Nhà kinh tế muốn chặn “Tiền đẻ ra tiền”

KỲ THƯ 25/09/2019 21:09 GMT+7

TTCT - Sáu năm trước, nhà kinh tế người Pháp Thomas Piketty cho xuất bản cuốn Tư bản trong thế kỷ 21 (Le Capital au XXIe siècle trong tiếng Pháp và Capital in the Twenty-First Century trong tiếng Anh, NXB Le Seuil, 2013). Cuốn sách kinh tế bàn về vấn đề phân cực giàu nghèo nghe có vẻ khô khan này đến nay đã được dịch ra 40 thứ tiếng và bán được hơn 2,5 triệu bản.

Bìa sách
 

Tuần trước, Piketty lại cho ra mắt một cuốn sách mới Tư bản và hệ tư tưởng (Capital et Idéologie / NXB Le Seuil xuất bản ngày 12-9-2019) dày hơn 1.200 trang bằng tiếng Pháp. Mặc dù bản dịch tiếng Anh (Capital and Ideology) phải đến sang năm mới ra đời (do Harvard University Press ấn hành dự kiến vào tháng 3-2020), các bài điểm sách trên các tờ báo lớn cũng như bài trả lời phỏng vấn của Piketty trên báo Pháp (L’Obs) hé mở cho thấy nội dung chính của sách.

Trước hết, hãy nhớ lại những nội dung chính mà Piketty muốn chuyển tải trong cuốn Tư bản trong thế kỷ 21, bởi cuốn sau cũng dựa vào nội dung này: thu nhập từ tư bản. Ví dụ, tài sản của Bill Gates, dù đã về hưu, có tốc độ tăng cao hơn nhiều so với thu nhập từ sức lao động hay tốc độ tăng GDP hằng năm.

Vì vậy, khoảng cách giàu nghèo giữa người có nhiều tư bản như Bill Gates và những người làm công ăn lương sẽ ngày càng giãn ra, tạo ra một sự bất bình đẳng không thể tưởng tượng nổi. Tư bản, theo định nghĩa của Piketty, gồm tất cả những tài sản mà người ta có thể sở hữu và mua bán trên thị trường như bất động sản, vốn góp trong doanh nghiệp, máy móc, nhà xưởng, kể cả tài sản sở hữu trí tuệ.

Thomas Piketty
Thomas Piketty

Đến cuốn Tư bản và hệ tư tưởng, Thomas Piketty trở lại đề tài bất bình đẳng trong thu nhập nhưng chú ý giải quyết hai điểm yếu của cuốn đầu: quá chú trọng vào các nền kinh tế Tây phương và không phân tích đầy đủ các hệ tư tưởng chính trị đằng sau sự bất bình đẳng.

Tờ Le Monde in một trích đoạn cuốn sách mới kèm theo lời giới thiệu của chính Piketty. Ông viết: “Trong cuốn sách này, tôi cố gắng thuyết phục độc giả rằng có thể học bài học của quá khứ nhằm xác định một chuẩn mực mới khắc nghiệt hơn về công lý và bình đẳng”.

Ông cho rằng sẽ sai lầm khi nghĩ bất bình đẳng là do bản chất con người, hay được thúc đẩy bởi công nghệ. Nguyên do bất bình đẳng có thể tìm thấy ở chính trị và hệ tư tưởng - nhờ thế dễ thách thức nhằm thay đổi hơn.

Theo Piketty, 10% những người giàu nhất thế giới đang nắm gần hết của cải của nhân loại, trong khi giai cấp trung lưu và công nhân bị bỏ quên, thu nhập ngày càng giảm sút. Ông cho rằng bất bình đẳng trong thu nhập là lý do dễ giải thích cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy so với việc gán tội cho toàn cầu hóa, dù toàn cầu hóa cũng là cơ chế làm tăng bất bình đẳng. Piketty lập luận cánh tả trên chính trường các nước thay vì đại diện cho người nghèo lại quay sang đại diện cho giới trí thức - thiểu số tự xem là tinh hoa của xã hội.

Ông cũng bác bỏ cách giải thích tài năng có thể đẻ ra tiền, bởi ông cho rằng những tỉ phú giàu lên nhờ công nghệ cũng không hay ho gì hơn các tay tài phiệt của Nga do hai bên giống nhau ở chỗ đều tận khai thác nguồn lực của xã hội, dù đó là dầu mỏ hay đầu tư công vào khoa học công nghệ, hệ thống thuế khóa và các ưu đãi khác xã hội từng dành cho công nghệ.

Các giải pháp do Piketty đưa ra trong cuốn Tư bản và hệ tư tưởng một lần nữa mang tính viễn tưởng, bởi nếu thực thi sẽ gây ra những xáo động lớn trong các nước phát triển, khó lòng được chấp nhận.

Chẳng hạn, Piketty lập luận không một cổ đông nào được quyền kiểm soát nhiều hơn 10% quyền bỏ phiếu trong một doanh nghiệp dù số cổ phiếu họ sở hữu cao hơn nhiều lần; công nhân, nhân viên của một công ty cổ phần phải nắm 50% số ghế trong hội đồng quản trị. Hay đề xuất trao cho mọi công dân Pháp khi tròn 25 tuổi một món tiền lớn (120.000 euro) là một giải pháp được nhiều nơi nêu ra và thậm chí thử nghiệm, nhưng không đạt kết quả mong muốn.

Do xem tài sản là nguồn gốc đẻ ra bất bình đẳng, Piketty đề xuất một loại thuế tài sản, với mức rất thấp cho người có ít tài sản (chẳng hạn 0,1% cho tài sản có giá trị dưới mức bình quân của nước Pháp là 200.000 euro) đến rất cao cho người có tài sản khổng lồ (có thể lên đến 90%) cho tài sản vài trăm triệu euro trở lên.

Có lẽ nhận xét của một nhà báo khi đọc cuốn Tư bản trong thế kỷ 21 rằng sách dường như chỉ chú tâm làm sao để người giàu nghèo đi, chứ không tìm cách sao cho người nghèo giàu lên cho bình đẳng cũng đúng khi áp vào cuốn Tư bản và hệ tư tưởng. Ý tưởng của Piketty nếu được thực hiện sẽ làm đảo lộn thị trường chứng khoán, thị trường địa ốc, tạo nên những nhóm lợi ích mới.

Tác động lớn nhất của cuốn Tư bản và hệ tư tưởng có lẽ nằm ở chỗ nó sẽ đánh động ý thức của mọi người về sự bất bình đẳng khủng khiếp trong thu nhập, không dựa vào tài năng, sự cần cù hay óc sáng tạo. Với nguyên lý “tiền đẻ ra tiền”, ai đang giàu sẽ giàu thêm, ngày càng chiếm hết của cải trên thế gian này dù họ không động đậy tay chân gì cả. Còn làm như thế nào để giải quyết hố sâu ngăn cách giàu nghèo này vẫn là bài toán chưa có lời giải, bởi rốt cuộc có lẽ sẽ không bao giờ có thể ngăn cản nổi cơ chế “tiền đẻ ra tiền” của nền kinh tế thị trường.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận