Nhà thờ Bùi Chu thuở bình minh

TRẦN THỊ VĨNH-TƯỜNG 20/05/2019 19:05 GMT+7

TTCT - Giáo sĩ España từ đâu tới giáo phận Bùi Chu, và các ngài đã mang theo quê hương thế nào để gửi gắm trong kiến trúc một ngôi nhà thờ đặc biệt nhường này?

Nhà thờ Bùi Chu nhìn từ trên cao. Ảnh: GPBC
Nhà thờ Bùi Chu nhìn từ trên cao. Ảnh: GPBC

Trong vài tuần qua, dư luận trong và ngoài nước xôn xao với tin nhà thờ Bùi Chu sẽ bị “hạ giải” ngày 13-5-2019 “vì xuống cấp nghiêm trọng”, theo thơ ngỏ ngày 11-3-2019 của đức cha Vũ Đình Hiệu, giám mục chính tòa giáo phận Bùi Chu. 

Nhưng ngày 10-5-2019, một thông báo khác cũng từ Tòa giám mục Bùi Chu cho biết đã hoãn việc hạ giải này. Chúng ta hân hoan với tin sau và hẳn đây là lúc thích hợp nhất để tìm hiểu thêm về lịch sử và nhà thờ đặc biệt này, trong hi vọng sẽ được thấy nhà thờ được trùng tu thận trọng và tốt nhất.

Nhà thờ chính tòa Bùi Chu ở xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, dài 78m, rộng 22m, cao 15m, có 2 tháp chuông cao 35m. Diện mạo nhà thờ đậm chất Tây Ban Nha - tên Việt của quốc gia España, tiếng Pháp là Espagne, tiếng Anh là Spain. Người Việt biết về xứ sở này qua cây đàn Tây Ban cầm rực lửa và vũ điệu flamenco thống khổ.

Giáo sĩ España từ đâu tới giáo phận Bùi Chu?

Thế kỷ 16, tàu thương nhân Bồ Đào Nha - Tây Ban Nha dong buồm đến châu Á mất 1-2 năm. Lâu lắc thế vì phải đợi gió mùa, đợi tàu chuyển tiếp, tấp vào đảo lấy nước ngọt hay chạy trốn bão tố.

Trên bản đồ (dưới), lằn màu xanh là hải lộ tàu Bồ Đào Nha. Tàu España theo lằn màu trắng đi hướng ngược hẳn do ghé Cuba và các thuộc địa ở Trung Mỹ.

Hải trình thương mại của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thế kỷ 16. Ảnh: Commons Wikimedia
Hải trình thương mại của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thế kỷ 16. Ảnh: Commons Wikimedia

Năm 1565, chưa có nước Philippines, tàu España từ cảng Seville băng 7.000km ngang Đại Tây Dương tới Havana (Cuba). Nếu sống sót, sẽ băng 15.500km ngang Thái Bình Dương, len lỏi giữa hàng ngàn đảo lớn nhỏ để tới Manila, một trạm quan trọng của thương nhân Hồi giáo Ả Rập trên con đường tơ lụa có từ ngàn năm trước.

Năm 1587, tu sĩ dòng Đa Minh người España tới Manila. Năm 1614, dòng thành lập Đại học Thánh Tôma lớn nhất thế giới tại Manila để đào tạo chủng sinh. Đại học Thánh Tôma và chuỗi 4 nhà thờ Baroque Churches of the Philippines xây cuối thế kỷ 16 hiện là di sản UNESCO. Mặt tiền nhà thờ San Agustin rất phẳng, có vẻ giống nhà thờ Bùi Chu.

Nhà thờ San Agustin, Philippines. -Ảnh: pinoycatholic
Nhà thờ San Agustin, Philippines. -Ảnh: pinoycatholic

Chín giáo sĩ đầu tiên cai quản giáo phận Bùi Chu đều thuộc dòng Đa Minh, người España. Nhưng không rõ các ngài được đào tạo từ España hay từ Manila, và đến Bùi Chu từ España hay từ Manila?

9 giám mục España ở Bùi Chu

Theo Hiệp ước Nhâm Tuất ký tại Sài Gòn ngày 5-6-1862 (thời vua Tự Đức) giữa đại diện triều Nguyễn, Pháp và España (chánh sứ Phan Thanh Giản; thiếu tướng Bonard và đại tá Don Carlos Palanca Guttiere) thì “España nhường quyền lấy đất làm thuộc địa cho nước Pháp, chỉ nhận tiền binh phí và quyền giáo sĩ được đi giảng đạo”.

Từ tháng 5-1848, cai quản giáo phận Bùi Chu đã là giáo sĩ España. Sau Hiệp ước Nhâm Tuất 1862, giáo sĩ España được thoải mái truyền giáo. Trong tổng số 16 vị giám mục coi sóc Bùi Chu, 9 vị đầu tiên là người España. Từ năm 1936, vị thứ 10 - giám mục Hồ Ngọc Cẩn - mới là người Việt. 

Gần bàn thờ nhà thờ Bùi Chu còn phần mộ 7 vị giám mục ghi rõ ngày an nghỉ: 2 đức cha người España là Wenceslao Oñate 1897 và Pedro Muñagorri 1936; 5 đức cha người Việt: Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn 1948, Giuse Phạm Năng Tĩnh 1974, Đa Minh Lê Hữu Cung 1987, Giuse Vũ Duy Nhất 1999 và Giuse Hoàng Văn Tiệm 2013.

Phần mộ bảy vị giám mục trong nhà thờ Bùi Chu. Ảnh: Nguyên Hưng
Phần mộ bảy vị giám mục trong nhà thờ Bùi Chu. Ảnh: Nguyên Hưng

Nhà thờ Bùi Chu có lẽ đã được xây từ dưới thời giám mục thứ sáu Manuel Ignacio Riaño. Ngài coi sóc giáo phận Bùi Chu trong 5 năm, từ tháng 11-1879 đến khi qua đời ngày 26-11-1884, thọ 55 tuổi. 

Cha Manuel Ignacio Riaño sanh tại giáo xứ Santander, España, có nhà thờ Santander nổi tiếng được liệt vào tài sản quốc gia, khởi xây từ thế kỷ 12 đến 14. Dù qua nhiều trùng tu, nhà thờ vẫn giữ nguyên kết cấu và hình dạng ban đầu (xem ảnh trên)

Nhà thờ Santander và nhà thờ Bùi Chu đều có hình khối và mặt tiền phẳng.

Nhà thờ Santander. Ảnh: Wiki - Nhà thờ Bùi Chu. Ảnh: Nguyên Hưng
Nhà thờ Santander. Ảnh: Wiki - Nhà thờ Bùi Chu. Ảnh: Nguyên Hưng

Giám mục Manuel Ignacio Riaño mất ngày 26-11-1884. Ngôi tòa không để trống ngày nào: giám mục Wenceslao Oñate Thuận kế nhiệm cùng ngày, có nghĩa ngài đang làm việc tại giáo phận Bùi Chu với giám mục Riaño.

Tháng 11-1885, đúng một năm sau ngày kế nhiệm, giám mục Wenceslao Oñate Thuận khánh thành nhà thờ chánh tòa Bùi Chu dài 78m, rộng 22m, lớn hơn nhà thờ Santander (31 x 18m). Ngài coi sóc giáo phận đến khi qua đời năm 1897, thọ 56 tuổi, phần mộ gần bàn thờ trong nhà thờ Bùi Chu.

Giám mục Wenceslao Oñate Thuận sanh quán tại Estella, cách Santander 230km, thế kỷ 16 còn là Vương quốc Navarre, nơi có tới 40 tu viện và nhà thờ. Nhà thờ Đức Bà Irache ở Estella khởi xây từ thế kỷ 10 có mặt tiền phẳng và tháp chuông giống nhà thờ Bùi Chu.

Nhà thờ Bùi Chu. Ảnh: Nguyên Hưng - Nhà thờ Irache. Ảnh: Michelin Travel
Nhà thờ Bùi Chu. Ảnh: Nguyên Hưng - Nhà thờ Irache. Ảnh: Michelin Travel

Đặc tính Herrerian

Lâu đài El Escorial rộng 33.327m2 ở kinh đô Madrid, cách Estella 433km, gồm cung điện hoàng gia, đền thờ, thư viện, vương cung thánh đường, trường học và tu viện, xây dựng từ năm 1563 - 1584 theo phong cách Herrerian, tên một kiến trúc sư.

Đặc tính Herrerian là nhà thờ hình khối, mặt tiền rất bề thế, tháp hình tứ giác hoàn toàn không trang trí hoặc rất ít. Những đặc tính này đều được thấy tại nhà thờ Bùi Chu, nhà thờ Santander, nhà thờ Estella và lâu đài El Escorial.

Lâu đài El Escorial. Ảnh: Wiki
Lâu đài El Escorial. Ảnh: Wiki

Cuối thế kỷ 16, lâu đài El Escorial được coi là kỳ quan thế giới thứ tám vì kích thước hoành tráng, lưu giữ các kiệt tác nghệ thuật và kiến trúc độc đáo thời Phục Hưng trên toàn cõi châu Âu.

Nhận xét về tổng quát kiến trúc nhà thờ từ bên ngoài (vì chưa được đến tận nơi), kiến trúc sư Đoàn Minh Long nói với tôi: “Hình khối thể hiện tài năng của kiến trúc sư, tất cả chi tiết trang trí đều kế thừa. Tỉ lệ hình khối nhà thờ Bùi Chu giống nhà thờ quý cha thấy ở quê nhà. Chắc các cha ra đi mang theo quê hương”.

Anh nói thêm: “Về tạo hình kiến trúc, nhà thờ Bùi Chu có mặt tiền phẳng rất giống lâu đài El Escorial và hai nhà thờ Santander và Estella, quê hương của hai cha. Tháp chuông nhà thờ Bùi Chu cũng giống tu viện quê cha với tỉ lệ các tầng bằng nhau. Ở nhà thờ Bùi Chu, tỉ lệ khối đặc (khối tường) lớn hơn khối rỗng (cửa) rất nhiều nên giống Roman hơn là Gothic, nhất là mặt bên hông, các vòm cửa 3 ngấn, liên tục nhìn tổng quát gần giống dãy vòm bán cầu Roman” và đúc kết: “Vào thời đó, nhà thờ Bùi Chu như thế đã huy hoàng lắm rồi nhưng cũng như bố mẹ mình, già thì phải xấu nhưng vẫn là bố mẹ, 134 năm so với một nhà thờ không ăn thua chi cả, hư ở đâu thì sửa cho chỗ đó thôi”.

Quyết định hoãn “hạ giải” của tòa giám mục và ngôn từ cảm động của người ngoại đạo khiêm nhường Đoàn Minh Long “hai cha ra đi mang theo quê hương” làm dịu những gay gắt đang vang rền, khuyến khích tôi rón rén ghi nhận thuở bình minh của nhà thờ Bùi Chu. 

Hai đức giám mục sanh tại España, tử tại Bùi Chu, linh hồn sẽ gìn giữ nhà thờ Bùi Chu buổi hoàng hôn theo cách hai ngài lựa chọn cho đặng an toàn. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận