôi không chạy, nhưng người Mông quanh năm leo đồi núi nên chắc vậy mà chân rất khỏe. Sau 1 năm chạy tôi thấy đam mê môn thể thao này và nghĩ nó sẽ giúp tôi rất nhiều, có sức khỏe, trẻ đẹp hơn. Chạy bộ còn giúp tôi gặp nhiều người, giới thiệu với họ homestay của gia đình tôi khi họ đến Sa Pa. Điều đó thật tuyệt vời. Tôi có thể cho khách ở nhà mình, làm hướng dẫn viên cho họ và giờ còn có thể hướng dẫn cả họ chạy nữa” - Giàng Thị Linh nói.

Chạy bộ thúc đẩy việc làm, du lịch

Công ty Topas, đơn vị vận hành giải chạy VTM 2021, cho biết có 4.300 VĐV tham dự giải đấu. Ngoài ra, có hàng ngàn người là người thân của các VĐV, khách du lịch, thành viên ban tổ chức cũng có mặt tại Mộc Châu để tham dự VTM. Điều này đã dẫn đến tình trạng “cháy” phòng khách sạn tại thị trấn cao nguyên trong 3 ngày diễn ra giải đấu. Đây cũng là sự kiện văn hóa thể thao thu hút đông du khách đến tỉnh Sơn La nhất từ đầu năm 2021 đến nay.

Một số công ty du lịch đã bắt đầu mở tour kết hợp chạy bộ tại các địa điểm du lịch nổi tiếng ở VN như Sa Pa, Mộc Châu. Hà Thị Hậu cho biết cô mới nhận lời làm hướng dẫn viên du lịch kiêm hướng dẫn chạy bộ cho một công ty du lịch tại Sa Pa. “Giờ chạy bộ không những giúp tôi có sức khỏe mà còn tạo cơ hội để tôi có việc làm, giúp du khách được tham quan cảnh đẹp Sa Pa và được chạy” - cô nói.■

Thể thao và du khách

Giải Tiền Phong Marathon 2021 lần đầu diễn ra tại Pleiku (Gia Lai) ngày 28-3 đã thu hút gần 5.000 VĐV tham dự. Và đó là sự kiện thu hút đông khách du lịch nhất của tỉnh sau nhiều tháng. “Cháy” vé máy bay, phòng khách sạn tại Pleiku khiến nhiều VĐV đã phải bay đường vòng hoặc đi đường bộ. Nhiều nhóm VĐV phải ngủ lều ngoài rừng thông khu vực Biển Hồ chờ đến giờ thi chạy.

Nhiều địa phương đã kết nối với Tổng cục TDTT để nhờ hỗ trợ đưa các giải thể thao, nhất là thể thao phong trào như chạy bộ, dù lượn, câu cá mùa hè... về địa phương để thu hút khách du lịch, quảng bá văn hóa và sản phẩm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận