Nhật ký 2 ngày trở về ký ức

THU UYÊN (VTV) 23/07/2011 19:07 GMT+7

TTCT - LTS: Chiến tranh đã qua đi 36 năm nhưng vẫn còn đó 318.953 mộ liệt sĩ khuyết danh hoặc chưa đủ thông tin và 237.297 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Tức là hiện có 556.250 liệt sĩ chưa được an nghỉ.

Những con số này đã thôi thúc các nhà báo VTV1 thực hiện chương trình truyền hình “Trở về từ ký ức”, dự kiến lên sóng truyền hình vào tháng 9-2011. TTCT trích đăng nhật ký hành trình của nhà báo Thu Uyên từ mảnh đất Hải Lăng, Quảng Trị.

Trở về từ ký ức

Phóng to

Ông Đinh Ngọc Chương đi tìm em - liệt sĩ Đinh Ngọc Cừ - Ảnh: Tân Lâm

Ngày thứ nhất 10-7-2011

8 giờ sáng, Phòng văn hóa - thông tin huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Hai người đều từng ba chục năm là cán bộ chính sách của huyện đội và tỉnh đội là ông Thục và ông Hạnh đã có mặt. Một chồng kỷ vật được tìm thấy cùng các hài cốt liệt sĩ được mang ra.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hạnh mở cuốn “sổ cái” của riêng ông. Hồ sơ của từng hài cốt gần 800 liệt sĩ mà ông tự tay quy tập đã được giao cho Sở LĐ-TB&XH khi đưa từng liệt sĩ về nghĩa trang. Còn cuốn sổ này ông ghi lại những trường hợp đặc biệt để nhớ.

Hai lá thư cộng với một bức ảnh của cô gái, viết bằng mực tím, có hình trái tim ở góc cùng dòng chữ “Tân Kỳ, 1971” được tìm thấy trong hòm đạn đại liên, vùi trong góc giao thông hào có những người lính hi sinh khi đang chiến đấu.

Một túi nilông nhỏ bọc mảnh giấy đã phai nét chữ tìm thấy cùng hài cốt. Mấy tấm ảnh 3x4 của một phụ nữ được ép trong tấm nhựa trong đã ố màu vì nằm trong lòng đất lâu năm. Sáu miếng nhôm cắt ra từ nồi quân dụng chia thành sáu tấm bia ghi sáu cái tên đào được cùng một nơi, có lẽ ở đâu đó sáu liệt sĩ đã ngã xuống mà đồng đội cũng hi sinh khi chưa kịp cắm cho họ những tấm bia...

Không ít trường hợp liệt sĩ khi nằm trong rừng thì còn tên, nhưng khi quy tập về nghĩa trang tạm thì quân, dân sơ ý làm lạc thông tin. Những hàng chữ ghi trong cuốn sổ 30 năm của ông Hạnh có thể giúp trả lại tên cho một số người. Ông ghi rõ mộ tìm thấy ở đâu, nhân chứng là ai, vẽ sơ đồ tọa độ, di vật gồm những gì, chất lượng xương ra sao... rồi khi đưa vào nghĩa trang liệt sĩ ông lại ghi số mộ tương ứng. Đồng đội tìm bạn mình nhờ địa điểm, người thân qua kỷ vật. Những hàng chữ trong cuốn sổ, những di vật lên tiếng. Không một ai vô danh, nhất là các liệt sĩ!

11 giờ, nghĩa trang liệt sĩ Hải Lăng. Nắng như thiêu đốt và gió lồng lộng. Bắt đầu cuộc khai quật đầu tiên lấy mẫu xương thử ADN trong khuôn khổ chương trình “Trở về từ ký ức”, cũng là cuộc thử ADN đầu tiên trong danh sách mà Cục Người có công Bộ LĐ-TB&XH triển khai, chuẩn bị cho đề án quốc gia nhằm xác định danh tính cho các liệt sĩ còn khuyết thông tin.

Ba ngôi mộ “chưa biết tên” số 1749, 1750 và 1751 được ông Hạnh đưa về và được các đồng đội xác nhận thuộc về ba liệt sĩ vận tải của sư 304, hi sinh năm 1972 tại Hải Lệ: Dương Lý Tưởng (Hà Nội), Phạm Ngọc Pha (Hưng Yên), Đinh Đắc Lực (Ninh Bình). Cả ba gia đình đều đã được thông báo. Lấy mẫu của hai gia đình, thử với ba mẫu xương là có thể trả lại tên cho ba liệt sĩ.

Người em trai của liệt sĩ Dương Lý Tưởng, ông Dương Tiến Sỹ, giáo viên Đại học Sư phạm Hà Nội, cùng mấy người em rể hỏi nhau trong lúc người quản trang dùng chiếc lốp xe đạp nhấc phần bia mộ chính giữa lên. “Nếu là anh, nhất định phải có chiếc gương. Chị ấy bảo thế”. Chị ấy từng là vợ liệt sĩ Lý Tưởng được mấy hôm trước khi anh lên đường đi B, chị biết nhất định anh không rời kỷ vật của hai người.

Mở lớp vải nhựa, hiện ra góc lá cờ. Cát đỏ quánh và ẩm ướt. Xương cốt chẳng còn lại bao nhiêu. Cuối cùng là một miếng tăng bộ đội cứng quèo. Gỡ ra gượng nhẹ, thấy mấy mảnh kính vụn còn lờ mờ lớp tráng bạc. Chiếc gương.

12 giờ 30. Ngồi dưới bóng râm của đài Tổ quốc ghi công, giữa tràng tâm sự, phỏng vấn, tôi vô duyên chợt hỏi: “Ngày ở nhà, chú Tưởng trông ra sao?”. “Anh tôi rất đẹp trai, học rất giỏi. Anh cũng thích ngắm gương lắm”. Chợt nước mắt rủ nhau dâng trào trong mắt của mười mấy con người. Ông Sỹ nâng niu ba túi nilông đựng mẫu xương lấy từ ba ngôi mộ. Ông đã biết bằng trái tim, đâu là cốt nhục của mình.

14 giờ. Đón ông Nguyễn Minh Kỳ - “hùm xám đường 9”, nguyên chủ tịch tỉnh Quảng Trị - cùng đồng đội Tô Xuân Đài, Trần Kiểm, Nguyễn Quang Thục... đi khe Đá Mài - Cam Lộ. Con suối La La huyền thoại nếu không nổi danh vì chiến tranh hẳn cũng nức tiếng vì vẻ đẹp quá đỗi hữu tình.

Giữa năm ngoái, khi đang thi công công trình thủy lợi Đá Mài tưới tiêu cho cả huyện Cam Lộ, máy xúc chết máy giữa chừng. Công nhân xuống xem thì tìm được ba mộ liệt sĩ thành một hàng chéo, nối với nhau bằng sợi dây dù xanh chôn trong đất. Các liệt sĩ được đưa về nghĩa trang liệt sĩ Cam Lộ.

Cựu chiến binh Tô Xuân Đài khẳng định ông đã tham gia mai táng cho đồng đội Dương Ngọc Quý, người mới vào tăng cường cho an ninh Cam Lộ buổi sáng thì tối bị phục kích chết, cùng hai người nữa là Đinh Ngọc Cừ và Trần Văn Sự.

Khe Đá Mài men theo suối lên rừng, từng là nơi đặt “kiềng” của bộ đội địa phương. Ông Kỳ trở lại mảnh đất thân thuộc, ký ức ông trở lại sinh động. Đêm đó, ông dẫn đầu đội hình gồm sáu người đi với cự ly 5m một, khi vừa cách thôn Bắc Bình 200m thì bị phục kích bằng mìn Claymore. Ngoái lại, cả năm chiến sĩ đã hi sinh. Ông vác từng người trên vai, tay vẫn cầm súng đi giật lùi vào rừng, gọi anh em ra chôn cất.

“Vậy thì phải còn hai mộ nữa!” - ông kêu lên. Năm mộ, chứ không phải ba, nối với nhau bằng dây dù. Con mương bêtông đi xuyên qua hàng mộ, vậy là phía bên này hay bên kia, hoặc cả hai bên dòng mương còn hai liệt sĩ vẫn nằm đó. Tên của họ đồng đội rồi cũng sẽ nhớ ra. Nhưng nếu không có chuyến đi này, họ sẽ vĩnh viễn lặng thinh trong lòng đất.

Một phát hiện thật giá trị. Chúng tôi vừa vui lại vừa buồn. Còn gia đình ba liệt sĩ đến thăm nơi người thân ngã xuống thì ngẩn ngơ.

Phóng to
Bia liệt sĩ “Chưa biết tên” thay cho bia “Vô danh” trước đây tại nghĩa trang Cam Lộ - Ảnh: Tân Lâm

Ngày thứ hai 11-7-2011

7 giờ sáng, nghĩa trang liệt sĩ Cam Lộ. Mộ số 61, 62 và 63 chính là mộ phần của ba hài cốt từ khe Đá Mài được đưa về yên nghỉ. Anh Tuấn - con duy nhất của liệt sĩ Dương Ngọc Quý, chị Hải - con duy nhất của liệt sĩ Trần Văn Sự và ông Đinh Ngọc Chương - anh trai của liệt sĩ Đinh Ngọc Cừ từ ba miền quê tập trung đến cùng một ngày.

Đã hi vọng nghe tin báo lần này là xác định ngay được hài cốt của cha, em mình nằm dưới tấm bia “chưa biết tên” số mấy, nhưng sau câu chuyện quá bất ngờ chiều qua, biết đâu người thân vẫn còn đang nằm trong lòng đất ven suối La La. Ông Thục hứa tuần tới sẽ cùng huyện đội đến tìm cho ra và lấy luôn mẫu xương để thử ADN. Đó là tuần tới. Còn hôm nay, hương khói nghi ngút trên ba ngôi mộ.

Chị Hải chưa từng biết mặt bố, khi lật từng tấm bia bêtông lên, những gì từng là người hi sinh chỉ còn lại chút đất sét sẫm màu, bọc quánh chút xương đã mủn. Rất lâu để chọn được mẫu, may ra đáp ứng yêu cầu của Trung tâm ADN và công nghệ di truyền.

Một bài học đắt giá: hài cốt liệt sĩ trước nay được bọc một lần vải và một lần nilông, nhưng chính vì bọc quá kỹ, hơi ẩm đã làm xương nhanh tan rã hơn. Kế hoạch tổ chức cơ sở dữ liệu về ADN của các liệt sĩ khuyết danh để so sánh với ADN của toàn bộ các gia đình liệt sĩ hẳn phải bớt kỳ vọng vào hiệu quả cuối cùng.

Nhóm mộ thứ hai cần lấy mẫu, số 52 và 54, được đoán là của liệt sĩ Kính và liệt sĩ Hợi. Anh Thìn là con trai duy nhất của liệt sĩ Hợi đã đi từ hi vọng đến tuyệt vọng. Khi chiếc bát sắt bẹp, đôi dép lốp, cán cây cạo râu màu đỏ và nửa cây bút kim tinh được đưa lên thì trong tấm nilông chỉ còn đất cát ướt rượt.

Anh không còn cơ hội để thử ADN với người nằm dưới mộ. Nước mắt đàn ông ròng ròng trên má. Anh nức nở: “Bố linh thiêng hãy chỉ cho con biết tìm bố ở đâu. Con nhất định không dừng lại”.

10 giờ 30. Ngoài hai nhóm người xúm quanh hai nhóm mộ, trong nghĩa trang liệt sĩ gồm hơn 1.500 ngôi mộ này có ba người lần lần đi giữa các hàng bia trắng. Hỏi ra thì được biết gia đình anh Vũ Văn Huân (quê Thanh Hóa) đi tìm bác ruột - liệt sĩ Vũ Văn Vận, hi sinh năm 1968.

Chìa mảnh giấy nhàu nát có ghi dòng chữ nguệch ngoạc: “Mộ số 81, lô số 3, nghĩa trang Cam Lộ”, anh Huân nói nhà ngoại cảm đã chỉ anh tới đây. “Bố tôi cũng là liệt sĩ, năm kia được báo bố đang nằm ở nghĩa trang Đường 9. Bà nội mất rồi, cô mất rồi, anh tôi hi sinh trong chiến tranh biên giới. Bác tôi chưa lập gia đình nên tôi là người hương hỏa. Có tiền là nhà tôi lại đi tìm bác”.

Anh chừng như luyến tiếc không rời nghĩa trang, dù các cựu chiến binh lẫn cán bộ Sở LĐ-TB&XH có mặt đều khẳng định vào tháng đó của năm 1968, chiến sự không diễn ra ở vùng này, liệt sĩ nếu hi sinh tại Quảng Trị thì có lẽ đang nằm trong nghĩa trang của huyện khác chăng. Bởi những cuộc kiếm tìm thì dài đằng đẵng, ít người chỉ dẫn nên “dịch vụ” ngoại cảm mới nở rộ như vậy.

13 giờ. Nhà khách 27-7, Đông Hà. Trong cả nước chỉ có một nhà khách như thế: đón tiếp thân nhân liệt sĩ, cung cấp chỗ ngủ, nấu cơm cho ăn. 14 năm qua, 9 vạn lượt người đã nghỉ tại đây, trên đường tìm kiếm phần mộ liệt sĩ của mình. Trong lúc ngồi chờ anh Tuấn, chị Hải và ông Chương tự lấy mẫu tóc và móng tay để gửi cùng ba mẫu xương ra Hà Nội, chúng tôi gặp hàng chục gia đình, nghe hàng chục câu chuyện.

Anh Đinh Quang Huy ở Gia Lâm, Hà Nội lên 5 khi cha anh nhập ngũ vào tháng 4-1965. Đã vài lần anh khăn gói vào Quảng Trị đi tìm mộ liệt sĩ Đinh Gia Hịch, hi sinh ngày 6-3-1966. Anh Huy khẳng định cha anh chỉ nằm đâu đó trong lòng đất Quảng Trị này thôi, vì “nhà ngoại cảm” nói thế. Anh giở một cuộn dày cộp những bằng Tổ quốc ghi công, đơn từ, giấy giới thiệu và rút ra tờ giấy báo tử đã hoen màu.

May cho anh, giám đốc nhà khách 27-7 bước tới, cầm xem chăm chú rồi bảo ngay: “Bố anh có thể đang nằm tại Đông Nam bộ”. Anh Huy kinh ngạc. Một ký hiệu nhỏ bên cạnh tên đơn vị, KB, có nghĩa là liệt sĩ đã chiến đấu tại mặt trận Đông Nam bộ, chứ không phải KN (khu 5), KH (Bắc Trung bộ), KT hay MT (Tây Nguyên), MTB (Tây Nam bộ),...

Ba tháng trước, Bộ Quốc phòng chỉ thị giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, xong sẽ công bố rộng rãi cho nhân dân, đặc biệt là các gia đình liệt sĩ.

Ở Quảng Trị, nhiều cựu chiến binh và không ít người trẻ tuổi tâm huyết đã mày mò làm việc này trên chục năm nay. Vì Quảng Trị là nơi mà cứ 10 người dân đang sống thì có 1 ngôi mộ liệt sĩ trong nghĩa trang. Vì ngày nào chạy trên quốc lộ 1 qua đây cũng thấy những chuyến xe chở gia đình liệt sĩ, 36 năm sau chiến tranh họ vẫn đi tìm hú họa với niềm tin mong manh.

Kết thúc ngày thứ hai của cuộc hành trình, chúng tôi đã gặp những người “vác tù và hàng tổng” đó. Những cựu chiến binh từ Ninh Bình, Hà Tĩnh... thấy ân hận vì bạn mình còn nằm đâu đó giữa rừng, họ cũng đành chấp nhận rằng nhiều thân thể đã tan vĩnh viễn vào trong đất nên chỉ có cách lập nên những bia tưởng niệm - ghi công tập thể, chứ không thể hứa hão với các gia đình.

Và những người sinh ra giữa chiến tranh và hòa bình, họ cũng như tôi, ngậm ngùi: “Chúng tôi còn mắc nợ các gia đình liệt sĩ nhiều lắm!”.

Sẽ xác định danh tính liệt sĩ bằng ADN

Phó cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) Lê Hồng Sơn cho biết cơ quan này sẽ sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ đề án “Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin” trong quý 4-2011, trong đó có áp dụng phương pháp dùng công nghệ gen (giám định ADN) để xác định danh tính liệt sĩ.

Theo ông Sơn, hiện việc tìm mộ liệt sĩ, xác định thông tin liệt sĩ chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp “chứng thực” qua sơ đồ mộ chí nơi chôn cất, di vật của liệt sĩ gắn với hài cốt được tìm kiếm, cất bốc và những thông tin từ đơn vị, đồng đội, người dân địa phương. Việc tìm mộ liệt sĩ thông qua các nhà ngoại cảm “là vấn đề tâm linh”, về mặt pháp lý không được thừa nhận và cũng không thể cấm đoán.

Theo ông Sơn, nếu đề án được Thủ tướng phê duyệt, Bộ LĐ-TB&XH sẽ xây dựng các trung tâm thông tin, giúp thân nhân và cơ quan chức năng thuận tiện trong việc tìm kiếm, xác định tên tuổi liệt sĩ. Trong trường hợp tìm kiếm bằng biện pháp tâm linh (thông qua nhà ngoại cảm) mà hài cốt đó có tranh chấp thì cơ quan có thẩm quyền sẽ giám định ADN. Với những hài cốt mới bốc về mà tên tuổi chưa rõ thì cũng lấy mẫu phân tích ADN để xác định danh tính liệt sĩ.

Theo dự thảo đề án, giai đoạn 2011-2013 sẽ tập trung vận động mọi tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Giai đoạn 2014-2018, thực hiện thí điểm phương pháp ADN tại Nghệ An (nơi có 18.672 mộ liệt sĩ) và Tây Ninh (nơi có 20.087 mộ liệt sĩ), đồng thời thành lập bộ máy và xây dựng một trung tâm giám định ADN tại Hà Nội. Sau năm 2018 sẽ xây dựng các trung tâm giám định ADN tại một số khu vực, thực hiện việc xác định hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp này trên phạm vi toàn quốc.

Hiện chi phí để xác định danh tính một liệt sĩ bằng ADN từ 7,5-9 triệu đồng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận