Nhân đì-lây sâu kể chuyện

THƯ UYỂN 11/01/2023 08:37 GMT+7

TTCT - Đây là năm thứ mười tôi làm nghề lái máy bay. Đi về nhiều nơi và gặp gỡ nhiều người suốt cả một thập kỷ, tôi nghe được nhiều chuyện, ngàn vạn đông tây nam bắc.

Nhân đì-lây sâu kể chuyện - Ảnh 1.

Ảnh: Thư Uyển

Dĩ nhiên, đến một mức nào đó, bộ nhớ trong đầu tôi không còn đủ dung lượng. Lúc đó, nó sẽ tự động lọc, chỉ ghi lại những điều mà nó muốn giữ.

Những khi tháng rộng ngày dài - như khi đì-lây (delay) sâu vì kẹt máy bay dưới đất lẫn trên trời ở phi trường Tân Sơn Nhất như bây giờ, tôi thường kiểm kê lại. Hôm nay thì tôi thấy ngoài những chuyện khó có thể quên ra, tôi còn nhớ cả những chuyện nho nhỏ vô thưởng vô phạt khác. Chúng thường là những chuyện, một là được nghe lúc mới vào nghề, hai là có xíu yếu tố bất ngờ.

Sáng đó tôi đi Phú Quốc. Khi ấy, tôi mới vô nghề được một, hai tháng. Chúng tôi đáp xuống sân bay Phú Quốc, lăn vào bãi đỗ, tắt động cơ, đã thấy đội vệ sinh đứng sẵn dưới đất. Việc của tổ này là lên dọn dẹp khoang khách cho sạch đẹp, họ làm xong rồi chúng tôi mới đón khách chặng sau được. Cho nên, thấy đội vệ sinh có mặt sớm tận 15 phút như vậy là không lo đì-lây rồi.

Qua cửa sổ buồng lái, cơ trưởng Hoành nhìn những người này một hồi. Thấy lạ tôi cũng quay sang nhìn theo. Nhìn chán, anh quay sang tôi:

- Nhìn vầy thôi - ý nói những nhân viên vệ sinh kia - chứ tỉ phú hết đó!

Giờ năm 2022 mà nghe ai có tiền tỉ thôi thì cũng thấy ghê rồi, chứ nói gì 10 năm trước. Mà tỉ phú lại là những nhân viên vệ sinh máy bay nữa, thì có giật gân không.

Trong cái háo hức nghe chuyện của cơ phó, cơ trưởng thong thả kể.

Ngày đó, Phú Quốc bắt đầu tăng tốc du lịch, đất đai vốn cò bay thẳng cánh bỗng phi mã lên giá. Nay mua mai bán lại lời gấp rưỡi là chuyện thường ở đảo. Dân địa phương ít thì một sào, nhiều thì vài héc, ai cũng tham gia mua mua bán bán chơi cho vui. Hóa ra là vui thật, ra đường ba quân ai cũng tiền tỉ lận lưng. Cho nên, ra đây đừng thấy người ta bèo bèo mà khinh nha em. Toàn là đi làm chỉ để… đi làm thôi, chứ mà đọ số 0 trong tài khoản thì anh em mình xách dép.

Bốn vạch hơn chục năm mà còn xách dép, thì ba vạch mới tò te như em còn gì mà xách hả anh. Biết vậy nên hôm đó tôi cũng nghe chỉ để… nghe (và sau này nhân đì-lây sâu kể) thôi, chứ chẳng luận gì.

(Vài năm sau hôm ấy, anh Hoành nghỉ bay hẳn. Nghe là anh trúng đất rất đậm, nên lâu lâu tôi mới gặp lại anh trên máy bay. Giờ anh chỉ lên máy bay chỉ để đi đánh gốp thôi. Thấy anh vậy nên tôi cho rằng chuyện anh kể khó mà trật được, vì dù gì anh cũng dân trong nghề. Và cũng vì, giờ ra đảo ngọc, bói hoài không ra bờ biển, vì rì-sọt che hết rồi).

Chuyện trên, như thổ lộ, tôi nghe được khi mới vào nghề và có chút giật gân, nên lưu lại trong đầu tôi kha khá lâu. Tới nỗi sau này, cứ mỗi khi nhắc đến dân có tiền ở Việt Nam, tôi không thể không nghĩ đến những nhân viên vệ sinh máy bay ở Phú Quốc. 

Ấy vậy mà, mấy tháng nay, trong cái bình thường mới mà chúng ta đang sống, tôi (cũng có thể chỉ mình tôi) thấy khác rồi. Cán cân đã ngả từ cực Nam sang cực Bắc. Giờ mà ai hỏi tôi ai đang rủng rỉnh ở xứ sở hình chữ S của mình, thì tôi thưa ngay là dân Hải Thanh Nghệ - Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An.

Lần này, không phải là tôi hóng được một chuyện ly kỳ nào khác, mà tận mục sở thị. Tôi dựa vào số chuyến bay của chúng tôi đi từ và đi đến Hải Thanh Nghệ.

Nhân đì-lây sâu kể chuyện - Ảnh 2.

Ảnh: Thư Uyển

Chuyện là từ đầu năm đến giờ, công ty chúng tôi phục vụ rất nhiều hành khách từ Hải Phòng, Vinh và Thanh Hóa. Trước đây không hề như vậy. Ngày trước dịch, ba thành phố này chỉ là một trong những điểm đến từ nhỏ đến trung bình của hãng chúng tôi mà thôi. 

Mỗi ngày chỉ có vài chuyến đi Hải Thanh Nghệ từ đầu Sài Gòn. Còn từ Hà Nội thì lâu lâu mới có một chuyến đi Vinh bằng máy bay nhỏ - gần quá, di chuyển bằng đường bộ tiện hơn nhiều. Gọi ba sân bay Cát Bi, Thọ Xuân và Vinh này là sân bay địa phương nhỏ lẻ chắc cũng không sai.

Bây giờ thì khác. Từ đầu năm đến giờ, chúng tôi phục vụ đầy đủ các điểm đến từ ba thành phố phía Bắc này. Đà Lạt, Cam Ranh, Buôn Mê, Phú Quốc… Nói chung chỗ nào có rừng vàng biển bạc là dân Hải Thanh Nghệ đi hết. Có những thời điểm, số chuyến bay ba cảng này vượt qua luôn số chuyến từ Hà Nội hay Đà Nẵng, nhiều thứ hai chỉ sau Sài Gòn.

Chuyến tăng nhiều đến độ Hải Phòng trở thành một base mới của chúng tôi, phi hành đoàn đóng đô luôn ở đó để tiện đi đi về về. Mỗi tháng, phi công tiếp viên làm vài tua Hải Phòng là bình thường. 

Tua Hải Phòng thường là ba ngày. Ngày đầu, bay ra Cát Bi, ngủ lại Hải Phòng để hôm sau xuất phát sớm. Ngày hai bay 4 chặng: chặng 1 chở khách từ Hải Phòng đến thăm rừng vàng biển bạc, chặng 2 đưa khách từ rừng bạc biển bạc về Vinh hay Thanh Hóa, chặng 3 đón khách từ Vinh hay Thanh Hóa đến rừng biển vàng bạc, và chặng cuối thì đem khách từ bạc vàng biển rừng về lại Hải Phòng. Phi hành đoàn ngủ một đêm nữa ở thành phố hoa phượng nở, ngày thứ ba bay một chặng về lại Sài Gòn.

Những đường bay này đối với chúng tôi là rất mới, chỉ rộ ra sau dịch. Người dân Hải Thanh Nghệ mà cứ dịch chuyển thế này, thì khi lưu thông quốc tế có trở lại bình thường, hẳn chúng tôi cũng sẽ thường xuyên bay Hải Phòng - Narita, Thanh Hóa - Singapore hay Vinh - Incheon cũng nên.

Trong lúc chuyến bay từ Hà Nội và Sài Gòn giảm, những người xung quanh tôi đang thắt lưng buộc bụng, thì khách Hải Thanh Nghệ đi du lịch như trẩy hội. Vậy nên, trong lòng tôi, Phú Quốc của anh Hoành ngày nào đã nhường chỗ cho Hải Thanh Nghệ.

Mà có thật vậy không? Một câu hỏi nhỏ. Không lời đáp. Cho đến khi tôi nghe dân địa phương kể.

Nhân đì-lây sâu kể chuyện - Ảnh 3.

Ảnh: Thư Uyển

Dân địa phương gần nhất với phi công là thợ máy. Trong hoạt động bay, khi một chuyến bay đáp xuống một sân địa phương, thợ máy là người có nghĩa vụ kiểm tra phi cơ xem có đủ điều kiện kỹ thuật để bay tiếp chặng sau không. Sau khi kiểm tra, họ phải ký xác nhận là tàu OK - trong ngành gọi là thả tàu - thì phi hành đoàn mới được sử dụng tàu đó đi tiếp. Vậy nên cánh phi công và thợ máy thường xuyên trao đổi với nhau.

Ở sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) có anh Nhất. Anh hơn tôi một tuổi, nhưng dù biết thế, anh vẫn xưng em. Tôi không dám nhận vai anh, nên cũng xưng em. Vì thế, cuộc hội thoại của chúng tôi cứ anh anh em em loạn xạ, chẳng hiểu ai đang nói ai luôn. Không biết cách xưng hô này người xứ Thanh ai cũng vậy, hay chỉ có anh Nhất thôi.

Một bữa, anh Nhất giải thích cho tôi: "Đất cả, anh ạ. Anh xem, ngày trước thành phố gấp 10 đất dưới quê. Bây giờ chỉ còn 3-4 thôi". Phép so sánh lạ tai của anh làm tôi mất chừng một giây mới hiểu. Ý anh là giá đất quê ở đây sau dịch lên đến ba, bốn lần.

À ra là đất (lại đất). Vậy là người dân quê trúng đậm rồi còn gì. Thì đấy em nói anh rồi, chỉ anh chị em mình là nghèo thôi. Tôi và tiếp viên trưởng nghe đến đó bật cười, chuẩn anh ơi, cơ mà người nhà thì mới hiểu nỗi lòng này của nhau, chứ người ngoài nghe được người ta nói mình điêu đấy. Chúng tôi nói chuyện với nhau trong khoang khách khi chờ khách chuyến tiếp theo từ Thanh Hóa đi Cam Ranh lên tàu. Tiếp viên trưởng cũng kém anh Nhất một tuổi, và anh cũng gọi cô bằng chị.

Ở Vinh, anh Hải thợ máy nửa đùa nửa thật hỏi ngược lại tôi: "Ơ, thế chú không biết dân Vinh giàu từ trước đến giờ à?".

Thoạt tiên tôi tưởng anh đùa, nhưng thật ra anh không đùa (chắc anh chỉ đùa cái sự không biết của tôi). Anh kể với tôi, Nghệ An gần biên giới với Lào, mà phàm nơi nào gần biên giới thì giao thương luôn thuận lợi. Mà buôn bán cái gì anh? Thì ai cần cái chi mình bán cái nấy. Lào cần chi à? Lào cần cá, bên tê hắn không có biển, nên bên ni mình chuyển cá khô qua. Mình cần chi à? Bên tê hắn có gỗ, có lâm sản. À, còn có cả đồ điện tử Thái Lan nữa. Anh kể, anh có nhiều bạn bè buôn tủ lạnh Thái qua đường Lào về Nghệ An siêu giàu. Mấy tay đó mỗi lần đi Macao đỏ đen thì trong vali cả triệu đô tiền mặt.

Anh Hải kể răng thì tôi nghe rứa thôi, hẳn không phải ai ở đây cũng giàu như ri. Nghe để hiểu tổng quát, hiểu rằng quê Bác giàu mạnh là đúng.

Còn Hải Phòng thì khỏi hỏi ai, tháng nào cũng vài đêm ngủ lại ở đất cảng nên tôi tự mắt thấy. Hải Phòng là một thành phố lớn nhưng dân số chừng mực, không đông cũng không thưa. Đường phố rộng lớn và chất lượng nên tản bộ, đi xe máy hay đi xe hơi đều luôn thấy thoáng đãng. Cái cảm giác thoải mái ấy còn tăng lên nhiều do Hải Phòng có hai vật trang trí đặc trưng và đặc biệt.

Đặc trưng là hoa phượng. Phượng ở đây lúc vào mùa nở rực rỡ khắp phố. Đỏ của phượng Hải Phòng khác với đỏ lai cam của phượng Sài Gòn. Nó có màu của máu, tươi tắn vì nằm trong màu nắng và giữa màu lá. Từng chùm đỏ treo trên cây, từng mảng đỏ rụng dưới đất tô điểm cho đường sá, phố phường nên sặc sỡ. Hai câu của Hàn Mặc Tử "Sao bông phượng nở trong màu huyết / Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu" chắc là nhắc sắc đỏ này.

Đặc biệt là những lâu đài. Trên đường đi từ phi trường Cát Bi đến khách sạn phi hành đoàn, cứ năm phút là xuất hiện một dinh thự. Tòa theo phong cách Tây phương, tòa theo kiểu Á - Âu tổng hợp; tòa nguy nga như cung điện cổ tích, tòa hiện đại như nhà trong phim của giới siêu giàu Huê Kỳ. 

Thành phố vốn đã sặc sỡ như khuê phòng của một tiểu thư, giờ mang lại cảm giác trịnh trọng như đại sảnh nhà một tài phiệt. Cánh tài xế, mỗi lần chở khách phương xa ngang qua những biệt phủ này, thường kể một chuyện. Anh chị thấy tòa này, tòa kia, tòa đấy đẹp, to không. Hoành tráng thế đấy, xây xong, chủ nhà xộ khám luôn ạ.

Khách nghe xong thường cười ha há, nhưng biết các bác tài chỉ tiếu lâm đãi khách. Lâu đài nào cũng là công trình cả đời người ta, xây xong mà các bác đồn người ta ủ tờ, thì uổng cho tòa lâu đài quá.

Định bụng biên thêm vài chuyện nữa, nhưng không lưu Tân Sơn Nhất vừa báo đã bớt kẹt máy bay. Bốn mươi lăm phút sau giờ cất cánh hứa hẹn trên vé của hành khách, chuyến bay của chúng tôi có thể khởi hành. Một chuyến từ Sài Gòn đi Hải Phòng bắt đầu một tua Hải Phòng ba ngày. 

Hẹn quý bạn đọc lần sau đì-lây kể chuyện tiếp. (Với mật độ đi lại bằng đường hàng không như thế này, thì chắc là sẽ sớm thôi). 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận