Nhìn lại V-League 2017: vẫn xấu xí!

NGUYỄN VŨ 12/12/2017 23:12 GMT+7

Theo thống kê của ban tổ chức giải, 182 trận đấu ở V-League 2017 có tổng cộng 31 thẻ đỏ và 659 thẻ vàng. Số thẻ phạt có giảm so với mùa trước (41 thẻ đỏ và 673 thẻ vàng), nhưng việc giảm chút ít đó không đủ để nói rằng V-League bớt xấu xí!

Mặc dù giảm về số thẻ phạt nhưng so với mùa trước, V-League 2017 có nhiều vụ xấu xí hơn nhiều. Đó là chưa kể, V-League 2017 còn chứng kiến chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong xử lý bạo lực giữa ban tổ chức (BTC) giải và ban kỷ luật LĐBĐVN (VFF) khiến người hâm mộ không khỏi ngao ngán.

Ảnh chụp màn hình tình huống Nguyễn Văn Quyết giật chỏ Nghiêm Xuân Tú.
Ảnh chụp màn hình tình huống Nguyễn Văn Quyết giật chỏ Nghiêm Xuân Tú.

 

Nhiều tình huống xấu xí nổi cộm

Cho đến giờ, “vết nhơ” lớn nhất của V-League 2017 lẫn của bóng đá VN chính là hành vi phản ứng tiêu cực không thèm thi đấu của CLB Long An trong trận thua CLB TP.HCM 2-5 trên sân Thống Nhất ở vòng 6 hôm 19-2. Phản ứng đó đã khiến đội bóng này sau đó chìm sâu vào khủng hoảng và cuối cùng phải rớt hạng trước hai lượt đấu. CLB, lãnh đạo CLB, HLV và cầu thủ cũng đều bị kỷ luật nặng sau phản ứng tiêu cực này.

Sau sự cố vô tiền khoáng hậu trên sân Thống Nhất, bạo lực là câu chuyện vẫn tiếp tục đáng bàn ở V-League, với những sự cố làm nản lòng người hâm mộ.

Cụ thể, tiền đạo Pape Omar (FLC Thanh Hóa) và hậu vệ Sầm Ngọc Đức (Hà Nội) là hai cầu thủ nhận án phạt nặng nhất từ ban kỷ luật VFF khi cùng bị cấm thi đấu 8 trận. Omar khi nhận thẻ đỏ rời sân đã có hành vi khiêu khích thô tục với khán giả khi bị khán giả phản ứng trong trận đấu với Sanna Khánh Hòa trên sân Nha Trang ở vòng 2. Còn Sầm Ngọc Đức thì vào bóng nguy hiểm với hậu vệ Nguyễn Anh Hùng (Hải Phòng) ở vòng 14.

Trong khi đó, những án phạt nguội 2-3 trận vì lỗi vào bóng thô bạo cũng không ít. Có thể kể ra trường hợp tiền đạo nhập tịch Hoàng Vũ Samson (Hà Nội) bị cấm 2 trận sau khi vào bóng thô bạo với tiền vệ Châu Ngọc Quang (Hoàng Anh Gia Lai) trên sân Hàng Đẫy (Hà Nội) ở vòng 3; tiền vệ Lê Quốc Phương (FLC Thanh Hóa) bị cấm 2 trận do bỏ bóng đạp người hậu vệ Âu Văn Hoàn (TP.HCM) trên sân Thanh Hóa ở vòng 5; trung vệ Trần Chí Công (XSKT Cần Thơ) bị cấm 3 trận do đạp liên tục vào người tiền vệ Trương Văn Thái Quý (Hà Nội) trên sân Cần Thơ ở vòng 11; thủ môn Nguyễn Huỳnh Quốc Cường (Long An) bị cấm 3 trận do đạp tiền vệ Da Sylva (TP.HCM) trên sân Long An ở vòng 14; trung vệ Trần Đình Trọng (Sài Gòn) bị cấm 2 trận do bay kungfu đạp vào ngực tiền đạo Mạc Hồng Quân (Than Quảng Ninh) trên sân Thống Nhất ở vòng 18; Nguyễn Văn Quyết bị cấm 2 trận sau khi giật chỏ Nghiêm Xuân Tú trên sân Cẩm Phả ở vòng 26.

Ngoài ra, ban kỷ luật cũng cấm 5 trận với Phạm Thế Nhật (Sông Lam Nghệ An) khi có hành vi đấm vào mặt Lê Trung Hiếu (Đắk Lắk) gây chấn thương tại vòng loại Cúp quốc gia 2017 ngày 4-2 trên sân Vinh.

Ảnh chụp màn hình tình huống Hoàng Vũ Samson đạp vào đùi Châu Ngọc Quang.
Ảnh chụp màn hình tình huống Hoàng Vũ Samson đạp vào đùi Châu Ngọc Quang.

 

Những giải thích lạ đời

Quyết định cấm thi đấu 2 trận đối với Hoàng Vũ Samson và Nguyễn Văn Quyết (cùng của CLB Hà Nội) là những quyết định mà ban kỷ luật VFF chỉ đưa ra khi dư luận thể hiện sự bất bình quá lớn. Điều đó khiến dư luận có cảm giác rằng ban kỷ luật VFF có vẻ như không muốn “xử phạt” cầu thủ CLB Hà Nội!?

Ở trường hợp Hoàng Vũ Samson đạp vào đùi Châu Ngọc Quang, ban kỷ luật VFF lý giải: “Đây chỉ là hành vi tranh chấp bóng với mức độ liều lĩnh, không quan tâm đến sự an toàn của cầu thủ đối phương, chứ không phải hành vi bạo lực...”. Chỉ đến khi dư luận phản ứng dữ dội và Tổng cục TDTT phải “tuýt còi”, ban kỷ luật mới đưa ra án phạt 2 trận cho Hoàng Vũ Samson.

Hay như với việc Văn Quyết giật chỏ Nghiêm Xuân Tú, án phạt cần được ban kỷ luật đưa ra nhanh hơn khi đây không phải là lần đầu tiên tuyển thủ quốc gia này có hành vi đáng lên án như thế (mùa trước đẩy ngã trọng tài Hoàng Phạm Công Khanh trong trận đấu với Sanna Khánh Hòa trên sân Nha Trang để phản ứng). Chỉ đến khi truyền thông lên tiếng liên tục, ban kỷ luật mới đưa ra án phạt cấm 2 trận.

Thật ra, bạo lực là điều mà những nhà tổ chức - Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) rất muốn loại trừ. Tuy nhiên, việc ban kỷ luật VFF liên tục đưa ra những kết luận trái chiều khiến dư luận không khỏi lên tiếng.

Rõ nhất là trường hợp chân sút Olaha Onyedikachi (Sông Lam Nghệ An) thúc nguyên cùi chỏ vào mặt hậu vệ Nguyễn Cửu Huy Hoàng (Sanna Khánh Hòa) ở vòng 23 V-League 2017 trên sân Nha Trang do bị hậu vệ chủ nhà theo kèm quá sát. Tình huống này diễn ra sau lưng trọng tài chính Trần Đình Thịnh nên Olaha không bị phạt thẻ đỏ ngay trên sân. Nhưng cựu trọng tài FIFA Đinh Văn Dũng sau xem lại pha quay chậm trên truyền hình đã khẳng định chắc nịch Olaha lẽ ra phải nhận thẻ đỏ.

Trong hồ sơ của BTC giải gửi sang ban kỷ luật VFF sau trận đấu, tình huống giật cùi chỏ của Olaha cũng được đưa vào báo cáo đề nghị phạt nguội. Nhưng ban kỷ luật lại cho rằng hành vi của Olaha không rõ ràng mang tính bạo lực nên không ra án phạt.

Chưa hết, cũng ở vòng 23, VPF đồng thời đề nghị ban kỷ luật xem xét lỗi dẫn tới thẻ đỏ của tiền đạo Đỗ Merlo (SHB Đà Nẵng) khi đánh nguội thủ môn đội khách Quảng Nam và sau đó tiếp tục xô xát, đánh một cầu thủ khác. Với các lỗi này, cầu thủ có thể nhận án phạt nguội bổ sung từ ban kỷ luật. Tuy nhiên tương tự Olaha, Merlo cũng không phải chịu thêm án phạt nào. ■

Không chịu nổi cách làm việc quái lạ của ban kỷ luật, VPF - đơn vị được xem là “con đẻ” của VFF, có trách nhiệm tổ chức V-League và Giải hạng nhất quốc gia, đã phải gửi công văn cho ban chấp hành VFF đề nghị quan tâm hơn nữa đến hoạt động của ban kỷ luật VFF, đặc biệt là việc giới thiệu nhân sự tham gia vào ban kỷ luật ở nhiệm kỳ mới. Bởi VPF cho rằng một số quyết định kỷ luật không chính xác của ban kỷ luật VFF gần đây đã gây phản ứng mạnh mẽ từ dư luận và giới chuyên môn, tạo hình ảnh xấu cho bóng đá nước nhà.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận