Nhật ký một hiệu ảnh

HOÀNG VIỆT HẰNG 08/09/2015 02:09 GMT+7

TTCT- Hơn 50 năm, đã vắt qua hai thế kỷ, hiệu ảnh quốc tế tại 11 phố Hàng Khay đã di dời, không còn ở trước mặt hồ Gươm nữa.

Hiệu ảnh quốc tế khi chưa di dời

Mùa thu nay, bà giáo Yến, một khách hàng từng chụp tấm ảnh tại đây khi mới 16 tuổi, bước chậm rãi ngơ ngẩn bên hồ khi bà chạm tới tuổi 70. Bà chợt nhớ cụ Thúy (chủ hiệu ảnh), ngày xưa chụp cho bà bức ảnh còn vấn khăn mặc yếm khi đi nghe hát ca trù ở phố Khâm Thiên về, cái yếm màu xác pháo.

Bà còn định mặc yếm đỏ đi lễ ở chùa Bà Đá bên phố Nhà Thờ, nhưng mẹ bà giục con về thay yếm thắm, mặc áo cánh gụ quần láng Nam Định để đi lễ chùa cho phải phép. Tuy không rõ phép tắc gì nhưng vào chùa phải nghiêm ngắn, mẹ dặn thế, y lời.

Bà giáo như thấy mùa thu năm nay về sớm hơn mọi năm, vì bạn của bà, cô Tuấn Ngọc (thợ chụp ảnh hơn 30 năm ở hiệu ảnh này) cũng đã về hưu. Cô Tuấn Ngọc vẫn đẹp lãng mạn, ở vậy, kín tiếng và giờ thì gõ mõ tụng kinh ăn chay tại gia. Tuấn Ngọc là người hi sinh hết đời cho gia đình lớn, mẹ mất sớm, mình cô chăm sóc bốn người em, rồi các em khôn lớn bay ra nước ngoài định cư, một mình cô ở vậy chăm cha già.

Vui vẻ hoàn toàn vui vẻ. Chấp nhận số phận như nhiên. Tuấn Ngọc chụp bao nhiêu bức ảnh cho trẻ con đẹp như thiên thần. Những thiên thần lớn lên, dựng vợ gả chồng cho con lại đến bà Tuấn Ngọc chụp cho. Thế rồi bà Ngọc, cũng như bao nhiêu tay máy chụp ảnh chân dung có hạng như Mạnh áo đỏ, Quốc Sỹ, Trần Huyến, Minh Phùng... những người Hà Nội chụp chân dung cho bao số phận người Hà Nội, trong cuộc mưu sinh nay đã di dời và chuyển đổi.

Nơi đây còn đọng lại bao nỗi vui buồn. Địa chỉ thì vẫn là địa chỉ, hiệu ảnh di dời ở trên một con phố nhưng sao người chụp ảnh vẫn ngậm ngùi nhớ mặt hồ Gươm. Bạn nghề từ nay không còn buổi sáng chờ nhau bên hồ cà phê, ăn sủi cảo Tạ Hiện hay đi ăn bún chả Hàng Mành.

Tiết lập thu Hà Nội có phần nhẩn nha. Buổi sớm vẫn có một cụ bà đi bộ chậm rãi, lưng còng lắm, xin bánh mì ở mỗi quán ăn nhanh từ chiều hôm trước, sáng sớm hôm sau mới thả xuống hồ cho cá và rùa ăn, ngày nào cũng như ngày nào.

Cá và rùa quen với cái lưng còng của bà cụ, cứ thấy bóng bà lão là cá nhoai lên. Hiệu ảnh còn ghi bao ký ức của những đôi bạn trẻ chụp ảnh ở cây lộc vừng ra hoa bên Bách hóa tổng hợp cũ, và xa hơn là cái tháp rùa xiêu vẹo ngày xưa, cũ kỹ và không sửa sang mới như bây giờ.

 

Hiệu ảnh di dời trên một con phố nhưng sao người chụp ảnh vẫn ngậm ngùi nhớ mặt Hồ Gươm

Người khắc bút máy ở gần chân cầu Thê Húc cũng đi đâu, mất hút trong mặt hồ Gươm, phố Nhà Thờ không còn im ắng nữa, nhiều cửa hàng lưu niệm mọc lên... Xung quanh hồ Gươm còn bao nhiêu người giải được ván cờ của một ông lão đặt thế cờ bên cây phượng già?

Sẽ mãi còn là một ẩn ức khi những bức ảnh lụa đen trắng đóng khung treo trong những gia đình Hà Nội xưa nếp nang cũng đi vào quá vãng. Kỷ niệm cũng thành quá vãng. Những bức ảnh đen trắng đẹp rất riêng biệt mà ảnh màu không thể thay thế.

Vị khách hàng đứng tuổi đã nhớ nhung một thế hệ vàng cầm máy chụp ảnh cho bao nhiêu đám cưới, bao nhiêu đám ma, bao nhiêu vui buồn mưa bão bên hồ Gươm; khi cây lộc vừng trổ hoa; khi cụ rùa thi thoảng ngoi lên trên mặt nước, đám đông túm lại đứng xem. Và máy ảnh lại chớp loang loáng bên hồ. Những tay máy có hạng với đầy màu sắc, nhưng lạ sao bức ảnh đen trắng một thời lại có ký ức riêng của hiệu ảnh trông sang mặt hồ Gươm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận