03/10/2005 10:29 GMT+7

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc : Một người say mê Hà Nội

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Theo Sài Gòn Giải Phóng

“Nhà Hà Nội học” là cách gọi trân trọng mà nhiều ngành dành cho ông Nguyễn Vinh Phúc - người chuyên nghiên cứu về Hà Nội. Năm nay, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc sắp sang tuổi 79, nhưng ông vẫn nhiệt thành kể về quá trình đến với việc nghiên cứu Hà Nội.

13kLSeoW.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Vinh Phúc
“Nhà Hà Nội học” là cách gọi trân trọng mà nhiều ngành dành cho ông Nguyễn Vinh Phúc - người chuyên nghiên cứu về Hà Nội. Năm nay, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc sắp sang tuổi 79, nhưng ông vẫn nhiệt thành kể về quá trình đến với việc nghiên cứu Hà Nội.

Trước đây đã có một số người làm việc này, như Doãn Kế Thiện, Hoàng Đạo Thúy, rồi Trần Quốc Vượng, Thừa Hỷ… Song mỗi người thường chỉ đi vào một mảng đề tài, khía cạnh nào đó, còn để cả đời nghiên cứu tỉ mỉ, sâu và toàn diện về Hà Nội thì đó là Nguyễn Vinh Phúc.

Quê gốc Hưng Yên nhưng Nguyễn Vinh Phúc từng học rồi dạy học ở Hà Nội. Cũng chính nghề làm thầy giáo dạy văn, sử, địa đã thôi thúc ông tìm đến với việc nghiên cứu văn hóa, phong tục tập quán và lịch sử của mảnh đất kinh kỳ.

Là người đứng trên bục giảng, ông mong muốn có được những bài giảng hay, tinh túy, phong phú, để lại ấn tượng cho học trò của mình. Nhận thấy Hà Nội có một bề dày lịch sử văn hóa chưa được khai thác là bao thế là ông đã tự mày mò đi tìm hiểu, khám phá, điều tra thực địa, tra cứu trong các thư viện để cho việc giảng dạy được phong phú hơn.

Cũng từ công việc nâng chất lượng những bài giảng của mình đã khiến ông say mê Hà Nội. Văn hóa Hà Nội là văn hóa tinh hoa được đúc kết từ các miền đất nước. Trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu, Nguyễn Vinh Phúc đã chọn cho mình con đường riêng để đến với Hà Nội. Đó là phương pháp nghiên cứu kết hợp đa ngành, luôn coi trọng tính khoa học, tính hệ thống trong trình bày, nhận định và phân tích.

Cho tới nay ông đã in riêng tới 13 tập sách về Hà Nội: Hà Nội, Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hà Nội, Hà Nội qua những năm tháng; Hà Nội con đường, dòng sông, lịch sử; Hanoi passé et présent, Hanoi past and present; Sites, histoire et légendes d’Hanoi; Hà Nội thành phố nghìn năm; Hà Nội và phụ cận; Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn; Mặt gương Tây Hồ; Phố và đường Hà Nội, Hà Nội - cõi đất con người.

Ông còn đứng chủ biên 5 bộ: Đường Hà Nội; Hỏi đáp 1.000 năm Thăng Long, Du lịch Hà Nội, Thần tích Hà Nội và tín ngưỡng thị dân; Lịch sử Thăng Long - Hà Nội.

Trong suốt quá trình dạy học và nghiên cứu tới nay, Nhà giáo ưu tú, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã viết hàng vài trăm bài báo nói về Hà Nội. Bên cạnh đó, ông còn viết hàng chục cuốn sách với một số tác giả Hà Nội. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về Hà Nội của ông được nghiệm thu, đánh giá cao.

Chào mừng 60 năm Cách mạng Tháng Tám (1945 - 2005) và 995 năm định đô Thăng Long (1010 - 2005), Nguyễn Vinh Phúc có hai bộ sách: Hà Nội - cõi đất, con người (NXB Thế giới) và Lịch sử Thăng Long - Hà Nội (NXB Trẻ), mỗi bộ trên 500 trang. Niềm vui của ông là từ năm 2001, trong chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thành ủy Hà Nội cho đưa môn Hà Nội học vào các trường phổ thông và các trường đào tạo cán bộ.

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên