Nhà thờ Đức Bà Paris: Sự quen biết toàn cầu, một xúc cảm văn hóa chung của nhân loại

DANH ĐỨC 19/04/2019 17:04 GMT+7

TTCT - Nước Pháp cũng đang có nhiều kẻ thù giấu mặt đủ kiểu. Các vụ xuống đường ngày thứ bảy ngày càng hiện rõ có mục tiêu là đập phá di sản quốc gia và phá hoại ngành du lịch, ẩm thực, tức “nồi cơm” của hàng triệu người Pháp.

Một đám cháy, bao nhiêu cảm xúc. Ảnh: AFP
Một đám cháy, bao nhiêu cảm xúc. Ảnh: AFP

Hơn 2 giờ sáng thứ ba 16-4, vốn già lão đau yếu, tôi bất chợt thức giấc như mọi lần, bật tivi và… rùng mình nhìn thấy màn hình đang chiếu cảnh ngọn tháp mũi tên của nhà thờ Đức Bà Paris gãy ngang và đổ sụp giữa cơn bão lửa đang hoành hành tại di tích hơn 950 năm tuổi này, biểu tượng không chỉ của nước Pháp hay của Công giáo Pháp.

Rùng mình khi nghe qua tivi tiếng la thất thanh “Ô”, “Ô là la!” của người đi đường và du khách. Rùng mình khi chứng kiến “cái chết” của ngọn tháp, đổ ngang trong vòng 4 giây… Rùng mình, há hốc mồm, xót tim: ngọn tháp thanh thoát mà uy quyền đó không chỉ là ngọn tháp của một ngôi nhà thờ tiếng tăm nhất nhì thế giới, mà còn là một di sản của nhân loại được biết đến nhiều nhất.

Biểu tượng sụp đổ

Hiện vẫn chưa rõ vì lý do gì mà hỏa hoạn xảy ra vào khoảng 18h50 (giờ địa phương). Theo cảnh sát cứu hỏa Paris, ngọn lửa có khả năng liên quan đến việc tu sửa nhà thờ, bắt đầu từ gác mái, nhanh chóng lan sang bộ khung mái dài hơn 100m bằng gỗ.

Ngọn tháp mũi tên sừng sững cao những 93m, ra mắt năm 1860, sống sót qua hai cuộc thế chiến, nhưng đã sụp đổ trong ngọn lửa dữ. 500 tấn gỗ và 250 tấn chì của ngọn tháp, bị gặm nhấm bởi ngọn lửa từ trước đó một tiếng, đã không chịu được sức nóng hỏa thiêu. Sau 4 giờ can thiệp, bên cứu hỏa tuyên bố họ cứu được cấu trúc nhà thờ “nói chung”, nhưng không cứu nổi ngọn tháp mũi tên.

Ngọn tháp đấy, trấn ở gần phía sau nhà thờ, trên nóc giao điểm chữ thập hai “bên cánh” với cung thánh và thân nhà thờ, từng thật thanh thoát, hợp cùng hai tháp chuông bệ vệ ngự ở mặt tiền thành ba điểm nhấn giúp nhận diện từ xa ngôi nhà thờ mà hầu như cả thế giới, hết thế hệ này sang thế hệ khác, đều biết.

Sự “quen biết” toàn cầu ấy một phần lớn nhờ vào văn hào Victor Hugo, từ cuốn tiểu thuyết kinh điển Nhà thờ Đức Bà xuất bản năm 1831, sau đó đến ảnh chụp, rồi các phim chiếu rạp, phim truyền hình, thôi thì đủ kiểu. 

Các thế hệ từng xem Thằng gù nhà thờ Đức Bà bản năm 1956 hay 1982 hầu như không “quởn” để so sánh xem dàn tài tử nào dung nhan hơn, là cặp Gina Lollobrigida (vai Esmeralda) - Anthony Quinn (vai Quasimodo), hay cặp Lesley-Anne Down - Anthony Hopkins, hoặc kể cả bản nhạc kịch năm 1998 (nhạc Riccardo Cocciante, lời Luc Plamondon)…

Trong vũ trụ đó của Hugo, tất cả đều chỉ muốn biết cô nàng du ca Esmeralda kia cùng Thằng gù Quasimodo yêu thầm nhớ trộm cô sẽ như thế nào. Thật kỳ lạ, Hugo dường như đã nhìn thấy trước đám cháy tối 15-4-2019 qua những dòng chữ gần 200 năm trước: “Mọi ánh mắt đều hướng lên nóc nhà thờ, chứng kiến cảnh tượng kinh ngạc… Ngọn lửa lớn dữ dội bốc lên giữa hai gác chuông. Bên dưới ngọn lửa, dưới những lan can ảm đạm, hai ống máng bằng đá như mồm hai con quái vật đang phun không ngớt cơn mưa lửa… Hàng loạt bức tượng quỷ dữ và rồng đau đớn trong biển lửa”.

Trong thế giới ngày nay, tất cả đều in trong đầu rằng hai ngọn tháp vuông đó, cây tháp mũi tên đó, là nhà thờ Đức Bà Paris. Cùng với Khải Hoàn môn, tháp Eiffel và nhà thờ Đức Bà là ba thắng cảnh mà bất cứ bộ phim nào, khi chiếu đến Paris, đều hiện ra giúp khán giả nhận ngay “đây là Paris” mà chẳng cần chú thích rườm rà.

Vĩnh biệt chim én

Ngày nay, người ta còn chiêm ngưỡng nhà thờ qua mạng xã hội, qua hình selfie. Năm 2017, đã có 12 triệu người viếng nhà thờ Đức Bà - đứng đầu các thắng cảnh, di tích ở Paris. Nếu kể cả số người không xếp hàng để vào trong, mà chỉ đứng ngoài chụp hình “check-in” thì còn là hằng hà sa số. 

Nhờ mạng xã hội, nhiều người có cảm giác gắn bó cá nhân hơn với thắng tích. Thành ra, tin nhà thờ cháy lan nhanh, khiến không ít người cảm thán, mỗi người một nỗi nhớ riêng, sâu nông tùy…

Ngay chính Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng có cảm xúc riêng “không thể nào quên” khi ông ra đó chứng kiến cảnh hủy hoại và cuộc chiến giữ lại những gì còn giữ được: “Nhà thờ Đức Bà Paris chính là lịch sử của chúng ta, văn học của chúng ta, trí tưởng tượng của chúng ta, nơi chúng ta sống tất cả những khoảnh khắc tuyệt vời của chúng ta”.

Tại sao ông Macron nói thế? Những ai từng xem qua phim nhạc kịch Notre Dame De Paris năm 1998 nêu ở trên, hẳn đều nhớ ca khúc thắm thiết Những con chim trong lồng - đối đáp giữa Esmeralda và Quasimodo:

- Esmeralda: Những con chim trong lồng, chúng vẫn có thể bay chứ? Những đứa trẻ bị xúc phạm, họ vẫn còn yêu chứ? Tôi như một con én. Đến với mùa xuân. Chạy qua các con hẻm. Hát những khúc du ca. Bạn đang rung chuông ở đâu, Bạn đang ở đâu, Quasimodo của tôi? Hãy cứu tôi khỏi sợi dây! Hãy gỡ tôi ra khỏi những chắn song.

- Nàng đang ở đâu, Esmeralda của tôi, nàng đang trốn tôi ở đâu? Đã ba ngày qua rồi chẳng còn thấy nàng nữa. Nàng có đi xa không? Với chàng thuyền trưởng xinh đẹp của nàng. Không đính hôn, không nhẫn cưới. Như trong thể thức ngoại giáo? Hay là nàng đã chết. Không một lời nguyện cầu và không vương miện? Không bao giờ để một linh mục đến gần nàng…

Vở Nhạc kịch "Notre Dame de Paris". Phần nhạc và lời lần lượt do Richard Cocciante và Luc Plamondon đảm trách. Đạo diễn Gilles Maheu. (Ảnh: centrecultureludes.ca)

Cứ thế, tôi ràn rụa nước mắt lần lại những ngày tháng trước năm 1975. Khi đó, tôi cùng một người bạn bốc thăm trúng đề tài thuyết trình “Các bảo tàng và nhà thờ của Paris”, thu gọn lại còn mỗi điểm tập chú “Nhà thờ Đức Bà Paris”. Thế là hàng tuần từ ga Versailles-Rive Gauche, bọn tôi cùng nhau ra đấy “ngâm cứu”. 

Một trong những kỳ quan ẩn giấu của nhà thờ Đức Bà là các mộ táng cổ từ thế kỷ 13. Hầu hết là của các giám mục và tổng giám mục Paris. Bia viết bằng chữ Latin hay tiếng Pháp cổ, dịch từ cổ ngữ sang tân ngữ thời đó là một thú tao nhã nhất trần đời của hai mái đầu xanh.

Đến trưa, bọn tôi lại thả bộ ra sau nhà thờ, lần đến mũi tàu cuối tiểu đảo Ile de la Cité… hóng gió. Đợi đến 4h30 chiều, vào lại nhà thờ cùng hàng trăm người khác, quay ghế hướng lên vòm ca đoàn và dàn đại phong cầm trên lầu phía cửa ra vào, “chiêm ngưỡng” bằng thính giác tay đại cầm thủ từ một vương cung thánh đường nào đó đến trổ tài. 

Đến 5h chiều, chấm dứt hòa nhạc, tất cả bước ra khỏi nhà thờ, nhường cung thánh và vương cung thánh đường lại cho hồng y Marty, tổng giám mục Paris, cử hành thánh lễ ngày chúa nhật.

Đồng tâm hiệp lực

Trên Twitter, Tổng thống Pháp Macron lên tiếng: “Notre-Dame de Paris bị hỏa thiêu. Cả một dân tộc xúc động. Nghĩ đến tất cả người Công giáo và tất cả người Pháp. Giống như tất cả đồng bào của chúng ta, tối nay tôi buồn khi thấy phần này của chúng ta bị đốt cháy”. 

Cho hoãn lại bài diễn văn soạn sẵn về “cuộc thảo luận rộng rãi trên toàn quốc”, ông đến ngay hiện trường và đứng trước tiền sảnh nhà thờ Đức Bà, chia sẻ nỗi buồn chung: “Cùng nghĩ đến toàn thể đồng bào chúng ta”, và trấn an: “Chúng ta sẽ xây dựng lại nhà thờ Đức Bà bởi đó là những gì người Pháp mong đợi, bởi đó là những gì mà lịch sử của chúng ta đáng được hưởng, bởi đó là định mệnh sâu sắc nhất của chúng ta”.

“Định mệnh” mà ông Macron nói tới là gì? Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Edouard Philippe, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo, Chủ tịch Quốc hội Richard Ferrand và Tổng giám mục Michel Aupetit, ông Macron nhấn mạnh đến sứ mệnh lịch sử của nhà thờ Đức Bà Paris: “Đây là niềm tự hào mà chúng ta phải có, niềm tự hào của tất cả những ai đã chiến đấu để điều tồi tệ nhất không xảy ra. Tự hào vì vương cung thánh đường này, chúng ta đã có thể xây dựng từ hơn 800 năm trước, phát triển và cải thiện qua nhiều thế kỷ… Vì vậy, tối nay tôi long trọng tuyên bố: nhà thờ này, tất cả chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng lại”.

Sau một ngày, người Pháp đã quyên góp gần 1 tỉ Euro cho việc phục dựng nhà thờ này. France 24 cho biết ngay trong đêm, gia đình Pinault - một trong những gia đình giàu nhất nước Pháp, sở hữu Tập đoàn Kering - nói sẽ ủng hộ 100 triệu euro qua công ty đầu tư Artemis của mình.

Sáng hôm sau nữa, gia đình Arnault - một gia đình cự phú khác - cũng loan báo sẽ đóng góp 200 triệu euro và giải thích: “Gia đình Arnault và Tập đoàn LVMH đoàn kết với thảm kịch quốc gia này, sẽ tham gia việc tái thiết nhà thờ biểu tượng của nước Pháp, di sản và sự một lòng một dạ của nước Pháp”.

Tập đoàn LVMH sở hữu các nhãn hàng thời trang Louis Vuitton và rượu Moët Hennessy. Tập đoàn Kering sở hữu các nhãn hàng Gucci, Yves Saint Laurent, Balenciaga, Alexander McQueen, Bottega Veneta, Boucheron, Brioni và Pomellato. Tuy nhiên, có thể tin rằng đây không phải là chuyện “con gà tranh nhau tiếng gáy” hay “làm thương hiệu”, do lẽ họ không phải là những “nhà giàu mới nổi” .

Hát Thánh ca cầu nguyện cho nhà thờ Đức Bà Paris trong vụ cháy thảm họa vừa xảy ra. (Ảnh: CNN)

Trên một bình diện khác, Công tố viện Paris loan báo một cuộc điều tra được mở ra vì “vụ hủy diệt không chủ ý bằng lửa” này. Những dấu vết của một vụ hỏa hoạn do bất cẩn bắt đầu từ công trường xây dựng trên nóc nhà thờ đang thu hút sự chú ý của các điều tra viên. 

Nói cho ngay, nước Pháp cũng đang có nhiều kẻ thù giấu mặt đủ kiểu. Các vụ xuống đường ngày thứ bảy ngày càng hiện rõ có mục tiêu là đập phá di sản quốc gia và phá hoại ngành du lịch, ẩm thực, tức “nồi cơm” của hàng triệu người Pháp.■

Theo Memoriale Historiarum (Sử ký), từ ngày 24-3 đến 25-4-1163, Giáo hoàng Alexander III đã đặt viên đá đầu tiên xây nhà thờ Đức Bà Paris trước sự chứng kiến của Vua Pháp Louis VII. Công việc chính được thực hiện dưới sự chỉ đạo của đức cha Maurice de Sully (1160 - 1197) và người kế vị là Odon de Sully (1197 - 1208) (trùng họ, không có quan hệ họ hàng).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận