Những cải cách giáo dục đáng chú ý của Trung Quốc

CẢNH CHÁNH 24/11/2021 18:50 GMT+7

TTCT - Dạy thêm là một ngành công nghiệp tỉ đô ở Trung Quốc và sẽ còn tăng như không gì có thể cản nổi, cho đến khi Chính phủ Trung Quốc quyết định: “Giáo dục không phải con đường để kiếm tiền”.

 
 Một lớp học phụ đạo ở trường. Nguồn: baidu

Lệnh cấm dạy thêm các môn chính khóa ngoài nhà trường, cấm sử dụng giáo trình nước ngoài, các cơ sở đào tạo các môn chính khóa phải đăng ký chuyển đổi thành cơ sở đào tạo phi lợi nhuận... (gọi tắt là giảm tải kép) mà Bộ Giáo dục Trung Quốc đưa ra cuối tháng 7-2021 ngay lập tức khiến giá cổ phiếu các công ty giáo dục chìm trong sắc đỏ.

Ngành công nghiệp lợi nhuận khủng

Khu vực Hoàng Trang, quận Hải Điến (Bắc Kinh) xưa nay nổi danh là thiên đường của các trung tâm dạy thêm, mà ba tụ điểm chính là tòa nhà Văn hóa nghệ thuật Hải Điến, tòa nhà Trung tâm Ngân Võng, tòa nhà Lý Tưởng. Nhiều học sinh cuối tuần hầu như chỉ ở trong các tòa nhà này, học xong trung tâm này lại chạy qua trung tâm khác.

Nhiều học sinh ở các quận khác của Bắc Kinh cũng đến đây học thêm. Lý do là ở quận Hải Điến có 6 trường THPT trọng điểm, đa số trực thuộc các trường đại học tiếng tăm, được phép tự chủ tuyển sinh và chiếm 90% chỉ tiêu tuyển sinh của Trường đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh.

Trong bán kính 1km ở khu vực Hoàng Trang có 3 trung tâm dạy thêm lớn Tân Đông Phương, Hảo Vi Lai và Đậu Thần đã lần lượt lên sàn niêm yết từ năm 2006, 2010 và 2020, đánh đấu những bước phát triển của ngành công nghiệp dạy thêm ở Hải Điến, theo Nam Phương cuối tuần.

Một bài trên trang Tài Tân năm 2018 từng mô tả quy mô ngành công nghiệp dạy thêm này. Theo đó, Công ty đào tạo Kim Bác - một công ty dạy thêm quy mô nhỏ, học phí dạy thêm 1 kèm 1 thông thường là 500 tệ/giờ (1 tệ = 3.500 đồng), nếu là giáo viên các trường điểm hay giáo viên chủ nhiệm đứng lớp thì từ 650 - 2.500 tệ. Các trường dạy thêm thường yêu cầu đăng ký ít nhất 50 giờ, do đó phụ huynh phải đóng hơn 20.000 tệ một lần. Nhiều học sinh đăng ký học thêm một học kỳ chi phí từ 50.000 - 60.000 tệ, thậm chí có phụ huynh một lần đóng hơn 90.000 tệ tiền học thêm (trên 316 triệu đồng).

Với 400 học sinh, học phí cho giáo viên thường 500 tệ/giờ, mỗi học sinh đăng ký 50 giờ, mỗi học kỳ cơ sở này thu về 10 triệu tệ.

Theo tờ SCMP, có 13 công ty giáo dục Trung Quốc được niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2020. Một trong số đó niêm yết tại Trung Quốc, số còn lại ở Hong Kong và Mỹ.

Tờ Thành Đô thương báo trích dẫn báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Công ty Học Đại, với doanh thu 1,582 tỉ tệ, tăng 22,03%; lãi ròng của các cổ đông là 111 triệu tệ, tăng 152,55% so với cùng kỳ. Doanh thu từ lĩnh vực dạy thêm của công ty là 1,565 tỉ tệ/1,582 tỉ tệ; trong đó dạy thêm chương trình cấp III chiếm 60%.

Một công ty dạy thêm khác là Công ty Thượng Đức, báo cáo tài chính quý 2 năm nay sau khi lên sàn cho thấy họ lãi ròng 22,08 triệu tệ. Công ty giáo dục Khai Nguyên, 6 tháng đầu năm có doanh thu 537 triệu tệ, tăng 45,21%.

Nền tảng phân tích và khai thác dữ liệu iiMedia Research công bố, năm 2019 quy mô ngành công nghiệp dạy thêm là 483 tỉ tệ, dự báo năm 2021 là 571 tỉ tệ. Sự bùng nổ dạy thêm tạo ra hàng trăm ngàn việc làm. Quý 4 năm 2020, dạy thêm đứng thứ 2 trong top 10 ngành nghề hot nhất của sinh viên. Nhu cầu tuyển dụng giáo viên dạy thêm năm 2020 tăng 36% so với năm 2019. Công ty nghiên cứu và tư vấn Frost & Sullivan dự đoán thị trường này sẽ đạt giá trị 99,3 tỉ USD vào năm 2023.

Nhưng theo trang thepaper.cn, năm 2020, quy mô thị trường ngành dạy thêm đã đạt 800 - 900 tỉ tệ, chiếm 1% GDP Trung Quốc, cho thấy nhu cầu thị trường rất lớn. Điều đó lý giải vì sao các doanh nghiệp đổ xô đầu tư, vì nó thực sự là ngành hái ra tiền.

Cho đến khi Chính phủ Trung Quốc quyết định: “Giáo dục không phải con đường để kiếm tiền”.

Các cơ sở đào tạo chuyển đổi

Trong cơn địa chấn của ngành công nghiệp dạy thêm, nhiều trung tâm cắt giảm nhân viên. Nhiều giáo viên than thở phấn đấu cả chục năm mới đạt mức Gia sư vàng, nhưng giờ lại không có lớp.

Vì thế, trên có quyết sách thì dưới có đối sách. Một trường đào tạo tiếng Anh vừa sửa lại thành nhà sách. Trong đó toàn bộ là sách giáo khoa, chủ tiệm sách là ông thầy hiệu trưởng của trường. Sách ở đây không bán, chỉ cho mượn, mỗi tháng 600 tệ, mỗi quý 1.500 tệ. Mượn sách nào cũng có người hướng dẫn, và những nhân viên nhà sách này chính là giáo viên của trường.

Có cơ sở đào tạo hô biến thành tiệm trà sữa. Chỉ cần mua 1 ly trà sữa 200 tệ + là được dạy kèm 1 tiếng đồng hồ. Lúc trước đi học một cách quang minh chính đại, giờ đưa con đi học mà nơm nớp lo. Để lách luật, một số giáo viên dạy thêm trở thành bảo mẫu được bao ăn ở, thực chất là dạy kèm tại nhà với mức lương 30.000 tệ/tháng, theo trang qq.com.

Ông Trữ Triều Huy, chuyên viên Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Trung Quốc, cho rằng hình thức đào tạo sẽ thay đổi sau đợt chấn chỉnh này, nhưng một khi nhu cầu học thêm chưa giảm, cơ sở dạy thêm sẽ vẫn còn đất sống.

Tất nhiên, lệnh cấm dạy thêm cũng có chút hiệu quả bước đầu. Sau 3 tháng giảm áp lực kép, nhà trường đều kéo dài thời gian phụ đạo sau giờ học. Trong đó, 50% thời gian để làm bài tập có giáo viên giải đáp thắc mắc, 50% thời gian còn lại, học sinh được tự do đăng ký các môn năng khiếu.

Đa số phụ huynh vui mừng vì có thể đón con lúc 18 giờ tại trường, không phải lo đón con rồi chở đi học thêm, học sinh về nhà không cần làm bài tập, có thể chơi thể thao hay tự do vui chơi. Học sinh cũng thích thú vì khi làm bài ở trường nếu không hiểu có thể hỏi ngay giáo viên hay bạn bè. Đài CCTV trích dẫn khảo sát của Bộ Giáo dục, đến cuối tháng 10, có đến 94,4% học sinh các trường hoàn thành bài tập trong thời gian quy định.

Và do mở thêm nhiều lớp năng khiếu, các trường học đã tuyển dụng thêm nhiều giáo viên của các cơ sở dạy thêm trước đây vào giảng dạy, như môn võ hay các môn nghệ thuật dân gian cắt giấy, làm mặt nạ...

Cải cách kỳ thi gaokao

Dẫu đã tiến hành cải cách kỳ thi đại học từ năm 2014, đến nay qua 3 đợt đã có 14 tỉnh thành Trung Quốc áp dụng, song các cải cách khác vẫn sẽ tiếp tục diễn ra, chẳng hạn nhiều địa phương khác thông báo sẽ áp dụng hình thức thi đại học mới trong kỳ thi đại học năm 2022.

Thay đổi đáng kể nhất là môn thi, kỳ thi sẽ không chia theo khối xã hội hay khối tự nhiên như trước. Mô hình “3+3”, tức thi 3 môn bắt buộc toán, văn, ngoại ngữ và 3 môn tự chọn (tư tưởng chính trị, sử, địa, lý, hóa, sinh, kỹ thuật); mô hình “3+1+2” tức ngoài 3 môn bắt buộc toán, văn, ngoại ngữ; chọn 1 trong 2 môn lý, sử và chọn thêm 2 trong 4 môn tư tưởng chính trị, địa, hóa, sinh. Cải cách môn thi giao quyền tự chủ cho học sinh, họ có nhiều sự lựa chọn hơn.

Theo Tân Hoa xã, kết quả kỳ thi đại học 2021 cho thấy điểm chuẩn chuyên ngành sư phạm tăng, nhất là khoa tiếng Anh, ngôn ngữ văn học Hán, lịch sử, địa lý, máy tính và công nghệ thông tin. Viện khảo thí giáo dục tỉnh Quảng Đông cho biết sư phạm, công an, tư pháp là những chuyên ngành có nghề nghiệp ổn định, nhu cầu xã hội cao, có cơ hội phát triển và rất được ưa chuộng, bên cạnh ngành nghề mới như AI, kỹ thuật y sinh, phân tích dữ liệu lớn.

Môn nữ công gia chánh, xưa nay chịu kỳ thị của xã hội, cho rằng học xong chỉ để đi làm giúp việc, nay lại đang là ngành có nhu cầu tuyển dụng cao ở Trung Quốc. Đại học Sư phạm Hà Bắc năm nay thậm chí còn là trường đầu tiên mở bậc học thạc sĩ nữ công gia chánh, chuyên nghiên cứu phúc lợi cho người già, giáo dục trẻ em, dinh dưỡng và món ăn gia đình... theo Công Nhân nhật báo. 

Mới đây cư dân mạng Trung Quốc lan truyền tấm hình một tiết học không còn chỗ trống, ngồi đầy cả lối đi, rất nhiều sinh viên đến trễ đứng ngoài cửa lớp, nhón chân, leo lên bậc cửa sổ để nghe giảng ở Đại học Vũ Hán. Đó là môn tâm lý học về tình yêu của thầy Dụ Phong, giáo sư khoa tâm lý học Học viện Triết học (Đại học Vũ Hán). Thầy Dụ mở lớp học với mục đích giúp sinh viên bắt đầu và giữ gìn những mối quan hệ tích cực, và theo ông, việc đông sinh viên đến nghe giảng cho thấy nhu cầu tìm hiểu kiến thức tâm lý của giới trẻ rất cao. Môn tâm lý về tình yêu nay trở thành môn học được yêu thích tại nhiều trường đại học. ■

Rào cản chống đối đầu tiên: Cha mẹ học sinh!

Phụ huynh ở quận Hải Điến ví việc đậu vào trường điểm là “lên bờ” - lấy theo tựa một cuốn sách đình đám của tác giả An Bách, thạc sĩ Đại học Bắc Kinh, từng là giám đốc một công ty TOP 500 thế giới năm 2020 ghi lại con đường đưa con vào trường điểm của một bà mẹ quận Hải Điến. An Bách từng kiên quyết không cho con học thêm, nhưng khi con cô lên lớp 4, cô thấy xung quanh mình mọi người đều tìm đủ mọi cách cho con học thêm. Khi hỏi ý kiến con, không ngờ thằng con không những không phản đối mà còn vui mừng, vì các bạn con đều học thêm, cậu bé muốn sau này tiếp tục được học chung trường với các bạn.

Khi lệnh cấm học thêm ban ra, cha mẹ học sinh Trung Quốc phản đối, phần vì họ đều đi làm, không có nhiều thời gian kèm con học, nếu không được học thêm, thành tích của con mình sẽ bị ảnh hưởng.

Một số phụ huynh khác tỏ ra nghi ngờ chính sách mới sẽ nửa vời hoặc không có tác dụng, vì vẫn còn kẽ hở. Chẳng hạn, chính sách mới quy định không dạy thêm vào cuối tuần, nên một số cơ sở dạy thêm đã đổi sang dạy từ thứ hai đến thứ sáu. Giờ học sinh vừa tan học đã đi học thêm đến 9 giờ tối. Thậm chí có vợ chồng nọ nghĩ ra cách đăng ký học rồi truyền đạt lại cho con, họ đăng ký học chương trình lớp 7 và lớp 3 giáo dục thường xuyên qua mạng và báo camera máy tính hư, giáo viên không biết là người lớn hay trẻ em đang học. Một gia đình ở Hải Điến đăng ký 3 lớp học thêm mỗi tối cho con, bố mẹ và con chia nhau theo học cả ba lớp, tối về cả gia đình ngồi tổng kết kiến thức tinh túy cho con. Một số phụ huynh khác thì mời gia sư về nhà dạy thêm cho con.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận