Nhà chung cư

NGÔ PHƯƠNG QUỲNH 08/10/2012 03:10 GMT+7

TTCT - Nhà ở phố vốn đã san sát nhau. Nhà chung cư còn sát nhau hơn nữa. Từ lúc tôi còn chen chúc cùng lũ bạn thân trong tầng ba chung cư Nguyễn Thiện Thuật, Q.3 (TP.HCM) chúng tôi đã tập nén tiếng cười to, tiếng hét hò sung sướng mỗi khi có chuyện gì quá phấn khích.

Phóng to
Minh họa: Salem

Nhưng vì sinh viên mà, đôi lúc cũng hồn nhiên lắm. Cười thầm, cười tủm tỉm thì ít mà cười hô hố thì nhiều. Thế là lại bị cô hàng xóm phàn nàn. Ban đầu chúng tôi ức lắm, nhưng rồi cũng phải xuống nước giữ im lặng.

Nhưng rồi đến lượt cô. Có những ngày cứ chừng 4, 5 giờ sáng cô lại bật tivi inh ỏi, chúng tôi chẳng thể nào ngủ được. Tình trạng ấy kéo dài một thời gian. Cho đến một ngày kia, sau trận mưa đêm tối trời tối đất, toàn bộ khu chung cư mất điện, mất nước hơn một ngày. Lũ chúng tôi khốn khổ vô cùng trong vấn đề sinh hoạt.

Khi đó, thật bất ngờ, cô sang gợi ý nhà cô có chứa nước sẵn rất nhiều, có thể không đủ giặt giũ cho bảy người nhưng sẽ đủ cho chúng tôi tắm táp. Quá khốn khổ với tiết trời nóng nực, vệ sinh phải tiết kiệm từng chút nước một nên đứa nào đứa nấy mừng húm gật đầu ngay. Thế là lần lượt từng đứa sang nhà cô tắm ké. Sau lần đó chúng tôi thân thiết với cô hơn. Lần hồi chúng tôi mới biết chẳng phải cô có ý “trả thù” chúng tôi bằng cách vặn lớn tivi lớn đâu, chỉ là vì cô sống một mình, những hôm không được khỏe, sợ mình có mệnh hệ gì thì cũng còn có tiếng ồn khiến chúng tôi chú ý hơn!

Giờ chúng tôi đã ra trường, không còn ở chung cư đó nữa. Nhưng tôi vẫn ghé thăm cô khi có dịp chạy ngang. Đôi khi tôi còn tự hỏi lúc này cô có thường phải mở tivi lớn nữa không?

Hẻm

Ở Sài Gòn người ta gọi ngõ là hẻm. Đó là điểm khác biệt về danh từ giữa Sài Gòn và Hà Nội, giữa miền Nam và miền Bắc. Điều đó tôi ít khi quan tâm, mỹ miều hay dân dã thì cũng chỉ là con đường nhỏ len lỏi vào giữa những dãy nhà san sát, dây điện mắc chằng chịt phía trên. Mà cũng lạ, lâu lâu đi xa một vài ngày lại nhớ về cái hẻm nơi mình trú ngụ, dù lúc ở thì kêu than rần trời. Giữa cái khói bụi, nóng bức của đô thị, hẻm là nơi gánh hết mọi bực tức, chua cay của con người.

Bề ngang nó chật, đủ cho hai chiếc xe máy chạy ngược chiều lách nhau khít khao sao cho khỏi đụng. Giờ cao điểm lúc tầm sáng, dân tình rủ nhau đi làm, đi học, hay lúc chiều tan ca ồ ạt trở về, dồn ứ chính giữa kẹt cứng xe. Rồi nghe những tiếng điều khiển quen thuộc vang lên: “Chú Chín ép xe qua trái một chút để con qua”, “Dì Hai kêu con Mén xuống đẩy xe vô nhà cho gọn”. Lúc trời nóng bức, người ta bực tức còn quát tháo nhau ì xèo.

Vậy mà cả xóm biết nhau hết cả, từng người một, vì cái xóm đã nhỏ, hẻm đã chật, đụng mặt nhau chan chát thì thờ ơ được mới lạ. Rồi cúp điện, cả dãy nhà đồng loạt mở cửa, ông, bà, già, trẻ kê ghế ngó ra con hẻm nhỏ, tay quạt phần phật ra chiều đăm chiêu bực bội lắm. Đôi lúc tôi như vị khách khó tính, đi học về mệt, len vô cái nơi vừa chật vừa tù túng này cũng đâm cáu, có khi nằng nặc bố mẹ chuyển nhà đi quách đến chỗ nào rộng rãi, thoáng mát hơn, để khỏi ùn xe giữa hẻm, khỏi cúp điện luân phiên, khỏi triền miên than vãn.

Ngày xưa con hẻm vốn là đường ruộng, hai bên lúa mọc xanh rờn, có thêm con kênh nhỏ chạy cập bên mé. Ngày vào lớp 1 cũng tung tăng cùng lũ bạn tới trường, bàn chân bấm sâu trên lớp đất bùn nhão nhoẹt. Rồi từ lúc nào không rõ, con đường được tráng bêtông và thu hẹp dần, cuộc sống đổi thay, nhà lá thành nhà lầu: bà Bảy cuối xóm từ nông dân thuần chất giờ nhàn nhã hơn với công việc thu tiền trọ mỗi tháng, chị Năm đầu xóm bán tạp hóa phất lên mấy tấm nhờ lợi thế nhà gần mặt tiền sau khi phóng lộ.

Cuộc sống đã đổi thay nhanh đến không ngờ. Để tôi, một cựu thành viên của con hẻm này, phải ngậm ngùi tiếc nuối những hình ảnh đã mất, đã qua. Con hẻm của cái huyện ngoại thành giờ nhìn chẳng khác gì những “đồng môn” ở trung tâm thành phố. Nhưng cái tình thì không đổi thay được. Đi theo con hẻm luồn sâu vào trong xóm, vẫn luôn mỉm cười khi nhận được những lời hỏi thăm, nhận xét bất chợt: “Thằng D. dạo này ốm quá”, “học hành tới đâu rồi con?”.

Thế thì đôi khi tôi lẫy cái hẻm nhưng làm sao giận hờn lâu được? Vẫn quán cà phê ngào ngạt ngày ngày ngồi cầm xấp báo nhâm nhi nhẵn mặt, vẫn nụ cười của nhỏ hàng xóm tôi nhận được khi đến mua vài bịch xà bông. Con hẻm vẫn lặng lẽ chứng kiến tất cả.

TTCT cảm ơn các bạn: Phạm Đình Sang, Mai Khâm, Trần Văn, tuyen nguyen, Trường Thành, Hoàng Thị Giang... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận