​Những chuyển động khác trong “gặp”

LÊ THIẾT CƯƠNG 19/11/2014 05:11 GMT+7

TTCT - Ở những cung đường ngắn thì chuyện thành bại, xấu đẹp chưa chắc đã quan trọng bằng ý thức tìm tòi, khám phá, trăn trở để làm khác, làm mới mình, điều mà tôi thấy ở Gặp.

Thay hình đổi dạng - Đoàn Xuân Tặng
Thay hình đổi dạng - Đoàn Xuân Tặng

Sáu nghệ sĩ: Lê Thị Minh Tâm, Phạm Trần Quân, Đoàn Xuân Tặng, Nguyễn Đình Vũ, Thái Nhật Minh và Trần Anh Quân - những người bạn của nhau - nhờ hội họa, điêu khắc và âm nhạc để đưa những tác phẩm mới nhất của họ lại gần nhau hơn nữa trong Gặp (diễn ra từ ngày 9-11 đến 9-12 tại Laca Café, 24 Lý Quốc Sư, Hà Nội).

Lê Thị Minh Tâm giỏi hòa sắc, sặc sỡ nóng lạnh chói chang mà vẫn đứng được cùng nhau. Tương khắc nhưng vẫn là tương sinh. Tâm chú trọng tình cờ và tự nhiên trong bút pháp, thích hiệu quả của chồng đè, lớp lang, trên dưới, rất thuận tay trong những vết bút đẫm mọng sơn. 

Đoàn Xuân Tặng đi thật xa để chọn cái “gần gũi” cho mình. Thích đề tài miền núi, từng ấy năm anh chỉ vẽ những người thiểu số, đi, đi mãi để tìm vẻ đẹp của những người thiểu số ở vùng núi, chính xác là trang phục của họ.

Còn Nguyễn Đình Vũ thì đã thôi tả kể những chân dung khổ lớn, anh đang rẽ sang một hình thái khác, pop hơn, không chân dung, không mặt, các nhân vật đều mặc đồng phục kiểu dân văn phòng như đóng từ một khuôn, những cái đầu cũng đồng phục, “đóng hộp”, giống nhau kín bưng.

Vui buồn, hạnh phúc, bất hạnh chắc cũng giống nhau?

Phạm Trần Quân yêu đen trắng, thích vẽ những người đàn bà không quần áo, một mình trong đêm, đêm đen, đêm trắng, đi cùng một hoặc hai màu cực mạnh, đỏ chót, vàng xuộm, xanh ngắt.

Chẳng thể có đen trắng nếu không có màu và ngược lại. Đen trắng sẽ làm màu được là màu hơn, màu cũng làm đen là đen hơn, trắng là trắng hơn, có nhau trong nhau là vậy, có yêu trong ghét, có ghét trong yêu là vậy...

Thiên thần đen - Lê Thị Minh Tâm
Thiên thần đen - Lê Thị Minh Tâm
Khối 1 - Nguyễn Đình Vũ
Khối 1 - Nguyễn Đình Vũ
Đàn ông, đàn bà - Phạm Trần Quân
Đàn ông, đàn bà - Phạm Trần Quân

Đề tài không hẳn là không có giá trị gì nhưng rõ ràng trong trường hợp Thái Nhật Minh, những con chim chỉ là một phương tiện để chuyển tải quan niệm điêu khắc tối giản.

Anh có thể thay hết phương tiện thì vẫn chở được cái tư duy tạo hình, tạo khối tối giản ấy, những hình những khối không còn chi tiết gì, chỉ còn là tín hiệu, là cảm giác. Khi đã tìm thấy kiểu của mình, tìm thấy mình, biết mình, tin mình thì đề tài không còn nhiều ý nghĩa nữa.

Trong những người tìm đường thì Trần Anh Quân là người tìm lâu nhất, “con đường” mà anh đã đi 18 năm qua có thể gọi tên là con đường “chênh vênh”. Quân luôn đi trên lằn ranh của hội họa có hình và hội họa không hình, trên đường biên giữa sơn mài truyền thống và sơn mài phi truyền thống.

Nghệ thuật cũng chẳng nên bàn chuyện nhanh chậm, nhưng tôi vẫn hi vọng Quân và các nghệ sĩ của Gặp sẽ gặp được mình. Nghệ thuật là công việc của cả đời.

Ở những cung đường ngắn thì chuyện thành bại, xấu đẹp chưa chắc đã quan trọng bằng ý thức tìm tòi, khám phá, trăn trở để làm khác, làm mới mình, điều mà tôi thấy ở Gặp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận