Nhà nước làm gì?

NGUYỄN VẠN PHÚ 05/12/2017 03:12 GMT+7

TTCT - Giải thích của đại diện Bộ Tài nguyên - môi trường tại buổi tọa đàm “Làm rõ quy định mới về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” mới đây đã làm nảy sinh một vấn đề thú vị.

Network

1 Vị này trước tiên làm rõ được chuyện dư luận hiểu sai về quy định ghi tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ hộ gia đình (tức chỉ áp dụng cho hộ gia đình, không liên quan gì đến đất của cá nhân), nhưng khi minh họa cho ý rằng ai có quyền sử dụng đất mới được ghi tên vào sổ đỏ, ông nói đại ý:

Ví dụ, Nhà nước giao đất cho hộ gia đình, tại thời điểm giao hộ có bốn người gồm ông bố, bà mẹ và hai người con. Sau đó phát sinh hai nhân khẩu mới thì hai nhân khẩu này không có quyền gì cả, không thể đòi được ghi lên sổ đỏ hộ gia đình.

Nói như vậy là hết sức chặt chẽ, hoàn toàn chính xác. Nhưng Nhà nước, cụ thể ở đây là thông qua cán bộ địa chính, tự cho mình cái trách nhiệm phải phân định rạch ròi, hai người con đầu có quyền sử dụng đất, hai người con sau (giả định hai nhân khẩu phát sinh là con sinh sau khi có đất) không có quyền sử dụng đất, cũng miếng đất chung ấy của gia đình, để làm gì, có cần thiết không, có đúng chức năng nhà nước không?

2 Từ một trường hợp mang tính thời sự này, thử nhìn lại vô số sự việc và thử xác định đâu là nhiệm vụ của Nhà nước, đâu là việc Nhà nước không cần bận tâm, đâu là việc phải giao cho xã hội, cho giềng mối gia đình, cho đạo lý lẽ thường của cuộc sống giải quyết.

Bất kỳ một sự việc nào liên quan đến kinh tế, văn hóa hay giáo dục đều có thể gợi lên thắc mắc tương tự. Liệu Nhà nước có nên can thiệp, cho phép cô này hay không cho phép cô kia ra nước ngoài dự thi một cuộc thi sắc đẹp nào đó?

Một cô hát tệ nhưng cứ thích làm ca sĩ, các ca sĩ thứ thiệt phẫn nộ đòi Nhà nước chặn lại, liệu Nhà nước có nên can dự? Một gia đình bỗng muốn tự mình giáo dục cho hai đứa con, Nhà nước có nên ủng hộ bằng cách hợp thức hóa không? Quy định giáo viên tuyệt đối không được dạy ngoài sách giáo khoa có đúng chức năng nhà nước chăng?

Việc xác định phạm vi can thiệp của Nhà nước càng cần thiết hơn trong bối cảnh những thay đổi do khoa học công nghệ, nhất là do xu hướng công nghiệp 4.0, đưa lại.

Thử nhìn lại các ví dụ vừa nêu, chúng ta đều thấy cá nhân có thể làm được những điều như thế nhờ vào sức mạnh công nghệ. Trước đây, cô hát tệ cứ nghêu ngao trong phòng riêng, đâu liên quan gì đến ai, nhưng nay YouTube hay Facebook có thể giúp cô không chỉ chọc tức các ca sĩ nhà nghề, mà còn đem tiếng hát của cô đến tai hàng triệu khán giả tò mò.

Ngày xưa, thời người viết bài còn đi dạy, tìm tài liệu bên ngoài sách giáo khoa để mở rộng bài giảng là việc kỳ công; ngày nay không mở rộng thì học sinh sẽ hỏi, sẽ thắc mắc và sẽ bắt bí thầy ngay.

Một cách khái quát, Nhà nước chỉ làm những gì cá nhân, cộng đồng và thị trường không làm được. Còn lại cứ để họ làm sẽ tốt hơn nhiều lần.

Chúng ta từng có kinh nghiệm về chuyện này, cứ nghĩ Nhà nước phải lo cho dân từ cân thịt đến chiếc lốp xe đạp, từ lon sữa đến hộp diêm bán phân phối. Cuối cùng nền kinh tế kế hoạch hóa chi ly như thế phải nhường bước cho quan hệ thị trường như chúng ta đã chứng kiến.

Bánh xe chuyển đổi này đôi lúc quay ngược quá đà như kiểu “xã hội hóa” loạn xạ, hay làm BOT tràn lan và giờ phải đang điều chỉnh tiếp.

Nay cứ áp dụng nguyên tắc Nhà nước chỉ làm những gì cá nhân, cộng đồng và thị trường không làm được là đã giải quyết đúng mức rất nhiều vấn đề.

Trong y tế, chuyện bảo vệ bác sĩ đang điều trị khỏi bạo lực của gia đình bệnh nhân bằng các hình thức phạt vạ thật nặng thì cá nhân các bác sĩ, cộng đồng các bệnh viện không làm được, Nhà nước phải đứng ra làm và làm thật nghiêm.

Thử vào một bệnh viện ở Singapore, đâu đâu cũng thấy nhắc nhở chuyện không được bạo hành với nhân viên y tế dù bằng lời nói hay hành động, đi kèm là các mức phạt rất nặng. Có lẽ ở môi trường như thế sẽ không có các cái đầu nóng nảy, đòi đánh hay chém bác sĩ, y tá...

Ngược lại, Nhà nước làm sao nắm được bác sĩ nào vào bệnh viện công rồi o ép bệnh nhân ra phòng khám tư của chính mình?

Chính đồng nghiệp của họ, thông qua tổ chức nghề nghiệp như y sĩ đoàn, sẽ kỷ luật, thậm chí đề nghị tước quyền hành nghề của bác sĩ nào vi phạm nặng nề đạo đức nghề nghiệp. Động cơ nào để họ làm được điều đó: uy tín của cả cộng đồng các bác sĩ mà tổ chức nghề nghiệp phải ngồi lại để bàn cách duy trì và gầy dựng.

Nguyên tắc này thật ra đang được triển khai khá mạnh ở nước ta, như sự ra đời của các phòng công chứng tư nhân, các dịch vụ mới như thừa phát lại...

3 Quay lại trường hợp ghi tên trên sổ đỏ. Con người ai cũng có lòng tham, nhưng lòng tham đó được chế ngự bởi giáo dục, bởi tình thương yêu, bởi bản năng làm cha làm mẹ, bởi sự chia sẻ giữa những người cùng huyết thống, tóm lại là do những tiết chế mà văn minh loài người phải mất cả vài ngàn năm để xây dựng nên.

Đó cũng là một phần của quá trình tiến hóa nhằm hoàn thiện mối quan hệ của loài người. Vì thế, ông bố bà mẹ trong hộ gia đình trên cùng bốn người con hoàn toàn đủ thẩm quyền để quyết định cách sử dụng, hay phân chia tài sản của họ dựa vào vô số yếu tố mà người bên ngoài, huống chi là một Nhà nước vô hình, không thể nắm được hết.

Quy định rạch ròi như giải thích bỗng dưng tước quyền chia sẻ đó của hai người con sinh sau, hay gợi ý cho lòng tham của hai người con đầu trỗi dậy liệu có nên chăng?

Cá nhân và cộng đồng đang trải qua những biến đổi to lớn do công nghệ đem lại. Những quan hệ mới chưa kịp hình thành nên tranh cãi cứ sẽ diễn ra, đi kèm tranh cãi là những lời kêu gọi hay trách cứ Nhà nước ở đâu, sao không xuất hiện làm trọng tài. Một Nhà nước nôn nóng, cả lo và bao biện sẽ lăm le nghe theo. Nhưng một Nhà nước đúng nghĩa sẽ biết cách trả lời rằng: đó không phải là việc của Nhà nước. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận