Nhịn ăn gián đoạn có thể là phương pháp trị bệnh

HỒNG VÂN 15/07/2022 11:25 GMT+7

TTCT

Nhịn ăn gián đoạn có thể là phương pháp trị bệnh - Ảnh 1.

Ảnh: Getty Images

Nhịn ăn gián đoạn - xen kẽ giữa thời gian được ăn tùy ý và thời gian nhịn ăn bắt buộc trong ngày hoặc trong tuần, vẫn thường được áp dụng để giảm cân. Các nhà khoa học đang nghiên cứu xem liệu nhịn ăn kiểu này có thể là phương pháp giúp điều trị một số vấn đề sức khỏe hay không.

Nghiên cứu mới trên chuột cho thấy nhịn ăn gián đoạn có thể làm thay đổi hoạt động của vi khuẩn đường ruột, nhờ đó tăng khả năng phục hồi sau tổn thương thần kinh của chúng. Nhịn ăn gián đoạn cũng liên quan khả năng làm giảm nguy cơ tử vong do COVID-19 và nhiều lợi ích khác.

Phục hồi dây thần kinh

Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Hoàng gia London (ICL, Anh) công bố trên tạp chí Nature ngày 22-6 cho thấy nhịn ăn gián đoạn có thể tạo ra các điều kiện giúp sửa chữa các tổn thương thần kinh.

Nói về lý do thực hiện nghiên cứu, giáo sư Simone Di Giovanni - khoa khoa học não bộ của ICL - cho biết hiện nay, ở những người bị tổn thương dây thần kinh, ngoài tái tạo dây thần kinh bằng phẫu thuật thì chưa có phương pháp điều trị nào khác. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có hiệu quả với một tỉ lệ nhỏ các bệnh nhân. Do đó, họ muốn tìm hiểu liệu thay đổi trong lối sống có thể hỗ trợ quá trình phục hồi tổn thương hay không.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học thấy rằng nhịn ăn gián đoạn làm một loại vi khuẩn đường ruột có tên là Clostridium sporogenesis tăng sản xuất một loại chất chuyển hóa là axit 3-Indolepropionic (IPA). Đây là chất chống oxy hóa có khả năng bảo vệ thần kinh và rất cần để tái tạo các sợi thần kinh - có cấu trúc giống như sợi chỉ ở đầu các tế bào thần kinh - giúp gửi tín hiệu điện hóa đến các tế bào khác trong cơ thể.

Trong thí nghiệm (hơi tàn nhẫn), những con chuột bị cắt đứt dây thần kinh tọa. Đây là dây thần kinh dày và dài nhất chạy từ cột sống xuống chân. Một nửa số chuột trong thí nghiệm nhịn ăn gián đoạn (một ngày được ăn thỏa thích xen kẽ một ngày không ăn gì). Nửa số chuột còn lại được ăn tự do mà không có hạn chế nào. Các chế độ ăn này được duy trì trong 10 ngày hoặc 30 ngày.

Khi đo chiều dài của sợi dây thần kinh mọc lại, ở những con chuột nhịn ăn gián đoạn, các sợi thần kinh dài hơn khoảng 50% so với nhóm chuột ăn tùy ý. Ở những con chuột phải nhịn ăn gián đoạn, mức độ các chất chuyển hóa trong đó có IPA trong máu của chúng cao hơn đáng kể so với những con chuột ăn tùy ý.

Mặc dù mới chỉ được thử nghiệm ở chuột, nhóm tác giả hi vọng kết quả tương tự sẽ lặp lại trong các thử nghiệm trên người trong tương lai vì vi khuẩn Clostridium sporogenesis sản xuất ra IPA, có mặt trong đường ruột của người và của chuột.

Để xác nhận liệu IPA có phải là tác nhân giúp tái tạo dây thần kinh hay không, những con chuột thí nghiệm được cho uống kháng sinh để làm sạch tất cả vi khuẩn trong đường ruột của chúng. Sau đó, chúng được tiêm vi khuẩn Clostridium sporogenesis chủng biến đổi gene có thể hoặc không thể tạo ra IPA. Giáo sư Di Giovanni cho biết ở những con chuột bị tiêm vi khuẩn không thể tạo ra IPA, quá trình tái tạo dây thần kinh yếu hẳn và IPA hầu như không có trong huyết thanh của chúng. Họ kết luận IPA do vi khuẩn tạo ra có khả năng chữa lành và tái tạo các dây thần kinh bị tổn thương. Với những con chuột được uống IPA sau khi bị chấn thương dây thần kinh tọa, sự tái tạo và khả năng phục hồi xảy ra trong từ 2-3 tuần.

Trong nghiên cứu tiếp theo, họ sẽ kiểm tra khả năng tái tạo dây thần kinh trong chấn thương tủy sống ở chuột và liệu sử dụng IPA thường xuyên hơn có tối đa hóa hiệu quả chữa lành, tái tạo dây thần kinh hay không. "IPA tồn tại trong máu từ 4-6 giờ ở nồng độ cao, vì vậy việc sử dụng nó nhiều lần trong ngày hoặc thêm vào chế độ ăn uống có thể giúp tối đa hóa hiệu quả điều trị" - giáo sư Di Giovanni cho biết.

Dĩ nhiên, đích đến cuối cùng là ứng dụng trong điều trị bệnh ở người. Giáo sư Di Giovanni cho biết cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để tìm hiểu liệu khi chúng ta nhịn ăn gián đoạn, IPA có tăng hay không. Nếu có, cần đánh giá hiệu quả của IPA và nhịn ăn gián đoạn với tư cách một phương pháp điều trị tiềm năng.

Có nhiều cách nhịn ăn gián đoạn khác nhau. Phổ biến nhất là một ngày nhịn ăn xen kẽ với một ngày ăn thỏa thích. Trong ngày nhịn ăn, một người chỉ được ăn tối đa 500 calorie. Thực đơn tham khảo: sáng uống 1 ly cà phê đen, ăn 1 quả chuối; buổi trưa ăn 100 gram ức gà, 1 phần salad và 1 quả táo; buổi tối ăn 1 lát bánh mì đen và 1 quả trứng luộc, tất thảy 500 calorie.

Phương pháp phổ biến thứ hai là phương pháp 5:2, trong đó trong một tuần thì 5 ngày được ăn tùy ý và 2 ngày nhịn ăn. Cũng có nhiều người thực hành nhịn ăn gián đoạn theo giờ trong ngày, thường là 16-20 giờ nhịn ăn và 4-8 giờ ăn tùy ý.

Giảm nguy cơ bị COVID-19 nặng

Trong một bài viết năm 2021 trên Nature, bà Krista Varady - tác giả của nhiều nghiên cứu về nhịn ăn gián đoạn - cho biết khi mới tìm hiểu về phương pháp này cách đây 15 năm, chỉ có một vài nghiên cứu về chủ đề này. Tuy nhiên, sự quan tâm của giới nghiên cứu đến nhịn ăn gián đoạn đã tăng rất nhanh sau đó. Nhiều nghiên cứu cho thấy phương pháp này có thể làm giảm nguy cơ bị bệnh đái tháo đường và bệnh tim.

Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí BMJ Nutrition, Prevention & Health ngày 1-7-2022, các nhà nghiên cứu của hệ thống bệnh viện Intermountain, Mỹ phát hiện ở những bệnh nhân nhịn ăn gián đoạn thường xuyên, nguy cơ nhập viện hoặc tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 của họ thấp hơn so với những người không nhịn ăn gián đoạn.

Các bệnh nhân trong nghiên cứu nhiễm COVID-19 từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, thời điểm trước khi vắc xin phòng COVID-19 được sử dụng rộng rãi. Trong số 205 ca dương tính xác nhận, có 73 người xác nhận họ nhịn ăn ít nhất 1 lần mỗi tháng trong khoảng 40 năm qua vì lý do tôn giáo. Cụ thể, họ thường nhịn ăn vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng bằng cách không ăn hoặc uống trong hai bữa ăn liên tiếp. Ở những người nhịn ăn gián đoạn, họ có tỉ lệ nhập viện và tử vong do COVID-19 thấp hơn.

Tiến sĩ Benjamin Horne, giám đốc khoa dịch tễ học tim mạch và di truyền tại Bệnh viện Intermountain, cho biết: "Nhịn ăn gián đoạn được chứng minh là giúp làm giảm viêm và cải thiện sức khỏe tim mạch. Ở những người đã nhịn ăn gián đoạn trong vài chục năm, nghiên cứu cho thấy nhịn ăn gián đoạn có những lợi ích bổ sung chống lại COVID-19".

Cần có nhiều nghiên cứu hơn để hiểu tại sao nhịn ăn gián đoạn lại có liên quan đến tỉ lệ nhiễm COVID-19 nhẹ. Theo bác sĩ Horne, nó có thể liên quan đến tác dụng làm giảm viêm của việc nhịn ăn. Ở người nhiễm COVID-19, một số gặp hội chứng viêm toàn thân cấp tính - tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các tác nhân xâm nhập như virus gây bệnh và dẫn đến phản ứng viêm toàn hệ thống. Giảm viêm giúp giảm nguy cơ biến chứng nặng.

Ngoài ra, theo cơ chế chuyển hóa của cơ thể, sau khoảng 12-14 giờ nhịn ăn, cơ thể chuyển từ sử dụng đường glucose trong máu sang sử dụng ketones (sản phẩm phụ của sự phân hủy axit béo) trong đó có acid linoleic. Theo bác sĩ Horne, trên bề mặt của virus SARS-CoV-2 có một túi phù hợp để chứa acid linoleic. Khi đó, acid linoleic có thể làm giảm khả năng gắn với các tế bào khác của virus. Một lợi ích tiềm năng khác là nhịn ăn gián đoạn thúc đẩy quá trình tự thực bào trong đó tế bào "ăn" các thành phần của chính nó và qua đó, cơ thể tiêu diệt các tế bào bị tổn thương.

Bác sĩ Horne nhấn mạnh hiệu quả giảm nguy cơ biến chứng nặng do COVID-19 chỉ được ghi nhận ở người đã thực hành nhịn ăn gián đoạn trong nhiều thập niên - không phải vài tuần. Do đó, bất kỳ ai muốn thử nhịn ăn gián đoạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, đặc biệt nếu là người cao tuổi, đang mang thai hoặc có bệnh lý nền như bệnh tiểu đường, tim hoặc thận.

***

Nhịn ăn gián đoạn đã giúp nhiều người giảm cân đáng kể, làm hạ huyết áp và mức lipid trong máu. Tuy nhiên, như bao phương pháp khác, nhịn ăn gián đoạn không dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là người bị tiểu đường, theo một bài viết trên trang web của Trường Y Đại học Harvard.

Những người đang phải uống thuốc trị cao huyết áp, bệnh tim cũng có thể gặp bất thường về điện giải nhiều hơn do nhịn ăn gián đoạn. Các chuyên gia y tế khuyên phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, trẻ em và thanh thiếu niên, người già yếu, bị suy nhược, suy giảm miễn dịch, người đã và đang bị rối loạn ăn uống, người bị mất trí nhớ, người có tiền sử chấn thương sọ não không nên nhịn ăn gián đoạn.

Còn nếu đã nhịn ăn gián đoạn, cần chuẩn bị tinh thần để chịu đựng một số vấn đề như: đói quằn quại, buồn nôn, cáu gắt, nhức đầu, mệt mỏi, yếu ớt. Dù động cơ nhịn ăn gián đoạn của bạn là vì sức khỏe, hãy ngừng nhịn ăn gián đoạn nếu cảm thấy mệt mỏi, khổ sở. Có nhiều phương pháp khác cũng mang lại lợi ích về sức khỏe mà không cần phải nhịn ăn gián đoạn. Ngoài ra, hiện nay cũng chưa có nghiên cứu dài hạn nào về tính an toàn và hiệu quả của thực hành nhịn ăn gián đoạn. Với những người muốn giảm cân, ngừng nhịn ăn gián đoạn có thể khiến họ tăng cân trở lại.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận